Hôm nay,  

Chú Giải Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký (19-23)

13/11/201600:19:00(Xem: 4416)

Chú Giải

Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký

  

Nguyễn Văn Sâm
   

  

(Chuyện 19 – 23. Sẽ đăng tiếp)

  

Quyển Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký là quyển sách bán chạy nhứt của nhà văn nầy. In tới lui nhiều lần, năm 1914 đã in tới ngàn thứ chín. Những lần in không đề tái bản lần thứ mấy và in bao nhiêu thì phải nói là cơ man.

Tại sao quyển truyện mỏng nầy lại có sức hấp dẫn như vậy? chính là nhờ ông Trương khi viết đã đưa ra hai mục tiêu và đã làm gần như trọn vẹn

1. Giáo dục về luân lý. Người đọc cẩnthận sẽ thấy những bài học tốt cho cách ở đời, cách xử thế, ứng xử trong trạng huống cần thiết, đề phòng kẻ xấu, chớ cả tin..

2. Dùng tiếng Annam (Việt Nam) ròng. Trong toàn quyển chuyện không sự kiện làm văn chương, mặc dầu điều nầy không hẵn là xấu, mà chỉ có sự sử dụng tiếng Việt thường nhựt, với những từ ngữ của người bình dân. Người đọc đón nhận cũng vì lẽ đó.

Ngoài ra vì tác giả khéo léo cho thấy sinh hoạt của dân chúng có thể nói là cuối thế kỷ 19 nên đây là nguồn tư liệu dồi dào về những chi tiết của cuộc sống dân ta mà gần như ngày nay không thể thấy (ăn ong, ăn bánh lớ, cái chày mổ, sư làm đám, hầm bắt cọp, bắt chồn, tục mai dong, tục ở rể…).

Sách viết hơn trăm năm trước, bằng chữ của dân miền cực Nam nên chắc chắn là khó hiểu với phần đông người đọc hiện giờ. Sự chú giải những từ nầy là cần thiết nên quyển sách Chú Giải Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký có lý do để ra đời.

Victorville, CA , tháng 11, 2016

 blank

19. Trách người ít đánh chầu.

 

      Cũng có thằng khác[1] ra giả một đứa đầy tớ, một đứa làm chủ. Đầy tớ đi cày về, chủ hỏi cày được bao nhiêu? Nó nói được ít đàng[2] gì đó. Chủ mới nổi thần hung[3] lên, mới nhiếc nó dở dang làm biếng làm nhát. Thì nó nói:

     _ Cày ít, có phải là tại tôi sao? Con trâu nó đi tới đâu thì tôi đi tới đó, chớ phép tôi khiêng nó được sao?

     – Vầy sao mầy không đánh nó (tr.31) cho nó đi cho mau, cái da trâu là ông là cha gì mầy, mà mầy hòng sợ, mà không dám đánh?

     Là có ý nói xóc tâm[4] anh cầm chầu, sao có hẹp với nó, không hay chầu hay thưởng[5].

 

 

20. Cha điếc, mẹ điếc, con điếc, rể điếc.

 

     Hai ông bà điếc, sinh đặng một đức con gái cũng điếc, rầu mình vô phước, mình phận già cả chẳng nói làm gì, còn con mình tật nguyền điếc lác[6], biết gả cho ai mà gởi thân cho nó nhờ. Mà nghĩ lại mình cũng còn khá, lớn ruộng, nhiều trâu, thế cũng có khi cũng có dễ.

     Vậy thấy một đứa trai lịch sự ở xa cách vài làng năng[7] vô ra tới lui trong làng, thì kêu nó mà gả con cho nó. Chẳng ngờ nó cũng điếc.

     Cưới hỏi xong cả, nó về nó ở với cha mẹ vợ, thì cha nó biểu đứa con gái biểu nó ra coi cày bừa đám ruộng ở kề bên đường. Nó nghe liền vác cày ra cày. Đang lui cui cày, có ông quan đi ngang qua đó, mà là quan kinh mới tới nhậm[8], đứng lại hỏi thăm nó cái đàng đi vô dinh quan phủ.

     Nó chẳng lành thì chớ[9], điếc nghe không rõ (tr. 32) tưởng ổng quở[10] sao có cày ruộng của ổng chăng, nên vọt miệng mắng: Ruộng tôi, tôi cày, sao ông nói ruộng của ông? Ông nầy ngang quá ghẹ[11] đi cà. Ong quan thấy nó dễ ngươi[12], thì biểu quân rượt đánh nó. Nó đâm đầu chạy về nhà, vợ đang ngồi nấu cơm trong bếp, nó đạp cỏn hai ba đạp chúi vào trong bếp:

      _Ruộng nào ở đâu mà mầy chỉ bậy cho tao cày, làm người ta đánh tao cờ bơ cờ bấc[13], cũng là tại mầy lếu[14]?

     Con kia nói:  

    _Dữ không? Đợi một chút cho người ta nấu dọn cho mà ăn không được? Làm gì bất nhơn làm vậy?

     Kế lấy mẹ nó đi chợ leng keng[15] bưng rổ về, con gái ra mét[16], nói sao chồng độc dữ đá đạp nó làm vậy. Bả thấy bộ nó giận quạu quọ[17], thì ngờ là nó nói mình sao đi chợ năm tiền, mà ăn bánh ăn hàng hết đi mua về ít đó. May đâu, ổng đi tát dìa quảy vịt về, mới để xuống bả chạy lại bả nói:

     _Tôi ăn bánh ăn hàng ở đâu? Mà con nó nói thêm nói thừa cho tôi?

     Ông nghe không rõ, tưởng bả nói, sao mình có bắt cá mà cho ai, thì nói:

    _Nào tôi có cho ai đâu? Đặng con nào bỏ vịt con nấy đem về, mà nói bắt cho ai? Có chứng lão cày ruộng một bên đó. Bà ra hỏi lão mà coi. Nắm tay bả dắt ra ngoài đồng lại hỏi lão cày:

     _Chớ lão có thấy tôi bắt cá, mà cho ai không?

     Chẳng may lão cày cũng lảng tai[18], tưởng là hỏi lão có khuấy chơi[19] lấy quần giấu đi chăng. (tr. 33)

     (Thấy ổng đóng khố, thì hiểu làm vậy.) cho nên mới nói:

     _ Nào! Tôi sớm mai đến giờ cứ cày hoài, tôi có qua chi bển, mà tôi hòng biết quần ổng để đâu, mà lấy mà giấu? Ông già khéo nghi bậy không?

 

21. Thằng cha nhảy cà tứng[20].

 

     Thằng cha kia sợ vợ. Bữa nọ con mẻ[21] đi chợ, ở nhà anh ta lấy khoai đem lùi[22] bốn năm củ. Con mẻ đâu lơn tơn[23] về. Thằng chả ngó thấy bóng[24], lật đật lấy khoai bỏ vô trong quần túm lại, chạy ra. Mà mắc nó nóng quá[25], nên đứng nhảy lên nhảy xuống hoài. Con mẻ thấy tức cưởi hỏi: Làm gì mà điên vậy? Đứng nhảy cà tứng đó? Nó mới nói: Tao mừng mầy đi chợ về[26].

 

22. Hai anh sợ vợ.

 

     Hai thằng cha kia hay sợ vợ, ở kế một bên nhau. Bữa nọ phơi đồ, sao để quên mưa ướt đi. Con vợ nó mắc lục đục[27] trong bếp, nhớ trực[28] (tr. 34) lại đồ phơi ngoài sào, thì hối nó ra mà lấy vô. Con mẻ nó mắng nó nhiếc, rồi nó xỉ vả nó lại vác cây nó đập cho, chạy mất.

     Qua bên nhà anh kia, ở bển nói chuyện. Người kia hỏi: Chớ giống gì, mà chỉ mắng, chỉ chưởi làm om bển đi vậy?

     – Tôi quên đem đồ vô, nó rầy tôi.

     – Tốt kiếp thì thôi thê[29]! Anh đó, chới tôi ấy, thì...

     Con vợ nó nghe nổi xung[30], ở trỏng[31] xách cây chạy ra hỏi: Chớ tôi...thì...sao?

     Thằng chồng sợ, nói: 

     _ Không mà, tao nói: Anh đó chớ, chớ tôi, thì tôi đem vô trước hồi chưa mưa kia chớ.

 

23. Mẹ chồng nàng dâu ăn vụng.

 

     Bà mẹ nấu chè ăn trưa chơi[32], mà đợi lâu lắm: thèm quá, mới lén mới lấy một chén bưng lên trên bồ lúa[33] ngồi ăn, kẻo con dâu ngó thấy.

     Con dâu đói bụng thét[34], ngó quanh ngó quất[35] không có ai, mới lén bưng một chén đem đi giấu mà ăn. Trong nhà có một chỗ vựa lúa là kín mà thôi, nên nó lên đó mà ăn, kẻo mẹ chồng ngó thấy. Ai ngờ đi trờm tới[36] đụng lấy bà mẹ đang ngồi ăn chè!

     Bả mắc cỡ hỏi:

     _ Con bưng chè đi đâu (tr. 35) vậy?

     Con dâu lanh, nói:

     _ Tôi tưởng mẹ đã ăn gần hết, tôi múc đem thêm cho mẹ sớt[37].

     Kỳ thật là hai người ăn vụng[38].

 



[1] Cũng có thằng khác… Lại  là cách nói khi dễ diễn viên hát bội như bài trên. Tư tưởng xướng ca vô loại  đến thời nầy vẫn còn…

[2] Ít đàng: Vài đường cày. Ruộng, cày bắt từ đầu  nầy tới đầu kia là một đường.  Mới cày ít đàng là không cày được bao nhiêu.

[3] Nổi thần hung: Nổi giận.

[4] Xóc tâm (nói): Nói chạm khiến  người ta phát giận mà khó thể lên tiếng. HTC có từ nói xóc óc mà không có từ nói xóc tâm.

[5] Trong khi diễn tuồng hát bội, phía dưới khán quan người ta chọn ông nào có vai vế ở địa phương và biết rành hát bội được vinh dự cầm chầu để đánh trống thưởng. Khi diễn viên diễn hay hát hay thì người cầm chầu gỏ vào tang trống (thành trống) để chầu hay đánh vào mặt trống để thưởng. Nên nhớ rằng mặt trống lúc trước được làm bằng da trâu thuộc…

[6] Điếc lác: Điếc.

[7] Năng: Thường.

[8] Mới tới nhậm: Mới đến nơi nhận việc cai trị.

[9] Chẳng lành thì chớ: Bị xui xẻo.

[10] Quở: Rầy.

[11] Ngang quá ghẹ: Con ghẹ, cua bò ngang chớ không bò tới nên người ta nói nó là ngang. Nay nói ngang như/hơn cua.

[12] Dễ ngươi: Coi thường, lờn mặt.

[13] Cờ bơ cờ bấc (đánh): theo văn cảnh ở đây thì ta có thể cắt nghĩa là: Đánh cho te tua… HTC viết nhóm từ nầy cách khác hơn và giải thích cách khác. Cù bơ cù bất: Bộ tất bất nghèo nàn, không chỗ nương dựa.

[14] Lếu: Làm chuyện lăng nhăng, không đúng.

[15] Leng keng: Thú thiệt là tôi không biết nghĩa từ nầy. Theo văn cảnh thì đây có thể là chữ lơn tơn đã bị đọc theo âm miền ngoài. Nhưng sao Trương Vĩnh Ký lại viết theo âm của miền ngoài? Hơi khó hiểu. Cần có người cao kiến.

[16] Mét: Mách lại chuyện gì đó cho người lớn về việc quấy của ai.

[17] Quạu quọ: HTC cắt nghĩa từ nầy rất đạt. Quạu quọ: hay giận, hay gây, chuyện lành sanh dữ , tuồng mặt không vui vẻ.

[18] Lảng tai: Tai bị bịnh nghe không rõ, tiếng được tiếng mất.

[19] Khuấy chơi: Chọc phá nho nhỏ để mua vui. Chẳng hạn giấu đồ vật của ai cho người ta tìm đã rồi mới chỉ..…

[20] Nhảy cà tứng: Nhảy lên nhảy xuống vì vui mừng. Petrus Ký viết cà tứng hai lần trong bài nên không thể cho là in sai, nhưng tôi nghe nói cà tửng bao nhiêu năm nay. Dấu thinh theo thời gian biến đổi là thường.

[21] Con mẻ: Con mẹ ấy. Nay mấy từ kiểu nầy (thằng chả, ổng…) dùng cho người mình không ưa, không nói một cách bình thường như thời của Petrus Ký.

[22] Lùi (khoai lang): Nhét khoai lang vô trong đống than đương nóng để nướng. Thay vì đống than là đống tro đương nóng gọi là lùi tro. Hột mít lùi tro, ăn no té địt…(con nít hát chơi.)

[23] Lơn tơn: HTC, Lơn tơn: Bộ lật đật đi một mình. Lơn tơn xách gói đi theo. Lúc nhỏ tôi nghe người lớn hỏi: Mầy đi đâu mà lơn tơn đây? Chữ lơn tơn trong trường hợp nầy cắt nghĩa khác với HTC!

[24] Thấy bóng: Thấy dạng ở xa xa.

[25] Mà mắc nó nóng quá: Vì nó nóng quá. Lối nói xưa ở miền Nam ưa dùng từ mắc: Mắc cười mắc ỉa…, mắc coi chừng con nít…

[26] Vợ chồng ngày xưa thường mầy tao với nhau. Người bình dân ở trong đồng ruộng xa xôi hiện tại cũng còn dùng lối xưng hô nầy.

[27] Lục đục: Lúc thúc làm công chuyện dưới nhà bếp. HTC: Lục đục: Khua động; khua cái nầy động cái kia; bộ hay chuyển chệ; soạn sành khua động; xây ra xây vô ở trong nhà; chậm chạp. Ngày nay từ lục đục mang thêm nghĩa mới rộng hơn là vợ chồng xào xáo cơm chẳng lành canh chẳng ngọt.

[28] Nhớ trực: Giựt mình nhớ lại chuyện chưa hoàn thành, Nay có thể nói trực nhớ.

[29] Tốt kiếp thì thôi thê: Tiếng than chỉ bất hạnh, chẳng may. Chữ thê nhấn giọng nay đã không còn!

[30] Nổi xung: Nổi hung, phát giận. Từ hung biến thành từ xung chăng?

[31] Trỏng (ở trỏng): Ở trong ấy, trong đó.

[32] Cũng là một sanh hoạt đáng ghi của hơn thế kỷ trước.

[33] Bồ lúa: Đồ dựng lên để cho lúc khỏi tràn ra ngoài.

[34] Đói bụng thét: Thét là thúc tới, đói bụng thét là đói bụng nhiều, bắt muốn ăn.

[35] Ngó quanh ngó quất: Ngó chung quanh để tìm một chỗ vừa ý  hoặc coi có ai để ý đến mình hay không.

[36] Trờm tới: Đi trờ tới. HTC cắt nghĩa là: Xơm tới, lố tới. Trong khi Xơm tới thì ông cắt nghĩa là Áp tới, xốc tới, xốc vào. Vậy thì ta có thể hiểu thêm rằng đi trờm tới là đi tới chỗ nào đó mà mình vô tình không chú ý đến chung quanh.

[37] Sớt: Đem từ phần nầy chia cho phần kia. Ở đây con dâu nói rằng mình đem ra để sớt bớt cho mẹ chồng, chị ta không nói bưng cho mẹ nguyên chén chè.

[38] Viết chuyện có giải thích kiểu nầy Petrus Ký muốn người đọc hiểu hơn nhưng làm cho kỷ thuật viết mất cái hay ho đi. Khuyết điểm nầy thấy nhiều trong tập chuyện Đời Xưa.



.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chúng ta đang làm nhân chứng cho một cuộc bầu cử kỳ quặc và đa sự chưa từng xảy ra trong lịch sử đầu phiếu ở Hoa Kỳ. Có thể nói, không chỉ lịch sử, mà rộng lớn hơn, chính là "sự cố" văn hóa chưa từng thấy. Bước vào năm 2024, sự tranh đua giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ càng gay go, khốc liệt với âm mưu, độc kế, thủ đoạn, ám toán, bôi nhọ, mánh mung, để xem ai sẽ là chủ nhân của ngôi Nhà Trắng trong bốn năm tới. Tất cả những ý nghĩ, hành vi đó đều gôm vào chính sách, chiến lược và chiến thuật vận động bầu cử. Bạn đọc sẽ có dịp theo dõi các thầy bàn người Mỹ và thầy bàn người Việt (trong và ngoài nước) phong phú hóa, hư cấu hóa, ảo tưởng hóa về việc bầu cử, tạo ra câu chuyện nửa thực, nửa hư, thú vị, bất ngờ với giận dữ và thất vọng, sung sướng và buồn bã, rung đùi và cụng ly, nguyền rủa và chửi bới, vân vân. Thông thường những luận lý, âm mưu, phê phán, dự đoán đó… được mổ xẻ qua kiến thức và kinh nghiệm tây phương, nơi có hàng ngàn sách vở nghiên cứu chính trường, chính đạo,
Chúng ta đang bước vào năm bầu cử. Năm 2024 sẽ có một cuộc bầu cử có tính quyết liệt, vì các lựa chọn chắc chắn sẽ gây tranh cãi trong nội bộ cộng đồng gốc Việt, trong các gia đình người Việt, giữa các lựa chọn về cấp tiến và bảo thủ, giữa các thế hệ trẻ và già ở hải ngoại. Và chắc chắn là bầu cử tháng 11/2024 tại Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng tới cuộc chiến Trung Đông, cuộc chiến ở Ukraine, và ở cả Đài Loan. Tác động như thế nào, chúng ta khó đo lường hết tất cả các ảnh hưởng. Trong đó, một tác động lớn là từ tin giả, nói kiểu Mỹ là Fake News, tức là tin không thật.
Tôi rất thích khoa nhân chủng nhưng không có cơ may đến trường để được truyền thụ một cách bài bản về ngành học thú vị này. Hoàn cảnh sống, nói nào ngay, cũng không mấy thích hợp cho nhu cầu tự học. Suốt ngày (và suốt đời) tôi chỉ loanh quanh hàng quán nơi mà những kẻ hay lê la thường nói rất nhiều, dù sự hiểu biết của họ vốn không được bao nhiêu. Ngoài giới hạn về kiến thức, mấy ông bạn đồng ẩm còn có cái tật rất hay tranh cãi (và luôn cãi chầy cãi cối) nên mọi thông tin, từ bàn nhậu, đều không được khả xác hay khả tín gì cho lắm.
“Tham nhũng chính trị, lệch lạc tư tưởng, băng hoại đạo đức và hủ bại về lối sống. Đây là những kẻ thù rất nguy hiểm của Đảng, cần phải loại bỏ.” Tạp chí Xây Dựng Đảng (XDĐ) đã báo động như thế trong bài viết ngày 26/11/2023...
Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) nhìn nhận tình trạng “trẻ hóa” trong suy thoái “tư tưởng chính trị ” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang gây khó khăn cho công tác “xây dựng, chỉnh đốn đảng”...
Năm 2024 là năm bầu cử, một năm gay go thử thách, và đề tài yêu ghét dù muốn hay không muốn đã trở lại trên các trang báo, trong các buổi tranh luận trong gia đình, ngoài xã hội. Chúc bàn tiệc trong năm của quý vị rôm rả những câu chuyện, những cuộc đối thoại bổ ích hai chiều, những thay đổi tốt đẹp. Và xin cảm ơn quý thân hữu, thân chủ đã hỗ trợ, gắn bó cùng hành trình với Việt Báo trong hơn 31 năm qua. Sau cùng là lời tri ân đến các độc giả Việt Báo: chính quý vị, những người đọc khó tính là thành trì giúp Việt Báo trở thành một tờ báo uy tín, chuyên nghiệp.
Năm 2023 tiến vào những ngày cuối cùng, nó sẽ đi qua và không bao giờ trở lại. Lịch sử sẽ đi qua nhưng những việc làm của con người sẽ tồn tại với sự khôn ngoan và ngu ngốc của đa số. Cụm từ ‘con-người-đa-số’ chỉ định ý muốn chung của đa số người. Và ‘con-người-thiểu-số’ đành phải tuân theo. Trò sinh hoạt dân chủ luôn luôn là con dao hai lưỡi có hiệu quả tùy thuộc sở thích của con người đa số. Sở thích? Một thứ tạo ra tốt lành hoặc khổ nạn. Đúng ra là cả hai, nhưng có một trong hai sẽ lớn hơn, đôi khi, lớn gấp bội phần. Nếu khổ nạn quá lớn thì cuộc sống chung sẽ thay đổi, có khi lâm vào mức tồi tệ. Chẳng hạn như trường hợp nước Đức dưới thời Hitler. Ý muốn của con người đa số đam mê nồng nhiệt ý muốn của Hitler. Cho ông ta cơ hội dẫn đầu một quốc gia quyền lực, tạo ra hiệu quả cuộc chiến thế giới thứ hai. Hậu quả tàn khốc đó do ai? Hitler? Đúng một phần.
“Tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong Lực lượng vũ trang nhân dân là mối lo hàng đầu của đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. Bằng chứng này đã được Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đưa ra tại Hội nghị Đảng ủy Công an ngày 20/12/2023 tại Hà Nội, và trong nội dung các bài viết trên báo chí chính thống của nhà nước liên quan đến Quân đội...
Người ta nên áp dụng đạo đức vào tài chính trị của Henry Kissinger như thế nào? Làm thế nào để người ta quân bình những thành tựu với những hành vi sai trái của Kissinger? Tôi đã vật lộn với những vấn đề đó từ khi Kissinger là giáo sư của tôi, và sau này là đồng nghiệp tại Đại học Harvard. Vào tháng Tư năm 2012, tôi đã giúp phỏng vấn ông trước một số lượng lớn cử toạ tại Harvard và hỏi liệu ông có làm điều gì khác đi trong thời gian làm ngoại trưởng cho các Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Gerald Ford không. Lúc đầu, ông nói không. Suy nghĩ lại, ông nói rằng ước mình là đã hoạt động tích cực hơn ở Trung Đông. Nhưng ông không đề cập đến Campuchia, Chile, Pakistan hay Việt Nam. Một người phản đối ở phía sau hội trường hét lên: "Tội phạm chiến tranh!"
Việt Nam có còn “độc lập” với Trung Quốc hay không sau chuyến thăm Hà Nội của Tổng Bí thư, Chủ tịch nhà nước Tập Cận Bình là thắc mắc của người dân Việt Nam. Ông Tập có mặt ở Việt Nam từ 12 đến 13 tháng 12 năm 2023 và đạt được cam kết của Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng về “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc”.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.