Hôm nay,  

Đọc ‘Đường Ta Đi, Một Đoạn Đời Binh Lửa’ Của Nguyễn Lê Minh

09/06/201519:16:00(Xem: 8447)

Nguyen Ngoc BaoThư Mời ra mắt tác phẩm “Đường Ta Đi, Một Đoạn Đời Binh Lửa.”


Chiều thứ Bẩy 13 tháng 6 năm 2015, Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y sẽ tổ chức buổi ra mắt tập thơ “Đường Ta Đi, Một Đoạn Đời Binh Lửa” của Nguyễn Lê Minh trong khoảng thời gian từ 1 giờ 30 đến 4 giờ 30 tại Hội trường VNCR, 14861 Moran St, Westminster, CA 92683. Tác giả vốn là y sĩ trưởng của một lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến trong chiến tranh Việt Nam trước 1975. Hầu hết những bài trong tập thơ được viết trong giai đoạn 1972-1973, ghi lại những hình ảnh tác giả chứng kiến và tâm trạng của ông khi tham gia các trận chiến khốc liệt lúc bấy giờ.


***
Hơn một năm về trước, anh Nguyễn Lê Minh gửi tôi bản thảo Đường Ta Đi, Một Thời Binh Lửa. Hôm ấy là ngày cuối tuần đúng thời khắc đến thăm hai cụ thân sinh, nên tôi cầm tập thơ theo để đọc trong lúc ở nhà ông bà. Khi tôi đến, mẹ tôi nhờ tôi lái xe đưa bà đi vài nơi. Tôi để tập thơ lên bàn trong phòng ăn rồi cùng bà ra đi.
Khoảng đôi ba giờ sau hai mẹ con trở về. Tôi vừa ngồi xuống ghế thì bố tôi chống gậy từ phòng trong ra trao cho tôi tập thơ và bảo:
- Thơ của ai hay quá!
- Thưa, của anh Minh, gần nhà mình trong cư xá.
Gia đình anh và gia đình tôi cùng ở trong cư xá Sĩ Quan Chí Hòa, Sài Gòn, sau đổi tên thành cư xá Bắc Hải, từ năm 1957 đến tháng Tư năm 1975.
- Thơ hay lắm! Bố tôi lập lại.
Bố tôi là người của thế hệ yêu thi ca thế kỷ 19, Kiều của Nguyễn Du, Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm, và những bài Đường Thi của Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan. Ông vốn không có cảm tình ngay cả với dòng thơ gọi là Thơ Mới, xuất hiện vào thập niên 30 của thế kỷ trước. Vì vậy, tôi có đôi chút ngạc nhiên khi cụ khen Đường Ta Đi, lời tuy vắn tắt nhưng giọng mang âm hưởng trầm trồ.
Khi đọc tập thơ, tôi hiểu vì sao bố tôi dành những lời nồng hậu cho Đường Ta Đi. Một phần vì ông từng là chiến binh trong một tiểu đoàn khinh chiến thuộc quân đội Quốc Gia, đã tham gia nhiều mặt trận ác liệt tại miền Bắc từ năm 1951 đến ngày đất nước bị chia đôi năm 1954, và một phần vì thơ Nguyễn Lê Minh hay thật.
Với tôi, Đường Ta Đi là tập thơ đủ và thật nhất về cuộc chiến Việt Nam so với những thi phẩm cùng đề tài tôi từng đọc. Thơ có hình ảnh khốc liệt của quân tràn lên lớp lớp, điêu tàn tiếp điêu tàn, bên địch xác chết nằm đầy đồng, bên ta tử sĩ tiếp tử sĩ.
Thơ cũng có âm thanh của muôn quân reo hò, của cõi sống bom rơi đạn nổ, của ngột ngạt tiếng máy 25, của phành phạch những mái tôn rách nát, của tiếng rú từ những cột kèo gẫy gục, tiếng thương binh rên xiết trên chiến địa, và tiếng gió vờn quanh những gói poncho bọc xác người.
Không giống những bài thơ khác viết về chiến tranh, Đường Ta Đi dành một phần đáng kể để ghi lại thảm trạng của người dân lành cuống cuồng, vật vã giữa hai lằn đạn. Biết bao người dân, già có trẻ có, nam có nữ có, đã tức tưởi nằm xuống; biết bao gia đình đã xẩy đàn tan nghé vì chiến tranh. Những tang thương, mất mát này đã làm dấy lên trong lòng tác giả nỗi bất mãn, hoài nghi, và cả điên cuồng giận dữ trước bất lực của mình. Thấp thoáng trong những câu thơ của Nguyễn Lê Minh, tôi cảm nhận được tấm lòng của Đỗ Phủ và Nguyễn Du, hai nhà thơ được đời sau xem là có mối đồng cảm sâu sắc với người dân lầm than, cơ cực trong xã hội bất công thời của họ.
Thơ trong Đường Ta Đi cũng bộc lộ tâm trạng người lính dãi dầu qua lửa đạn, những khắc khoải, xót xa; những âu lo, trăn trở. Nhưng đẹp thay, thơ cũng có diện mạo người lính trẻ miền Nam hồn nhiên đánh giặc, hồn nhiên giữ nước, và có tình chiến hữu đậm đà, thứ tình khiến tác giả thêm vững chân khi bước trên những con đường hiểm nguy đầy gian khổ, bởi anh tin chắc rằng:
Bước ta đi trên đoạn đời máu lửa
Trượt ngã bao lần đã có những bàn tay
Đường Ta Đi cũng thể hiện tính nhân bản của người lính miền Nam mà tác giả là tiêu biểu. Qua câu thơ “Búa Liềm còn khát máu người,” Nguyễn Lê Minh hiểu rất rõ bản chất Cộng Sản và nguyên nhân của cuộc chiến. Tuy nhiên, với anh, những người nằm xuống, dù ở phía bên nào, cũng đều là những anh hùng. Họ cầm súng lao vào nhau chỉ vì “bước rẽ sai lầm của vài lãnh tụ,” và bị thúc đẩy bởi “những gọng kềm chủ nghĩa ngoại bang.”
Cổ Thành ơi! cho tôi cúi đầu kính phục
Những Chiến Sĩ Vô Danh
Dù tử thủ, dù tấn công
Dù thành công hay thất bại
Dù đã chết, thành thánh thần hay ma dại
Hay vẫn còn mưa nắng, hố hầm
Trong tim tôi các anh là những anh hùng
Dù đứng ở hai bờ đấu tranh Vàng Đỏ
Tuy nhiên, Đường Ta Đi không có hình ảnh những lá cờ phất cao và âm vang tiếng kèn đồng mừng chiến thắng, dù rằng các anh, những người lính Thủy Quân Lục Chiến, đã chiếm lại Cổ Thành Quảng Trị sau hơn hai tháng trời quần thảo với lực lượng cố thủ của địch trong Mùa Hè Đỏ Lửa. Có lẽ, đối với tác giả, không có kẻ thắng ở bất kỳ mặt trận nào trong cuộc chiến tang thương này, như ông Léon Blum, một chính khách của Pháp vào thập niên 40 thế kỷ trước, đã nhận định “Với kết cục của một cuộc nội chiến dai dẳng và bi thảm, chiến thắng cũng đồng nghĩa với thất bại.”


Về phương diện nghệ thuật, từ cổ đến kim, bản chất của thơ là trữ tình. Xét về khía cạnh này, có thể nói Đường Ta Đi là tập thơ sắc mầu đa dạng. Dòng thơ gói ghém tâm trạng tác giả qua đủ các thể trữ tình mà các nhà phê bình thường phân loại và được ông Nguyễn Hưng Quốc nhắc đến trong tác phẩm “Nghĩ Về Thơ” của ông. Nào là trữ tình công dân với những vấn đề liên quan đến Tổ Quốc, nào là trữ tình thế sự với những vấn đề trong phạm vi xã hội, nào là trữ tình cá nhân khi tác giả đối diện với bản thân, và nào là trữ tình siêu hình khi tác giả trăn trở về số phận mình.
Theo thiển ý, giá trị nổi bật của Đường Ta Đi là mức độ lan truyền cảm xúc từ tác giả đến người đọc qua những câu thơ. Tôi đã cảm thấy rợn da khi đọc “Những Giây Phút Linh Thiêng Đời Lính,” bài thơ thuật cảnh một cuộc địa pháo của địch mà tác giả so sánh với trò chơi đáo lỗ của trẻ con. Cũng từng là một người lính trên chiến trường, tôi thấy lại hình ảnh mình đang rúm người trong một chiếc hố cá nhân với tiếng đạn xé gió, tiếng nổ bên tai, và tiếng ai đó đang hát thầm thì bài đồng dao của một trò chơi mới.
Ai dữ, ai hiền
Ai vinh, ai nhục
Ai tục, ai tiên
Ai hùng, ai nhát
Ai dại, ai khôn
Hãy im, hãy im
Ngồi yên trong hố
Nghe tiếng pháo đi
Chờ viên đạn nổ…
Qua Đường Ta Đi, người đọc sẽ có cơ hội trải qua những cảm xúc với cường độ không kém trong nhiều câu thơ khác.
Tôi khá ngạc nhiên khi nhận thấy Đường Ta Đi không có chỗ cho những phút giây mơ mộng lãng mạn, và cũng không có hình ảnh của một người nữ thuộc loại em gái hậu phương, dù là trong tâm tưởng tác giả, điều hầu như đã trở thành ước lệ cho dòng thơ chiến tranh. Đúng vậy, đọc Đường Ta Đi, độc giả không hề bắt gặp những câu trữ tình nhẹ nhàng kiểu Quang Dũng như “thoáng hiện em về trong đáy cốc” hay ngổ ngáo kiểu Nguyễn Bắc Sơn “lúc này đây ta không thèm đánh giặc, thèm uống chai bia thèm châm điếu thuốc, thèm ngọt ngào giọng hát em chim xanh”, hai nhà thơ nổi tiếng của dòng thơ chiến tranh. Theo thiển ý, sự thiếu thốn này khiến Đường Ta Đi trở nên trung thực đối với một cuộc chiến tàn khốc, đầy máu và nước mắt.
Có thể nói trong thơ Nguyễn Lê Minh chỉ có một người nữ duy nhất là mẹ anh. Hình ảnh bà trong tâm tưởng, những kỷ niệm với bà (ta thấy ta 25 năm trước, trong thúng mẹ lủng lẳng tản cư, thằng bé chỉ chỏ miệng bi bô “khói bụi”), lời bà dậy (lời mẹ dạy, điệu ru cò lả), những bức thư bà gửi anh (thư đã đầy túi nặng), những đối thoại loại thần giao cách cảm với bà (mẹ ơi, con của mẹ cha, ngờ đâu có lúc phải qua cầu này), và tiếng kinh cầu an bà tụng hằng đêm cho anh (mẹ mấy lần lo mê, bao đêm dài lệ ứa, bao câu kinh thầm thì) là niềm an ủi lớn lao, là động lực mãnh liệt giúp anh đi trọn Đoạn Đời Binh Lửa mà định mệnh đã dành sẵn. Trong dòng thơ viết về cuộc chiến Việt Nam, có lẽ không người lính nào nhắc đến mẹ nhiều như Nguyễn Lê Minh. Đó là điểm đặc biệt, và đầy giá trị nhân bản của Đường Ta Đi. Chiến tranh: thật khắc nghiệt! Người lính Việt Nam: thật can đảm! Bà Mẹ Việt Nam: thật tuyệt vời!
Về mặt hình thức, những bài thơ trong Đường Ta Đi được viết bằng nhiều thể loại, có thơ tự do, có thơ bốn chữ, năm chữ, sáu chữ, bẩy chữ, và có cả lục bát lẫn song thất lục bát. Tuy cụ Nguyễn Du bảo “linh văn bất tại ngôn ngữ khoa” (văn thiêng không phải nhờ ở khoa ngôn ngữ) nhưng theo tôi, thơ có thể dễ dàng mang lại cảm xúc cho người đọc nếu tác giả xử dụng thể loại thích hợp cho hình tượng và tâm trạng gửi gấm trong thơ. Nguyễn Lê Minh quả đã khéo tay trong lãnh vực này. Tính đa dạng của các thể loại thơ đã làm phong phú thêm cho sắc mầu chinh chiến của Đường Ta Đi.
Tôi tin rằng Đường Ta Đi sẽ được đón nhận nồng nhiệt bởi cả những người đã từng là lính trong chiến tranh Việt Nam lẫn các bạn trẻ hôm nay. Đường Ta Đi có đủ độ truyền cảm để làm hụt mất vài nhịp trong tim người lính cũ và khiến tâm hồn họ bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm, những khuôn mặt thân thiết đã cùng nhau sớt chia bao gian khổ trên chiến trường. Thơ cũng đủ tính thuyết phục để người trẻ hôm nay, và những thế hệ mai sau, có cái nhìn chính xác hơn về cuộc chiến Việt Nam.
Phương Đông có câu “Người đàn ông có ích cho đời là người đã trồng một cái cây, có một đứa con, và để lại một quyển sách.” Xin chúc mừng tác giả Nguyễn Lê Minh. Trong cuộc đời, anh đã từng trồng hàng trăm cây, có ba người con, và viết biết bao bài thơ. Các con anh đã “thành nhân” và thơ anh rồi hôm nay “thành… sách.”
Một quyển sách xứng đáng đặt ở nơi trang trọng trong tủ sách gia đình mỗi người, đặc biệt là những người yêu thơ, và mãi nặng lòng với đất nước, như anh.

Nguyễn Ngọc Bảo

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Từ thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, Triết gia Mạnh Tử (372-289 BC) của Trung Hoa đã nói rằng, “Dân là quý, thứ đến đất nước, rồi tới vua.” Điều đáng nói là Mạnh Tử là người đi theo học thuyết của Nho Gia vốn chủ trương vua là con ông Trời (Thiên tử) được sai xuống nhân gian để trị quốc an dân, vậy mà cũng không thể phủ nhận vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là tối quan trọng của người dân. Thời hiện đại, công pháp quốc tế đã nêu ba yếu tố chính hình thành một quốc gia: người dân, lãnh thổ và chính quyền. Trong đó, thật ra người dân chính là yếu tố then chốt quyết định. Lãnh thổ nếu không có dân ở, không có người quản trị thì không phải là đất nước của một dân tộc. Chính quyền từ người dân mà ra, bởi vì trước khi một người ra nắm quyền cai trị đất nước thì người đó phải là một người dân của đất nước ấy. Hơn nữa, sự thịnh suy của một quốc gia nằm trong tay người dân.
“Phản động lực” mà người Đài Loan thể hiện trong cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi khiến tôi, sau những suy nghĩ miên man về chuyện nước non, lại quay về với bài học yêu nước của thời tiểu học với câu hỏi khó, khiến nhiều học trò gác bút: “Em hãy tìm từ phản nghĩa với ‘tôn đại’.” Trung Quốc càng hung hăng đe dọa bao nhiêu, Đài Loan càng quật cường ngạo nghễ bấy nhiêu. Mà nếu Bắc Kinh ngu ngơ hay vờ vịt không biết gì đến định luật này thì, thầy nào tớ đó, Hà Nội cũng mù tịt hay giả bộ tương tự. Họặc mù tịt như thể đã hoàn toàn miễn dịch trước luật này; hoặc đóng kịch như thể không hề sống trong không gian ba chiều bình thường mà là một môi trường nào đó thiêu thiếu, cơ hồ chỉ… hai chiều rưỡi.
Tôi sinh trưởng ở Đà Lạt (Thành Phố Ngàn Hoa) nên sự hiểu biết về hoa lá cũng không đến nỗi tồi. Thế mà mãi tới bữa rồi, nhờ xem trang Trăm Hoa, mới được biết thêm về một loài hoa nữa – hoa ban: “Mùa hoa nở là lúc các cặp đôi nô nức đến thăm Tây Bắc. Hoa ban trắng tượng trưng cho tình yêu chung thủy và sự chân thành, dù tình yêu có gặp nhiều trắc trở, khó khăn thì cũng tự tin vượt qua và sẵn sàng đi đến bến bờ hạnh phúc. Các cặp đôi yêu nhau thường thề nguyện dưới gốc cây hoa ban như một minh chứng cho tình yêu thủy chung, bền chặt.”
Nhìn vào sự xuất hiện, sinh trưởng và tồn tại của chế độ cộng sản ở Việt Nam, chúng ta không thể phủ nhận đã có sự tương đồng với những thông tin tóm lược vừa nói về bệnh ung thư của con người...
Tôi tình cờ nhìn thấy hình Nguyễn Thúy Hạnh đang lơn tơn đẩy một cái xe cút kít đầy ắp bưởi (trên trang RFA) trong một cuộc phỏng vấn do Tuấn Khanh thực hiện, vào hôm 19 tháng Giêng năm 2021. Bên dưới tấm ảnh này không có lời ghi chú nào về thời điểm bấm máy nên tôi đoán có lẽ đây là lúc mà cô em đang hớn hở đến thăm vườn bưởi của họ Trịnh (ở Hòa Bình) vào “thuở trời đất (chưa) nổi cơn gió bụi”!
Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đang phải đối mặt với cuộc tranh chấp nội bộ trong kế hoạch tìm người kế nhiệm lãnh đạo khóa đảng XIV, nhiệm kỳ 2026-31. Những tranh chấp này được giữ kín để tránh hoang mang nội bộ. Chúng bộc phát ngay tại các Đại hội đảng địa phương và các ban đảng từ tháng 10 năm 2023...
Cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 8 tại Đài Loan đã được tổ chức vào ngày 13/1 với kết quả là ông Lại Thành Đức Phó chủ tịch Đảng Dân tiến (Democratic Progressive Party, DPP) thắng cử...
Chúng ta đang làm nhân chứng cho một cuộc bầu cử kỳ quặc và đa sự chưa từng xảy ra trong lịch sử đầu phiếu ở Hoa Kỳ. Có thể nói, không chỉ lịch sử, mà rộng lớn hơn, chính là "sự cố" văn hóa chưa từng thấy. Bước vào năm 2024, sự tranh đua giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ càng gay go, khốc liệt với âm mưu, độc kế, thủ đoạn, ám toán, bôi nhọ, mánh mung, để xem ai sẽ là chủ nhân của ngôi Nhà Trắng trong bốn năm tới. Tất cả những ý nghĩ, hành vi đó đều gôm vào chính sách, chiến lược và chiến thuật vận động bầu cử. Bạn đọc sẽ có dịp theo dõi các thầy bàn người Mỹ và thầy bàn người Việt (trong và ngoài nước) phong phú hóa, hư cấu hóa, ảo tưởng hóa về việc bầu cử, tạo ra câu chuyện nửa thực, nửa hư, thú vị, bất ngờ với giận dữ và thất vọng, sung sướng và buồn bã, rung đùi và cụng ly, nguyền rủa và chửi bới, vân vân. Thông thường những luận lý, âm mưu, phê phán, dự đoán đó… được mổ xẻ qua kiến thức và kinh nghiệm tây phương, nơi có hàng ngàn sách vở nghiên cứu chính trường, chính đạo,
Chúng ta đang bước vào năm bầu cử. Năm 2024 sẽ có một cuộc bầu cử có tính quyết liệt, vì các lựa chọn chắc chắn sẽ gây tranh cãi trong nội bộ cộng đồng gốc Việt, trong các gia đình người Việt, giữa các lựa chọn về cấp tiến và bảo thủ, giữa các thế hệ trẻ và già ở hải ngoại. Và chắc chắn là bầu cử tháng 11/2024 tại Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng tới cuộc chiến Trung Đông, cuộc chiến ở Ukraine, và ở cả Đài Loan. Tác động như thế nào, chúng ta khó đo lường hết tất cả các ảnh hưởng. Trong đó, một tác động lớn là từ tin giả, nói kiểu Mỹ là Fake News, tức là tin không thật.
Tôi rất thích khoa nhân chủng nhưng không có cơ may đến trường để được truyền thụ một cách bài bản về ngành học thú vị này. Hoàn cảnh sống, nói nào ngay, cũng không mấy thích hợp cho nhu cầu tự học. Suốt ngày (và suốt đời) tôi chỉ loanh quanh hàng quán nơi mà những kẻ hay lê la thường nói rất nhiều, dù sự hiểu biết của họ vốn không được bao nhiêu. Ngoài giới hạn về kiến thức, mấy ông bạn đồng ẩm còn có cái tật rất hay tranh cãi (và luôn cãi chầy cãi cối) nên mọi thông tin, từ bàn nhậu, đều không được khả xác hay khả tín gì cho lắm.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.