Hôm nay,  

Biệt Đội Văn Nghệ Và Cựu Tù Suối Máu

10/08/201709:38:00(Xem: 5146)
BIỆT ĐỘI VĂN NGHỆ VÀ CỰU TÙ SUỐI MÁU

Chu Tất Tiến

Trong cuộc chiến tranh Quốc-Cộng, có một tổ chức đã âm thầm theo sát bước chân của những người chiến sĩ trên khắp các mặt trận, từng chấp nhận gian nguy không kém những người lính trận, cũng có thể trúng bom, đạn trong lúc chiến đấu, nhưng tính mạng lại thập phần nguy hiểm vì trong tay không có vũ khí, chỉ có tiếng hát, câu hò, và tiếng nhạc âm vang. Dĩ nhiên, những tổ chức này, những đơn vị này được sự bảo bọc của rất nhiều lính chiến, nhưng làm sao đoán được những hiểm nguy xẩy ra bất ngờ ngoài tiền tuyến. Tổ Chức đó là các ca, kịch, nghệ, nhạc sĩ thuộc Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương và các Tiểu Đoàn Chiến Tranh Chính Trị. Những người lính không vũ khí này, môt khi đã được trực thăng bốc đi và thả xuống tiền đồn đều không một chút ngần ngại nhẩy xuống giao thông hào, đứng cạnh những người lính trận mà tặng tiếng hát, cung nhạc cho những người đang đối đầu với quân xâm lăng. Địa điểm làm việc của các ca, nhạc sĩ này luôn thay đổi, có thể là tiền đồn trên khắp 4 vùng chiến thuật, khi Tây Ninh, khi An Lộc, lúc lại đứng ở “bên cầu biên giới”…Nay có thể ở Pleiku, mai lại hiện diện ở quân trường Đồng Đế, Nha Trang, mốt lại hát ở Trường Sĩ Quan Thủ Đức, tuần lễ kế tiếp lại lên đường đến Bình Giả, hay Bù Đăng, Bù đốp… Điều hào hùng nhất là các ca, nhạc, kịch sĩ duyên dáng, tài ba này vừa đội nón sắt chống đạn vừa cất tiếng hát những bản “tình ca của lính” dưới chiến hào, và nếu cần thiết cũng trở thành những người tiếp đạn cho những tay súng đang tuôn ra từng tràng đạn về phía địch. Có thể nói những ca, nhạc sĩ Chiến Tranh Chính Trị là một phần Linh Hồn của chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa.


42 năm trôi qua, thế sự thay đổi. Giờ đây, nhiều cánh chim đầu đàn của Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương đã ra đi, nhiều ca sĩ đã quên giọng hát. Tưởng như những chữ “Biệt Đoàn Văn Nghệ” sẽ mãi mãi mất đi, nhưng rồi, tại Nam California, nhiều năm qua, môt Biệt Đội Văn Nghệ lại được thành lập, không phải với các tài danh cũ, nhưng vẫn mang tinh thần người Lính khi xưa với môt số giọng ca từng là ca sĩ Chiến Tranh Chính Trị, ca sĩ Huấn Đạo, cũng từng hát cho lính nghe những bài ca bất hủ thời chiến chinh. Đặc biệt là người Biệt Đội Trưởng, Chiến hữu Vũ Long Sơn Hải, tuy không phải là ca sĩ và chưa từng phục vụ trong Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương, nhưng với tâm hồn văn nghệ của Lính đã tự đứng ra thành lập môt nhóm ca sĩ chuyên hát những bài hát Lính trong các dịp sinh hoạt của Lính, mang trở lại cả quãng đời hào hùng khi trước đến với những người Lính Già xa quê hương.

Ngày 5 tháng 8 vừa qua, tại Thư Viện Viêt Nam, thành phố Garden Grove, Nam California, một buổi sinh hoạt cựu tù Suối Máu đã đươc Biệt Đội Văn Nghệ của chiến hữu Vũ Long Sơn Hải tổ chức. Vẫn nghi lễ trang trọng, vẫn những bước di chuyển của lính “Trái, Phải quay”, Biệt Đội Văn Nghệ đã trình diễn những bài ca làm cho các người lính già cảm thấy như trẻ lại, và các bà vợ lính, những “chị nuôi” tù cải tạo rớm nước mắt. Với tiếng đàn chuyên nghiệp của nhạc sĩ Xuân Bình, các ca sĩ Thu Cúc, Xuân Hương, Kim Phượng, Minh Tài, Huyền Trân, Xuân Tín đã trình bầy những bài ca “hào hùng thuở đó” như: “Các Anh Về, Có Những Người Anh, Trên đầu súng quê hương” để mở đầu chương trình làm cho không khí như nóng hẳn lên. Rồi Xuân Tín với bài Đêm Nguyện Cầu khá trầm ấm. Kim Phượng song ca với Huyền Trân bài Thủy Thủ và Biển Cả, Xuân Hương và Thu Cúc song ca Tình Thư Của Lính, Thư Người Chiến Binh, rồi Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi…thật ngọt và đã nhận được những tràng pháo tay không ngớt. Điều đặc biệt là trước khi chính thức mở đầu chương trình văn nghệ của Biệt Đội, hai nhà thơ lính và cựu tù Suối Máu: Trạch Gầm và Thanh Huy đã ngâm những bài thơ đầy khí thế của một người lính, cho dù phải buông sung vì chính trị ép buộc, nhưng không quên phận sự người trai thời loạn.


.

Trong sức nóng của môt buổi trưa hè, nghe lại những âm điệu quen thuộc cũ, người nghe chợt bàng hoàng nhớ lại những năm xưa… Dưới sự điều động của Cục Tâm Lý Chiến thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, những ca, nhạc, kịch, nghệ sĩ yêu đời lính đã gia nhập vào Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương hoặc vào 4 Tiểu Đoàn Chiến Tranh Chính Trị được thành lập để phân phối cho 4 Quân đoàn (Tiểu Đoàn 10, 20, 30, và 40) và một Tiểu đoàn trực thuộc Trung Ương cùng hợp tác với Biệt Đoàn là Tiểu Đoàn 50 Chiến Tranh Chính Trị. Tùy theo nhu cầu do Trung Ương đặt ra hay theo yêu cầu của các đơn vị mà Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương hoặc Tiểu đoàn 50 CTCT gửi các ca, kịch, nghệ, nhạc sĩ đến các đơn vị theo chỉ thị trên. Bên cạnh các Tiểu Đoàn chính quy này, một tổ chức sau này mới được thành lập là Ban Văn Nghệ Hoa Tình Thương, biến thể từ đoàn văn nghệ Địa Phương Quân, cũng sinh hoạt song song với Biệt Đoàn và các Tiểu Đoàn khác, tạo nên một sức sống âm thầm nhưng mạnh mẽ trong các đơn vị quân đội. Điều đặc biệt là hầu như gần hết cả các ca sĩ, nhạc sĩ, kịch sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng của Saigon đều tập hợp tại Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương như Cố Nhạc Sĩ Hoàng Thi Thơ, các nhạc sĩ Y Vũ, Tòng Sơn, Nguyễn Hữu Sáng,  Lam Phương,  Anh Bằng,  Ngọc Chánh,  tay sáo Nguyễn Đình Nghĩa, Kèn đồng Huỳnh Hoa... Các ban nhạc Tam Ca 3 con Mèo, AVT (Nhạc Sĩ Lữ Liên đã qua đời), Tam Ca Đông Phương, Tam Ca Sao Băng cùng các ca sĩ lừng danh như Phương Hồng Quế, Duy Khánh, Dạ Lý,  Giao Linh, Hạnh Dung,  Thiên Trang,  Trang Kim Yến,  Trang Mỹ Dung,  Bích Thuỷ,  Tuyết Mai,  Xuân Sơn, Elvis  Phương, Kim Oanh, Hồng Chi, Phương  Linh, Trúc Ly, Phương Bích Hằng,  Kiều Lệ Xuân, Thanh Xuân,  Mỹ Dung,  Giang Thanh,  Lệ Minh. Bên cạnh các ca sĩ Tân Nhạc còn các ca sĩ cổ nhạc như Thanh Sang, Tấn Tài. Thành Được, Minh Phụng, cố nghệ sĩ Hương Sắc, Hương Huyền, Thu Liễu, Kim Tuyến,  Hoài Thu, Kiều Mỹ Loan, Mỹ Chi, và những người “hoạt náo viên”, diễn viên như  Ngọc Phu và tài tử Trần Quang, Vũ Sư Trịnh Toàn, Vũ Sư Nguyễn Thống và những vũ công tuyệt đẹp…


Chương trình văn nghệ họp mặt bạn tù Suối Máu tổ chức ngày thứ Bẩy vừa qua, đã làm cho những trái tim lính rung rung giọt lệ, trong khi nhớ lại những tiếng ca, điệu nhạc thì cũng nhớ những trận đánh sinh tử khi xưa, thương những đồng đội đã nằm xuống cho quê hương, và uất hận cho một quê hương xa khuất đang tàn tạ dưới gót giầy Cộng Sản.

Mong một ngày nao không còn bóng cờ máu hằn trên da thịt Tổ Quốc để những tiếng ca, ý nhạc hùng tráng lại dậy lên, vang dội khắp biển Đông: Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ.

Chu Tất Tiến,

Sĩ Quan Chiến Tranh Chính Trị, Cựu tù Suối Máu.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đổi đời! Hai tiếng ngắn ngủi nhưng hàm chứa bao nhiêu là sự kiện, ý nghĩa quan trọng đến mấy chục triệu nếp sống của dân chúng miền Nam
Năm 1975, VNCH thua trận. Ít lâu sau đó MTGPMN cũng tiêu vong, không kèn không trống, không Cáo phó, Thiệp tang gì cả
Doanh nghiệp phải đảm bảo là không đồng lõa với nạn chà đạp nhân quyền... Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO và được hưởng quan hệ kinh tế
Tân-Tư-Bản Đại-Địa-Chủ-Đỏ, Big New Red Capitalist Landlords, ở Việt Nam đã, đang và sẽ thu gom tích tụ ruộng đất canh tác của người Nông Dân Việt Nam Nghèo
Cuộc biểu tình khiếu kiện suốt 26 ngày đêm (từ 23-6 đến 18-7 năm 2007) của nông dân miền Nam trước Văn Phòng 2 Quốc Hội
Dân Mỹ là một dân tộc rất mê thể thao. Từ football đến baseball, bóng rổ, hockey, v.v… Thể thao trong quan niệm Mỹ không những rèn luyện thể xác
Mùng một tháng Tám vừa qua là lễ kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Giải phóng của Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Marine, trước khi chính thức rời Hà Nội vì đã mãn nhiệm, hôm 30/7 vừa qua
Làm thế nào để sự sáng suốt không bị thói quen lấn áp hay nắm chủ quyền của thân tâm tạo ra những chuỗi suy nghĩ đưa đến lời nói hay hành động sai lầm"
San Jose từ nhiều năm nay có một hoạt động khá đặc biệt của nhóm Tình Thương. Quanh năm vận động người tình nguyện đi làm toàn những công việc
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.