Hôm nay,  

Chủ Nghĩa Dân Tộc Và Sức

08/12/201200:00:00(Xem: 12516)
Ở cuối chân mây có thể là chủ nghĩa phát xít, quân phiệt...

Sau cơn địa chấn, nhiều đợt sóng đáy đang nổi lên....

Thời sự quốc tế cho thấy một trào lưu mới, xuất phát từ những khủng hoảng liên tục vừa qua. Đó là sự tái sinh của chủ nghĩa quốc gia dân tộc, theo lối suy diễn đáng ngại nhất...

Khi theo dõi thời sự ấy, chúng ta ít thấy ra mẫu số chung của Osaka, Catalonia hay Gaza....

Tại Nhật Bản, ngày 17 Tháng 11, Đảng Thái Dương (Tachiagare Nippon) do ông Shintaro Ishihara thành lập từ năm 2010 đã sát nhập với đảng Duy Tân (Nippon Ishin no Kai) do Thị trưởng Osaka là Toru Hashimoto sáng lập từ Hội Duy Tân Thành phố Osaka để trở thành một đảng ở cấp quốc gia. Họ chuẩn bị tranh cử với hai chính đảng lớn của Nhật là Đảng Dân Chủ (DPJ) và đảng Tự Do Dân Chủ (LDP). Ngày tranh cử sẽ là 17 tháng này.

Ishihara nguyên là Đô trưởng Tokyo, nổi tiếng từ năm 1989 ở chủ trương quốc gia triệt để và gần đây là người châm ngòi cho vụ khủng hoảng với Bắc Kinh khi đề nghị thủ đô Tokyo mua lại ba đảo nhỏ của tư nhân trong cụm đảo Senkaku mà Trung Quốc nhận là của mình và gọi là Điếu Ngư Đài. Toru Hashimoto là lãnh tụ sáng giá và mới nổi từ Osaka, thành phố đứng hạng ba về dân số, và hiện là người được gần hai phần ba cử tri Nhật tin tưởng. Trong khi hai đảng lớn chỉ được khoảng 20%.

Một tuần sau, ngày 24 Tháng 11, đảng Giảm Thuế (Genzei Nippon) của Thị trưởng Nagoya là Takashi Kawamura thảo luận việc thống hợp với đảng Tương Lai (Nippon Mirai no To) của Tổng trấn Shiba là bà Yukiko Kada thành một lực lượng thứ ba, cũng ra tranh cử với hai đảng LDP và DPJ.

Theo chủ trương chống tăng thuế, chống năng lượng nguyên tử, bảo vệ môi sinh và bảo hộ mậu dịch nên chống Hiệp định Xuyên Thái bình dương TPP, cái đảng có tên rất dài là Genzei Nippon - Han TTP - Datsu-Genpatsu o Jitsugen suru To chỉ là một chính đảng địa phương, thành lập từ năm 2010. Nhưng Genzei Nippon có ảnh hưởng mạnh từ vụ thiên tai Tohoku vào Tháng Ba năm 2011 khiến động đất và sóng thần gieo họa cho các lò nguyên tử Nhật.

Đảng Tương Lai thì mới thành hình hôm 28 Tháng 11 sau khi kết hợp với 49 đại diện dân cử ly khai từ đảng Dân Chủ, đứng đầu là chính trị gia Ishiro Osawa nổi tiếng đầy tham vọng. Là Tổng thư ký đảng Tự Do Dân Chủ LDP, Osawa tách riêng và trở thành lãnh tụ đảng Dân Chủ DPJ và thất bại vì tai tiếng tham nhũng nên lại đứng thế đối lập nhờ đảng Dân Sinh (Sinh Hoạt của Quốc Dân là Đệ Nhất!) với chủ trương chống tăng thuế và năng lượng nguyên tử. Osawa khai thác tinh thần mị dân để chống đảng Dân Chủ đang cầm quyền và sắp lung lay của Thủ tướng Yoshihiko Noda.

Việc các đảng nhỏ, có tinh thần địa phương, đại chúng và mị dân đang kết hợp nỗ lực để thách đố hệ thống chính quyền trung ương và hai chính đảng truyền thống phản ảnh một sự chuyển động lớn trong xã hội Nhật.

Chính quyền trung ương và các đảng lớn bị bất lực và không thể cải cách cơ chế thư lại già lão sau hai chục năm suy sụp nên gây thất vọng cho dân Nhật. Sự bất mãn kết tụ vào một số đảng địa phương hay các lãnh tụ đầy tham vọng, nhưng cũng chậm rãi đưa Nhật Bản trở lại bài toán cổ điển của lịch sử là sự đối nghịch giữa khuynh hướng trung ương tập quyền và địa phương cát cứ. Chính là nỗ lực thống hợp để xây dựng sức mạnh quốc gia mới dẫn đến chủ nghĩa đế quốc và chế độ quân phiệt trong nửa đầu của Thế kỷ 20, cho tới khi Nhật bị đánh bại trong Thế chiến II.

Ngày nay, bên cạnh sự bành trướng đáng ngại của Trung Quốc, sự kiện nhiều lãnh tụ Nhật còn khơi dậy tinh thần quốc gia dân tộc, và được quần chúng ủng hộ, cho thấy nhiều bất ổn cho cả khu vực Đông Á. Điều này, cử tri Hoa Kỳ không biết mà cũng chẳng cần biết. Nhưng chúng ta thì nên quan tâm.

Nếu có chú ý đến thời sự quốc tế, dân Mỹ có vài giây thắc mắc về việc Liên hiệp quốc vừa chính thức công nhận Chính quyền Quốc gia Palestine PNA của lực lượng Fatah do Tổng thống Mahmoud Abbas lãnh đạo trong khu vực gọi là Tây ngạn sông Jordan (West Bank). Họ thắc mắc vì Hoa Kỳ đã chống lại quyết định này mà không cản được.

Thật ra, họ nên quan ngại một chuyện khác.

Lực lượng Fatah chỉ có hư danh trên vùng Tây ngạn vì không lãnh đạo được toàn thể cộng đồng Palestine. Đang giành quyền lãnh đạo sau khi tấn công lực lượng Fatah và tổ chức PNA vào năm 2006 là lực lượng Hamas, hiện kiểm soát Dải Gaza và vừa xung đột với Israel nhờ hỏa tiễn Fajr-5 do Iran cung cấp. Nếu Fatah có chủ trương tương đối ôn hòa thì Hamas là lực lượng quá khích, đã có hành vi khủng bố trong thực tế, và tồn tại nhờ sự yểm trợ của Syria, Iran và lực lượng Hezbollah tại Lebanon.

Nói cách khác, chính quyền Palestine hiện có hai đầu ở hai nơi và dù rằng cả hai đều nhân danh dân tộc Palestine (người Á Rập sống tại Palestine), sự phân hóa ấy gây trở ngại cho việc hình thành một quốc gia Palestine độc lập có thể sống chung – hay không - với quốc gia Israel của người Do Thái.

Khi nhìn về Âu Châu, người ta cũng chú ý đến một tin lạ từ xứ Tây Ban Nha là cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật 25 Tháng 11 tại Catalonia.

Khu vực tự trị Catalonia gồm có bốn tỉnh là Barcelona, Girona, Lleida, Taragona với thủ phủ Barcelona, là thành phố lớn thứ nhì của Tây Ban Nha và là một trung tâm thương mại và kinh tế của Âu Châu. Cuộc khủng hoảng tài chánh của khối Euro đã đào sâu mâu thuẫn – và tranh chấp quyền lợi - giữa chính quyền Catalonia với chính quyền trung ương tại thủ đô Madrid. Mâu thuẫn ấy dẫn tới cuộc vận động ly khai để thành hình một nước Calatonia độc lập của dân Catalan, nói tiếng Catalan.

Lãnh đạo Catalonia là ông Artur Mas mới cho tổ chức bầu cử để tăng cường ảnh hưởng của đảng cầm quyền hầu tiến tới một cuộc trưng cầu dân ý về việc ly khai hay không. Cuộc bầu cử không đem lại kết quả như ông mong muốn, và ngay trong nội bộ khuynh hướng ly khai cũng có nhiều mâu thuẫn. Nhưng đa số dân Catalan hiện đang muốn là công dân một nước độc lập.

Sự kiện ấy khiến người ta để ý đến trường hợp nước Bỉ, một quốc gia tập hợp hai sắc dân có chung một lãnh thổ mà nhìn về hai hướng. Dân Flemish (60%) ở phía Bắc thì gần với Hoà Lan về văn hóa và ngôn ngữ; còn dân Walloons (40%) thì gần với Pháp. Từ nhiều năm nay, mâu thuẫn sắc tộc đã gia tăng tại Bỉ khiến chính quyền gần như bị tê liệt tại thủ đô Bruxelles và gây tê liệt cho cả chính quyền Liên hiệp Âu châu tại thủ phủ Bruxelles.

Liên Âu vốn dĩ đã bị khủng hoảng vì khối Euro. Câu chuyện Tây Ban Nha và Bỉ mới khiến người ta quay trở lại vụ Euro.

Vụ khủng hoảng Euro đào sâu mâu thuẫn giữa 17 thành viên đã thống nhất tiền tệ mà không thống nhất về chính trị để có một chính sách kinh tế và ngân sách chung. Trong nội bộ khối Euro đã có mâu thuẫn giữa các nước lâm nạn, đa số ở miền Nam, với các nước giàu mạnh hơn ở miền Bắc. Vụ khủng hoảng còn phơi bày những dị biệt giữa 17 nước thuộc khối Euro và 10 nước còn lại của Liên hiệp Âu châu.

Khi bất mãn về những dàn xếp tất nhiên là bất toàn, người ta thường có phản ứng lui về quá khứ, với giấc mơ lãng mạn của thời rau cháo có nhau trong một cộng đồng dân tộc, trước khi các thế lực khác bước vào làm đảo lộn cuộc sống.

Nghĩa là chủ nghĩa dân tộc trở thành một cám dỗ lớn.

Nó cũng giải thích sự lớn mạnh của xu hướng cực hữu và bài ngoại ngay tại các nước Pháp, Đức hay Hung Gia Lợi. Chủ nghĩa dân tộc ấy cho phép người ta giải thích và quy tội cho ai khác về những khó khăn của mình: chúng ta mất dần quyền lợi, bản sắc và việc làm vì người khác, đến từ Bắc Phi, Trung Đông hay Đông Âu...

Vụ khủng hoảng Euro đào sâu những khác biệt sắc tộc và địa phương trong cộng đồng Âu Châu. Sự khác biệt ấy có thể dẫn đến mâu thuẫn và xung đột nếu khuynh hướng cực hữu thắng thế. Tức là có khi Âu Châu lại rơi vào nghiệp cũ, chẳng khác gì những xung đột giữa các nước Châu Á.

Vì giới hạn của trang báo, bài viết này chưa thể đề cập tới những vấn đề tương tự mà còn trầm trọng hơn về địa dư và sắc tộc của Liên bang Nga và Trung Quốc. Xin để kỳ khác....

Tuy nhiên, trong sự chuyển động đáng ngại ấy, chúng ta cũng nên liếc về Việt Nam.

Nếu có ai đó chủ trương xây dựng các khu vực tự trị - thí dụ như tại Ninh Thuận cho người Chàm, tại Cao nguyên Trung phần (Tây Nguyên) cho người Thượng, tại An Giang Châu Đốc cho người Khmer Krom (người Việt gốc Miên), hoặc nên giành vùng Thượng du Bắc Việt tiếp giáp với Trung Quốc cho các sắc dân thiểu số – thì chúng ta có thấy rợn mình về an ninh của Việt Nam không? Đây chẳng là giả thuyết mà đang lặng lẽ xảy ra.

Nếu tìm hiểu thì mình có thể thấy bàn tay Bắc Kinh đằng sau trò chơi xé xác này.

Các chế độ độc tài thường chủ quan duy ý chí cải tạo xã hội và tiêu diệt bản sắc thiểu số để mọi cộng đồng đều sống đồng dạng dưới sự cai trị của một đảng. Chế độ cai trị này gây ra khủng hoảng và khi vòng đai nhất thống bị đánh bung thì phản ứng dội ngược là tinh thần quốc gia hay dân tộc có thể dẫn đến phân hóa và nội chiến. Chúng ta đã thấy chuyện ấy từ khi Liên Xô sụp đổ hoặc Nam Tư tan rã. Đấy là chuyện cũ, của 20 năm trước.

Chuyện mới là ngay trong các nước dân chủ, như Nhật Bản, Tây Ban Nha và nhiều xứ Âu Châu, phản ứng quốc gia và tinh thần dân tộc cũng đang mở ra nhiều cuộc phiêu lưu đáng sợ trong màu hồng của những mơ tưởng lãng mạn. Ở cuối chân mây có thể là chủ nghĩa phát xít, quân phiệt.

Đấy mới là chuyện đáng lo. Nhưng đang vượt ra khỏi sự quan tâm của nước Mỹ và nhiều người Việt.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chúng ta đang bước vào năm bầu cử. Năm 2024 sẽ có một cuộc bầu cử có tính quyết liệt, vì các lựa chọn chắc chắn sẽ gây tranh cãi trong nội bộ cộng đồng gốc Việt, trong các gia đình người Việt, giữa các lựa chọn về cấp tiến và bảo thủ, giữa các thế hệ trẻ và già ở hải ngoại. Và chắc chắn là bầu cử tháng 11/2024 tại Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng tới cuộc chiến Trung Đông, cuộc chiến ở Ukraine, và ở cả Đài Loan. Tác động như thế nào, chúng ta khó đo lường hết tất cả các ảnh hưởng. Trong đó, một tác động lớn là từ tin giả, nói kiểu Mỹ là Fake News, tức là tin không thật.
Tôi rất thích khoa nhân chủng nhưng không có cơ may đến trường để được truyền thụ một cách bài bản về ngành học thú vị này. Hoàn cảnh sống, nói nào ngay, cũng không mấy thích hợp cho nhu cầu tự học. Suốt ngày (và suốt đời) tôi chỉ loanh quanh hàng quán nơi mà những kẻ hay lê la thường nói rất nhiều, dù sự hiểu biết của họ vốn không được bao nhiêu. Ngoài giới hạn về kiến thức, mấy ông bạn đồng ẩm còn có cái tật rất hay tranh cãi (và luôn cãi chầy cãi cối) nên mọi thông tin, từ bàn nhậu, đều không được khả xác hay khả tín gì cho lắm.
“Tham nhũng chính trị, lệch lạc tư tưởng, băng hoại đạo đức và hủ bại về lối sống. Đây là những kẻ thù rất nguy hiểm của Đảng, cần phải loại bỏ.” Tạp chí Xây Dựng Đảng (XDĐ) đã báo động như thế trong bài viết ngày 26/11/2023...
Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) nhìn nhận tình trạng “trẻ hóa” trong suy thoái “tư tưởng chính trị ” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang gây khó khăn cho công tác “xây dựng, chỉnh đốn đảng”...
Năm 2024 là năm bầu cử, một năm gay go thử thách, và đề tài yêu ghét dù muốn hay không muốn đã trở lại trên các trang báo, trong các buổi tranh luận trong gia đình, ngoài xã hội. Chúc bàn tiệc trong năm của quý vị rôm rả những câu chuyện, những cuộc đối thoại bổ ích hai chiều, những thay đổi tốt đẹp. Và xin cảm ơn quý thân hữu, thân chủ đã hỗ trợ, gắn bó cùng hành trình với Việt Báo trong hơn 31 năm qua. Sau cùng là lời tri ân đến các độc giả Việt Báo: chính quý vị, những người đọc khó tính là thành trì giúp Việt Báo trở thành một tờ báo uy tín, chuyên nghiệp.
Năm 2023 tiến vào những ngày cuối cùng, nó sẽ đi qua và không bao giờ trở lại. Lịch sử sẽ đi qua nhưng những việc làm của con người sẽ tồn tại với sự khôn ngoan và ngu ngốc của đa số. Cụm từ ‘con-người-đa-số’ chỉ định ý muốn chung của đa số người. Và ‘con-người-thiểu-số’ đành phải tuân theo. Trò sinh hoạt dân chủ luôn luôn là con dao hai lưỡi có hiệu quả tùy thuộc sở thích của con người đa số. Sở thích? Một thứ tạo ra tốt lành hoặc khổ nạn. Đúng ra là cả hai, nhưng có một trong hai sẽ lớn hơn, đôi khi, lớn gấp bội phần. Nếu khổ nạn quá lớn thì cuộc sống chung sẽ thay đổi, có khi lâm vào mức tồi tệ. Chẳng hạn như trường hợp nước Đức dưới thời Hitler. Ý muốn của con người đa số đam mê nồng nhiệt ý muốn của Hitler. Cho ông ta cơ hội dẫn đầu một quốc gia quyền lực, tạo ra hiệu quả cuộc chiến thế giới thứ hai. Hậu quả tàn khốc đó do ai? Hitler? Đúng một phần.
“Tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong Lực lượng vũ trang nhân dân là mối lo hàng đầu của đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. Bằng chứng này đã được Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đưa ra tại Hội nghị Đảng ủy Công an ngày 20/12/2023 tại Hà Nội, và trong nội dung các bài viết trên báo chí chính thống của nhà nước liên quan đến Quân đội...
Người ta nên áp dụng đạo đức vào tài chính trị của Henry Kissinger như thế nào? Làm thế nào để người ta quân bình những thành tựu với những hành vi sai trái của Kissinger? Tôi đã vật lộn với những vấn đề đó từ khi Kissinger là giáo sư của tôi, và sau này là đồng nghiệp tại Đại học Harvard. Vào tháng Tư năm 2012, tôi đã giúp phỏng vấn ông trước một số lượng lớn cử toạ tại Harvard và hỏi liệu ông có làm điều gì khác đi trong thời gian làm ngoại trưởng cho các Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Gerald Ford không. Lúc đầu, ông nói không. Suy nghĩ lại, ông nói rằng ước mình là đã hoạt động tích cực hơn ở Trung Đông. Nhưng ông không đề cập đến Campuchia, Chile, Pakistan hay Việt Nam. Một người phản đối ở phía sau hội trường hét lên: "Tội phạm chiến tranh!"
Việt Nam có còn “độc lập” với Trung Quốc hay không sau chuyến thăm Hà Nội của Tổng Bí thư, Chủ tịch nhà nước Tập Cận Bình là thắc mắc của người dân Việt Nam. Ông Tập có mặt ở Việt Nam từ 12 đến 13 tháng 12 năm 2023 và đạt được cam kết của Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng về “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc”.
Ngày nay, Chiến lược Phòng thủ Quốc gia của Hoa Kỳ – giống như chiến lược Chiến tranh Lạnh tạo chuẩn mực cho tư duy chiến lược trong những năm từ thập kỷ ‘50 đến ’80 – bị chi phối bởi một tác nhân đe dọa chính, đó là Trung Quốc. Điều này vừa cung cấp thông tin vừa tạo điều kiện cho tất cả các mối đe dọa lớn khác có thể xảy ra: Nga, Iran và Bắc Triều Tiên. Giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ hiện đang lâm vào một cuộc cạnh tranh với đối thủ duy nhất của mình, một cuộc cạnh tranh có khả năng bỏ rơi các thành tựu chính trị, kinh tế và công nghệ. Hoa Kỳ cũng đang ở trong một cuộc chạy đua vũ trang hiện đại, và trong một số trường hợp, chơi trò đuổi bắt và tranh đua để giành tình hữu nghị, gây ảnh hưởng lên các quốc gia khác trên thế giới.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.