Hôm nay,  

Vn Gian Nan Hội Nhập 2005

11/01/200500:00:00(Xem: 13301)
Cách đây đúng 10 năm, Việt Nam đệ đơn gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO; triển vọng đó giờ đây vẫn mờ mịt và còn có thể khó khăn hơn do những đòi hỏi từ phía Hoa Kỳ.
Phóng viên Việt Long của Đài RFA, trên chương trình Diễn Đàn Kinh Tế, đã trao đổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về nỗi gian nan của Việt Nam trên con đường hội nhập vào luồng trao đổi toàn cầu như sau.
Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, cách đây không lâu, các nhà lãnh đạo Hà Nội còn hy vọng là Việt Nam sẽ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào mùng một Tháng Giêng năm nay. Giờ đây, niềm hy vọng ấy không thành, mà dường như Việt Nam còn gặp nhiều trở ngại mới. Chương trình chuyên đề về kinh tế sẽ đề cập tới vấn đề nói trên nên xin ông trước hết tóm lược nội dung của hồ sơ này cho thính giả nghe đài.
-- Về WTO, Tổ chức Thương mại Thế giới này là một câu lạc bộ giữa các nước tự nguyện theo quy luật thị trường để trao đổi và mua bán với tối thiểu hạn chế và tối đa tự do. Tổ chức này gồm hơn 180 hội viên, chi phối luồng trao đổi của 90% hàng hoá trên thế giới và chỉ đón nhận hội viên mới nếu toàn thể đồng ý. Mục tiêu là giải toả mọi hạn chế, như hàng rào quan thuế hay hạn ngạch quota xuất nhập cảng để phát triển ngoại thương giữa các nước vì ngoại thương góp phần đáng kể cho sự thịnh vượng hoặc xoá đói giảm nghèo. Vì là hậu thân của nhiều định chế hợp tác theo quy luật tự do mậu dịch, WTO kết hợp trước sau khoảng 17 hiệp định chung về thương mại và thuế quan, quốc gia nào gia nhập cũng phải tuân thủ các hiệp định ấy. Trong tương lai, nếu kịp hoàn thành vòng đàm phán về tự do mậu dịch phát động hồi tháng 11 năm 2001 tại Doha của xứ Qatar, WTO có thể còn có nhiều quy định mới. Nói chung, đây là một tổ chức năng động, và cơ chế sinh hoạt vì vậy còn thay đổi để đáp ứng tình hình trao đổi thực tế giữa các nước, trong đó có một phần rất quan trọng là những điều kiện đặc biệt cho các nước đang phát triển, nghĩa là các nước nghèo và sở dĩ nghèo cũng vì chủ yếu chưa có tự do kinh tế.
Hỏi: Thế Việt Nam đã xin gia nhập tổ chức ấy như thế nào"
-- Việt Nam chính thức nộp đơn gia nhập WTO vào mùng bốn Tháng Giêng năm 1995 và tổ chức này đã đề cử ra một nhóm đại diện 63 nước hội viên, trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản, các hội viên Liên hiệp Âu châu, để cứu xét đơn gia nhập. Sau chín đợt hội họp kể từ 1998, đợt thứ chín là ngày 15 tháng 12 vừa qua, WTO cho biết là Việt Nam đã cố gắng mà chưa đủ, và phải thương thuyết thêm cho kịp Hội nghị cấp Bộ trưởng ở Hong Kong vào cuối năm nay. Việt Nam trình bày sự việc như một hy vọng vào cuối năm nhưng từ đầu năm nay, các nước hội viên đều bãi bỏ chế độ hạn ngạch với nhau, nên Việt Nam sẽ bị cạnh tranh rất mạnh, nhất là từ các lân bang Đông Á và dân Việt Nam sẽ bị thiệt nặng.
Hỏi: Thưa ông, cách đây sáu tháng, Hà Nội vui mừng báo tin rằng Liên hiệp Âu châu đã đồng ý ủng hộ việc Việt Nam gia nhập WTO. Vì sao mà giờ này lại còn có trở ngại ấy"
-- Quốc gia nào cũng sẵn sàng ủng hộ một nước khác đi vào con đường tự do mậu dịch, vì điều ấy có lợi cho đôi bên. Và lời phát biểu ấy còn có mối lợi ngoại giao là làm đẹp lòng nhau. Nhưng muốn vào tới đó thì còn phải chấp nhận một quy luật thực tế là “dễ người dễ ta, khó người khó ta”. Mình muốn tự do bán hàng cho xứ khác mà lại chưa chấp nhận cho xứ khác tự do bán hàng vào thị trường của mình thì ta vẫn chỉ có tự do một chiều, tự do hạn chế. Cho đến nay, WTO chưa thấy hài lòng với việc giải tỏa mậu dịch và kinh tế tại Việt Nam, dù vấn đề đã được nêu ra, giải thích và trao đổi nhiều lần trong ngần ấy phiên họp. Từ tháng Ba năm ngoái, WTO cho biết là Việt Nam sẽ phải có “bước nhảy vọt” nếu muốn kịp gia nhập vào cuối năm. Bước nhảy vọt ấy không có, đôi bên vẫn cò kè bớt một thêm hai và Việt Nam vẫn đứng ngoài trào lưu hội nhập vì cải cách quá chậm lụt.
Hỏi: Theo dõi các cuộc đàm phán này, ông thấy các nước hội viên nêu ra những vấn đề gì khi đình hoãn việc Việt Nam gia nhập WTO"
-- Thưa mỗi quốc gia hay nhóm quốc gia lại quan tâm đến một số lãnh vực. Thí dụ như các nước xuất cảng nông phẩm thì phàn nàn về chế độ trợ giá nông phẩm của Việt Nam, như cà phê chẳng hạn, có nước thì đề cập đến chế độ kiểm soát đầu tư, hay hạn chế nhập cảng, hoặc bảo vệ doanh nghiệp nhà nước, v.v... Nói chung, ngoài những trì trệ hay nhiêu khê về luật lệ đã từng được quốc tế khuyến cáo và than phiền, có bảy đề mục đã được nêu ra để lãnh đạo Việt Nam giải thích hay hứa hẹn thời hạn khai thông, cải cách. Đó là thứ nhất, Việt Nam vẫn phân biệt đối xử đầu tư, nôm na là vẫn có chế độ kỳ thị đầu tư nước ngoài, vì hạn chế ngạch số, tỷ lệ hùn hạp, hoặc cấm đầu tư ngoại quốc trong một số lãnh vực. Điều đó khiến ta nhớ đến việc tập đoàn bảo hiểm New York Life vừa quyết định rút khỏi Việt Nam sau hơn ba năm chầu chực với tờ giấy phép mà không nên cơm cháo gì. Hà Nội biện bạch là vì lý do an ninh, bảo vệ trật tự và môi sinh và hứa hẹn là năm nay Quốc hội sẽ ban hành luật lệ bãi bỏ sự kỳ thị ấy. Đề mục này còn đáng chú ý vì điều gọi là an ninh hay trật tự ấy có hạn chế việc đầu tư trong các ngành liên hệ tới truyền thông, xuất bản văn hoá phẩm, v.v... là những ngành mà Hà Nội vẫn muốn giữ độc quyền.

Hỏi: Thế còn đề mục thứ hai và các đề mục khác, thưa ông"
-- Đề mục thứ hai là chế độ trợ cấp của Việt Nam, nhất là đối với nông phẩm. Nhiều nước xuất cảng nông phẩm đòi bãi bỏ trợ cấp ngay từ khi gia nhập chứ không có thời gian ân hạn. Đề mục thứ ba là có sự kỳ thị về quyền mậu dịch nên vi phạm nhiều điều khoản của Thỏa ước Ngoại thương và Quan thuế Tổng quát. Thứ tư là nhiều nước đòi hỏi được cung cấp thông tin rõ rệt hơn về các doanh nghiệp nhà nước. Đề mục này đáng chú ý là vì càng có thông tin, cụ thể là có sổ sách rõ ràng, thì càng phát giác ra nhiều vụ tham nhũng động trời ở cấp cao nhất của doanh nghiệp và nhà nước, như tình hình năm qua có cho thấy. Đề mục thứ năm là Việt Nam có hạn chế nhập cảng một số mặt hàng đã sử dụng, như đầu máy hay lốp xe cũ, hoặc phụ tùng cơ phận và xe gắn máy. Đề mục thứ sáu là tiêu chuẩn quá thấp của Việt Nam so với Thỏa ước về Vệ sinh và Vệ sinh Thực vật. Sau cùng là đề mục được Hoa Kỳ quan tâm, là việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chưa đạt tiến độ đáng kể.
Hỏi: Nói tới Hoa Kỳ, thưa ông, Việt Nam có thể chờ đợi gì từ hội viên này của WTO"
-- Tôi nghĩ là chờ đợi những lời khích lệ và rất nhiều khó khăn vì Hoa Kỳ đang có những tiêu chuẩn khác trong lãnh vực mậu dịch. Trước khi nói đến trường hợp Việt Nam và hồ sơ WTO, có lẽ mình cần nhìn ra toàn cảnh. Sau bế tắc tại Cancun vào tháng Chín năm kia, tổ chức WTO bị khựng và vòng đàm phán Doha mà tôi vừa nhắc tới đã gặp trở ngại mất gần một năm. Đồng thời, vì lý do an ninh, Hoa Kỳ đang theo đuổi cuộc chiến chống các lực lượng Hồi giáo ngụy danh Thánh Chiến mà tiến hành khủng bố. Mục tiêu an ninh ấy trở thành ưu tiên chiến lược của Mỹ và dẫn tới hệ quả bất ngờ cho nhiều người là muốn chống khủng bố thì phải dân chủ hóa như Tổng thống Bush đã loan báo tại Anh từ tháng 12 năm kia. Trong cảnh ách tắc của các diễn đàn đa phương về mậu dịch và ưu tiên chiến lược là diệt trừ khủng bố, chính quyền Mỹ mở ra hàng loạt các đàm phán song phương để ký kết hiệp định thương mại hay đầu tư với từng nước được coi là đồng minh. Chúng ta phải nói tới lá phiếu của Hoa Kỳ cho Việt Nam gia nhập WTO trong khung cảnh mới ấy.
Hỏi: Hậu quả cụ thể của những yếu tố mới ấy là gì"
-- Chính quyền Hoa Kỳ ngày nay chủ trương và thúc đẩy tự do mậu dịch, nhưng chủ động tiến hành việc ấy với từng quốc gia hay từng nhóm quốc gia trong từng khu vực và tạo ra một thế cạnh tranh rất gay go cho các nước, vì quốc gia nào cũng muốn có quy chế tự do như vậy với Hoa Kỳ, với một thị trường nhập cảng lớn nhất thế giới. Thứ hai, trong khi Hoa Kỳ đang đứng trên tuyến đầu của trận chiến chống khủng bố thì nhiều xứ lại phản đối mà vẫn muốn làm buôn bán dễ dàng với Mỹ. Tại Trung Đông, nhiều nước không ủng hộ kế hoạch hoà bình của Hoa Kỳ nhưng vẫn muốn kiếm lợi trong kế hoạch tự do mậu dịch do Mỹ đề xướng. Trước sự bành trướng đáng ngại của Trung Quốc khi Hoa Kỳ bận đối phó với khủng bố thì nhiều nước Đông Á lại bọc xuôi theo Bắc Kinh để kiếm lời mà vẫn mong được Hoa Kỳ bảo vệ về an ninh khi hữu sự. Kể từ nay, người ta nên chờ đợi là ngần ấy vấn đề về an ninh và quyền lợi mậu dịch sẽ được giàng với nhau. Một cách cụ thể, Hoa Kỳ xướng xuất khái niệm mới là “vượt qua WTO”, “WTO Plus”, với biện pháp giải tỏa còn triệt để hơn những quy định của WTO. Tiêu chuẩn về tự do kinh tế, dân chủ chính trị và hợp tác an ninh nay được đặt cao hơn và gần như lồng làm một. Việc Đại sứ Robert Zoellick, Đại diện Thương mại của Hoa Kỳ, được đề cử làm Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ báo hiệu rất nhiều biện pháp ngoại giao triệt để và rốt ráo từ phía Hoa Kỳ.
Hỏi: Nếu như vậy thì điều đó sẽ ảnh hưởng ra sao đối với Việt Nam"
-- Tôi nghĩ rằng điều đó còn tùy vào giới lãnh đạo Việt Nam. Đối với Hoa Kỳ, Việt Nam là một ưu tiên thấp; đối với toàn khu vực Đông Á, Việt Nam là một thực thể kinh tế không đáng kể. Ta có thấy báo chí quốc tế nói gì đến những thăng trầm hay thành bại của Việt Nam ngày nay đâu" Nhưng, trong vụ tranh chấp về tôm, Việt Nam được bộ Thương mại Mỹ đề ra một thuế biểu rất thấp nếu so với thuế biểu trừng phạt đặt ra cho ngành tôm của Trung Quốc. Và một phần những khó khăn về hạn ngạch dệt may của Việt Nam đã xảy ra chính là vì nạn tham nhũng trong chính quyền, chứ không hẳn là từ phía Hoa Kỳ. Vì vậy, ngoài yêu cầu về cải cách như WTO và các định chế quốc tế từng đề ra cho Việt Nam, Hoa Kỳ không đòi hỏi gì hơn là một nền kinh tế thị trường đích thực, một chế độ chính trị dân chủ hơn, không đàn áp nhân quyền hay tự do tôn giáo, và một lập trường thân thiện hơn với Hoa Kỳ trên các diễn đàn quốc tế. Những điều đó tùy thuộc vào sự chọn lựa khôn ngoan của nhà cầm quyền Việt Nam. Dĩ nhiên là họ cũng tìm cách vận động nước khác hay các tổ chức ngoài chính phủ bênh vực quan điểm của mình để thuyết phục Hoa Kỳ, nhưng hiệu quả đến đâu thì cuối năm nay mình mới biết được trong khi chờ đợi một kỳ họp nữa với WTO vào giữa năm nay.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong các ngày 24 và 25 tháng 8 năm 2007, đài Tiếng nói Việt Nam, báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của đảng CSVN
Bài phát biểu sau đây của Giáo sư Nhật Bản Teruo Tonooka được ông trình bày trong Đêm Hội Ngộ tại Nhà hàng Emeral Bay Seafood
Có người hay "ví von" rằng Cộng Đồng người Việt hải ngoại nói chung, ở Quận Cam nói riêng, giống như những con cua bị nhốt chung trong một cái giỏ
Trong các loại hàng tiêu thụ, thì chỉ số tăng giá đã lên cao nhất cho lương thực, thực phẩm và dịch vụ ăn uống, là mặt hàng cần yếu cho đa số người dân
Hồi đó tôi chưa đủ 50 kí lô, lại hay bị xây xẩm bất ngờ, trong khi thấy các sư huynh, sư muội quật nhau rầm rầm, nên hơi hoảng.
Vào ngày 11 tháng 1 năm 2007, Việt Nam chính thức gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới tức World Trade Organization (WTO).
Từ xưa cho tới nay, đại đa số dân "sồn sồn" đều thích xem phim chưởng với những kiếm sĩ, võ sĩ Trung Hoa bay lượn như chim
Ngày 17/3/2003 tổng thống Bush ra lệnh tấn công lật đổ Saddam Hussein. Chiến trường Iraq chưa êm tiếng súng các nhà quan sát Tây phương
Mỗi khi ta nghĩ sai, ta sẽ nói sai và làm sai. Cái sai đây không phải là phải quấy theo lý lẽ, mà cái sai đây là sai người, sai chỗ, sai thời gian và không gian.
Trong tuần qua, chúng ta đã gặp một chuỗi nghịch lý liên quan đến vấn đề nóng bỏng nhất của Hoa Kỳ ngày nay, là hồ sơ Iraq.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.