Hôm nay,  

Tả, hữu xung đột ở Berkeley

9/4/201700:01:00(View: 8969)
Tả, hữu xung đột ở Berkeley
 
Bùi Văn Phú

 

Chủ Nhật 27/8 vừa qua thành phố Berkeley, tiểu bang California, lại trở thành tâm điểm của biểu tình. Lần này số người tham dự đông hơn hai lần trước, lên đến dăm bảy nghìn và ít bạo động hơn, trong khi con số người gây rối bị bắt nhiều hơn, tất cả là 13.

 

Đó là điểm son cho cuộc biểu tình hôm đó. Nhưng về quyền tự do phát biểu thì những người ủng hộ Tổng thống Trump cũng đã bị ngăn cản bởi thành phần cực tả, là các nhóm Antifa (Anti-Fascism, chống phát-xít) và Black-clad với đồng phục toàn mầu đen.

 

Trong những tuần qua, từ Boston đến San Francisco, nhiều người Mỹ tỏ ra quan tâm hơn và đã xuống đường để bày tỏ quan điểm chống lại những hành động căm ghét, vì sự tái xuất hiện của các nhóm có hoạt động căm ghét chủng tộc như KKK qua cuộc biểu tình ở thành phố Charlottesville, tiểu bang Virginia. Đã xảy ra sự việc một người lái xe đâm vào đoàn biểu tình phản đối chính sách của Tổng thống Trump khiến một người thiệt mạng và 20 người bị thương.

 

Hai nhóm cánh hữu đứng ra tổ chức biểu tình ở Berkeley hôm Chủ Nhật 27/8 là Patriot Prayer và No Marxism in America.

 

Trước những cảnh báo phe tả sẽ kéo đến phản đối, thành phố đã tăng cường lực lượng cảnh sát lên đến 400 người để bảo vệ quyền tự do biểu đạt của mọi phía.

 

Ba hôm trước ngày biểu tình, nhóm Patriot Prayer thông báo hủy bỏ biểu tình vào thứ Bảy 26/8 ở San Francisco và vào Chủ Nhật 27/8 ở Berkeley như đã dự định trước đây.

 

Tuy nhiên, từ 10 giờ sáng Chủ Nhật nhiều người đã tụ họp tại công viên Martin L. King Jr. ở trung tâm thành phố Berkeley.

 

Vài tháng trước ở đây đã có biểu tình và đánh lộn giữa những người bất đồng quan điểm, gây thương tích cho nhiều người. Cảnh sát Berkeley bị chỉ trích vì không can thiệp để ngăn chặn bạo động.

 

Còn lần này, muốn vào công viên phải qua trạm kiểm soát, bị khám người, xét túi đeo vai tìm vũ khí. Gậy hay chai, bình thủy tinh, loa cầm tay đều không được mang vào khu vực biểu tình.

 

Trong công viên, cảnh sát dàn trải vào đám đông để canh chừng bạo động và sẵn sàng can thiệp nếu có xô đẩy, đánh lộn.

 

Gần trưa, không khí công viên ồn ào lên với một nhóm người hát những khúc nhạc tranh đấu cho dân quyền của thập niên 1960.

 

Dăm bảy người ủng hộ Tổng thống Donald Trump có mặt và năng nổ tranh luận với bất cứ ai đưa ra quan điểm trái nghịch hay có câu hỏi. Khi được phóng viên phỏng vấn họ thường bị những người chống đối kéo đến bao quanh, giương biểu ngữ phản đối, hay hô khẩu hiệu, thổi còi inh ỏi để lấn át âm thanh.

 

Trong đám đông rất dễ nhận ra người ủng hộ Trump vì họ đội nón đỏ với hàng chữ "Make America Great Again" và trên vai khoác cờ Mỹ.

 

Những người phản đối mang biểu ngữ có ghi tên các nhóm như Black Lives Matter, By Any Means Necessary.

 

Những tranh luận liên quan đến nhiều vần đề, từ chính sách về người nhập cư bất hợp pháp có lấy mất việc làm của dân, có ảnh hưởng đến giá cả, đến nền kinh tế Mỹ hay không; hay chính sách của Hoa Kỳ đối với Iran, với Bắc Triều Tiên có gây ra chiến tranh không; đến chủ thuyết Mác và các nước cộng sản hay xã hội chủ nghĩa như Cuba, Venezuela, Trung Quốc, Việt Nam; và về quan hệ giữa Mỹ với người Do Thái, với các nước trong khối Ả Rập.

 

Ai cũng bảo vệ quan điểm của mình. Tranh luận nhiều khi lớn tiếng nhưng không có xung đột hay bạo động.

 

Vì không được mang loa vào công viên, một xe đậu ngay giữa ngã tư Milvia và Center, trước trạm kiểm soát của cảnh sát, phát ra những lời lẽ chỉ trích chính sách hiện hành của Mỹ, gọi Tổng thống Trump cùng các nhóm Alt-Right là phát-xít và kêu gọi mọi người tham gia tổng biểu tình ngày trong 4/11 tới đây.

 

Từ trên không, trực thăng của đài truyền hình và của cảnh sát bay lượn để ghi hình và quan sát.

 

Hơn 1 giờ trưa, có đoàn biểu tình chừng vài nghìn người từ phía bắc tiến về công viên theo đường Martin L. King Jr., dẫn đầu bởi một xe tải với loa phóng thanh, theo sau là hơn trăm người thuộc nhóm Antifa và Black-clad với quần áo đen, đầu và mặt bịt mầu đen, tay cầm cờ cũng mầu đen.

 

Nhóm này được truyền thông mô tả là có chủ trương gây bạo động bất cứ nơi nào họ đến vì muốn nước Mỹ rơi vào trình trạng vô chính phủ. Họ được gọi là thành phần Anarchists.

 

Nhóm này chỉ mới xuất hiện từ khi có phong trào Occupy cách đây 5 năm. Những cuộc biểu tình ở Oakland với tình trạng đập phá cơ sở thương mại, tràn ra xa lộ chặn xe hay đốt phá trong khuôn viên Đại học Berkeley hồi đầu năm nay đều do nhóm áo đen thực hiện.

 

Khi đoàn biểu tình đến trước công viên, hàng trăm cảnh sát dàn hàng ngang vì dự đoán họ sẽ tràn vào công viên mà không qua trạm kiểm soát.

 

Một người đứng trên xe tải liên tục hô khẩu hiệu "Công viên của ai?", "Đường phố của ai?" và đoàn biểu tình đáp lại "Của chúng ta".

 

Lúc sau có lời kêu gọi những ai không thuộc tuyến đầu bảo vệ hãy rút về phía sau. Đó là dấu chỉ nhóm người mặc áo đen sẽ tiến tới, đương đầu với cảnh sát, phá bỏ rào cản để tiến vào công viên.

 

Không khí căng thẳng khi những người áo đen nhiều lần định leo qua rào nhưng đã bị cảnh sát ngăn cản.

 

Sau nhiều lần như thế, cảnh sát được lệnh rút lui. Một trái khói mầu tím được tung ra là pháo lệnh cho đoàn người áo đen tràn qua các rào cản tiến vào công viên.

Bắt đầu từ lúc đó những người ủng hộ Trump bị họ rượt đuổi. Cảnh sát đã can thiệp để bảo vệ an ninh.

 

Người đàn ông lúc sáng tranh luận với quan điểm ủng hộ Trump đã bị dồn vào một góc tường, bị nhiều người bao quanh xỉ vả. Cảnh sát đến để đưa ông ra đi an toàn.

 

Joey Gibson, người đứng đầu tổ chức bảo thủ Patriot Prayer xuất hiện, bị những người áo đen rượt đuổi và cũng đã được cảnh sát đưa đến một nơi an toàn.

 

Một vài người có hành vi bạo động hay khiêu khích bị cảnh sát khống chế ngay, bị trói tay và đưa về đồn.

 

Qua cuộc biểu tình vừa qua, cảnh sát được khen là đã ra sức bảo vệ quyền tự do phát biểu của các phía trong những giờ đầu và ngăn chặn ngay các hành vi xô đẩy hay xung đột.

 

Tuy nhiên, cảnh sát cũng đã bị chỉ trích khi ra lệnh rút lui và để cho nhóm người mặc đồ đen tràn vào làm chủ khu vực biểu tình, thậm chí còn rượt đuổi, hành hung những người ủng hộ Trump.

 

Phía cảnh sát biện hộ rằng họ làm thế để bảo vệ an toàn cho lực lượng và cho công chúng trước những hành động khiêu khích của nhóm áo đen.

 

Vấn đề đang được đặt ra là quyền tự do phát biểu có còn được tôn trọng ở nơi là nôi sinh của phong trào tự do phát biểu quan điểm chính trị.

 

Khi phe hữu biểu tình, phe tả đã để cho nhóm áo đen Antifa đem bạo loạn vào. Nhóm này coi thành phần Alt-Right và Trump là phát-xít, nhưng chính họ lại có những hành động như phát-xít khi dùng bạo lực không cho những người khác quan điểm được lên tiếng.

 

Từ đầu năm nay, hai buổi nói chuyện của các diễn giả bảo thủ là Milo Yiannopoulos và Ann Coulter tại Đại học Berkeley đã bị hủy bỏ. Nhóm sinh viên cộng hòa đã kiện trường vì không bảo đảm cho sinh viên quyền tự do phát biểu qua việc hủy buổi nói chuyện của Ann Coulter.

 

Tân hiệu trưởng Đại học Berkeley, Tiến sĩ Carol Christ, người mới nhận nhiệm vụ từ đầu tháng Bảy, đã lên tiếng cương quyết bảo vệ quyền tự do phát biểu.

 

Cuối tháng này sẽ có tuần lễ "Free Speech Week" trong khuôn viên đại học. Được mời tham dự có Ben Shapiro, Milo Yiannopoulos, Ann Coulter và có thể cả Steve Bennon, nguyên cố vấn cao cấp của Tổng thống Donald Trump, là những diễn giả nổi tiếng bảo thủ.

 

Trong khi đó thị trưởng Berkeley là Jesse Arreguin, dù lên án những bạo động do nhóm Antifa gây ra trong các cuộc biểu tình, lại kêu gọi ban giám đốc Đại học Berkeley hủy bỏ những buổi nói chuyện của các diễn giả phe hữu.

 

Tả hữu sẽ tiếp tục xung đột. Hãy chờ xem quyền tự do phát biểu ở cái nôi sinh ra nó sẽ như thế nào trong những ngày tới.

 blank

H01: Biểu ngữ chống Tổng thống Trump, chống kỳ thị và phản đối trục xuất di dân bất hợp pháp tại nơi biểu tình (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 blank

H02: Nhiều nghìn người tham gia biểu tình ở Berkeley hôm Chủ Nhật 27/8/17 (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 blank

H03: Nhóm Antifa dẫn đầu đoàn biểu tình tuần hành qua đường phố Berkeley trước khi đến công viên Martin L. King Jr. (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 blank

H04: Một người ủng hộ Trump đang tranh luận (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 blank

H05: Cảnh sát hiện diện giữa người biểu tình để có thể khống chế ngay những hành động bạo lực (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 blank

H06: Cảnh sát bắt người gây bạo loạn (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 

 

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Cuộc bầu cử năm 2024 đánh dấu một thất bại nặng nề cho Đảng Dân chủ, với việc mất gần bảy triệu cử tri so với năm 2020. Ngay cả ở những thành trì mạnh như California và New York, Kamala Harris cũng mất hàng trăm nghìn cử tri ở các thành phố lớn nhất. Chiến dịch tranh cử của Harris có thể được coi là một thất bại, nhưng câu hỏi đặt ra là: Tại sao lại như vậy? Cuộc tranh luận về nguyên nhân hiện đang diễn ra gay gắt.
Nhà báo Thái Hạo xem chừng rất buồn lòng vì một câu nói của giáo sư Hoàng Ngọc Hiến (“cái nước mình nó thế”) nên lớn tiếng than phiền: “Sự trì trệ, hỏng hóc ... của một quốc gia, một tổ chức hay một cá nhân, tất thảy đều có nguyên nhân của nó. Vấn đề là phải tìm ra, chỉ ra, phân tích ra, dám nhìn thẳng vào sự thật và khuyết điểm mà sửa chữa hoặc làm lại, chứ không phải buông một câu ‘cái nước mình nó thế’ rồi xong
Chênh lệch vẫn còn khít khao, nhưng chiều hướng có lợi cho Derek Trần vì sau mỗi ngày kiểm phiếu, Derek Trần lại bỏ xa Michelle Steel thêm vài chục phiếu từ ngày 16/11/2024 đến nay. Còn lại khoảng hơn 6,000 phiếu chưa kiểm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra người thiên cổ từ ngày 19/07/2024, thọ 80 tuổi. Người thay thế là Đại tướng Công an Tô Lâm, 67 tuổi, quê Hưng Yên. Ông Trọng đã để lại hai gánh nặng “chống tham nhũng” và “xây dựng, chỉnh đốn Đảng” cho ông Tô Lâm.
Trump có thể đạt được một thỏa thuận với Putin, nhưng liệu Putin có tuân thủ thỏa thuận đó hay không vẫn còn là điều đáng ngờ. Putin có nhiều khả năng chỉ đơn giản chơi với cả hai phe với hy vọng rằng Nga có thể theo cách này trở thành quốc gia thứ ba cùng với Trung Quốc và Hoa Kỳ trong một trật tự quốc tế mới đang thành hình.
Robert F. Kennedy Jr. (RFK Jr) cựu đảng viên Dân chủ và là hậu duệ của dòng họ chính trị Kennedy giàu có, danh giá – cháu trai của cựu Tổng thống Mỹ, John F. Kennedy Jr – vừa được Donald Trump đề cử làm Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh. Lewis Grossman, giáo sư luật của American University và là tác giả của “Choose Your Medicine", một cuốn sách về lịch sử sức khỏe cộng đồng của Hoa Kỳ, nói với tờ Alternet: “Chưa bao giờ có ai như RFK Jr., có thể đạt đến vị trí (Bộ trưởng HHS) nơi mà ông ta có thể thực sự hoạch định chính sách.” Kennedy Jr. không có và chưa bao giờ có kinh nghiệm chuyên môn về y tế cộng đồng, y học, hoặc quản lý chăm sóc sức khỏe, là những yếu tố cơ bản phải có của một bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh.
Nhân bầu cử Tổng thống Mỹ nhớ tới bầu cử ở quê nhà Việt Nam. Nhớ, như vào siêu thị nhớ ngôi chợ làng quê. Thấy đồ hộp màu mã đẹp đẽ nhớ thuở đùm thức ăn trong tàu lá chuối. Từ trong truyền thống, nước ta có nền quân chủ đã vài nghìn năm. Vua cha già yếu truyền ngôi cho con, triều đại này suy mạt có triều vua khác anh minh thay thế. Cổ kim, chưa hề có một cuộc bầu cử nào để dân chúng cùng nhau chọn ra một vị đứng đầu nước như thể chế dân chủ.
Cuộc bầu cử bất ngờ sắp tới của Đức, dự kiến diễn ra vào tháng Hai, sẽ mang đến một cơ hội quan trọng để đất nước thoát ra khỏi tình trạng khó khăn hiện tại và tăng cường về mặt an ninh. Nhưng nếu chính phủ tiếp theo muốn thành công, họ sẽ cần phải có một loại tinh thần lãnh đạo chính trị đạt hiệu quả và hành động đầy táo bạo mà vị tiền nhiệm không bao giờ có thể làm được
“Ở nước ta, chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện… là lực lượng duy nhất có khả năng lãnh đạo xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.” (Tuyên giáo, ngày 15/11/2024). Phát ngôn“huề vốn” của Tạp chí Tuyên giáo, cơ quan lý luận của đảng CSVN không lạ...
Người dân Mỹ đã lên tiếng: Donald Trump sắp trở lại Nhà Trắng. Sự trở lại này khiến nhiều người tuyệt vọng rằng ông ta có thể hành động theo những lời đe dọa trước đây là cắt giảm sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, để lại Âu châu tự giải quyết những thách thức về an ninh của mình. Những nỗi sợ hãi này không phải là vô căn cứ — lời lẽ trong chiến dịch tranh cử của Trump đã làm dấy lên những lo ngại chính đáng về mức cam kết của ông ta đối với nền an ninh của Âu châu—. Nhưng cuối cùng, để những điều này có trở thành hiện thực hay không phụ thuộc vào chúng ta nhiều hơn là vào Trump.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.