Hôm nay,  

Con Người & Chiếc Bóng của Thanh Niên Ngô Vương Toại

09/04/201400:00:00(Xem: 4154)

Con Người & “Chiếc Bóng” của Thanh-Niên Ngô-Vương-Toại



Ta như nước dâng, dâng tràn có bao giờ tàn

Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang….”


Anh cầm loa phóng thanh bắt nhịp cùng khoảng chục đồng bào cất cao tiếng hát “VN Quê Hương Ngạo Nghễ” và “Việt Nam! Việt Nam” để cùng tác động tinh thần sau buổi biểu tình phản đối đài truyền hình Public Television WETA’s đã phát hình những chương trình tài liệu lệch lạc về chiến tranh VN, có lợi cho chế độ Việt Cộng. Lúc đó vào khoảng năm 1982, tôi mới đổi về vùng Virginia làm việc, sau khi ra trường được 3 năm.


Nơi lập nghiệp mới, người mới, nhưng dường như trong một bối cảnh biểu tình hoàn toàn có tính cách tự phát, ít oi chỉ với chục người này, tôi vẫn cảm thấy rất gần gủi và không lạc lỏng, lẻ loi đứng bên cạnh cùng các Bác, các anh chị và một số bạn trạc độ tuổi tôi. Có lẻ, tuy ít người, nhưng cùng một tiếng nói, một tấm lòng chung đã đưa khí thế của cuộc biểu tình tuy ôn hòa, nhưng quyết liệt từ những người là nạn nhân, là nhân chứng sống trong cuộc chiến để đòi hỏi sự trung thực và đứng đắn của các cơ quan truyền thông Hoa-Kỳ về lịch sử chiến tranh VN. Và tôi cũng chợt nhận ra, niềm ấm cúng, sự gần gũi còn bắt nguồn từ những bài ca cộng đồng quen thuộc đưa tôi trở về ký ức của những năm tháng trung học nơi quê nhà, những bài ca nuôi dưỡng niềm hăng say của một thời thanh niên sinh hoạt hướng đạo, hay trong những công tác xã hôi.


Đó là lần đầu tiên, tôi được gặp anh Ngô Vương Toại, người đang cầm loa phóng thanh, cùng với đoàn biểu tình hô to những khẩu hiệu, hát vang những bài ca yêu nước. Tôi tuy đang cách anh một khoảng không gian, nhưng vẫn cảm thấy rất gần.


Anh Thạch Miên Ngô Vương Toại được đồng bào trong vùng HTĐ, cũng như các cộng đồng người Việt tị nạn khắp nơi biết đến nổi bật nhất là sự nghiệp viết báo của anh, xây dựng những viên gạch đầu tiên lót đường cho sự phát triển báo chí, đáp ứng nhu cầu thông tin, văn nghệ cho đồng bào tị nạn vùng thủ đô từ năm 1977 với sự ra đời của tờ Việt Báo. Chắc hẳn trong niềm tưởng nhớ đến anh, sẽ có nhiều huynh trưởng trong giới văn nghệ, truyền thông sẽ viết về anh trong lãnh vực này. Với riêng tôi, ấn tượng mà tôi có được với Anh từ lúc có cơ duyên gặp anh đầu tiên cho đến giờ phút này, dầu đã trên 30 năm, vẫn là tinh thần thủy chung của người Sinh Viên Thanh Niên Quốc Gia Ngô Vương Toại.


Theo bút ký của cố nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang, Anh là người tích cực tham gia các kỳ trại công tác của thanh niên trên khắp miền đất nước như Công trường Thanh Niên Tự Do, Trại Cứu Lụt An Giang, Công trường Thanh Niên Giới Tuyến Cam Lộ... Khi còn là một sinh viên Văn Khoa vào cuối thập niên 1960, anh là người lập ra quán Văn, như là một câu lac bộ sinh hoạt lành mạnh và gắn bó của sinh viên. Nơi đó, giá trị của những chương trình văn nghệ du ca với chủ đề tình yêu, quê hương và thân phận con người trong chiến tranh đã vượt ra khỏi khuôn viên đại học Văn Khoa, thu hút rất đông sinh viên học sinh vùng thủ đô. Một số ca nghệ sĩ trở nên nổi danh cũng từ quán Văn rất là sinh viên và văn nghệ này như “Nữ Hoàng Chân Đất” Khánh Ly, cặp du ca Diễm Chi, Ngô Mạnh Thu, ca sĩ Thanh Lan…


Cùng chan hòa với thân phận đất nước, người dân trong chiến tranh, nhưng người thanh-niên sinh-viên Ngô Vương Toại đã có một ý thức quốc gia vững vàng và nhận chân đâu là nguyên nhân đưa đến xã hội tan tác, lý tưởng tự do bị hủy hoại mà quân dân miền Nam đang chiến đấu để bảo vê. Trong bối cảnh chính trị nhiễu nhương tại miền Nam VN vào cuối thập niên 60, vào giai đoạn sự tuyên truyền phản chiến tinh vi của VC vào các tầng lớp xã hội, kể cả ở học đường, đại học lên cao, chàng sinh viên trẻ Ngô Vương Toại, trong tay không tất sắc, không vì một thế lực nào sai khiến hay được bảo vệ, chỉ với khí giới là sự độc lập, là ngòi bút, ý thức quốc gia chống cộng của mình đã dấn thân ngăn chận sự xâm nhập của thành phần sinh viên thân Cộng vào hàng ngũ sinh viên, đặc biệt là vào những cuộc bầu cử Ban Chấp Hành tại các phân khoa đại học. Hậu quả của sự hăng say này là người SV trẻ Ngô Vương Toại đã bị những người “anh em sinh viên” thân Cộng dùng bạo lực cướp diễn đàn, bắn anh trọng thương, trong một buổi trình diễn văn nghệ của ca sĩ Khánh Ly tại khuôn viên quán Văn, trước sự bàng hoàng của hàng trăm sinh viên tham dự. Biến cố quán Văn vào ngày ngày 16/12/1967 và sự đổ máu của anh SV trẻ Ngô Vương Toại trong khuôn viên đại học đã giúp cho thành phần học sinh sinh viên vùng thủ đô nhận chân được tính cực đoan, mù quáng và khủng bố của những người trong hàng ngủ CS. Anh Sinh Viên Ngô Vương Toại đã trở thành một mẫu người can đảm đối đầu với thành phần thân cộng trong hàng ngủ thanh niên-sinh viên-học sinh (TNSVHS), là một gương sáng, làm tăng thêm năng lượng cho học sinh, sinh viên quốc gia lúc bấy giờ trong lý tưởng dấn thân và phục vụ đất nước trong tinh thần nhân bản và tự do… Và cũng vì biến cố này anh trở nên là thần tượng của một nữ sinh trung học để cô trở thành “cái bóng” gắn bó với anh trong suốt chặng đời mà bài viết này sẽ xin được nhắc đến ở phần sau.


Dầu sau khi tốt nghiệp cử nhân văn chương (1970), và phục vụ cho Trung Tâm Dân Vụ, và Thông Tin Báo Chí anh Ngô Vương Toại đã không giam mình trong văn phòng của một viên chức làm việc cho chính phủ, vẫn dấn thân trong nhiều công tác phục vụ như thời sinh viên ngày nào. Theo giáo sư Nguyễn-Ngọc-Bích, anh Ngô Vương Toại vẫn sát cánh trong những sinh hoạt của anh chị em sinh-viên du học sinh về thăm quê nhà mùa Hè năm 1973 (Trại "Nối Vòng Tay Lớn") và mùa Hè năm 1974 (Trại "Đường VN") từ nhiều nước trên thế-giới để nuôi dưỡng tình yêu quê hương và ý thức về chính nghĩa đấu tranh bảo vệ tự do của đồng bào mình. Anh Ngô Vương Toại cũng là người tích cực lột trần những luận điệu xuyên tạc của một số nhà báo ngoại quốc (Don Luce, tạp chí Life) tiếp tay cho chiến lược tuyên truyền của Việt Công như chứng minh phúc trình về tình trạng giam cầm các cán bộ CS trong cái gọi là “chuồng cọp” trên Côn Đảo là bịa đặt. Anh cũng đã cùng các anh chị sinh viên kỳ cựu hoặc viên chức chính phủ trẻ khác đi khắp nơi (Đà Lạt, Nha Trang, Huế), kể cả những quận lỵ địa đầu vùng Quảng Trị để xây trường học cho trẻ em nghèo.

Vào năm 2012, tôi trở lại vùng HTĐ vì nhu cầu việc làm sau 17 năm sinh sống ở miền Tây Nam Hoa-Kỳ. Tôi tình cờ được gặp lại Anh tại lễ tang của Hòa Thượng Thích-Thanh-Đạm, chủ trì chùa Giác Hòang. Đang chụp ảnh, Võ Thành Nhân hỏi tôi “Anh có thấy anh Toại chưa?”, tôi dõi mắt trong hàng ghế quan khách tìm hình dáng quen thuộc của anh ngày nào với khuôn mặt tròn, với cặp kiếng cận dầy, hàng ria mép, nụ cười nửa miệng thân vui nhưng có phần ngạo nghễ với chiếc dọc tẩu … Tôi hỏi lại Nhân “Đâu thấy!”. Phải hỏi Nhân vài lần, cuối cùng Nhân phải chỉ cho tôi “Đang ngồi cạnh giáo sư Đoàn Việt Hoạt”. Tôi nhìn kỹ lại, để rồi thật bàng hoàng và bùng lên nổi xót xa! “Anh Toại đấy ư? Sao anh bây giờ … khác đến vậy?”. Khi lễ tang đã vãng, tôi đến bên anh, hỏi nhỏ, “Anh Toại có nhận ra em không?” Mắt anh sáng lên, anh nắm lấy tay tôi thật chặt, vẫn với nụ cười nửa miệng ngày nào, anh bảo “Nhớ chứ, Công về lại bao giờ?” Sau này tôi mới biết anh phải phấn đấu với mấy lần bị tai biến mạch máu và bệnh suy gan, nên sức khỏe anh sa sút đã mấy năm nay. Tuy suy yếu về sức khỏe, anh vẫn tinh anh như ngày nào và anh không nệ hà lần bước đến tham dự những lễ tang tiễn đưa những người thân quí với anh trong vùng HTĐ. Lần chót tôi gặp anh cũng là một đám tang khác tiễn đưa anh Lê Thiệp. Nếu lần đầu tiên tôi được biết đến anh tại một cuộc biểu tình, thì 30 năm sau, tinh thần quốc gia và chống Cộng triệt của anh vẫn không thuyên giảm theo sức khỏe của anh. Hình ảnh của anh trên chiếc xe lăn, dẫn đầu trong đoàn biểu tình dưới bóng cờ vàng trong ngày tang của đất nước 30/04 ở vùng Thủ Đô đã tạo một ấn tượng mạnh mẽ, tô đậm sức mạnh kiên trì đấu tranh của tập thể người Việt.

Khi viết những giòng này để tưởng nhớ đến những hoạt động của người “Thanh Niên” Ngô Vương Toại cống hiến cho lý tưởng tự do và cho tập thể người Việt tị nạn, tôi cảm thấy vẫn có một điều không trọn vẹn và bất công nếu tôi không viết về một “chiếc bóng” đã gắn liền với cuộc đời của anh Ngô Vương Toại từ ngày chàng sinh viên trẻ bị bắn trọng thương, cho đến bây giờ anh cất bước vào một hành trình khác trong cõi vĩnh hằng. Đó là chị Lan, hiền thê của anh.

Nếu tôi nhớ không lầm, vào khoảng 1985, lúc đó anh Toại mới lập ra bán nguyệt san Diễn Đàn Tự Do, anh chị Toại-Lan đã có 3 cháu còn nhỏ Đạt, Châu & Bình và anh chị cũng đã hợp soạn chung một tác phẩm khác, đó là quán ăn Việt Deli, nho nhỏ, ấm cúng nằm trên đường Columbia Pike, gần Fort Myer (Arlington). Đó cũng là nơi mà tôi, khi còn đang độc thân, mỗi khi thèm một bữa “cơm nhà” thường ghé đến. Tôi vẫn nhớ chị chủ tiệm Lan tất bật trong nhà bếp, tận tâm đem hết cả những khéo léo của chị chăm sóc từng món ăn khách gọi. Thỉnh thoảng, khi nào được rảnh tay, từ trong bếp, chị ra nhỏ nhẹ chào khách, không thiếu nụ cười dịu dàng. Ông chủ nhiệm nhà báo Toại, vẫn với nét cười niềm nở, nhanh nhẹn chạy bàn, khệ nệ bưng từng khay đồ ăn đến thực khách mà đa số là thân hữu của anh. Phải thú nhận một điều, cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa được ăn món chả cá Thăng Long ở nơi nào khác ngon như chị Lan làm! Nhưng điều cảm nhận sâu đậm nhất mà tôi xin được nhắc đến là hình ảnh hạnh phúc của anh chị Lan-Toại cùng khắng khít, chia xẻ niềm vất vả cùng nhau. Không biết Việt Deli có giúp gì được cho anh chị phần nào dễ thở hơn về sinh kế, khi anh theo đuổi đam mê nghiệp báo và anh chị phải nuôi nấng 3 cháu còn nhỏ dại? Tôi chỉ có thể hiểu được niềm vui chính từ ở Việt Deli của anh chị là nơi lui tới, xum họp bạn bè của anh Toại vì anh rất quí bạn.

Sau lần gặp anh ở đám tang Thầy Thích-Thanh-Đạm, tôi và Nhân cùng dự định thực hiện một chương trình truyền hình tài liệu về anh Ngô Vương Toại với sự tiếp tay của các anh chị huynh hưởng thân tình với anh như một món quà tinh thần trước khi anh quá yếu. Khi tôi trình bày dự định này với chị Lan, chị khẩn khoản khước từ “chị cám ơn các em đã quí anh Toại, nhưng chị sợ lắm, vì đó là điềm không hay, chị và anh Toại chưa đầu hàng…”. Tôi và Nhân hẹn nhau đến thăm anh chị vào một ngày cuối tuần ở Manasas. Chị đón tôi trước cửa nhà với nét mặt rất vui và lạc quan, không chút gì mệt nhọc “Anh vừa qua khỏi giai đoạn nguy hiểm vì bị té và stroke, nhưng đang khỏe lại như một phép nhiệm mầu. Biết tụi em đến, anh vui lắm và đợi tụi em từ sớm”. Khi vào nhà, anh đã ngồi sẵn trong phòng khách, với nụ cười thật vui và mà tôi không bao giờ quên. Với người giầu bạn bè như anh Toại, chị Lan ngoài những bận bịu chăm sóc cho anh, chắc chị cũng rất bận mỗi ngày đón tiếp những bạn hữu của anh Toại lần lượt đến thăm. Tôi có nói điều này với chị và chị chia xẻ “anh Toại rất vui khi có bạn bè, và niềm vui của anh Toại cũng là hạnh phúc của chị…”Trong lúc anh hăng say, quên cả mệt nhọc kể cho chúng tôi nghe về quãng đời hoạt động thanh niên sinh viên của anh khi còn ở quê nhà, chị ngồi nhìn anh, nghe anh nói với nét cười đầy thương yêu và niềm hạnh phúc… Có lúc, để bổ khuyết cho anh Toại, chị đã bê ra những bức họa mà anh sáng tác. Chị còn cho chúng tôi xem bức ảnh chân dung của anh Toại mà chị thích nhất trông rất… tài tử với cái ống píp và vẫn là nụ cười nửa miệng… Rồi khi anh Toại kể đến giai thoại bị bắn trọng thương tại đại học Văn Khoa, chị cho chúng tôi xem phóng ảnh của những bài báo lúc đó viết về anh Toại. Đó cũng là lần đầu tiên tôi và Nhân được nghe chị kể cơ duyên để chị biết đến anh Toại và anh chị trở thành đôi bạn đời như một chuyện thần thoại lãng mạng thời cận đại. Chị biết đến tin anh Toại bị bắn trên báo chí và truyền hình lúc đó chị mới là một cô nữ sinh năm chót Trung Học, nhưng chị đã in sâu hình bóng của anh như một mẫu người lý tưởng. Khoảng 5 năm sau, anh chị gặp nhau trong một hoàn cảnh rất tình cờ và chị nhận ra anh là anh sinh viên Ngô Vương Toại được lên báo chí, truyền hình năm nào để rồi từ đó anh chị khắng khít với nhau và trở thành đôi bạn đời. Đây là lần đầu tiên tôi được nghẹ chị nói nhiều về anh chị. Tôi có thưa với chị nếu tụi em có thực hiện một món quà gì cho anh Toại, thì tụi em không thể nào không nhắc đến chị vì chị là nguồn sống là năng lượng để anh Toại có thể thực hiện được những điều anh mong muốn cống hiến cho tập thể người Việt. Một lần nữa, với giọng thật nhỏ nhẹ nhưng vẫn toát ra một nghị lực phi thường, chị chia sẻ “Chị chỉ muốn là “chiếc bóng” bên cạnh anh, cùng đi với anh suốt cuộc đời… và niềm vui của anh là niềm hạnh phúc của chị

Anh Toại kính quí! Giờ anh đã được hoàn toàn tự do, giải phóng khỏi cõi trần vô thường, và tấm thân tạm bợ với những nổi đau của thể xác. Đời người ngắn ngủi, nhưng có khác chăng là anh đã sống thật trọn vẹn với lý tưởng của người thanh niên và thực hiện được những gì anh mong muốn. Anh Nguyễn Văn Khanh có nói “Anh giầu tình bạn”, và ở đâu anh cũng sẽ có bạn. Tinh thần và hình bóng anh mãi mãi vẫn có trong chị, các cháu, bằng hữu và những người thân thương. Cầu chúc anh thong dong bước qua một hành trình mới, về nơi cõi phúc, nơi đó có anh Lê Thiệp, anh Giang Hữu Tuyên…

Nguyện cầu anh được an nghĩ. Kính biệt anh!

Nam Mô Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật!


Nguyên Thắng – Nguyễn Thành Công

.
.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.