Hôm nay,  

Tổng Thống Hillary R. Clinton – Phần 2

4/19/201600:00:00(View: 10393)

...Bà Hillary sẽ thắng nhờ hậu thuẫn mạnh của khối dân thiểu số...

Như đã bàn qua tuần rồi, bà Hillary Clinton dù gặp khó khăn tầy trời, dù là một ứng viên với đầy hành trang, và kém cỏi trong nghệ thuật vận động, nhưng cuối cùng thì vẫn là ứng viên với nhiều hy vọng vào Nhà Trắng nhất, chỉ vì các ứng viên CH quá tệ. Trong ba ứng viên còn lại, người nghiêm chỉnh, có tư cách nhất cũng là người luôn về chót, có vẻ như vô vọng nhưng vẫn ngoan cố, bám víu. Hai ông đứng đầu thì không quá khích cũng hơi mát dây. Chẳng ông nào là đối thủ của bà Hillary. Trừ phi bà bị FBI truy tố, thì chỉ có... trời đỡ cho bà, hay… TT Obama đỡ bằng cách ngăn chặn FBI, hay ân xá bà ngay, như TT Ford đã ân xá TT Nixon.

Việc bà Hillary bị FBI truy tố hơi xa vời. Ta hãy tưởng tượng như bà sẽ không bị truy tố và hiên ngang bước vào Nhà Trắng, rồi thử nghĩ xa hơn, chuyện gì sẽ xẩy ra.

Trước tiên, phải nói ngay cả nước Mỹ, nhất là khối DC và các bà, sẽ khua chiêng trống tới đinh tai nhức óc vì đảng DC lại một lần nữa làm lịch sử với một phụ nữ lần đầu tiên làm tổng thống, sau khi đã đi vào lịch sử với một ông da đen đầu tiên vào Nhà Trắng. Giỏi dở không cần biết, cũng như ông tổng thống da đen đầu tiên cũng vậy, giỏi dở gì cũng hoan hô như thường.

Chỉ có vài rắc rối nhỏ là … không biết phải gọi ông chồng là gì? Tiếng Mỹ rắc rối: First Husband? First Gentleman? Tiếng Việt dễ hơn: Đệ Nhất Phu Quân. Cũng không biết phải trao cho Đệ Nhất Phu Quân trách nhiệm gì? Làm sao cho ông có việc gì đó để làm để khỏi có thời giờ lén đi lăng nhăng rước họa về nhà trong khi bà vợ bù đầu với chuyện quốc sự?

Đảng CH sẽ bối rối, tổ chức hội thảo, tranh cãi, nghiên cứu đủ kiểu để tìm hiểu làm sao lại có thể thua một ứng viên yếu như bà Hillary, làm sao một chính đảng lớn với nhiều nhân tài, tên tuổi và uy tín lớn như vậy mà lại có thể bị một thiểu số cực đoan quá khích cưỡng chiếm, đưa vào thảm hoạ. Làm sao kiểm soát hay kềm chế được sự thao túng của khối cử tri cực hữu, cũng cuồng tín không thua... Hồi giáo cực đoan mấy. Rồi phải chuẩn bị cho cuộc tranh cử năm 2020, cho dù hy vọng hạ bà Hillary năm đó sẽ rất mong manh. Trừ phi bà quá tệ, quá già yếu, còn không thì dân Mỹ sẽ không sa thải bà tổng thống đầu tiên sau mới có một nhiệm kỳ. Đó là chuyện nhìn xa.

Nhìn gần thì cấp lãnh đạo, nhất là khối lập pháp, cũng sẽ phải hội họp, bàn thảo tìm kế hoặch đối phó với một tổng thống cấp tiến nữa, ít nhất là trong bốn năm tới. Mà bây giờ tình trạng sẽ khó khăn hơn nhiều khi mà Tối Cao Pháp Viện sẽ ngả hẳn qua bên cấp tiến, tức là những luật lệ hiện hành và tương lai sẽ bị diễn giải và áp đặt theo chiều hướng cấp tiến. Cho dù CH hiện giờ ngâm tôm vụ đề cử tân thẩm phán, một khi bà Hillary lên nắm quyền thì cũng hết trì hoãn được. Rồi sau đó, có nhiều triển vọng TT cấp tiến Hillary sẽ có dịp đề cử từ một đến ba thẩm phán TCPV nữa.

Tùy theo kết quả bầu cử, nếu CH mất thế đa số tại cả hai viện quốc hội thì rất có thể ta sẽ thấy những cải cách sâu rộng nhất, có thể biến thể đảng CH vĩnh viễn, để thoát ra khỏi thế một đảng thiểu số tuyệt đối, mất kiểm soát hết cả ba ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp.

Trong nội bộ CH sẽ xẩy ra đại chiến giữa hai khối bảo thủ cực đoan và bảo thủ ôn hoà, chưa biết bên nào thắng. Biết đâu chừng đảng CH sẽ bị vỡ đôi.

Đây không phải lần đầu tiên một chính đảng bị khủng hoảng căn tính nặng như vậy. Cả hai chính đảng đều đã trải qua những chu kỳ thăng trầm đổi đời.

Mới đây nhất, thập niên 60, chính sách cấp tiến cực đoan của TT Kennedy và nhất là TT Johnson đã đưa đảng DC vào khủng hoảng đổi đời. Đảng DC mất trọn vẹn và vĩnh viễn (ít nhất là cho đến nay, nửa thế kỷ sau) toàn thể khối các tiểu bang miền nam. Và DC đã phải chịu CH thống trị 12 năm qua hai nhiệm kỳ của TT Reagan và một nhiệm kỳ của TT Bush cha. Nếu không có ông Ross Perot phá đám thì TT Bush đã tái đắc cử, tức là DC bị cho ra rià 16 năm. Ngay cả khi TT Clinton nắm quyền, đảng DC của ông cũng khác rất xa đảng DC của Kennedy và Johnson khi ông tuyên bố “thời đại của Nhà Nước vú em đã cáo chung”.

Phải đợi đến những cuộc chiến dai dẳng Afghanistan và Iraq, và khủng hoảng gia cư toàn diện dưới thời TT Bush con khiến cho dân Mỹ bực mình chuyển hướng thì DC và khuynh hướng cấp tiến mới phục hưng lại được dưới TT Obama.

Có thể nói là khuynh hướng bảo thủ đã thống trị chính trường Mỹ trong 7 nhiệm kỳ tổng thống, từ Reagan tới Bush con, tức là 28 năm trời. Ở đây, các sử gia đã nhận thấy yếu tố quan trọng nhất của chuyển hướng chính trị qua bảo thủ này là hậu quả của các chính sách cấp tiến cực đoan của các TT Kennedy và Johnson, đồng thời cũng phản ánh sự thành công của TT bảo thủ Reagan.

Sự thắng cử của bà Hillary sẽ xác nhận sự chuyển hướng qua cấp tiến mới chỉ bắt đầu dưới TT Obama, còn quá sớm để dân Mỹ trở về khuynh hướng bảo thủ lại.

Như vậy ta có thể trông chờ gì ở bà TT Hillary Rodham Clinton?

Trên căn bản, chế độ Hillary (kẻ viết sẽ dùng tên Hillary thay vì tên Clinton để tránh hiểu lầm với TT Bill Clinton) sẽ là một sự tiếp nối của chế độ Obama, tuy cũng sẽ có nhiều thay đổi quan trọng.

Bà Hillary sẽ thắng nhờ hậu thuẫn mạnh của khối dân thiểu số, từ da đen đến da nâu và da vàng (kể cả khối dân tỵ nạn Việt), cũng như của các khối thiểu số khác như phụ nữ, đồng tính, … Và nhất là của khối dân nghèo nhất, lãnh Medicaid. Đây là những khối cử tri nồng cốt của phe cấp tiến.

Vì mắc nợ nặng với những khối đó, TT Hillary sẽ phải có chính sách đối nội nghiêng về phiá cấp tiến nặng hơn và xa hơn TT Obama nữa.

Trước hết, nội các của bà Hillary sẽ có nhiều phụ nữ và dân các khối thiểu số hơn. TT Hillary đã hứa sẽ tranh đấu mạnh hơn cho việc tăng lương phụ nữ cho bằng nam giới mặc dù một nghiên cứu mới nhất cho thấy ngay trong Quỹ Clinton Foundation của bà, với trách nhiệm ngang nhau, trung bình nữ giới lãnh lưỡng 38% ít hơn nam giới. Bà sẽ tìm cách nâng đỡ các khối dân thiểu số hơn. Ngay cả việc bà tuyển lựa phó tổng thống đứng chung liên danh với bà cũng đã có nhiều dự đoán trong chiều hướng này. Ngôi sao nổi bật có triển vọng đứng cùng liên danh nhất hiện nay là Bộ Trưởng Gia Cư Julian Castro, gốc Mễ, mới 41 tuổi.

Bà Hillary sẽ tiếp tục hô hào tăng trợ cấp đủ loại, chi trả bằng cách tăng thuế… nhà giàu, trong khi bà hiểu rất rõ là khó có cách nào tăng thuế mấy ông bạn Wall Street của bà, là những người đã đóng góp bạc triệu cho bà thành tổng thống. Bà Hillary là người thông minh, hiểu rất rõ ràng hô hào và hứa hẹn là một chuyện, làm được hay không là chuyện khác. Hứa để có phiếu thì cứ hứa, không làm được thì chỉ đổ thừa lên đối lập, “the party of NO”, theo gương TT Obama là xong. Rồi nhờ truyền thông dòng chính phụ họa tiếp. Mà tăng trợ cấp trong khi không tăng được thuế thì chỉ có nghiã là chính sách của TT Obama tái bản: nước Mỹ tiếp tục ngụp lặn trong thâm thủng ngân sách và công nợ chồng chất.

Vì bà Hillary trên căn bản là một chính khách đầy tham vọng và thời cơ, ta có thể bảo đảm những khó khăn, nguy cơ lủng lỗ của các quỹ trợ cấp an sinh, Social Security hay Medicare, sẽ không được giải quyết dưới thời bà TT Hillary. Bà sẽ không có cái can đảm trực diện vấn đề vì sợ mất phiếu cử tri. Công bằng mà nói, bà Hillary không phải là chính khách duy nhất không dám đụng đến cục than đỏ này. Cho dù ai cũng biết trong vòng 20-30 năm nữa những quỹ an sinh này sẽ có thể xập tiệm, nhưng không ai dám đụng đến vì tất cả mọi giải pháp đều sẽ mất lòng dân, như tăng tuổi hưu ên tới 70, tăng thuế an sinh (social security tax), v.v…, mà mất lòng dân trong cái xứ của bầu bán tự do này có nghiã là mất job cho các chính khách.

Bà Hillary sẽ tiếp tục con đường “phải đạo chính trị” của thời Obama. Bảo vệ và ca tụng các khối “thiểu số bị đối xử chưa công bằng” như khối đồng tính, chuyển giới,... Xu hướng hợp thời trang là lấy người đồng tính, chứ lấy người khác giới có lẽ sẽ trở thành một tục lệ hủ lậu, kém văn minh. Trong khung cảnh này, hàng loạt luật lệ về các vấn đề an sinh, tài chánh, quyền lợi với con cái, di chúc, thừa kế,... sẽ phải được tu chính để giúp bảo vệ những thiểu số này. Và như đã nói qua, bà Hillary sẽ cần phải nhờ nặng vào một Tối Cao Pháp Viện cấp tiến.

Obamacare trên thực tế là Hillarycare vì nền móng của Obamacare thực sự là những đề nghị của bà Hillary ngay từ đầu chứ không phải của TT Obama. Trái lại, ứng viên Obama trong những năm 2007-08 đã từng kịch liệt đả kích bà Hillary, nhất là trong vấn đề ép buộc tất cả mọi người đều phải mua bảo hiểm y tế, nếu không sẽ bị phạt nặng. Khi đó, ứng viên Obama đả kích bà Hillary về “giải pháp cấp tiến quá cực đoan” này, nhưng sau khi đắc cử thì TT Obama đã đưa ra Obamacare phần lớn dựa trên ý kiến của bà Hillary.

Do đó, ta có thể tin Obamacare sẽ được khoác cái áo mới Hillarycare, củng cố và bành trướng xa hơn, chẳng hạn như trợ cấp tiền mua bảo hiểm có thể sẽ được gia tăng, các hãng bảo hiểm sẽ bị bắt buộc phải nâng cấp, gia tăng bảo hiểm trong nhiều trường hợp hơn, và chi trả cho các nhà thương, bác sĩ nhiều hơn. Với kết quả là Hillarycare sẽ có lợi hơn cho giới nghèo nhất, nhưng sẽ là một gánh nặng lớn hơn nữa cho giới trung lưu nửa nạc nửa mỡ, không đủ nghèo để được trợ cấp và không đủ giàu để chi trả chi phí y tế nặng hơn. Các cụ lãnh Medicare cũng sẽ bị ảnh hưởng bất lợi khi phần trả góp của mình sẽ phải tăng để chia xẻ gánh nặng y tế với Nhà Nước.

Vì bà Hillary lệ thuộc ngày càng nặng vào khối dân thiểu số trong đó có dân gốc Nam Mỹ, bà Hillary sẽ bị ép buộc phải có quyết định mạnh hơn để giải quyết vấn nạn di dân ở lậu tại Mỹ, theo chiều hướng dễ dãi việc hợp thức hoá tình trạng của họ, bảo đảm đảng DC sẽ lãnh phiếu của khối này trong 100 năm tới.

Có hai vấn đề rất quan trọng đối với khối cấp tiến là việc điạ cầu đang bị hâm nóng và môi trường sạch. TT Obama nói nhiều nhưng làm chẳng bao nhiêu trong chuyện này. Đây có thể là những điểm TT Hillary muốn nhấn mạnh hơn vì mục đích để lại dấu ấn lâu dài, nhưng khó biết bà sẽ làm được gì sau khi đã nhận bạc triệu của các đại công ty không chấp nhận những luật lệ quá gắt gao về môi trường.

Đối ngoại, bà sẽ mạnh tay hơn ông tổng thống Nobel Hòa Bình, vì nhu cầu trước mắt là phải chứng minh nữ giới không có nghiã là yếu đuối và sợ các đối thủ quốc tế, thua ông Putin, ông Tập, hay cậu ấm Ủn. Bà Hillary đã công khai viết sách chê TT Obama yếu đuối trong các can thiệp của Mỹ tại Trung Đông, đặc biệt là tại Syria khi không tích cực giúp quân chống đối TT Assad, tại Iraq khi rút quân quá vội, và trong cuộc chiến chống ISIS khi phản ứng quá chậm và quá yếu trước sự lớn mạnh của ISIS. Cái mặc cảm đó sẽ là yếu tố quan trọng nhất chi phối chính sách đối ngoại của bà Hillary và ta có thể tin tưởng TT Hillary sẽ không chịu lép vế, “lãnh đạo từ phiá sau”.

Ta không nên quên bà Hillary là người đã ép ông tổng thống hơi nhát gan Obama, để ông này miễn cưỡng tham gia vào cuộc chiến lật đổ TT Khaddafi của Libya. Ở đây, phải nói trách nhiệm biến Libya thành một bãi chiến trường bầy nhầy như hiện nay đúng là lỗi của bà Hillary và hai ba bà cấp tiến hạng nặng khác chung quanh TT Obama. TT Obama mới đây đã nhận định can dự vào Libya đã là sai lầm lớn nhất của ông. Phe CH sẽ không quên khai thác “sai lầm” này.

TT Hillary sẽ có chính sách đối ngoại có tính cách công nhiều hơn, sẵn sàng can thiệp vào chuyện thiên hạ nhiều hơn. Bảo đảm TT Hillary sẽ không nhận được giải Nobel Hòa Bình.

Có thể ta sẽ thấy một TT Hillary uyển chuyển hơn TT Obama, có thể hợp tác thân thiện hơn với Putin để hạ hoả các lò lửa Trung Đông, hợp sức truy diệt ISIS nói riêng và khủng bố Hồi giáo cuồng tín nói chung.

TT Hillary cũng như TT Obama, sẽ khó có thể ra quyết định mang lính ào ạt qua đánh ISIS, trong khi ai cũng biết nếu không mang lính Mỹ qua đánh mạnh mà chỉ thả bom lai rai theo như sách lược hiện nay của TT Obama thì sẽ không thể nào truy diệt được ISIS. Một nghiên cứu mới nhất của Ngũ Giác Đài cho biết phải cần đến 50.000 lính tác chiến Mỹ mới diệt ISIS được. Sách lược vuốt ve xin lỗi Hồi giáo của TT Obama cũng đã được chứng minh hoàn toàn vô ích. Đồng minh Âu Châu không thể còn tin cậy được vì họ đang kiệt quệ vì nhiều vấn nạn khổng lồ, từ kinh tế khó khăn đe dọa sự sống còn của cả Liên Hiệp Âu Châu, đến khủng hoảng di dân Trung Đông đang gây ra những xáo trộn vĩ đại về chính trị, xã hội, kinh tế, và văn hoá. Chỉ còn một cách duy nhất là Mỹ hợp tác chặt chẽ hơn với TT Putin, và huy động sự tiếp sức mạnh hơn từ các đại cường Trung Đông như Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi, và Ai Cập.

Vì khối Hồi giáo là thiểu số rất nhỏ tại Mỹ, ít cử tri, tức là không có tiếng nói mạnh trong chính trường Mỹ, cũng như sau khi nhìn vào khủng hoảng di dân Trung Đông bên Âu Châu và sự thành công lớn của ông Trump trong khối dân Mỹ da trắng nhờ đả kích khối dân Hồi, bà Hillary có lẽ sẽ thận trọng hơn TT Obama trong việc nhận di dân Trung Đông vào Mỹ. Một chính sách thận trọng đối với di dân Hồi giáo Trung Đông cũng sẽ giúp dân Mỹ dễ chấp nhận khối di dân gốc La-tinh hơn, thay vì một sách lược bao đồng mở cửa toang hoang cho cả hai khối của TT Obama chỉ khiến dân Mỹ hoảng sợ hơn, đã giúp ông Trump khai thác triệt để.

Để kéo lực lượng thợ thuyền về lại phiá DC, bà Hillary khi tranh cử đã phải công khai chống đối thỏa ước thương mại Liên Thái Bình Dương, TPP, mà chính bà đã tiếp sức vẽ ra khi còn làm Ngoại Trưởng. Sau khi đắc cử, TT Hillary sẽ phải cố tìm ra giải pháp trung dung, không xé bỏ mà cũng không giữ nguyên trạng. Có thể bà sẽ tu chính vài điểm rồi khua chiêng trống là thoả hiệp mới sẽ bảo đảm quyền lợi của thợ thuyền Mỹ, bất kể có đúng như vậy hay không.

Khác với một TT Trump không cần biết gì về những chuyện nhân quyền và dân quyền trên thế giới, TT Hillary sẽ chú tâm nhiều hơn vào các vấn đề này, nhất là quyền lợi của phụ nữ. Sẽ áp lực tương đối mạnh hơn với các xứ nổi tiếng độc tài như Trung Cộng, VC, và vài xứ Nam Mỹ và Phi Châu. Nhưng không ai rõ bà sẽ làm được gì ngoài chuyện đánh võ miệng và thỉnh thoảng mở cửa đón nhận vài anh chị đối kháng Tàu hay Việt. TT Hillary cũng sẽ khó ăn khó nói tại khá nhiều xứ, sau khi Quỹ Clinton Foundation đã nhận bạc triệu của mấy ông lãnh đạo độc tài của mấy xứ này.

Trước những tranh chấp trong vùng Biển Đông, TT Hillary sẽ tiếp tục chính sách “chuyển trục có cũng như không” của TT Obama, đu giây giữa TC và các nước trong vùng như Phi Luật Tân, Đài Loan, VN, Mã Lai. Nhưng cũng như TT Obama, sẽ không có chuyện Mỹ can thiệp bằng quân sự nếu chiến tranh cục bộ xẩy ra trong vùng, ngoại trừ trường hợp xa vời là TC đổ bộ lính vào Phi, là nước duy nhất có liên minh quân sự với Mỹ. Dù vậy cũng không ai nghĩ sẽ có đại chiến ngay cả trong vùng, mà chỉ là loại đụng chạm lằng nhằng, hò hét rồi hội nghị đủ cấp.

Nói chung, TT Hillary đối nội sẽ thiên tả hơn cả TT Obama, trong khi sẽ mạnh tay can thiệp vào chuyện thế giới hơn vị tiền nhiệm, có thể sẽ đánh khủng bố mạnh hơn nhiều. Chính trị Mỹ sẽ phân hoá hơn nữa, và thiên hạ mất niềm tin vào Nhà Nước nhiều hơn nữa. Năm 1974, chỉ có khoảng 40% dân Mỹ nghi ngờ TT Nixon nói láo mà các dân biểu và nghị sĩ CH đã bị cử tri áp lực đến độ không thể bênh TT Nixon được nữa, khiến TT Nixon phải từ chức. Bây giờ một chính khách với hơn 60% dân cho là không thành thật và không đáng tin tưởng lại là ứng viên tổng thống sáng giá, nhiều hy vọng nhất. Thế mới nói thời thế đã thay đổi nhiều. (17-04-16)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: [email protected]. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Reader's Comment
4/23/201617:34:59
Guest
Đang bị treo lơ lửng ở bờ vực. Kéo lên hay buông từ từ xuống đáy cho êm. Miễn có nhiều phiếu để giành ghế, thế hệ con cháu gánh lấy hậu quả. Cũng như trứng độc thời Clinton không muốn sờ đến để nở ra trong thời Bush 9/11.
Nỗi lo của bạn cũng là nỗi lo chung cho những ai muốn tương lai xã hội và con cháu ta tốt hơn. Hãy xem hậu quả của 'hợp pháp hoá ma túy' ở Colorado đã bắt đầu hoành hành cả tiếu bang ấy, hậu quả của phá thai tự do..., gia đình kiểu mới, đạo đức suy đồi ở các trường học, Thành phố hoang phế, doanh nghịệp tang hoang ở Detroit và những nơi tương tự. Và hỏi xem ai đã nắm quyền thật lâu có cả bảy tám mươi năm hơn. Một số không ít dân mình không hề chọn lựa, bỏ phiếu chỉ vì lo sợ mất hay suy giảm phúc lợi an sinh, và vì quan niệm cho rằng bầu cho người nghèo, người vỗ vai gần gũi, hứa hẹn tương lai cho mình được nhiều hơn. Nhưng sự thật, phúc lợi anh sinh là chính sách do cả chính phủ làm ra và không một vị nào truất đi hay cho thêm được mà không có lý do được mổ xẻ và bầu bán. Còn chính sách vẫn là chính sách, người thực thi chính sách dù giàu hay nghèo cũng không làm gì khác hơn được. Vuốt ve theo kiểu đạo lý chính trị chỉ làm cho ta có cảm tình chứ không phải do đó mà đất nước và xã hội, đời sống chúng ta tốt hơn. Ở đất nước dân chủ, chính sách không phải một người làm ra.
4/20/201603:17:13
Guest
Không biết Thị mẹc này lên làm tổng thống thì nước Mỹ sẽ đi về đâu, thế giới sẽ đi về đâu?
Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Lý do ông Thưởng, ngôi sao sáng mới 54 tuổi bị thanh trừng không được công khai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, thì ông Võ Văn Thưởng “đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm...
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.