Hôm nay,  

Nghịch Lý Của Dân Chủ và Obamacare

30/06/201200:00:00(Xem: 13263)
Những bài toán hợp lý tại Hoa Kỳ và mâu thuẫn tại Âu Châu...

Một ngẫu nhiên thú vị khiến cho cùng ngày Thứ Năm, người ta thấy ra hai khía cạnh trái ngược của nguyên tắc dân chủ, tại Hoa Kỳ và tại Âu Châu.

Sáng Thứ Năm 28, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ ra phán quyết về một vụ kiện liên quan tới đạo luật về chế độ bảo dưỡng y tế được Quốc hội trong tay đảng Dân Chủ thông qua từ Tháng Ba năm 2010 mà không có một lá phiếu Cộng Hoà. Gây sôi nổi từ nhiều năm nay, đạo luật có ảnh hưởng rộng lớn về kinh tế và xã hội đã bị 26 tiểu bang bỏ phiếu chống và bị hiệp hội tiểu doanh kiện đến tận tòa án trên cùng. Bên kia là Bộ Y tế và Dịch vụ Xã hội của Hành pháp Liên bang.

Được chờ đợi từ lâu, phán quyết của Tối cao Pháp viện có ý nghĩa lịch sử và, quan trọng nhất, xác định giá trị dân chủ của nước Mỹ.

***

Trước hết, Tối cao Pháp viện cho rằng đạo luật này không vi hiến, là quan điểm của Tổng thống Barack Obama và đảng Dân Chủ, vì là một quyết định về thuế khoá và chính quyền liên bang có thẩm quyền quyết định về thuế khóa. Mặc dù không phê phán tính chất đúng sai hay lợi hại của một chính sách y tế hay kinh tế, phán quyết ấy là một chiến thắng pháp lý cho đảng Dân Chủ.

Nhưng, vì đạo luật thực tế là một quyết định thuế khóa hơn là thương mại - những ai không mua bảo hiểm thì có thể bị phạt – phán quyết này lại cho đảng Cộng Hoà một chiến thắng về lý luận mà đảng Dân Chủ khó chối cãi. Đấy là một đề mục tranh cử hấp dẫn vì đa số tới 60% dân Mỹ tỏ ý phản đối đạo luật này.

Chúng ta sẽ còn mất cả tuần để tìm hiểu nội dung của một phán quyết dày hơn 190 trang về một đạo luật 2.700 trang. Nhưng ngay lập tức cả Tổng thống Obama lẫn ứng cử viên Mitt Romney bên Cộng Hoà đã nhảy lên nói quá.

Obama ngợi ca phán quyết và nói ra vài ba điều sai: "Nếu muốn, quý vị vẫn có thể giữ kế hoạch bảo hiểm của mình". Lời dụ đã nhàm vì cơ quan nghiên cứu ngân sách độc lập của Quốc hội (CBO) đã ước tính là có vài triệu công nhân viên sẽ không giữ được chương trình bảo hiểm do doanh nghiệp của họ bảo trợ. Ông cũng thổi phồng tác dụng của đạo luật, rằng nhiều người trẻ có thể sát nhập vào chương trình bảo hiểm của cha mẹ. Ta không lạ gì chuyện nói quá như vậy để chiêu dụ vì bên kia, ông Romney cũng nói quá để hăm dọa. Chẳng hạn như đạo luật sẽ cắt chương trình Medicare mất 500 tỷ trong 10 năm tới. Thực tế thì đà gia tăng của Medicare sẽ giảm bớt 500 tỷ. Nói quá như vậy là chính trị lẽ thường mà cử tri nên biết trừ bì chứ đừng nuốt chửng.

Nhưng chi tiết lý thú và nên thấy ngay là cách nhìn của các Thẩm phán Hoa Kỳ.

Chủ tịch Tối cao Pháp viện, ông John Roberts Jr., là nhân vật bảo thủ, được Tổng thống George W. Bush để cử từ năm 2005, bổng dưng lại đồng quan điểm với bốn Thẩm phán thiên tả được đảng Dân Chủ đề cử, nhờ vậy mà phán quyết đạt đa số 5-4. Ngược lại, một Thẩm phán ôn hòa là Anthony Kennedy lại bỏ phiếu theo ba nhân vật bảo thủ.

Chuyện bất ngờ ấy mới cho thấy giá trị của nền dân chủ Hoa Kỳ vì toà trên trả lại trái banh cho các chính khách đá tiếp, trong khuôn khổ hiến pháp. Chúng ta nên để ý một chút đến chi tiết này.

Trước hết, phán quyết bất ngờ này cho thấy các Thẩm phán quyết định theo công tâm, không theo phe phái chính trị và quyết định của họ được mọi người, kể cả phụ tá, nhân viên hay thư ký, giữ kín đến lúc cuối. Chứ không tiết lộ trước cho báo chí như người ta đã thấy quá nhiều lần bên Hành pháp và Quốc hội. Cơ chế tối cao này mới thật sự là chuyên nghiệp và coi việc bảo vệ Hiến pháp là tối thượng.

Thứ hai, lập trường của Đệ nhất Thẩm phán John Roberts hóa giải luôn lý luận hàm hồ của một số quần chúng thiên tả - kể cả của Obama hồi tháng trước - rằng Tối cao Pháp viện chẳng do ai bầu lên mà vẫn lấy quyết định đi ngược quan điểm của giới dân cử.

Năm 2000, Tối cao Pháp viện bị công kích như vậy khi ra phán quyết với tỷ số 5-4 về kết quả bầu cử tổng thống tại Florida, và đưa ứng cử viên George W. Bush lên làm Tổng thống! Với phán quyết vừa qua, không còn ai có thể nói ngang dọc về Tối cao Pháp viện là thuộc phe tả hay hữu nữa. Chuyện ấy trở thành vô bổ. Một tuyệt chiêu của Chủ tịch Roberts khi bước qua hành lang đứng cùng phe tả và viết ra quan điểm của đa số.

Người ta chỉ biết ông như một học giả thượng thặng về luật hiến pháp chứ ít ai ngờ ông là một kỳ thủ về nghệ thuật đánh cờ vi.

Vì ông mặc nhiên khép cánh cửa thương mại của chính quyền liên bang (không được quyết định về chuyện mua bán của các tiểu bang) và mở bung cánh cửa thuế khoá, vì chính quyền liên bang có thẩm quyền về thuế khoá! Chuyện lắt léo ấy là một món quà đầy nhâm ngôn trộn thạch tín cho Tổng thống khi Obama cứ chối đây đẩy là đạo luật không gây tốn kém và ông không tăng thuế giới trung lưu.

Ở giữa mùa tranh cử, phán quyết này mở ra nhiều trận đánh hấp dẫn và cho thấy sự vận hành linh động của nền dân chủ Hoa Kỳ. Nhưng, dù có đồng ý hay không, chẳng tiểu bang nào lại phất cờ độc lập và đòi ra khỏi thể chế liên bang. Chuyến ấy mới khiến ta nhìn qua Âu Châu.

Vì cùng lúc đó 27 thành viên trong Liên hiệp Âu châu bị rơi vào hoàn cảnh lưỡng nan, cả hai mặt đều nan giải.

***

Trong hai ngày 28 và 29 Tháng Sáu, nguyên thủ của 27 nước Liên Âu lại họp tại thủ phủ Bruxelles, lần thứ 19 kể từ khi khủng hoảng bùng nổ gần ba năm trước. Lần này, họ phải giải quyết một mâu thuẫn nằm trong cốt lõi chính trị của Âu Châu.


Dự án Âu châu là một sự thống nhất nửa vời - và không bền - giữa hai chiều hướng và cơ chế trái ngược, giữa chủ quyền quốc gia với quyền lực của một cơ chế siêu quốc gia.

Trong một số lãnh vực, các quốc gia đều giữ lại chủ quyền, đó là ngoại giao và quân sự. Trong một số lãnh vực khác thì các quốc gia nhường quyền quyết định cho cơ chế siêu quốc gia, cho hệ thống chính trị Liên Âu, thí dụ như thống nhất về ngoại thương, giao dịch kinh tế. Trong một số lãnh vực khác, các nước bơi lại trong vùng đất xám, nước lợ, nghĩa là có nước thì đồng ý với tập thể, có nước thì phản đối không chấp hành – mà chẳng lãnh trách nhiệm hay bị chế tài.

Thật ra, tình trạng giở giăng giở đèn này là bẩm sinh!

Ít ai nhớ rằng năm 1965, Pháp đơn phương ra khỏi Hội đồng Bộ trưởng Âu châu để phản đối việc gia tăng quyền lực cho Hội đồng Âu châu, European Comission! Một thí dụ gần hơn là Hội đồng Âu châu này lập ra để đẩy mạnh việc hội nhập các nước, một trong những nỗ lực hội nhập đó là Thỏa ước về Tự do Di trú đã ký kết tại Schengen. Dù đã ký kết, nhiều quốc gia không chấp nhận việc hội nhập này và vẫn muốn lập ra hệ thống kiểm soát di dân. Gần hơn nữa, Tháng 12 năm ngoái, hai trong 27 thành viên Liên Âu (Anh quốc và Cộng hoà Tiệp) đã không đồng ý với thỏa ước Âu châu về Ngân sách. Qua Tháng Ba, nhiều nước đã ký mà sau lại phủ nhận yêu cầu giảm chi để quân bình ngân sách, một điều khoản then chốt của Thỏa ước này.

Nổi tiếng trong số các quốc gia đó là Hy Lạp và Pháp, một quốc gia đề xướng thỏa ước, khi ấy do Tổng thống Nicolas Sarkozy lãnh đạo. Chỉ cần một kết quả bầu cử - rất dân chủ - như tại Pháp hay Hy Lạp, là các thành viên Liên Âu có thể xé luôn những thoả ước hay cam kết trước đó với cơ chế siêu quốc gia Âu châu.

Vấn đề then chốt của mâu thuẫn và phân hóa Âu châu nằm trong một sự thể cực kỳ đơn giản: các nước đồng ý về mục tiêu lý tưởng và lâu dài nhưng không đồng ý với phương thức thực hiện mục tiêu đó trong ngắn hạn. Lý tưởng lâu dài là thống nhất về kinh tế và chính trị, nhưng chỉ tiến tới thống nhất kinh tế nếu không phải trả giá và phải cải cách chính sách kinh tế bên trong. Và chỉ thống nhất chính trị nếu vẫn bảo vệ được cái quyền lắc đầu!

Khi phải tranh luận thì xứ nào cũng có thể nhân danh nguyên tắc dân chủ: chúng tôi chỉ chịu trách nhiệm với nhân dân và quyền dân mới là tối thượng!

***

Một thí dụ rợn mình là tuần qua, Tòa Bảo hiến Cộng hoà Liên bang Đức - Tối cao Pháp viện của một nước liên bang – đã yêu cầu Tổng thống Đức đình hoãn việc phê chuẩn thứ nhất, Ngân sách Âu châu nói trên (đã thông qua hồi Tháng 12 và ký kết vào Tháng Ba) và quy chế Ổn định Tài chính Âu châu ESM (European Stability Mechanism). Lý do là Hành pháp của Thủ tướng Angela Merkel đã đưa qua lập pháp mà Quốc hội thiếu thời gian nghiên cứu và thảo luận.

Quy tắc rất dân chủ tại Đức, quốc gia chủ chốt và chủ chi cho cả nỗ lực cấp cứu hiện nay, đã thọc một cây gậy thép vào sự vận hành của cơ chế Âu châu.

Sau đó một ngày, hôm 22 Tháng Sáu, Thủ tướng Ý là Mario Monty cho biết là nếu việc đàm phán và hòa giải để cấp cứu Âu châu thất bại thì Quốc hội Ý có thể bỏ phiếu chống lại việc hội nhập Âu châu. Là một thành viên kỳ cựu của Âu châu từ dự án đầu tiên vào năm 1957, nếu Ý Đại Lợi mà bỏ phiếu chống lại Liên Âu thì lý tưởng thống nhất chính trị coi như rã.

Trước đó mấy ngày, tân Thủ tướng Pháp Jean-Marie Ayrault còn đóng thêm một cái nêm vào dự án thống nhất đó khi phát biểu rằng quốc hội của các nước phải có thêm quyền hạn cứu xét thẩm quyền của cơ chế Âu châu khi cơ chế này muốn đẩy mạnh hơn nữa việc hội nhập kinh tế.

Đóng lại cái chốt của tình trạng bế tắc toàn diện là ý kiến của Tổng trưởng Tài chánh Đức, đưa ra hôm 25 vừa qua. Là một lãnh tụ chính trị và chuyên gia có uy tín của Đức, Wolgang Schaeuble cho rằng có lẽ nước Đức phải tổ chức trưng cầu dân ý để công dân có thể cho biết ý kiến về việc cấp cứu Âu châu. Việc cấp cứu này cần tăng quyền hạn cho cơ chế Âu châu, để vượt qua sức cản của nhiều thành viên. Nhưng dân Đức mới có quyền quyết định về việc gia tăng quyền hạn ấy.

Nghĩa là làm sao?

Âu châu đang ở giữa một cuộc khủng hoảng và cần có quyết định cấp bách, từ vài ngày đến vài tuần là cùng, để tạm ổn định tình hình trước khi mọi sự đều tuột tay. Nhưng, nền dân chủ của từng quốc gia cũng có lý do chính đáng để người dân được xét lại, từ nội dung đến thể thức, và quyết định ký kết hay phê chuẩn. Chuyện ấy đòi hỏi nhiều tháng tranh luận trong khi thị trường đã ngùn ngụt cháy.

Và kinh hãi hơn cả, chính người dân cũng có quyền đổi ý, đòi lãnh đạo xóa bài làm lại, hoặc kỳ kèo mặc cả điều có lợi hơn những gì đã được cam kết trước đó.

***

Kết luận của câu chuyện dân chủ Âu-Mỹ này là gì?

Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ làm đúng chức năng hiến định của mình và trả lại cho chính trường cái quyền tranh luận và quyết định. Viên trọng tài vừa tuyên bố là cầu thủ đó không việt vị, trận banh sẽ tiếp tục, rất hào hứng, nhưng là một trận banh có trọng tài và nhất là luật chơi rõ ràng.

Âu châu thì không, và tùy hứng, trọng tài có quyền cởi áo đẩy banh vào khung thành bên này hay bên kia. Âu châu sẽ loạn to chính là do tình trạng đó. Và thiệt hại nhất trong cả câu chuyện bi hài này chính là nguyên tắc dân chủ!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nghiên cứu mới này là nghiên cứu đầu tiên cho thấy rằng chỉ cần hít thở chậm và sâu vài lần sẽ làm giảm sự kích thích sinh lý đáng kể của trẻ nhỏ. Bằng cách đo lường các tác động trong môi trường tự nhiên như cắm trại ban ngày và tại sân chơi, nghiên cứu đồng thời cũng mang tính đột phá, phản ánh sự tiếp cận gần gũi trải nghiệm với trẻ em hơn là việc chỉ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.
Nạn nhân sắp tới có thể sẽ là bà Huỳnh Thục Vy, điều phối viên của Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam. Theo bản Kết luận điều tra số 46, ngày 16-10-2018 của công an thị xã Buôn Hồ – tỉnh Đắc Lắc – người phụ nữ bất đồng chính kiến này bị khép tội “xúc phạm quốc kỳ” tại Điều 276 (BLHS năm 1999) với hình phạt “phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”
"Văn hóa Việt Nam hiện nay đang bị xơ cứng, mất tính sáng tạo, nhiều năm liên tục vắng bóng tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn...". “Môi trường văn hóa nước nhà bị xâm thực, “ô nhiễm” khá nghiêm trọng.” Nhà sử học, nguyên Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc và Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân đã phát biểu như trên vào dịp Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ III được tổ chức tại Hà Nội ngày 24/11/2021, sau 73 năm, kể từ Hội ghị lân thứ hai tại Phú Thọ ngày 20/07/1948.
Khi Max Hofmann hỏi bà sẽ làm gì nếu không còn tại vị, bà Merkel nói: "Bây giờ tôi không biết mình sẽ làm gì sau đó. Tôi nói là, trước hết, tôi sẽ nghỉ ngơi một chút và hãy xem điều gì sẽ xảy ra trong đầu tôi." Bà sẽ đọc và ngủ rất nhiều. Bà Merkel đã nhấn mạnh nhiều lần rằng, bà tin rằng bà có thể từ bỏ quyền lực khá dễ dàng, điều mà bây giờ bà nhắc lại trong một cuộc phỏng vấn với DW, "một trong những người cuối cùng" trên cương vị nừ Thủ tướng Liên bang.
Tác giả Đoàn Hưng Quốc (tên thật Đoàn Văn Tân) hiện hành nghề kỹ sư ở tiểu bang Texas, Hoa Kỳ. Học kinh tế chỉ có 1 lớp Econ 101 hơn 30 năm trước – cho đến nay thì chữ nghĩa của thầy đã trả lại thầy để thầy còn vốn mà dạy sinh viên khác. Tác giả bắt đầu quan tâm đến ngành kinh tế tài chánh vì thua lổ chứng khoáng trong cuộc Đại Suy Trầm 2007-08, lúc đó làm việc liên quan đến toàn cầu hóa trong ngành sản xuất điện thoại cầm tay mà trong đầu cứ nhớ câu nói “follow the money” - phải theo dõi dấu vết của đồng tiền mới rõ tiền nhân hậu hoạn của sự việc.
Nhà báo Bùi Tín nhận xét: “Có rất ít thông tin chính xác về nội dung thật sự của cuộc gặp này được tiết lộ, nhưng ý đồ đen tối của những người lãnh đạo Bắc Kinh đến phó hội đối với tương lai của đất nước ta đã không che mắt được ai. Đến nỗi ngoại trưởng Việt Nam lúc bấy giờ, ông Nguyễn Cơ Thạch, người bị gạt ra ngoài rìa của cuộc họp lịch sử này, đã phải than thở: ‘Thế là một cuộc Bắc thuộc mới rất nguy hiểm đã bắt đầu!”
Năm nay, lễ Tạ Ơn diễn ra vào thứ năm ngày 25/11/ 2021. Mỗi lần đến lễ Tạ Ơn, tôi muốn tạ ơn Thượng Đế đã ban cho tôi cuộc sống no đủ, an lành và cảm ơn tất cả những người thân quen luôn yêu thương và giúp đỡ tôi trong cuộc sống. Mỗi người trong chúng ta nợ nhiều người, ngoài nợ ông bà cha mẹ đã sinh ra, nuôi cho lớn khôn, thương yêu đùm bọc cho đến khi cha mẹ qua đời.
Nói tóm lại, giá dầu xăng tăng gần đây là một cơ hội để chúng ta ôn lại bài học kinh tế căn bản về luật cung cầu. Giá xăng dầu tăng vì cung chưa bắt kịp cầu. Hệ thống vận chuyển hàng hóa trên thế giới sẽ được cải thiện nhiều hơn trong thời gian tới. OPEC đã bắt đầu tăng mức sản xuất dầu. Những công ty dầu ở Mỹ cũng sẽ tăng sản xuất dầu nội địa.
Tiêu cực đẻ ra tham nhũng và tự diễn biến, tự chuyển hóa, nhưng cha mẹ của tiêu cực lại sinh ra từ suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống của cán bộ đảng viên. Đó là “lời phán” của 4 đời Tổng bí thư đảng CSVN, gồm Đỗ Mười (1997-2001), Lê Khả Phiêu (tháng 12/1997-2001), Nông Đức Mạnh (2001-2011) và Nguyễn Phú Trọng (từ 2011 đến nay). Nhưng đến năm 2021, sau 27 năm xây dựng và chỉnh đốn (từ khóa đảng VII năm 1994) mà 4 nguy cơ vẫn còn là mối đe dọa sống còn của chế độ và vị trí lãnh đạo của đảng là tại sao ?
Chơi tới bến như Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Hà Giang (Nguyễn Trường Tô) mà vẫn hạ cánh an toàn thì chỉ ăn (có mỗi một miếng thịt bò) thôi nào phải là chuyện lớn. Hồi năm 2018, chú Lâm còn làm một vụ dại dột hơn nhiều (khiến cả Âu Châu sửng sốt, sau khi bắt cóc Trịnh Xuân Thanh) mà cũng có sao đâu.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.