Hôm nay,  

Vài Nét Chấm Phá Về Việc In Sách: Chuyện Cười Xh Chủ Nghĩa

06/09/201300:00:00(Xem: 13157)
Sinh ra trong lòng xã hội chủ nghĩa, nơi đói nghèo và bóng đêm ngự trị, ai cũng phải đói nghèo đến chết, khổ sở, nhục nhằn đến chết. Vì vậy đa phần người dân sinh ra để khóc, còn tôi không hiểu sao sinh ra cứ thích... dở mếu, dở cười (nước mắt lăn nghiêng về phía có nụ cười). Danh ngôn nước ngoài nhận định: “ Nhà văn, nghệ sĩ đôi khi gần với người hâm” bởi bất cứ sự sáng tạo nào cũng hàm chứa trong nó sự “nổi loạn”, bứt phá, kèm theo những nỗi oan khuất và sự hy sinh.

Nhà văn Ma văn Kháng, cây đại bút của nền văn học xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng nói: “Chân lý lúc đầu mang hình dạng một gã điên. Kẻ tìm kiếm sự an toàn tuyệt đối, kẻ luôn tìm cách ở ngoài vòng nguy hiểm, coi bảo mạng, thủ thân là việc lớn, là điểm tiền khởi cho đời mình, là kẻ không có niềm tin, là kẻ không sáng tạo, v.v...” Vì vậy trong bóng đêm nghiệt ngã của nền văn học xã hội chủ nghĩa, nơi bao kẻ chỉ lợi dụng chữ nghĩa thánh hiền của ông cha như một tấm ván bắc cầu để nhảy xa trên con đường danh vọng, hoặc cố tình viết ra những con chữ bạc nhược, nhợt nhạt, nịnh nọt, bốc thơm lãnh tụ ngu đần, dốt nát cốt được đi mãi trên“lề phải”, hưởng cơm thừa canh cặn cùng những cục xương bố thí của những ông chủ chó má, thì tôi mài mình, múc óc ra mà viết...Tất cả những gì gọi là chất liệu của cuộc sống đều ùa vào tôi, lắng đọng trong tâm hồn bản thể tôi và dần dần theo thời gian biến thành chương hồi, bài báo, cuốn sách, chuyện hài, v.v... đồng thời làm nên nhân cách con người tôi. Một trí thức sinh ra trong lòng xã hội chủ nghĩa nhưng không hề chịu để cho đảng đoàn, bác hồ sinh tính. Tôi nhớ rất rõ hồi lên 6, khi bước chân vào vỡ lòng cũng là lúc tôi phải đi sơ tán ở Bắc Ninh. Bé bỏng, xinh đẹp, ngoan ngoãn nhưng không chịu làm “kế hoạch nhỏ” nên tuy học giỏi tôi vẫn không được hiệu trưởng đưa vào danh sách cháu ngoan bác hồ. Nhiều đứa bạn cùng làng thắc mắc: - Mày giỏi thế, sao không xin cô chủ nhiệm danh hiệu cháu ngoan của Bác? Bố tôi biết được, bảo:

- “Ôi giời, cháu ngoan bác Hồ mà phải tranh nhau đi hốt phân trâu, phân bò trên đường làng rồi cắt cỏ nộp cho hợp tác xã nuôi trâu bò, thả xuống ao cho cá ăn thì cháu ngoan làm gì? Mày sinh ra đâu có phải để làm những việc ấy hả con? Cứ học hết mấy bồ chữ nghĩa bố dạy, rồi là cháu ngoan của ông bà nội, ngoại là được con ạ”. Tất nhiên những lời nói gan ruột trong thời kỳ qúa độ ấy bị coi là “nghịch tử”, nhưng cũng để lại dấu án trong tôi và làm nên tính cách tôi sau này. Làm nhà văn hay nhà báo, ngòi bút phải thẳng. Văn chương ghét kẻ a dua, xu thời, nịnh bợ, hoặc chí ít như số đông đồng nghiệp cũ của tôi vẫn làm: - Một thứ văn chương “phải đạo” vì ngòi bút luôn tõe đôi, khen một tí, chê một tí. Chớ có dại mà đi sâu vào mặt trái xã hội, bởi không phải đầu cũng phải tai. Biết bao nhiêu con người chỉ vì tả cảnh người dân xếp hàng rồng rắn mua phải khoai hà, gạo mốc, nước mắm thối mà phải đi tù để lại vợ con côi cút. Vợ không chịu được sự ghẻ lạnh của người đời, đành phải làm đơn xin ly hôn để được yên thân lấy chồng khác. Con thì còi cọc, đầy chấy rận và có lẽ duy nhất còn có tôi là bạn, còn được bố mẹ tôi cho phép đến nhà chơi, còn không cứ thui thủi một mình vì cảnh bố đi tù, mẹ bỏ đi lấy chồng khác, bà nội già yếu quắt queo như một tàu lá bị hơ trên lò lửa. Cũng biết bao nhiêu người vì một câu thơ hớ hênh: “Có hay đâu giá lạnh dưới chân sàn” mà bị quy thành “ẩn dụ, ám chỉ” căn nhà sàn của bác ở phủ chủ tịch, đến mức phải bỏ nghiệp vụ chuyên môn để vác ba lô ra trận và chết âm thầm ở một nơi núi đỏ rừng xanh nào đó. Cái chết mà tôi mượn lời nhà thơ Nguyễn Đình Thi để tả:

Anh ra đi đầu không ngoảnh lại
Bởi xác thân vùi chết nơi nào?

Bố tôi – một cậu ấm con quan, học sinh trường Bưởi, 25 tuổi buộc phải trở thành trí thức xã hội chủ nghĩa song lại mang trong đầu kiến thức của gần 4000 nghìn năm văn hiến, giỏi tiếng Hán ngang tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức. Biết thơ thiền từ thời Lý Trần, thuộc làu làu “Quốc âm thi tập” của cụ Nguyễn Trãi, đọc một lèo bài “Văn tế thập loại chúng sinh” của đại thi hào Nguyễn Du, và trong nhà luôn có truyện Kiều gối đầu giường, chưa kể các sách khoa học, xã hội khác... Chính vì lớp trầm tích này ngấm qúa sâu trong mạch máu, tế bào của bố, nên trong khi tình yêu giữa bố mẹ quấn quyện, thăng hoa ở thời điểm hưng phấn tột đỉnh nhất, tôi đã được thừa hưởng một phần hệ gien của người... Thói đời, người ta khổ qúa thì chỉ biết khóc, còn tôi không tan thành nước được (dù tên tôi là nước do mẹ làm ở Bộ Thủy Lợi)* đành phải dùng tiếng cười để hóa giải mọi sự. Cái mà các danh nhân thế giới vẫn bảo: “Phải biến bi kịch thành thiên tài”. Thì tôi với sức vóc bé nhỏ của mình, chỉ nhờ vào chút “thiên bẩm” từ bố và tam tứ đời nội ngoại truyền lại trước đó nên chỉ có thể biến bi kịch thành... hài kịch. Bất cứ cái gì tôi cũng có thể tạo thành tiếng cười được. Cho nên khi làm phóng viên báo, ngoài mệnh danh là cây phóng sự - chuyên đong đưa giữa phóng sự và truyện ngắn kiểu “cơm thầy cơm cô” của Vũ Trọng Phụng, hay “đống rác cũ” của Nguyễn Công Hoan, tôi còn được suy tôn là cây chọc cười thiên hạ. Các tác phẩm của tôi khi gửi đến các tòa soạn báo hay nhà xuất bản cũng luôn gây sự bình luận, tranh cãi. Người bảo:

- “Viết thế này thì chết à? Em ơi, muốn được giải Nobel văn học thì em phải sinh ra ở nước ngoài, chứ không thể ở Việt Nam được.”
chet_ngoai_ke_hoach_bia_resized
Bìa sách Chết Ngoài Kế Hoạch.”
Có người lại lẩy Kiều để mắng vốn tôi:

Người khen thì mặc người khen
Đem ra công bố thì em... ốm đòn.

Tất nhiên là đòn hội chợ của các cấp, từ phòng P25 phụ trách văn hóa phản động, PC 35 chuyên theo dõi các loại gián điệp quốc tế, đến sở thông tin văn hóa Hà Nội, bộ văn hóa thông tin Việt Nam. Ban văn hóa tư tưởng, v.v... vốn là tai mắt, tim óc của đảng.

Xin quay ngược lại thập kỷ 60, khi tôi mới chỉ là đứa bé con lên 8, lên 9, mang tiếng là dòng dõi tư sản, con quan, nhờ công ơn cách mạng mà cả gia đình tôi bị đuổi khỏi nhà, phải ở nhờ người họ hàng ở 75 phố Phan Thanh Giản (sau năm 1975 bị cộng sản đổi thành phố Nguyễn Hữu Huân). Mỗi lần lũ lụt đến, cả ba gia đình phải chui rúc trong căn phòng 20 mét vuông ấy, không nhà tắm, không khu vệ sinh... Tất cả lũ trẻ chúng tôi dù là cháu nội hay cháu ngoại của bà đều thích trành chọe tranh cãi nhau, làm bà luôn phải đứng ra làm quan tòa để không bị coi là phân biệt đối xử. Trong một lần, đứa em họ tôi - vốn là cháu ngoại của bà hờn rỗi ghen tức vì cho rằng bà chỉ biết yêu chiều, quý nịnh tôi vì bố tôi là con trai duy nhất. Trong lúc cả nhà xúm lại ra sức khuyên giải, dỗ giành, đe nét, mắng mỏ, thì tôi chỉ biết sửa ý, sửa lời ca dao để ứng khẩu thành thơ:

Bà ơi thương lấy cháu cùng
Tuy rằng khác bố nhưng chung... một bà.

Câu nói làm cả nhà cười xòa, cả cái con bé đang giãy đành đạch nhẵn cả thềm hè lổn nhổn sỏi cát xi măng đó cũng ngồi bật dạy ngơ ngác trước cơn cười rộ của cả nhà. Và từ đó, sau khi được các chú, cô xoa đầu khen là sáng dạ, thông minh, văn hay chữ tốt giống bố, theo thời gian, tôi tự hiểu được hài hước là một sự thông minh, là thứ gia vị không thể thiếu trong cuộc đời. Càng trong những tình huống bi phẫn nhất, càng phải biết sử dụng chất hài một cách khéo léo, thậm chí như một biện pháp quan trọng để bôi xóa, xoa dịu sự tàn nhẫn quái đản, làm cho người được cù dễ dàng thay đổi trạng thái, còn văn chương viết ra cũng bớt đi sự hằn học, thù hận ngút trời, vốn không phải là bản chất thực của văn chương.

Từ đó thay vì câu châm ngôn của thời hiện đại: “Hạnh phúc là khi còn nước mắt rơi”, tôi lôi tiếng cười theo mình vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, kể cả các cổng tòa soạn cũng như trường học, bệnh viện, đặc biệt là đồn công an, trại giam, v.v...

Năm 1985, trước ngày cộng sản đổi mới, tôi mới 25 tuổi, mặt hoa da phấn, mà ăn đói mặc rách. Có lẽ câu “công tử nhất bộ” ra đời trong hoàn cảnh này, bởi ở nhà là vá chằng vá đụp, chỉ có đi học, đi chơi, ra đường mới có một bộ lành lặn, tử tế. Hễ tôi có tỏ ý không hài lòng là bị mẹ càu nhàu: “Đi ngủ thì mặc đẹp để cho muỗi nó xem à. Cơm vua lộc nước chỉ có thế, không ăn lông ở lỗ là còn may chán”.

Thừa giấy làm chi chẳng vẽ voi, tôi lại thiếu cả giấy lẫn mực, thiếu cả thời gian, cả nguồn động viên từ phía gia đình, nhất là mẹ... Tuy là con đại địa chủ, có công nuôi cả đại đội quân đội trong nhà, bà ngoại bán vải và gạo tấm đường dài, ông ngoại là hiệu trưởng trường tiểu học, nhưng mẹ tôi chỉ được học đến lớp ba rồi phải ở nhà làm ruộng. Năm mười sáu tuổi bị bắt đi thanh niên xung phong, về làm công nhân nhận lương tuần thay cho cái gọi là lương tháng( nghĩa là chỉ đủ để bôi đủ một hoặc hai tuần là cùng). Phần còn lại mẹ phải nhận làm vệ sinh cho khu tập thể. Cả nghìn con người chỉ có một daỹ nhà xí, phân và giấy chùi đít lúc nào cũng ngập lên tận mặt, còn thùng phi dội nước lúc nào cũng cạn trơ tận đáy. Để tránh bắt gặp mọi người, từ họ hàng cho tới bạn bè, thân quen, tối nào mẹ tôi cũng chỉ được ngủ năm tiếng. Ba giờ sáng đã phải trở dạy đeo khẩu trang, bịt kín mặt, chỉ hở mỗi đôi mắt, đội cái nón mê sùm sụp nhằm che bớt diện tích khuôn mặt đi, mặc một bộ quần áo không thể nào cũ kỹ hơn để dọn dẹp chất thải, đốt hết giấy chùi, hốt tro, kỳ cọ dội nước rồi múc từng xô nước đổ đầy vào thùng phi của cả mười buồng vệ sinh để sáu giờ sáng kịp rút lui khỏi hiện trường. Về nhà, vệ sinh tắm rửa qua loa, ăn vội bát cơm nguội rồi đi làm. 11 giờ trưa, lăn ra ngủ cho laị sức đến hai giờ đi làm tiếp đến 6 giờ... Nhiều khi cơm nguội không có mà ăn vì gạo chỉ có 13 ký lại độn đủ khoai, sắn hoặc khoai tây bi... Xà phòng cũng không đủ dùng (cả tháng chỉ được chia nhau nửa bánh xà phòng Liên Xô)... Chứng kiến cảnh đó, bao nhiêu lần mắt tôi mở to trong đêm và tôi nghĩ không thể thế này mãi được, mình phải viết hết ra những cảm xúc của mình để làm nhẹ nỗi đau của đời mình, đời mẹ, cũng là giải thoát người dân khỏi kiếp sống nghèo hèn, bẩn tưởi, bất công, phi lý này..Vì vậy từ khi 12, 13 tuổi tôi đã đóng vai người quan sát và bắt đầu viết, nhưng chỉ là những trang viết của tuổi học trò, chỉ có thể gửi ở báo thiếu niên tiền phong, mà chẳng phóng viên nào dám dùng, cũng không một lời hồi âm. Trên thực tế, nó như một tiếng nói lạc loài trong hệ thống xã hội chủ nghĩa. Cả nước chịu đựng, thắt lưng buộc bụng để dồn sức cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Khi nào nước nhà thống nhất thì muốn gì chả được. Bác đã bảo “Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày xưa” cơ mà.

Miền Nam “giải phóng”, trong máng cỏ của đàn cừu ngoan ngoãn cũng có thêm một chút hương vị của đời sống. Lần đầu tiên người miền bắc được biết đến bột ngọt, mì tôm, nhưng chỉ là khoảnh khắc rồi đâu lại vào đấy, vì sự hy sinh... to béo của các lãnh đạo cộng sản nên bao nhiêu của cải cướp bóc được từ người dân Miền Nam chẳng còn gì. Ca dao xưa bảo: “Bầu dục đâu đến bàn thứ tám, cám nhỏ đâu đến lượt lợn xề”, huống hồ bàn thứ tám nghìn, tám trăm... bao nhiêu nữa? Cầm cự được mười năm, đến năm 1985 là kiệt quệ của sự vinh quang, chiến thắng. Cả nước không thể ngụp lặn trong những ô tem phiếu cũng như húp chung một niêu cháo loãng của đảng cộng sản thiên tài, vĩ đại được nữa mà được lệnh tự túc lương thực. Bao nhiêu gia đình vợ chồng bỏ nhau chỉ vì chồng dại dột cho bạn vay mấy cân gạo mà bạn không đủ khả năng trả nợ. Cũng biết bao nhiêu ông chồng vì thật thà giữ bạn ở lại ăn cơm (dù chỉ là tiện miệng mời do đã đến bữa, nhưng khách lại thật bụng, làm cả nhà mỗi người phải bớt bát để...mát mặt lúc ấy). Khi khách vừa kịp quay lưng là “hòa bình nóng” nổ ra. Tiếp theo là “chiến tranh lạnh” cả tuần, cả tháng, không khí trong nhà như có đám tang, cho đến khi người chồng phải qùy xuống chân vợ mà xin lỗi, hứa hẹn sửa chữa sai lầm hoặc rút kinh nghiệm triệt để mới thôi.

Năm 1985 cũng là năm đánh dấu bi kịch trọng đại trong cuộc đời tôi. Tuy không phải tuổi già, nhưng do đói ăn, thiếu mặc, bố tôi tuy mới bước vào tuổi 65 đã chết vì suy dinh dưỡng nặng.

Trong nỗi đau khổ, đói nghèo, bần cùng của cả nước cũng là nỗi đau mất bố, tôi bắt đầu lén lút viết, không phải vì sợ đảng và chính quyền mà sợ mẹ...

Do hạn chế về mặt bằng nhận thức, lại lấy bố tôi theo kiểu “cha mẹ đặt đâu con nằm đấy”. Vốn học thức đầy mình, mở miệng là tầm chương trích cú, văn hóa tràn trề, mà bốn mươi nhăm năm theo cách mạng, ba mươi tám năm tuổi đảng, đồng lương hưu của một cán bộ từng giảng dạy tại trường Đại học Hàng Hải chỉ đủ mua mỗi tháng bốn mươi đồng tiền gạo, bốn mươi đồng tiền rau (Gồm mười cân gạo mậu dịch và mười cân rau muống héo dập nát của cửa hàng mậu dịch)...Bao nhiêu nhu cầu tự thân đều phải do những đồng tiền thức khuya dạy sớm của mẹ, nên hễ tôi ngồi cắm đầu vào viết là mẹ kể lể, mắng nhiếc, xỉa xói, bắt tôi phải tắt đèn để mẹ ngủ, mai còn có sức đi làm. Nhà chật, vẻn vẹn mười lăm mét vuông, với một ngọn đèn ở giữa nhà, trong khi chữ nghĩa cứ liên tiếp cựa quậy trong đầu như cái thai đã đủ tháng đủ ngày đòi quẫy đạp để ra đời, tôi không tài nào ngủ nổi, đành chui vào gian bếp, ngồi ngay trước cửa chuồng lợn để viết tiếp thì mẹ bắt tắt điện vì không đủ tiền trả hàng tháng. Tôi lúi húi thắp đèn dầu để viết mẹ lại giằng xé bản thảo làm mực đổ lênh láng, mặc tôi ngồi khóc thầm trong bóng tối, còn mẹ thì kiên quyết ra xác lệnh cấm ngặt tôi không được đi theo con đường rồ dại của bố...Cả nửa năm trời như vậy, cứ khi mẹ tôi bước chân ra khỏi cửa là tôi lại lén lút viết, hoặc nhặt lại bản thảo đã bị xé vụn, vừa chắp lại từng mẩu nhòe nhoét mực đổ, vừa đoán từng chữ để chép lại...Cho đến khi những bài báo đầu tiên của tôi được đăng trên báo, tiền nhuận bút ngang bằng với một tuần lương công nhân của mẹ, và tiếng tăm dần dần nổi lên như cồn ở khu tập thể: “Con bé nhà chị giỏi thật, vừa xinh đẹp lại viết báo hay, còn tốt nghiệp Đại học nữa chứ, đúng là ngôi sao sáng của cả khu tập thể nhà mình, hơn đứt các con ông to bà lớn lãnh đạo viện này,” v.v... Tôi mới được mẹ cởi trói, tuy vẫn phải đảm bảo nuôi lợn, nấu cơm, làm mọi việc trong nhà, chỉ sau sáu giờ tối mới được chui lên gác xép để viết và để đèn thật mờ để cả nhà ngủ...

Liên tiếp trong hai năm 1985-1986, trước ngày đổi mới cũng là lúc ông Nguyễn văn Linh hô hào cởi trói, cho phép người dân được quyền “đổi mới tư duy” vừa “nhảy vào lửa” vừa “nhòm vào l.” đảng thông qua chiến dịch NVL. Tôi viết liên tục vài chục truyện vui, ghi rõ: “Truyện vui thời bao cấp”. Vậy mà chả báo nào dám đăng. Hầu hết mọi người nhận xét: “Cởi trói chỉ là tạm thời, bịt miệng người dân mới là vĩnh viễn. Với cá tính và chất giọng tưng tửng khôi hài của em, cứ phải biết dừng lại thì mới có đất sống, đừng dại dột phanh phui mặt trái tấm huân chương của đảng mà “xanh cỏ” có ngày. Thời này không có chuyện “đỏ ngực”, đừng mơ...

Vì vậy tuy cuốn sách thực sự là sản phẩm của những xúc động tinh thần, giàu ý tưởng, lại đa tầng, đa nghĩa, luôn đặt câu chuyện trên nền tảng đời sống thực, chứa đựng đầy đủ, rõ nét những dữ kiện của một thời bảo thủ trì trệ, quan liêu bao cấp (thực chất là sự lường gạt, giả dối, bố thí) nhưng vẫn bị đắp chiếu nằm đấy.

Đầu năm 2003, nhờ tham gia vào phong trào đấu tranh dân chủ, được chú Nguyễn Thanh Giang giới thiệu với nhà văn Vũ Thư Hiên mà một vài truyện mới được tung ra trên mạng internet, tiêu biểu là chuyện: “Chết ngoài kế hoạch” mà nhiều người vẫn nhớ.

Sau này trong những ngày bị mời ra khỏi túi chứa chính sách của nhà nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (thường bị mọi người gọi chệch là “Chẳng hề xấu hổ chút nào vì ngu”) tôi tranh thủ gia cố thêm, từ vài chục truyện ban đầu thành 60, 70 rồi hơn 100 truyện với độ dài cả nghìn trang, chia thành ba tập. Không đọc thì thôi, hễ ai được tôi lén lút gửi bản thảo tới là cười khà khà khoái trá vì sự hồn nhiên, chân thật, cũng là sự ngẫu hứng của tôi thông qua sự tự do sáng tác đã bắc cầu qua những con chữ tạo thành tác phẩm thực sự gây cười cho người đọc. Trong khi mọi người cùng thời đều trốn chạy khỏi sự nguy hiểm, tìm sự yên tĩnh trong tâm hồn bản thể bằng cách nhai lại như vẹt những con chữ vô nghĩa, vô hồn, vô lối, vô minh, vô trách nhiệm của đảng cộng sản để kiếm về những đồng tiền còm cõi nuôi con, thì tôi đối mặt với sự hiểm nguy để viết bằng tất cả sự vò xé của tâm hồn mình, dù gặp phải muôn vàn khó khăn... Giống như ông tổ của bọn “cắn áo nhân dân” (CAND) nói: “Khi cần nhà văn có thể hy sinh đời mình để bảo vệ cuộc đời của trang sách”. Bản thân tôi cũng phải trả bằng giá máu để cuốn sách đến được tay bạn đọc hôm nay. Dù không được trọn vẹn và đầy đặn như tất cả những gì tôi đã viết ra suốt 35 năm qua( vì lũ học trò khốn nạn của Mark), theo lệnh cộng sản đã tràn vào nhà cướp bóc hết lần này lần khác nên có những chuyện tôi không thể nào tìm lại được, nhưng tôi vẫn hy vọng cuốn sách sẽ được bạn đọc để ý, tìm đọc, yêu mến, thấu hiểu tôi và biết đâu có thể gắn liền với tôi từ tâm khảm của mình.

Sacramento 22/8/2013
TKTT
(GHI CHÚ: Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy sẽ ra mắt bộ sách “Chết Ngoài Kế Hoạch: Chuyện Cười Xã Hội Chủ Nghĩa” gồm 2 tập. Vào Chủ Nhật 15-9-2013 từ 1:00PM-4:00PM tại Hội Trường Việt Báo, 14841 Moran St, Westminster, CA 92683. Tel: 714-894-2500. Kính mời đồng hương tham dự.)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ryanne Mena là một nhà báo đưa tin về tội phạm và an toàn công cộng cho Southern California News Group. Thứ Sáu, 6/6, ngày đầu tiên diễn ra cuộc biểu tình phản đối chính sách nhập cư của chính quyền Trump, chống lại các cuộc bố ráp của Cảnh Sát Di Trú (ICE), Mena đã có mặt ngay trên đường phố Los Angeles, bên ngoài Trung tâm giam giữ Metropolitan,L.A. Tại đây, cô bị trúng đạn hơi cay ở đùi bên trái Ngày kế tiếp, nữ phóng viên này bị trúng đạn cao su của các đặc vụ liên bang bắn vào đầu, bên phải, cách tai của cô chỉ khoảng 1 inch. Những tấm ảnh Mena và các đồng nghiệp khác bị thương lan tỏa khắp Instagram, Twitter.
Giữa lúc Tòa Bạch Ốc đang tìm mọi cách cứu vớt mối quan hệ Trump-Musk thì các cựu quan chức an ninh y tế cho biết chính quyền Trump hủy bỏ $766 triệu trong các hợp đồng nghiên cứu phát triển vaccine mRNA để chống lại các loại đại dịch cúm. Với họ, đây là đòn giáng mới nhất vào quốc phòng quốc gia. Họ cảnh báo rằng Hoa Kỳ có thể phải nhờ đến lòng trắc ẩn của các quốc gia khác trong đại dịch tiếp theo. ABC News dẫn lời Beth Cameron, cố vấn cao cấp của Trung tâm Đại dịch thuộc Brown University Pandemic Center, và là cựu giám đốc Hội đồng an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc, cho biết: “Các hành động của chính quyền đang làm suy yếu khả năng phòng ngừa của chúng ta đối với các mối đe dọa sinh học. Việc hủy bỏ khoản đầu tư này là một tín hiệu cho thấy chúng ta đang thay đổi lập trường về công tác chuẩn bị ứng phó với đại dịch. Và điều đó không tốt cho người dân Mỹ.”
Ăn mặc đẹp là nói về thời trang. Lịch sử “thời trang cao cấp” thuộc về truyền thống của Pháp: Haute couture từ thế kỷ 17. Đến thế kỷ 19, ngành thời trang cao cấp đã phát triển thành một phương tiện kích thích tăng trưởng trong nền kinh tế Pháp. Trong thời gian này, các nhà tạo mốt như Dior, Chanel và Balenciaga đã được thành lập. Tuy nhiên, vào thế kỷ 20, ngành thời trang cao cấp ở Pháp đã mất đi phần lớn sự huyền bí của mình và phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các thị trường quốc tế khác, đặc biệt là ở Ý và Hoa Kỳ. Sự thành công của bối cảnh thời trang quốc tế và tiềm năng lợi nhuận đã thu hút sự chú ý của các tập đoàn hàng xa xỉ, được tiên phong bởi ông trùm kinh doanh người Pháp và người sáng lập LVMH Bernard Arnault vào năm 1987. Ngày nay, các tập đoàn này vẫn tiếp tục duy trì hoạt động lịch sử của các nhà thời trang xa xỉ thông qua việc bổ nhiệm các giám đốc sáng tạo, những người diễn giải và chỉ đạo triết lý thiết kế của thương hiệu.
Chiều Thứ Sáu cuối cùng của Tháng Năm 2025, tỷ phú nhất thế giới Elon Musk, người đứng đầu Bộ Hiệu Quả Chính Phủ (DOGE) bước vào Phòng Bầu Dục. Musk đội nón kết đen có chữ MAGA, mặc áo thun đen có chữ “The Dogefather,” vest đen, đứng kế Tổng thống Trump – chỗ đứng quen thuộc của Musk từ khi Trump tái đắc cử. Hình truyền thông từ Phòng Bầu Dục đưa đi cho thấy, thỉnh thoảng, đôi mắt của Elon Musk nhắm nghiền với vết bầm trên mắt phải chưa tan, đầu lắc lư, lắc lư. Không biết là ông ta đang tận hưởng không khí phủ đầy vàng của Bạch Cung hay tâm hồn đang…phiêu diêu ở Sao Hỏa? Đó là ngày cuối cùng được cho là ngày làm việc của Musk trong Tòa Bạch Ốc, theo cách chính quyền Trump thông báo.
Dù cụm từ này mới phổ biến trong thế kỷ 21, DEI thực ra là một là chương mới trong hành trình dài kiến tạo một xã hội công bằng của nước Mỹ. Các giá trị mà DEI hướng tới đã từng được khẳng định trong các văn kiện lập quốc, và tiếp tục được củng cố thông qua những cột mốc quan trọng như Đạo Luật Dân Quyền năm 1964, các Chính Sách Nâng Đỡ Người Thiểu Số, cùng những phong trào đấu tranh vì công bằng sắc tộc, bình đẳng giới, quyền lợi người tàn tật, cựu quân nhân và di dân
Trong lịch sử cuộc chiến Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhân danh dân tộc để lãnh đạo toàn diện công cuộc đấu tranh giành độc lập và cuối cùng thống nhất đất nước vào năm 1975. Sau 50 năm, đất nước đang chuyển mình sang một kỷ nguyên mới và Đảng vẫn còn tiếp tục độc quyền quyết định vận mệnh cho dân tộc. Trong bối cảnh mới tất nhiên đất nước có nhiều triển vọng mới. Thực ra, từ lâu, đã có hai lập luận về vai trò của Đảng đã được thảo luận.
Ngày 18 Tháng Năm 2025, báo điện tử Tuổi Trẻ đưa tin ông Phạm Minh Chính (thủ tướng nước Việt Nam) hướng dẫn Bộ Nội vụ Việt Nam chuẩn bị phát động phong trào toàn dân thi đua làm giàu, đóng góp, xây dựng, bảo vệ đất nước. Phong trào thi đua này dựa trên nội dung trọng tâm, cốt lõi của nghị quyết 68 của Bộ Chính trị Việt Nam về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch thực hiện nghị quyết này.
Ngày 1 tháng 5 năm 2025, Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump trong lúc ban hành sắc lệnh hành pháp thành lập Ủy Ban Tổng Thống Về Tự Do Tôn Giáo đã nói rằng, “Họ nói tách rời nhà thờ và nhà nước… Tôi nói, ‘Được rồi, hãy quên chuyện đó một lần đi’,” theo bản tin của Politico được đăng trên trang www.politico.com cho biết. Lời phát biểu của TT Trump đã mở ra sự tranh luận về sự tách biệt giữa nhà thờ và nhà nước mà vốn được Hiến Pháp Hoa Kỳ công nhận trong bối cảnh Tòa Bạch Ốc gia tăng sự nhiệt tình đối với Thiên Chúa Giáo, theo Politico. TT Trump ngày càng dựa vào đức tin Thiên Chúa Giáo qua việc thiết lập Văn Phòng Đức Tin Bạch Ốc tại phòng West Wing, mời các mục sư vào Phòng Bầu Dục và trong các cuộc họp Nội Các, và ban hành các sắc lệnh hành pháp để xóa bỏ “khuynh hướng chống Thiên Chúa Giáo” trong chính quyền. Mối quan hệ giữa tôn giáo và chính trị xưa nay vốn phức tạp.
Hermann Rorschach là một bác sĩ tâm thần và nhà phân tâm học. Ông nổi tiếng về phát minh ra một bài kiểm tra tâm lý qua những hình ảnh tạo ra ngẫu nhiên từ các vết mực (inkblot.) Một người được yêu cầu mô tả những gì họ nhìn thấy trong hình ảnh do những vết mực không rõ ràng kết thành. Bác sĩ Rorschach tin rằng những hình ảnh được tạo nên từ vết mực có thể bộc lộ đặc trưng bí mật trong hành vi lẫn tình cảm của con người. Bài trắc nghiệm khách quan này thường xuất hiện trong văn hóa đại chúng và thường được mô tả như một cách để tiết lộ những suy nghĩ, động cơ hoặc mong muốn vô thức của một người.
Quyền lực là khả năng khiến người khác làm những gì bạn muốn. Điều đó có thể được thực hiện bằng cách cưỡng ép ("gậy gộc"), thanh toán ("cà rốt") và thu hút ("mật ong"). Hai phương pháp đầu tiên là dạng quyền lực cứng, trong khi lực thu hút là quyền lực mềm. Quyền lực mềm phát triển từ văn hóa của một quốc gia, các giá trị chính trị và chính sách đối ngoại của nó. Trong ngắn hạn, quyền lực cứng thường vượt trội hơn quyền lực mềm. Nhưng về lâu dài, quyền lực mềm thường chiếm ưu thế. Joseph Stalin đã từng hỏi một cách chế giễu, "Đức Giáo hoàng có bao nhiêu sư đoàn?" Nhưng triều đại giáo hoàng vẫn tiếp tục cho đến ngày nay, trong khi Liên Xô của Stalin đã biến mất từ lâu.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.