Hôm nay,  

Xin Cảm Ơn!

14/05/201100:00:00(Xem: 8077)

Xin Cảm Ơn!

Phan Kiến Quốc

(LTS: Tác giả Phan Kiến Quốc bây giờ chính là tù nhân lương tâm Phạm Minh Hoàng. Xin trân trọng gửi đến độc giả bài viết vào ngày 29/11/2002 của nhà hoạt động dân chủ này.)

Vụ cháy Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế tại Sài Gòn ngày 29/10/2002 đã qua được đúng một tháng, những xúc động ban đầu bây giờ đã qua đi, nhường chỗ cho những ưu tư của cuộc sống hàng ngày. Nhưng nỗi đau mất người thân của các gia đình nạn nhân sẽ còn mãi nhức nhối, nhức nhối như những uẩn khúc khó hiểu mà mãi mãi sẽ chẳng giải bày được...

Các nguồn tin chính thức

Gọi là Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế nhưng đây chỉ là một tòa nhà 6 tầng (5 lầu + 1 trệt), nằm ở giao lộ 3 con đường Lê Lợi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Nguyễn Trung Trực, tổng diện tích trên dưới 2000 m2. Tại đây có khoảng 170 đơn vị kinh doanh nhưng hầu hết đều nằm ở tầng trệt và theo các cơ quan chức năng, thường xuyên có khoảng 500 người trong Trung Tâm. Theo các nguồn tin chính thức từ Thành Ủy, ngọn lửa phát cháy từ lầu hai Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế vào lúc 13g30 ngày 29/10/2002, nơi đó là vũ trường Blue và sau đó lan sang các lầu trên. Ở lầu 5 lúc ấy có một khóa học của công ty bảo hiểm Mỹ AIA với khoảng 100 học viên. 15 phút sau công an thành phố được thông tin và điều động trên 60 xe chữa cháy đến hiện trường. Ngọn lửa được khống chế vào lúc 16g30.

Không đầy 24 tiếng đồng hồ sau, đích thân Nông Đức Mạnh, Tổng bí thư đảng Cộng sản đã "đến hiện trường tìm hiểu tình hình, chỉ đạo công tác cứu hộ và khắc phục hậu quả cuộc hỏa hoạn". Con số nạn nhân công bố là 61 người.

Các nguồn tin bán chính thức

Trong một nước mà mọi phương tiện thông tin đều nằm trong tay nhà nước hoặc "có sứ mạng tuyên truyền cho Đảng" thì cách chính xác nhất để nắm bắt tình hình là ra hỏi mấy ông xe ôm hoặc mấy bà buôn thúng bán mẹt. Và sau khi đi một vòng thì mới thấy các tuyên bố "chính thức" chỉ phản ánh không đầy 10% sự thực. 24 tiếng sau vụ cháy, một ông xích lô cầm tờ Tuổi Trẻ lên oang oang giữa chợ: "Tụi chữa cháy chữa như (...) Chữa như tụi nó tui chữa cũng được". Ba chấm trong ngoặc đơn là những lời nguyền rủa như trút nỗi oán hận lên các cơ quan công quyền. Rất nhiều người, trí thức có, bình dân có, không tin rằng con số nạn nhân tử vong dừng ở số 61. Một nhân viên trong bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng con số này xấp xỉ 100.

Tưởng cũng nên nói thêm, vào lúc 21g30 ngày 29/10, nghĩa là 5 tiếng sau khi khống chế ngọn lửa. Thành ủy và Ủy Ban Nhân Dân TPHCM (UBND) đã gấp rút tổ chức họp báo. Buổi họp báo được đặt dưới sự chủ trì của bà Phạm Phương Thảo, Trưởng Ban Tư Tưởng Văn Hóa Thành Ủy. Trong buổi họp báo này, UBND đã "nhận thiếu sót trước dân về những khiếm khuyết trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và sẽ công khai thông tin đầy đủ về thiệt hại và nguyên nhân vụ cháy". Sang ngày hôm sau tất cả các báo đều thông tin với những lời lẽ thương tâm và quy trách nhiệm cho đội PCCC thành phố TPHCM, và trong dư luận đã dấy lên các phê phán nặng nề đối với cơ quan này, đồng thời hình ảnh và tin tức đã xuất hiện trên các báo đài trên thế giới. Theo những nguồn tin trong chợ ngoài phố, bà Thảo đã triệu tập các báo và xác định một lằn ranh mà báo chí không được vượt qua. Kể từ ngày ấy lời lẽ trên các báo có chiều hướng đổi đi và không chĩa mũi dùi vào các lãnh đạo. Một giáo viên đã bộc bạch:"Lỗi này hoàn toàn ở đội PCCC thành phố mà ngay đến Nông Đức Mạnh có muốn cũng không thể áp dụng biện pháp kỷ luật vì đội có "gốc" quá lớn", và cho đến đúng một tháng sau ngày hỏa hoạn, cũng chưa có một cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm hoặc có một lời xin lỗi.

Những chi tiết cực kỳ phi lý.

Tất cả những ấm ức trong dư luận phần lớn đều xuất phát từ những sự kiện không thể ngờ tới.

- địa điểm cháy nằm ngay trung tâm Sài Gòn, trên mặt tiền đại lộ Lê Lợi, một thứ Champs-Elysées của Paris chứ không phải một cái hẻm ngoại thành. Chỗ này cách UBND thành phố 100m và đội PCCC hiện đại nhất Việt Nam nằm trên đường Trần Hưng Đạo khoảng 1 cây số mà phải 15 phút sau, công an mới được báo tin. Nhiều người phẫn nộ nói: giả sử không báo tin thì có lẽ công an cũng không biết!

- sau khi "tỉnh ngủ", trên dưới 60 xe được điều tới, và đây mới là đoạn đầu của các chuyện không thể ngờ: có xe chạy được nửa đường hết xăng phải vào nhà dân xin xăng. Có xe chạy tới nơi vừa khởi động máy bơm thì... cháy máy vì để lâu không xài, có xe bơm chạy thì không đủ nước, cắm vòi vào các trụ chữa lửa thì không có nước. Xe có nước thì xịt không hiệu quả. Lính chữa lửa không trang bị... chống lửa nên chỉ đứng ngoài xịt. Ta hãy nghe lời trần tình của một lính chữa lửa:

"Lúc chúng tôi đến nơi, khói lửa đã bốc lên cuồn cuộn cả mấy tầng lầu. Anh em người mở vòi người vác thang lao vào tòa nhà nhưng hầu hết bật trở lại vì hơi nóng và đành điều khiển vòi phun nước từ xa (...). Các luồng nước phun ra hầu như bị ngọn lửa nuốt chửng. Lúc này mọi người giật mình vì nhớ ra vẫn còn thiếu những chiếc xe thang cao để chuyền người xuống mà lẽ ra nó phải được đưa đến ngay từ đầu để cứu hộ người trong các vụ hỏa hoạn nhà cao tầng. Không ai bảo ai nhưng mọi người đã cảm thấy rõ sự lúng túng, bị động, thiếu hẳn một phương án để đối phó. Chỉ huy gào lên qua điện thoại điều thêm xe thang. Nhưng thật đau lòng vì đó là những người may mắn còn sống sót, trước đó rất nhiều người đã chết hoặc bị thương nặng vì không có thang nên tuyệt vọng phải tự động nhảy ào xuống đất."

Những người lính cứu hỏa nhiệt tình lao vào tòa nhà nhưng lại bật trở ra vì không chịu nổi sức nóng. Trước tình huống này, mọi người lại giật mình nhớ ra mình đã không được trang bị đủ những chiếc áo chống cháy, chống nhiệt độ hiện đại, những bình dưỡng khí, những bộ mặt nạ... Hình như ai đó thở dài "phải chi""

Đọc những lời trần tình trên đây người ta thấy rõ sự bất lực của đội PCCC: không biết phải làm gì khi hữu sự, hoàn toàn không có một phương án nào, không có một bài bản nào. Đến ngày hôm nay mọi người mới vỡ lẽ ra rằng các cuộc "thao dượt phòng cháy chữa cháy" chỉ làm cho có và không có một hiệu quả nào. Lần nào cũng như lần nấy, một cái thùng phuy tẩm dầu cháy phừng phực, các anh lính cứu hỏa lần lượt dùng mền ướt hoặc ôm bình phun bọt ra dập tắt. Tất cả được thao diễn trên một khoảng đất trống. Thao dượt xong mọi người thoải mái ra về, công tác PCCC được phê là tốt, là đạt chỉ tiêu. Đến khi chạm mặt với thực tế, khi tứ bề là lửa, là khói, phải leo trèo, phải phá tường, đập kính thì thảo nào không bối rối. Lỗi này không phải từ đội PCCC thì về ai"

Sự bất lực của đội PCCC đặt trong một guồng máy tham ô quan lại lại càng trở nên trầm trọng. Trong những giây phút dầu sôi lửa bỏng của trận cháy, các tia nước từ xa lại bị chặn bởi một bức tường. Ở những nước khác lính cứu hỏa đập tức khắc, nhưng ở nước ta, nền hành chánh thư lại đã biến con người thành cái máy gật, không ai dám lấy quyết định. Mãi đến khi được phép đập lại tìm không ra dụng cụ phá tường, phải chờ công binh đến mới xong. Nhưng lúc ấy đã quá trễ. Nhiều nạn nhân đã chết oan uổng khi đã thoát được lên lầu 5, lầu 6 hét khản cả cổ suốt 40 phút để rồi phơi xác ngoài cửa sổ. Nhiều người đánh liều nhảy xuống gãy tay gãy chân, băng ca đưa đến toàn là những thứ trước 75 nên mục nát, vừa nhấc lên bệnh nhân lại té nhào xuống đất. Báo chí đã phê phán: "ngành cứu hộ của PCCC chỉ "cứu" được người chết".

Phản ứng của lãnh đạo

Ngày 30/10, sau khi đi thăm hiện trường, Nông Đức Mạnh tuyên bố: "Cần rút ra bài học sâu sắc về công tác PCCC"; Vũ Khoan (phó thủ tướng) cũng chỉ "rút kinh nghiệm". Các tuyên bố của các lãnh đạo khác cũng quanh quẩn trong việc "rút kinh nghiệm" rồi thôi. Ở những nước khác, nơi mà "nền dân chủ còn thua xa Việt Nam hàng trăm lần" thì bộ trưởng bộ liên hệ (tức Lê Hồng Anh, bộ trưởng bộ Công An) đã phải từ chức, hoặc chí ít thì chủ tịch UBND Lê Thanh Hải, cùng quá thì chỉ huy đội PCCC thành phố phải từ chức để xoa dịu nỗi đau của các nạn nhân và sự phẫn nộ của người dân. Nhưng một sĩ quan cao cấp của công an phụ trách PCCC đã anh dũng tuyên bố: "cái gì thuộc (lỗi) mình thì mình nhận chứ không nhận thay cho người khác được". Cuối cùng huề cả làng.

Ngày 31/10, Nông Đức Mạnh, Vũ Khoan (phó thủ tướng), Nguyễn Minh Triết (bí thư thành ủy), Lê Thanh Hải (chủ tịch UBND) đến thắp hương tưởng niệm các nạn nhân trước ống kính của khoảng 100 nhà báo, phóng viên... Sự việc hàng trăm nạn nhân của trận hỏa hoạn có lẽ không vĩ đại bằng sự hiện diện của lãnh đạo.

Một tuần sau vụ cháy, lãnh đạo Đảng và chính quyền thành phố đã công bố một thư cảm ơn với những lời kết thúc như sau: Thành Ủy, Hội Đồng Nhân Dân, UBND, UB Mặt Trận Tổ Quốc VN TPHCM xin chân thành cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ quý báu, sự chia sẻ, cảm thông sâu sắc của lãnh đạo Trung ương...

Hàng trăm gia đình đang đau khổ vì tang tóc, vì thương tật. Bớ Đảng và nhà nước ơi! Ơn này trả bao giờ cho hết!

Sài Gòn, 29/11/2002

Phan Kiến Quốc

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khi bài này đến với độc giả thì Tổng Bí thư đảng CSVN, Nguyễn Phú Trọng đã vắng mặt gần một tháng mà không có lời giải thích nào của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Lần gần nhất công chúng Việt Nam nhìn thấy ông Trọng là khi ông tiếp Tổng thống Putin thăm Hà Nội ngày 20/06/2024. Sau đó ông đã vắng mặt tại các buổi họp quan trọng...
Không ai biết chắc khi nào một đế chế sẽ sụp đổ. Chẳng ai có thể xác định chính xác thời điểm Đế chế La Mã, Bồ Đào Nha, Ottoman hay Anh kết thúc. Trong bài thơ "Waiting for the Barbarians", nhà thơ Hy lạp Constantine P. Cavafy nhiều lần khẳng định rằng những kẻ man rợ sẽ đến hôm nay. Người ta chờ đợi, như thể đây là chuyện thường nhật như việc một công ty sẽ phá sản, hay một buổi lễ ra trường vậy. Nhưng một đế chế thì sao? Liệu vào thời của mình, nhà thơ Hy Lạp Cavafy có thuộc về một đế chế nào đáng để gọi là đế chế không?
Tôi hoàn toàn (và tuyệt đối) không có năng khiếu hay tham vọng gì ráo trong lãnh vực thơ văn/thi phú. Suốt đời chỉ ước mong sao có sách báo để đọc, để thưởng thức những lời hay ý đẹp của giới văn nhân thi sỹ, là vui thích lắm rồi. Sở thích, cùng niềm vui, tuy giản dị thế thôi nhưng đôi lúc tôi vẫn bị lôi thôi vì những câu cú (vô cùng) tối nghĩa:
Tệ nạn “dưới đẩy lên, trên đùn xuống” và “vô trách nhiệm” không mới trong cán bộ, đảng viên CSVN, nhưng số người “sáng vác ô đi tối vác về” vẫn khơi khơi trong hệ thống cầm quyền mới là điều lạ. Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng từng nói:“Ai không làm thì đứng sang một bên cho người khác làm”, nhưng không ai muốn về vườn vì chứng bệnh nan y “tham quyền cố vị” đã có trong máu thịt Đảng...
Đảng CSVN đang bối rối về câu hỏi: Tại sao phải kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh để xây dựng đất nước? Lý do đơn giản, vì đảng sợ “dân chủ”, nhát “tự do” và lo phải đối phó với tình trạng “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ đảng, đe dọa sự sống còn của chế độ...
BBC ái ngại loan tin: “Hôm 8/6, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã phát một video (‘Thông tin xuyên tạc ẩn tu của ông Thích Minh Tuệ’) có độ dài 3 phút 40 giây … Sau khi phóng sự được đăng tải trên các trang báo, cũng như các trang mạng xã hội, có không ít người nghi ngờ về độ chân thực của video”.
Hội nghị thượng đỉnh về hoà bình cho Ukraine tại Bürgenstock, Thụy Sĩ vào ngày 15 và 16 tháng 6 năm 2024 được coi là một thành công khiêm nhường cho Ukraine. 80 nước đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ cho chính nghĩa đấu tranh của Ukraine, nhưng tiếp tục phát huy thành quả này sẽ là không chắc chắn.
Cảnh người Mỹ tranh cãi và dọa dẫm kiện tụng liên quan đến “Thập giới” lại làm tôi nghĩ đến “Thập cửu giới” – tức “Mười chín điều đảng viên không được làm” trên đất Việt. Trên phương diện sử học thì “Thập giới”, hay “Mười điều răn”, chính là bộ luật hình sự đầu tiên của nhân loại. Theo Cựu ước thì bộ luật này được Thượng Đế ban cho Nhà tiên tri Moses trên đỉnh núi Sinai để thiết lập trật tự cho cộng đồng Do Thái. Cũng trên phương diện sử học thì Cựu ước chính là một “đại tự sự” – một “câu chuyện lớn” tương tự câu chuyện về Bốn ngàn năm văn hiến hay con Rồng cháu Tiên của chúng ta v.v.. – với ý hướng tạo một bản sắc chung để kết hợp các bộ lạc Do Thái lại với nhau.
Tôi quen Đinh Quang Anh Thái đã lâu, lâu tới cỡ không còn biết là mình đã gặp gỡ y vào cái thuở xa xưa nào nữa. Dù không mấy khi có dịp “giao lưu” (hay “tương tác”) nhưng tôi vẫn nghe thằng chả ra rả hàng ngày, về đủ thứ chuyện trên trời/biển – ròng rã suốt từ thế kỷ này, qua đến thế kỷ kia – và hoàn toàn chưa thấy có dấu hiệu gì là gã sẽ (hay sắp) tắt đài trong tương lai gần cả. Nghề của chàng mà. Tắt tiếng là (dám) treo niêu luôn, chớ đâu phải chuyện chơi. Chỉ có điều hơi bất ngờ là đương sự không chỉ nói nhiều mà viết cũng nhiều không kém. Hết xuất bản Ký 1, Ký 2, rồi tới Ký 3. Nay mai (không chừng) sẽ có Ký 4 và Ký 5 luôn nữa.
Đảng CSVN tiếp tục cãi chầy cãi cối về các quyền tự do tôn giáo, tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do lập hội và tự do biểu tình. Tất cả những quyền này đã được quy định trong Hiến pháp 2013, nhưng khi thi hành thì lại nại cớ “theo pháp luật quy định” với những điều kiện khe khắt để can thiệp thô bạo...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.