Hôm nay,  

Đốm Lửa, Cơn Gió Và Khoé Nhìn Của Nguyễn Xuân Hoàng

10/1/201300:00:00(View: 5887)
Từ một cuộc điện đàm giọng anh Hoàng chập chùng, nhẹ và mỏng như mây, tôi đang nói chuyện với “Người đi trên mây” có mái tóc bồng trải cụm rừng trắng ra vũ trụ. Tôi nhắc nhở đến những sáng tác của anh, có lẽ tôi gợi anh trôi về lãng đãng đại dương ký ức. Những dòng chữ trong cuốn Văn, sổ tay mùa hè năm 2001 được lần lượt lật ra trước mắt tôi. Anh viết về những nhặt nhạnh quanh cuộc sống, của mình, của người, bạn thân cũ, nhận xét, tư duy và quan niệm sống. Sắc bén, nhân hậu, sáng suốt và thấm đẫm nhiều tư tưởng triết lý nhân sinh là những đặc thù trong dòng suy tưởng của anh.

Anh đã viết: “Tôi là một người nhà quê. Cái thứ người tưởng là thành phố mà trời ơi sao nó cải lương đồng bóng [nói như thế là đã xâm phạm cải lương rồi!].... Tôi càng không phải và không bao giờ là một nhà trí thức.... Tôi có học đôi ba chữ để đọc để viết. Mẹ tôi không học chữ nhiều. Cha tôi chỉ học ở đời sống. Tôi học được lòng nhân của mẹ. Tôi cũng học được cái triết lý của cha: không có gì lớn mà không bị một cái lớn vượt qua, không có gì đẹp mà không bị cái đẹp khác lấn át. Cái mình biết bao giờ cũng rất nhỏ. Cái mình tưởng là chân lý, đôi khi chỉ là một hạt bụi thôi... Hiền lành không bao giờ đồng nghĩa với sự ngu dốt. Làm thinh không phải là không biết nói. Bất bạo động không phải là không có khả năng tấn công. Tôi biết thế nào là một đứa trẻ bụi đời. Tôi từng là một đứa trẻ như thế.”

Mỗi con người sinh ra với một nhân sinh quan khác nhau, tiêu cực, tích cực, yếm thế hay nhập thế. Người lạc quan luôn nghĩ về mặt tốt của mọi việc, giữ cách nhìn lạc quan; người bi quan lại luôn nghĩ về mặt xấu của mọi việc, giữ cách nhìn bi quan. Nguyễn Xuân Hoàng thường trang trải những nhận xét về cuộc đời, con người và vũ trụ trong phần lớn những ghi chép, tùy bút hay tác phẩm của anh. Có lẽ anh mượn tiếng nói của nhân vật “Ông B.” để phản ánh phần nào những bực bội, áp lực đời sống dấy lên đập vào anh.

Tôi đang có những ngày tháng không vui. Những ngày tháng mà bỗng dưng giữa đám bạn bè ai cũng nhìn tôi như một con quái vật mang hình dáng người. Một con quái vật trở mặt, thoắt một cái từ mặt người thành mặt thú, thoắt một cái từ cái dáng vẻ lương hảo thành tay lưu manh xảo quyệt, thoắt một cái từ sự thanh tao trở nên thô lỗ cục cằn… Con quái vật có đủ mọi thứ bề ngoài của một con người bình thường, nhưng khi nó há miệng ra cho người ta thấy những chiếc răng nanh nhọn hoắc đầy máu me của mình. Con quái vật có những ngón tay cầm bút nhưng khi nhìn kỹ đó chỉ là móng vuốt của một thứ Dracula đang bấu vào cổ người. Tôi vốn không tin có Dracula trong đời sống này. Chẳng qua đó chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Thật ra bây giờ tôi mới biết tôi đã có một ý nghĩ sai. Thế giới chúng ta quả thật có ma quỷ, có hồ ly, có Dracula. Dracula sống trà trộn giữa chúng ta. Chúng nói cười đi đứng sinh hoạt như chúng ta. Chúng luôn luôn than van thiếu thốn nghèo túng mặc dù chúng không hề túng thiếu. Chúng thích vơ vét, bốc hốt, thích dí mũi vào đời sống người khác may ra moi móc chút đời tư để kể lại bằng giọng hả hê. Chúng giống như con dòi ngúc ngoắc từ một đống phân. Chúng đóng vai một tên có chút kiến thức nhưng là một thứ kiến thức ăn đong cóp nhặt từ những trang báo, những cuốn sách chưa kịp tiêu. Những con quỷ Dracula không thể sống nếu không hút máu của người khác. Nhưng nó sẽ không hút được máu ai nếu trước hết nó không làm cho người khác tin nó là một con người tử tế. Người ta cứ tưởng nó mềm như một miếng bông gòn, nhưng thực ra nó là một cục chì, đất sét. Nó là một con vật thông minh chứa đầy nọc độc.(Trích “Ở quán cà phê Starbucks”-NXH)
nguyen-xuan-hoang-with-friends-resized
Hinh Chụp trong buổi HỘI THẢO VỀ VĂN HỌC HẢI NGOẠI: THÀNH TỰU VÀ TIỀM NĂNG (California, 27 tháng 1, 2007), Hội trường Việt Báo. Từ trái sang: Hoàng Đình Bình, Nguyễn Xuân Hoàng, Trịnh Thanh Thủy, Hoàng Ngọc-Tuấn, Đặng Thơ Thơ và Nguyễn Thị Thanh Bình.

Tôi thuộc một thế hệ của người đọc sau 1975 nên ít có cơ hội đọc các tác phẩm của anh được in trước đó. Mới được đọc anh gần đây (phần lớn những bài được dán lên trang mạng Da Màu), nên góc nhìn khuyết đi một nửa. Tôi có dịp đi sâu vào thế giới văn chương và tuỳ bút đằm thắm hương vị triết học của anh. Thấp thoáng đâu đó trong những tác phẩm, không cốt chuyện, những băn khoăn, kể lể, trăn trở dưới dạng tự sự nhân vật không đặt tên. Đó có phải là những mảnh triết lý sống tiềm ẩn trong con người anh không?

Tuổi trẻ của y đâu? Cái tuổi trẻ rồ dại đã cột chặt động cơ phản lực vào đời sống y, cái tuổi trẻ như con ngựa bất kham lồng lộn hất y tung lên ngã xuống. Y là chiếc chong chóng xoay mãi xoay mãi không ngừng. Điều buồn thảm là y không hề thấy chóng mặt. Y tỉnh táo trong sự quay cuồng và mệt mỏi trong sự bất động.... Y tham lam nhưng lòng tràn đầy bao dung....... Phải. Chính ở đỉnh chóp đỉnh của đời sống đó y đụng phải cái tận cùng của đáy huyệt, cùng lúc với vinh quang y khám phá nỗi nhục nhằn. Ánh sáng ấy chói chang quá làm y mù lòa....Ta khác nào con bò già ngồi gậm nhấm nhai lại ngọn cỏ quá khứ, những ngọn cỏ vốn đã úa héo và nghiền nát. Trên đầu ta là bóng tối của trời đất và trong ta chỉ là vết tích của một thời đã qua. Y tưởng nước mắt có thể chảy giàn giụa trên mặt mũi y. Dưng không, như thế thôi. Nhưng chẳng có gì hết. Những giọt nước mắt ấy cũng không còn nữa trong đời y. Phải có cái gì để khêu gợi y trở lại thời trẻ tuổi. Tế bào trên đời sống y đã chết cứng dày cộm để có thể có được một cảm giác. Y đã quá già để nhớ lại tuổi thanh xuân.....Ta đã quá bạc nhược để làm anh hùng thêm một lần nữa. Y là một thứ hoa lục bình đang trôi lênh đênh dưới gậm cầu quên lãng.(Trích Quá khứ một lần nữa-NXH).

Hay,

“Thói quen, tôi coi đời sống như một chuỗi những thói quen, những thói quen tốt và xấu đan kết vào nhau chằng chịt (….) Thói quen làm ta dửng dưng hết mọi sự vật, trí tưỡng tượng khô cằn và cảm xúc cũng trở nên chai cứng” (trang 61). “Đời sống bị bủa vây bởi những đều đặn nhàm chán, niềm tin cũng đã tàn rữa” (trang 64).(Trích Sinh Nhật-NXH)

Trong cái nhân sinh quan tích cực thời trai trẻ, anh đã bước xuống đời, nhập thế, phả hết năng lực mình vào đời sống, lồng lộn như con ngựa bất kham, đi làm, đi dạy. Gót ngựa hồng chùng lại, mắt bị miếng che giáo dục, đạo đức bắt con ngựa phải đi thẳng một đường. Cương đã kìm, nhịp phải lỏng, anh lững thững qua các triền xanh đời sống như một gã lãng tử nhàn du. Đôi khi, tôi trộm nghĩ, đằng sau những trầm lắng khuôn phép của một nhà mô phạm ấy, thế nào anh chẳng có những lúc sôi nổi, lãng mạn, day dứt, bão tố trùng trùng? Tuy nhiên có lẽ các vai trò làm thầy, làm chồng, làm cha, làm chủ bút đã kềm gót phóng của một con ngựa rừng dại lại để nó chỉ còn gõ được những vết móng nhẹ nhàng thư thái trên mây.

Trò chơi văn chương đưa anh vào một sân chơi mới với nhiều bè bạn và những cuộc hành trình bất tận của ngòi viết. Làm chủ bút một tờ tạp chí văn học là tờ “Văn” cho anh cơ hội đọc nhiều hơn bao giờ hết. Khi nói chuyện với anh, tôi hay hỏi những kỷ niệm anh có với những bạn bè thời anh còn điều hành “Văn”. Có thể tàng thức anh nắm giữ một kho tàng vô tận về những huyền thoại, kỷ niệm, những mẩu chuyện vui buồn của các văn nghệ sĩ trong các thập niên trước và sau 75 nhưng với một cá tính khiêm tốn, điềm đạm, chừng mực, anh ít tiết lộ điều gì.

...... Sau những phút thăm hỏi bệnh tình, tôi muốn tìm những lời quan tâm an ủi sâu xa nói cho anh nghe nhưng bản tính vụng về làm tôi ngắc ngứ rồi chuyển qua chuyện văn chương. Tôi hỏi anh về phân đoạn anh viết trong Sổ tay mùa hè 2001, về cuốn “Lấp lánh sao trời” của Thích Nữ Trí Hải và những cảm nhận sâu xa khi đọc xong, vì nó trả lời được những câu hỏi của anh đã đi tìm về hạnh phúc và đời sống. “Anh không nhớ rõ Thủy ơi”. Anh bảo, anh vừa xong thủ tục Chemo lần đầu mà không thấy đau. Sarcoma và những cơn đau gầm lên như tiếng vỗ miên man đánh vào thính giác, xô ngã con người. Sinh, lão, bệnh, tử gom lại phiêu hốt quật vào không gian, dội xuống cõi người, nổ bùng khắp chốn một tiếng hải triều âm“khổ”. Có lẽ đốm lửa trong bài thứ 27: Sống Chết và Thời gian bỗng rực sáng trong tâm thức và anh không còn cảm thấy đau nữa. Thượng đế ác hay công bằng khi người tạo ra những cơn đau và những dục lạc song song? Anh loay hoay lý giải, anh nhận thức qua bài viết của Ni Sư Trí Hải, cuộc đời như đốm lửa chợt loé, chợt tắt. Biết được cái ngắn ngủi của đời sống và việc tận dụng để có sự vẹn toàn hạnh phúc. Xem nhẹ cái ta, trấn áp sự ham muốn, vật dục. Trong cơn bão tố hồng thủy đời anh đang phải chống đỡ này, tôi cầu mong anh được an lành, vững tay chèo chống, tràn đầy năng lực để vượt qua. Nhớ điều này nha anh Hoàng, như anh đã viết năm nào,

“Sau cái chết là gì? Là không gì hết. Có chăng là những ngọn gió. Ngọn gió thổi những lời bay đi. Ngọn gió thổi trả những lời trở lại”

Trịnh Thanh Thủy

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Nỗi buồn tận huyệt của những đầu óc cải cách lớn nhất của dân tộc cũng giống như nỗi lòng của người mẹ khi thấy đàn con ngày càng suy kiệt. Mà những thách thức họ từng đối phó cũng chính là chướng ngại của người mẹ vì sự nhỏ nhen, ghen tuông của những thứ “cha/dượng” nhỏ nhen, thậm chí chỉ đơn thuần là thứ tiểu nhân mơ làm cha, làm dượng.
Nhà báo thạo tin nội bộ đảng CSVN. Huy Đức (Trương Huy San, Osin Huy Đức) và Luật sư Trần Đình Triển, chuyên bênh vực Dân oan bị bắt tạm giam, theo tin chính thức của nhà nước CSVN ngày 07/06/2024...
Quý vị nghĩ sao nếu có người nói với quý vị rằng chính phủ và giới truyền thông Hoa Kỳ đang bị kiểm soát bởi một băng nhóm bí mật, nhóm người này tôn thờ ma quỷ và đứng sau hàng loạt các vụ bắt cóc trẻ em? Theo một cuộc khảo sát gần đây, 17% người dân Hoa Kỳ tin rằng thuyết âm mưu này là có thật.
Ngày 30 tháng 5, một bồi thẩm đoàn ở New York kết luận, cựu Tống thống Donald Trump phạm tất cả 34 tội danh. Đây là một sự kiện chưa từng xảy ra trong lịch sử nước Mỹ, khi lần đầu tiên một cựu tổng thống bị tuyên án nhiều tội đại hình trong một vụ án hình sự. Ông Trump bị kết tội làm làm giả hồ sơ kinh doanh để che giấu các khoản khoản thanh toán tiền bịt miệng cho cựu ngôi sao phim khiêu dâm Stormy Daniels, nhằm mục đích ém nhẹm các thông tin bất lợi trước cuộc bầu cử năm 2016, để cử tri bỏ phiếu cho ông ta.
Hôm rồi, cháu Út hỏi: Người mình hay nói “phải sống đàng hoàng tử tế”. Thế nào là “đàng hoàng”, hả bố ? Tôi lúng túng không biết trả lời sao cho gọn gàng và dễ hiểu nên đành phải kể lại cho con nghe mẩu chuyện ngăn ngắn, của một nhà báo lẫy lừng (Anh Ba Sàm) đọc được qua Thông Tấn Xã Vỉa Hè: “Sau 1975, có những thứ mà Sài Gòn, miền Nam làm cho hắn rất lạ và không thể quên. Một đêm, chạy xe máy về nhà (ông cậu), tới ngã tư đèn đỏ, ngó hai bên đường vắng hoe, hắn rồ ga tính vọt thẳng. Bất ngờ nghe bên tai tiếng thắng xe cái rẹc, liếc qua thấy ông lão với chiếc xích lô trống không. Quê quá, phải dừng theo!”
Nếu cái gì cũng có bước khởi đầu của nó thì -- ngoài công việc thường ngày là quan sát hành động của từng con người để có một phán xét cuối cùng vào thời điểm thích hợp -- đâu là việc làm đầu tiên của Thượng Đế? Câu trả lời, theo một câu chuyện chỉ để cười chơi, rất thích hợp với bộ máy chuyên tạo nên cảnh rối ren hỗn loạn trên đất nước chúng ta. Cái câu chuyện về một cảnh trà dư tửu hậu khi những nhà chức nghiệp cãi nhau rằng nghề của ai có trước, dựa trên những tín lý từ bộ kinh Cựu Uớc, đặc biệt là chương Sáng Thế Ký.
Đảng CSVN có nhiều chứng bệnh lây nhiễm trong thời kỳ “đổi mới” như tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm và chia rẽ, nhưng 3 chứng “nhận vơ”, “lười lao động” và “lười làm việc” của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên đã khiến Đảng lo sợ.
Bất ngờ sáng 30/05/24, TT Biden tuyên bố bỏ giới hạn sử dụng võ khí của Huê Kỳ cung cấp cho Ukraine đánh Nga. Đồng thời, Âu châu đã thỏa thuận một quyết định mới quan trọng là bỏ giới hạn đỏ, gởi huấn luyện viên quân sự qua Ukraine giúp quân đội Ukraine, cho phép Ukraine sử dụng các loại võ khí mạnh và có tầm hoạt động xa tới lãnh thổ Nga nhằm những mục tiêu quân sự. Riêng Anh đã bước tới trước, một số quân đội Anh đang hoạt động tại Ukraine.
“Que Sera Sera,” ca khúc này luôn gắn bó với tâm tư của cậu bé bảy tuổi. Đi xem xi-nê với mẹ, sau này mới biết là phim The Man Who Knew Too Much, về nhà tôi nhớ mãi cái giai điệu vui tươi và đôi môi nhảy múa, khi nữ diễn viên hát đoạn que sera sera. “Chuyện gì đến sẽ đến,” một câu nói đầy thơ mộng đối với cậu bé, rồi dần dần lớn lên biến thành câu nói chấp nhận chuyện ngày mai ‘Life is a crazy ride, and nothing is guaranteed. (Đời là chuyến đi điên rồ, không có gì bảo đảm. ‘Eminem’.) Dường như, có một chút bất cần, không quan tâm chuyện gì sẽ xảy đến. Tưởng chỉ là như vậy, ai ngờ, câu nói bỗng đứng dựng lên, lớn tiếng hỏi: “Chuyện gì đến sẽ đến là sao?” Đúng, “sẽ đến” thuộc về tương lai, thuộc về bí mật, nhưng “chuyện gì đến,” một phần đã bị khám phá, tìm thấy, công bố. Chúng ta, con người hiện tại, thế kỷ 21, may mắn có một khoa học khá trung thực và năng nổ, mở ra cho sự hiểu biết còn kém cỏi, nhiều nơi quá khứ còn tối tăm và nhiều nơi chờ ánh sánh rọi tới.
Người Việt rất hay buồn. Họ buồn đủ chuyện, đủ thứ, đủ cách, đủ kiểu, đủ loại và buồn dài dài: buồn chồng, buồn vợ, buồn con, buồn chuyện gia đình, buồn chuyện nước non, buồn chuyện tình duyên, buồn trong kỷ niệm, buồn tình đời, buồn nhân tình thế thái, buồn thế sự đảo điên, buồn tàn thu, buồn tàn canh gió lạnh … Đó là chưa kể những nỗi buồn buồn lãng xẹt: buồn trông con nhện giăng tơ, buồn trông cửa bể chiều hôm, buồn trông nội cỏ rầu rầu, buồn trông con nước mới sa …
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.