Hôm nay,  

Vu Lan, Ngày Lễ Cha Mẹ Của Người Việt

04/08/201500:00:00(Xem: 6478)

Nhân dịp Rằm Tháng Bẩy âm lịch với Ngày Lễ Vu Lan năm nay, cũng được xem là Ngày Cha Mẹ của người Việt, hãy tìm hiểu sơ lược ý nghĩa Ngày Cha Mẹ, nhất là sự thực hành về: Đạo Hiếu, Trách Nhiệm và Cách Xử Sự giữa cha mẹ và con cháu trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Với quan điểm giáo dục của Phật giáo và sách thánh hiền, hy vọng các mối quan hệ nhân sinh dần được cải thiện để gia đình, đoàn thể, và xã hội được an lành.

* * *

blank
Hình ảnh Đức Phật.

1. Mùa Vu Lan là Mùa Báo Hiếu: nhắc Phật tử đền đáp Tứ Ân. Đó là Ân cha mẹ ông bà, Ân thầy bạn, Ân quốc gia xã hội, và Ân tam bảo. Khi cha mẹ còn sống, con hiếu hạnh làm vui lòng cha mẹ bằng cách làm những việc phải; nếu cha mẹ xúi giục làm việc trái, con không theo. Khi cha mẹ qua đời, con cháu càng kiểm soát 3 nghiệp (ý, khẩu, thân) chặt chẽ, để không sa vào lưới mê xấu ác, lại hành thiện, và dốc lòng niệm Phật, tụng kinh để hồi hướng công đức và cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ giải thoát.

a) Ân Cha Mẹ và Ông Bà: Phật Giáo có 3 chữ Hiếu là Tiểu Hiếu, Trung Hiếu, và Đại Hiếu.

- Tiểu Hiếu: là điều cơ bản cần bàn nhiều nhất, trước khi nói đến cái Trung và Đại. Tiểu Hiếu là chăm nom, săn sóc ân cần với nét mặt hiền hòa; ở bên cạnh khi ông bà, cha mẹ đau ốm hoặc gặp chuyện buồn; nói lời dịu dàng, đàn hát, vẽ tranh, nấu món ăn chay cha mẹ thích, đọc sách có tính hướng thiện cho cha mẹ nghe, giúp cha mẹ làm việc thiện, đưa cha mẹ đến xem các nơi văn hóa, lịch sử, các cảnh thiên nhiên yên tịnh... tùy phương tiện mà chọn cách nào làm cho ông bà, cha mẹ vui lòng.

Vì có những người con, háo danh “hiếu thảo” hoặc do áp lực bên ngoài xã hội, tuy cũng tặng tiền, mua mang vật thực (dù đắt giá) đến cha mẹ, nhưng nói lời dằn xóc, to tiếng, trợn mắt, điệu bộ tức giận, khuôn mặt bất mãn... (vì bất cứ lý do nào), thì cũng tổn đức, vì không có Sự Kính Trọng và Tâm Từ Ái bên trong.

Lại có con không chăm sóc cha mẹ tận tình khi còn sống, đến khi cha mẹ mất thì rủ nhau góp tiền làm đám tang to, lễ lớn trong nhà chùa, nhà thờ... để lấy tiếng với thế gian. Còn việc thật lòng cần làm như tự thân ăn chay, tụng kinh, niệm Phật 49 ngày, ấn tống kinh Phật hữu ích (không in các nội dung mê tín, dị đoan), ăn ở ngay thẳng, làm việc thiện, giúp người xứng đáng... để hồi hướng công đức cho cha mẹ thì bỏ lơ. Cha mẹ thà có con nghèo mà hiếu thảo chân thật. Vạn Sự Do Tâm.

- Trung Hiếu: là người con biết hướng dẫn cha mẹ học Phật Pháp và khai mở trí huệ, Tâm Thiện và sự Chánh Trực tăng tiến, biết phải trái, hành xử có nhân cách, không phạm luật, giúp cuộc sống của cha mẹ và của mình bớt tai họa, được an nhàn, hiểu và làm những gì hợp với đạo lý của nhân sinh. Cha mẹ sáng suốt không tự mình làm hoặc chỉ bảo con cháu lạm dụng của công, không bị đứa con xấu nịnh hót mà gây ra sự bất công giữa các con, hoặc vì con mà làm tổn thương người đạo đức, chia rẻ hội đoàn, xã hội.

- Đại Hiếu: chính là người con (đã trưởng thành) biết tự sửa thân tâm hằng ngày, làm gương tốt cho con mình và gia đình noi theo bằng hành động cụ thể, chứ không nói suông. Xa hơn là không bỏ phí thì giờ tụ tập với bạn ác; ngoài kế sinh nhai, giải trí, luôn lo học hỏi Phật pháp, thăm hỏi và chăm sóc cha mẹ. Nhưng cao cả nhất là nỗ lực tu hành đắc đạo, có năng lực thần thông nhìn thấy cha mẹ đang ngụp lặn trong biển sanh tử, để có thể hóa thân tiếp độ cha mẹ thoát khỏi cảnh khổ, trở về nơi giác ngộ. Đó mới chính là Đại Hiếu mà nhà Phật muốn hướng đến...

Trái lại, tìm cách tẩm bổ cha mẹ bằng các loại thịt chúng sanh, các món sơn hào hải vị, đưa cha mẹ vào những chốn vui đê mê, không can ngăn cha mẹ làm điều gian dối, tự mình làm các việc sỉ nhục gia đình, hoặc cùng cha mẹ làm những điều tổn hại cho láng giềng, cộng đồng, xã hội, hoặc cùng cờ bạc, rượu thuốc, trai gái; cũng không ủng hộ cha mẹ giúp người, phóng sinh hoặc cứu vớt thú vật bị ngược đãi, làm cho cha mẹ mất hết công đức, nghiệp quả nặng nề, thì không còn là đạo hiếu nữa, mà là Đại Bất Hiếu.

Về phần cha mẹ, đôi khi có thói quen dễ dãi với người ngoài nhưng lại khó khăn với con cháu trong nhà. Nếu con của hàng xóm sơ ý làm rơi bể chén cơm, cha mẹ thường vui vẻ nói: “Không sao, để bác lấy chén khác.” Nhưng nếu con cháu mình thì sẽ nổi giận: “Sao vô ý vậy? Có chén cơm mà cầm không xong...” Lần sau, cha mẹ nên tập dằn lòng để khoan thứ với con cháu mình y như với con người ngoài, không luôn đòi hỏi con mình phải tài giỏi hơn. (Let go of your higher expectations on your own children sometimes).

b) Ân Thầy Cô và Bạn Hữu: Theo văn hóa Việt Nam, thầy cô mở rộng kiến thức cho ta lúc đầu, bằng cách dạy đọc dạy viết, dạy biết kính trọng lễ phép với ông bà, cha mẹ, thầy cô, và người lớn tuổi. Khi lớn hơn thì Thầy Cô dạy ta điều hay lẽ phải, thực hành Đạo Làm Người, để ta trở nên người con hiếu và công dân hữu dụng, không ăn bám cha mẹ và lợi dụng xã hội. Vì không biết Đạo Làm Người trước, thì không thể đi vào các đạo khác như Đạo Phật, Chúa, Hòa Hảo, Cao Đài... Bạn hữu tốt thì chỉ dẫn các sai trái của ta, vui mừng khi ta thành công, an ủi khi ta gặp nạn, khuyên ta tránh tà theo chánh, để cùng mạnh dạn làm những điều hay, lẽ phải, cho bản thân và xã hội. Dĩ nhiên, bạn chân chính, bạn hiền rất khó tìm trong thời tranh danh đoạt lợi này, nên nếu có, ta nhớ lưu giữ bạn.

c) Ân Quốc Gia Xã Hội: Được sống với nhân quyền, trong một quốc gia độc lập, có biên cương rõ rệt, có toàn vẹn lãnh thổ, không lệ thuộc ngoại bang bóc lột, lại được vui hưởng tự do, dân chủ là điều vạn phước, ta phải làm tròn bổn phận công dân mà đền đáp. Hãy nhìn nước Việt Nam sau năm 1975, dân đi đâu trong nước, phải xin phép; chỉ được khuyến khích theo đạo quốc doanh của nhà nước Hà Nội có Đảng tài trợ, còn các chùa và nhà thờ độc lập khác bị ngăn cấm lui tới nên ít tín đồ, thiếu thốn vật chất lẫn tự do tôn giáo... Mỗi khi có việc cần xin chứng nhận giấy tờ, dân phải quy lụy, nịnh nọt, hoặc hối lộ nhân viên phường khóm và công an VC địa phương. Ra đường lỡ vượt đèn đỏ thì phải lo móc túi lấy tiền ra đưa công an giao thông trước, theo đúng thủ tục “đầu tiên” tức “tiền đâu?”... Vậy đừng cho “đương nhiên là tôi được hưởng tự do, dân chủ ở xứ sở nầy”. Hãy có lòng mang ơn. Và trả ơn quốc gia xã hội (nơi mình được sinh sống tự do) bằng cách học hành và làm việc siêng năng, lo đóng thuế, không lấy của công, giữ sạch các nơi công cộng, giúp đỡ người kém may mắn, tôn trọng mọi người thuộc mọi ngành nghề, vì mỗi người một khả năng phục vụ, không bợ đỡ người có bằng cấp mà khinh thường người lao động tay chân. Nếu không có người làm vệ sinh văn phòng hay đổ rác thì làm sao ta có chỗ sạch để dùng, nhà sạch để ở...?

d) Ân Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng): Nhớ ơn Đức Phật Thích Ca tuy đã thành Phật nhưng chịu khổ nhọc, tự nguyện hạ sinh vào đời ác trược nầy để dạy bảo và cứu độ chúng ta. Là vị Bổn Sư, đi bộ mỏi gối chồn chân, giảng pháp suốt 49 năm ở Ấn Độ, mà ngày nay ta mới có giáo lý Phật Pháp để biết tam độc là Tham, Sân, Si và các hậu quả xấu để tránh. Nhờ Đức Bổn Sư mà ta biết Luật Nhân Quả thông qua 3 đời (quá khứ, hiện tại, và vị lai) để siêng tu học, thực hành, tự cứu mình và cứu người ra khỏi biển luân hồi sinh tử đã từ ngàn kiếp... Nhớ ơn các vị Tăng Ni đạo hạnh đã giữ gìn giới luật, duy trì, và truyền trao giới pháp Phật đến ngày nay cho ta biết mà tỉnh ngộ.

2. Lời Phật Dạy: Phật Thích Ca có khuyên ta nên phát tâm cúng dường y phục, vật thực cần thiết và vừa đủ đến các tăng ni, nhưng không cung cấp những gì xa xỉ hoặc quy lụy thái quá, vì sẽ tha hóa tăng ni và làm hại chính mình lẫn đạo pháp.

Có ba cách khác cũng nên làm để đền đáp Ân Tam Bảo là: Bố Thí, Vô Úy Thí, và Pháp Thí. Bố Thí là giúp đỡ tiền bạc vật chất cho người. Vô Úy Thí là giúp người bớt sợ hoặc hết lo sợ; như lỡ làm gì trái luật và đang lo thì có người biết luật đến giải thích và chỉ dẫn ta phải làm gì cho đúng, nên ta hết lo sợ. Nhưng Pháp Thí là hình thức cao nhất: ấn tống kinh Phật hữu ích, truyền bá Phật pháp, nhờ thiện tri thức viết bài, giảng pháp Phật cho người hiểu và hành, để họ dần dần ra khỏi bóng tối và đi vào ánh sáng của cuộc đời. Từ đó, họ sẽ cảnh tỉnh những người khác... Cứ vậy luân chuyển như dòng nước ngược mà lại khéo trôi, tuy khó nhưng vẫn cố, vì TU tức là SỬA, là can đảm quay lại, đi ngược với thói quen dễ dãi cũ, và dứt bỏ những điều giả dối, những việc làm xấu ác trong quá khứ.

Hằng ngày, ta phải siêng năng, tu sửa, kiểm soát chặt chẽ từ ý nghĩ, lời nói, cho đến hành động, trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc, mọi nơi. Nhiều người chỉ tu với Phật, chỉ tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền, nhưng đối với gia đình, bạn bè, hàng xóm, cộng sự viên, xã hội, thì dùng thủ đoạn, tranh giành cướp đoạt. Tu như vậy là sai lời Phật dạy. Mục đích chúng ta thờ lạy Phật, là để bày tỏ lòng tôn kính, biết ơn, bắt chước theo Ngài, hầu chuyển hoá nỗi khổ, niềm đau, bằng tình thương và hiểu biết, bằng công lý và sự thật; không thể để Lẽ Phải bị nhận chìm mà không rút ra được một bài học kinh nghiệm cho tương lai, và ngăn ngừa sự tái diễn sai lầm cho người khác về sau.

Trong gia đình, ông bà, cha mẹ phải dùng chính thân mình dạy dỗ con cháu, bằng cách nêu gương đạo đức. Như nước đồng nung chảy rót vào khuôn, khuôn ngay thì ra hình ngay, khuôn méo thì ra hình méo. Nhiều cha mẹ chỉ nuôi mà không dạy, chỉ nói mà không thực hành Điều Ngay Thẳng, Việc Trung Thực... để làm gương dạy con. Nên nhiều con em có tài nhưng ngông cuồng, tự cao, tự mãn, ích kỷ, bồng bột, khinh người. Con em không có thiên tư thì hỗn hào và ương ngạnh. Vì lúc nhỏ đã không uốn nắn con em vào khuôn phép, như nước đồng sôi đổ vào khuôn hỏng thì tất nhiên phải ra đồ hư. Đó là lỗi cha mẹ trước.

Con nhỏ vừa biết nói thì cha mẹ phải dạy niệm danh hiệu Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát, để những gì xấu ác trong đời trước của con, nay nhờ thiện lực niệm Phật này mà giảm trừ tai họa ngay khi chưa phát sinh, bớt bệnh tật, hoặc tăng thêm phước đức.. Con vừa hơi lớn thì dạy thưa chào lễ phép, dọn dẹp các thứ ngăn nắp, không phá hoại đồ dùng trong nhà, xé sách vở, sát hại sinh vật nhỏ, phóng sanh... thì khi lớn không thể trở nên vô lễ, lười biếng, gian ác, khiến cha mẹ phải nhục lây. Khi con lớn, nên hướng nghiệp cho con kèm thêm sinh hoạt vui chơi lành mạnh, dạy thêm lễ nghĩa với họ hàng, người ngoài, và phát nguyện vãng sanh Tịnh Độ. Nếu con ỷ mạnh ức hiếp người yếu, phung phí tài sản, hoặc vi phạm luật lệ gia đình, thì phải trách phạt, quyết không bỏ qua. Lại dạy con vun bồi phước đức, không chỉ lo tích giữ tiền của. Ngược lại, nếu cha mẹ hay tranh cãi, không nhường nhịn nhau; con cái không vâng lời, ai cũng luôn cho mình là đúng, không ai nhận mình có lỗi và biết xin lỗi, sẽ dẫn đến bất an, mất hạnh phúc trong nhà. Thiên đường bỗng chốc hóa thành địa ngục.

Các sách thánh hiền như Cảm Ứng Thiên cũng dạy: Thứ nhất là phải làm người tốt, thấy người hiền tài thì không ganh tỵ, mà mong học hỏi họ về nhân cách và đạo đức; thấy kẻ chẳng hiền thì trong lòng phải cẩn thận, lo tự cảnh tỉnh, đừng hùa theo. Thứ hai là phải biết Nhân Quả Báo Ứng, nhất cử nhất động, đều ghi nhận trong Tạng Thức thứ 8, để sẽ nhận lấy nghiệp quả về sau, nên đừng mặc tình khoái ý mà làm... Phải nghĩ việc này có lợi ích chân chánh đối với ta, với người thân, người ngoài, cho đoàn thể, xã hội hay chăng? Chẳng những làm việc gì cũng như vậy mà khi khởi tâm động niệm cũng phải chú ý. Khởi tâm Lành ắt có công đức, khởi tâm Xấu ắt mắc tội lỗi. Sẽ không tránh khỏi.

Kinh Phật lại dạy: Này các thiện nam tín nữ, khi nghe một điều gì, các vị phải quán sát, suy tư và thể nghiệm, chỉ khi nào, sau khi kiểm nghiệm, quý vị thực sự nhận thấy: “Lời dạy này tốt lành, đạo đức, hướng thiện, chói sáng, và được người trí tuệ tán thán... thì hãy thực hành theo.” Đức Phật dạy tiếp: Này các thiện nam tín nữ, đúng vậy. Vì khi họ không còn lòng tham, lòng sân, lòng si, lòng hung hăng... chi phối, chinh phục, họ sẽ không khởi lên ý nghĩ hay hành động bức hại sinh linh, lấy của không cho, quan hệ tình cảm bất chính, nói láo, che tội, uống rượu, cũng như họ không còn khích lệ người khác làm những điều xấu ác trên. Như Lai tuyên bố sự xa rời ấy, giúp con người sống hạnh phúc, an lạc lâu dài.

* * *

Kết Luận: Theo bài viết - Gia đình muốn hưng thịnh, phải có gia quy - thì nếu con em có tài năng, mà được giáo hóa sẽ dễ trở thành người chánh trực; nếu không khéo giáo hóa, đa phần sẽ thành hạng bại hoại. Ngày nay, dân khổ, nhiều nước gian nan, chao đảo, đều là do những kẻ có tài năng nhưng không được khéo dạy từ trong gia đình, khiến mầm họa bị ươm từ từ. Người không có tài, cần phải dạy họ thành thực; với người có tài, càng phải dạy họ thực hành chân thực. Lại nữa, khi sống trong Đạo cũng thường bị thử thách và gặp nhiều cảnh khó khăn. Nên Phật dạy nơi nào có Phật Pháp, dù đói rét cũng phải theo Thầy đạo hạnh mà tu học hoặc giữ lấy nề nếp mà sống thanh bần. Còn nơi rộng lớn có vật chất dư thừa mà thiếu đạo đức, hoặc không được học Phật Pháp, thì nên bỏ đi ngay. Cho nên, nói mặc áo nhẫn nhục chịu khổ là mặc áo Như Lai. Người được như vậy là người chiến thắng bản thân mình. Thắng được vạn quân không bằng thắng chính mình. Tức là vì muốn hướng thiện, cha mẹ và con cháu khuyên nhau tự tu, tự sửa những cái xấu, cái chưa tốt của mình, hằng ngày, hằng giờ: Quyết thắng chính mình là hay nhất.

Lễ Vu Lan, Ngày Lễ Cha Mẹ của người Việt, Tháng 8/2015.

GS Trần Thủy Tiên, M.S. in Counseling & Guidance

............

Tài Liệu Tham Khảo:

http://giacngo.vn/phathoc/triethoc/2013/08/12/1E4408/

http://www.diendanphatphaponline.com

http://www.thuvienhoasen.org

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi nghe nhiều người tỏ ý bi quan về hiện cảnh cũng như tương lai (đen tối) của Việt Nam. Dân tộc nào, số phận đó. Một đất nước có những người viết sử và làm luật (cỡ) như ông Dương Trung Quốc thì… đen là phải!
Việt Nam bước vào năm Giáp Thìn 2024 với gánh nặng tham nhũng và một đội ngũ “không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức lối sống. Đó là cảnh báo của người đứng đầu đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc phỏng vấn đầu năm của Thông Tấn Xã Việt Nam...
Từ thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, Triết gia Mạnh Tử (372-289 BC) của Trung Hoa đã nói rằng, “Dân là quý, thứ đến đất nước, rồi tới vua.” Điều đáng nói là Mạnh Tử là người đi theo học thuyết của Nho Gia vốn chủ trương vua là con ông Trời (Thiên tử) được sai xuống nhân gian để trị quốc an dân, vậy mà cũng không thể phủ nhận vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là tối quan trọng của người dân. Thời hiện đại, công pháp quốc tế đã nêu ba yếu tố chính hình thành một quốc gia: người dân, lãnh thổ và chính quyền. Trong đó, thật ra người dân chính là yếu tố then chốt quyết định. Lãnh thổ nếu không có dân ở, không có người quản trị thì không phải là đất nước của một dân tộc. Chính quyền từ người dân mà ra, bởi vì trước khi một người ra nắm quyền cai trị đất nước thì người đó phải là một người dân của đất nước ấy. Hơn nữa, sự thịnh suy của một quốc gia nằm trong tay người dân.
“Phản động lực” mà người Đài Loan thể hiện trong cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi khiến tôi, sau những suy nghĩ miên man về chuyện nước non, lại quay về với bài học yêu nước của thời tiểu học với câu hỏi khó, khiến nhiều học trò gác bút: “Em hãy tìm từ phản nghĩa với ‘tôn đại’.” Trung Quốc càng hung hăng đe dọa bao nhiêu, Đài Loan càng quật cường ngạo nghễ bấy nhiêu. Mà nếu Bắc Kinh ngu ngơ hay vờ vịt không biết gì đến định luật này thì, thầy nào tớ đó, Hà Nội cũng mù tịt hay giả bộ tương tự. Họặc mù tịt như thể đã hoàn toàn miễn dịch trước luật này; hoặc đóng kịch như thể không hề sống trong không gian ba chiều bình thường mà là một môi trường nào đó thiêu thiếu, cơ hồ chỉ… hai chiều rưỡi.
Tôi sinh trưởng ở Đà Lạt (Thành Phố Ngàn Hoa) nên sự hiểu biết về hoa lá cũng không đến nỗi tồi. Thế mà mãi tới bữa rồi, nhờ xem trang Trăm Hoa, mới được biết thêm về một loài hoa nữa – hoa ban: “Mùa hoa nở là lúc các cặp đôi nô nức đến thăm Tây Bắc. Hoa ban trắng tượng trưng cho tình yêu chung thủy và sự chân thành, dù tình yêu có gặp nhiều trắc trở, khó khăn thì cũng tự tin vượt qua và sẵn sàng đi đến bến bờ hạnh phúc. Các cặp đôi yêu nhau thường thề nguyện dưới gốc cây hoa ban như một minh chứng cho tình yêu thủy chung, bền chặt.”
Nhìn vào sự xuất hiện, sinh trưởng và tồn tại của chế độ cộng sản ở Việt Nam, chúng ta không thể phủ nhận đã có sự tương đồng với những thông tin tóm lược vừa nói về bệnh ung thư của con người...
Tôi tình cờ nhìn thấy hình Nguyễn Thúy Hạnh đang lơn tơn đẩy một cái xe cút kít đầy ắp bưởi (trên trang RFA) trong một cuộc phỏng vấn do Tuấn Khanh thực hiện, vào hôm 19 tháng Giêng năm 2021. Bên dưới tấm ảnh này không có lời ghi chú nào về thời điểm bấm máy nên tôi đoán có lẽ đây là lúc mà cô em đang hớn hở đến thăm vườn bưởi của họ Trịnh (ở Hòa Bình) vào “thuở trời đất (chưa) nổi cơn gió bụi”!
Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đang phải đối mặt với cuộc tranh chấp nội bộ trong kế hoạch tìm người kế nhiệm lãnh đạo khóa đảng XIV, nhiệm kỳ 2026-31. Những tranh chấp này được giữ kín để tránh hoang mang nội bộ. Chúng bộc phát ngay tại các Đại hội đảng địa phương và các ban đảng từ tháng 10 năm 2023...
Cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 8 tại Đài Loan đã được tổ chức vào ngày 13/1 với kết quả là ông Lại Thành Đức Phó chủ tịch Đảng Dân tiến (Democratic Progressive Party, DPP) thắng cử...
Chúng ta đang làm nhân chứng cho một cuộc bầu cử kỳ quặc và đa sự chưa từng xảy ra trong lịch sử đầu phiếu ở Hoa Kỳ. Có thể nói, không chỉ lịch sử, mà rộng lớn hơn, chính là "sự cố" văn hóa chưa từng thấy. Bước vào năm 2024, sự tranh đua giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ càng gay go, khốc liệt với âm mưu, độc kế, thủ đoạn, ám toán, bôi nhọ, mánh mung, để xem ai sẽ là chủ nhân của ngôi Nhà Trắng trong bốn năm tới. Tất cả những ý nghĩ, hành vi đó đều gôm vào chính sách, chiến lược và chiến thuật vận động bầu cử. Bạn đọc sẽ có dịp theo dõi các thầy bàn người Mỹ và thầy bàn người Việt (trong và ngoài nước) phong phú hóa, hư cấu hóa, ảo tưởng hóa về việc bầu cử, tạo ra câu chuyện nửa thực, nửa hư, thú vị, bất ngờ với giận dữ và thất vọng, sung sướng và buồn bã, rung đùi và cụng ly, nguyền rủa và chửi bới, vân vân. Thông thường những luận lý, âm mưu, phê phán, dự đoán đó… được mổ xẻ qua kiến thức và kinh nghiệm tây phương, nơi có hàng ngàn sách vở nghiên cứu chính trường, chính đạo,
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.