Hôm nay,  

Gặp Gỡ Trên Xe Lửa

14/07/201000:00:00(Xem: 7006)

Gặp gỡ trên xe lửa

Bút ký của: Đoàn Thanh Liêm
Trong hai thứ xe chuyên chở hành khách, thì đi xe lửa có nhiều tiện nghi hơn là đi xe bus. Một phần vì xe lửa có chỗ ngồi rộng rãi và thỏai mái, đàng khác hành khách lại có thể đi lại từ toa này đến toa xe khác. Vả lại trên xe còn có chỗ bán đồ ăn thức uống và còn phục vụ cả bữa ăn cho hành khách nữa. Cũng như hành khách có thể ngồi chơi, nhâm nhi lon bia và chuyện trò thỏai mái trên toa “vọng cảnh” (sightseeing) nữa. Nói chung sinh họat của số đông hành khách trên xe lửa thì thật là sinh động, vui tươi bởi lý do là vào mùa hè, học sinh được nghỉ học, nên cha mẹ, ông bà thường dẫn các cháu đi du lịch bằng xe lửa, để vừa ngắm cảnh, vừa thực tập về môn địa lý nữa.
Nhưng riêng đối với tôi, thì tôi rất thích cái cơ hội gặp được những người khách ngồi bên cạnh mình, mà có thể chuyện trò trao đổi tâm sự một cách thân tình thỏai mái, tựa như giữa hai người bạn tâm giao mà đã gắn bó với nhau từ lâu lắm rồi. Và trong thực tế, tôi đã có cái may mắn gặp được nhiều người bạn đồng hành mà có thể trao đổi chuyện trò tậm đắc với nhau, chẳng khác gì như trong các dịp tôi đến thăm viếng bạn hữu tại nhà của họ vậy, mà tôi gọi là “vãng gia” (home visit). Dưới đây, tôi xin kể lại một số trường hợp cụ thể gặp gỡ các bạn đồng hành trong các chuyến đi xe lửa vừa mới sốt dẻo vào cuối tháng 6 vừa qua vậy nhé.
1 – Chuyện trò với Eva, sinh viên ngữ học người Đức.
Ngày Thứ Hai 21 tháng Sáu, anh Nguyễn Xuân Sơn chở tôi ra ga xe lửa Rochester NY để đi Worcester MA. Khi lên tàu kiếm chỗ ngồi, thì tôi chọn được một ghế còn trống bên cạnh một cô gái cỡ tuổi 25-26. Sau vài câu chuyện xã giao, tôi thấy cách nói tiếng Anh của cô rất chỉnh, y hệt như của một người Mỹ chính hiệu. Cô gái có thân hình hơi dềnh dàng chứ không được thon gọn son sẻ như của một sinh viên bình thường. Nhưng bù lại thì cô có một khuôn mặt thanh tú với đôi mắt nâu hiền dịu. Cô tự giới thiệu tên là Eva, sinh viên môn ngữ học, sinh trưởng tại nước Đức và hiện đang du lịch khắp nước Mỹ và Canada trong 2 tháng mùa hè. Và thường thì cô đến ở chung nhà với các bạn, chứ không ở tại khách sạn như là một khách du lịch bình thường. Mà đó cũng là cái thói quen của tôi, được gọi là home visit tại nhà của bà con hay bạn bè.
Vì thời gian đi trên xe kéo dài đến 7-8 tiếng, nên chúng tôi đã có thể trao đổi chuyện trò với nhau về đủ mọi lọai đề tài. Eva cho biết cô tuy là người Đức, nhưng lại được sinh sống tại nhiều nơi trên thế giới vừa để đi học, vừa để đi làm. Nhờ vậy mà có nhãn quan rộng mở hơn so với các sinh viên mà it có cơ hội đi đây đi đó như trường hợp của cô. Vì Eva chưa đi tới Việt nam bao giờ, nên tôi phải giải thích cho cô về cái tình trạng của trên 3 triệu người Việt nam ở hải ngọai, đó là những người tỵ nạn chính trị, vì không thể chấp nhận sống với chế độ độc tài chuyên chế cộng sản ở nơi quê hương bản quán của mình, nên đã phải sống lưu vong trên các quốc gia khác. Cụ thể như là trường hợp của chính bản thân tôi lúc này đang phải tỵ nạn trên đất Mỹ vậy.
Tôi trao cho Eva một số tài liệu của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt nam, đặc biệt là Bản Tường Trình về Tình Hình Nhân Quyền tại Việt nam trong năm 2009 vừa qua. Eva đã chăm chú đọc các tài liệu này, và đã đặt cho tôi nhiều câu hỏi để nhờ tôi làm sáng tỏ hơn những thắc mắc của cô về tình hình phức tạp ở các nước như Việt nam, Trung quốc v.v…Tôi thấy rõ ràng là Eva có thái độ cởi mở để tiếp thu những lời trình bày của tôi, đặc biệt về vấn đề tranh đấu bất bạo động để đòi hỏi sự công bằng xã hội. cũng như để bảo vệ phẩm giá và nhân quyền cho số đông quần chúng bị khai thác bóc lột và bị kỳ thị áp bức. Ngòai ra, tôi cũng còn chia sẻ với Eva một số đồ ăn mà chị Nguyễn Xuân Sơn đã gói quá nhiều cho tôi lúc tôi lên tàu, điển hình là món xôi với muối mè là thứ mà Eva rất thích vì lạ miệng. Eva cứ tíu tít khen cái tài nấu nướng của các bà nội trợ Việt nam của tôi. Đó thiết nghĩ cũng là một cách thức để giới thiệu về văn hóa Việt nam nữa vậy.
2- Chuyện trò với Gene, một luật sư ở Baltimore.
Ngày 30 tháng Sáu, trên chuyến tàu từ Philadelphia để đi Washington DC, tôi đã gặp và làm quen được với Gene là một luật sư hiện đang hành nghề tại Baltimore. Tình cờ chúng tôi lại vào thẳng toa bán đồ ăn, và chiếm hẳn một bàn còn trống ở đó. Vào gần ban trưa, nên Gene có dề nghị muốn mời tôi một ly café. Tôi gật đầu đồng ý, và Gene đã mua thêm cả bánh ngọt cho Gene và tôi ăn kèm với ly café nữa. Tiếp theo là câu chuyện rôm rả giữa Gene và tôi là hai đồng nghiệp luật sư một trẻ, một già. Gene cho biết cha mẹ anh gốc gác ở Hòa Lan, nên anh có dịp nói được tiếng Pháp, và chúng tôi có nói chuyện với nhau vài câu tiếng Pháp. Gene cũng lại biết cả tiếng Nga, mà tôi thì cũng còn có thể nói lõm bõm vài chữ tiếng Nga tôi đã học sau năm 1975 ở Saigon lúc làm trong Bộ Tư Pháp với ông Trương Như Tảng được mấy tháng.


Vì đọan đường ngắn do Gene phải rời khỏi xe lúc đến Baltimore, nên câu chuyện không thể kéo dài lâu được. Dầu vậy, trong hơn một giờ chuyện trò bên ly café, chúng tôi cũng đã nói với nhau được nhiều điều mà hai bên đều quan tâm, điển hình như về chính sách của Mỹ đối với người di dân, mà hiện đang gây tranh cãi trong dư luận do việc chính quyền tiểu bang Arizona vừa mới công bố luật lệ có tính cách hạn chế ngặt nghèo đối với người di dân. Tôi nói : Bản thân tôi là người mới đến định cư tại nước Mỹ, nên tôi thông cảm với những nỗi khó khăn bế tắc nhọc nhằn và cả tủi nhục của người di dân, và tôi mong ước rằng chính phủ Mỹ sẽ tìm được một giải pháp tương đối thỏa đáng cho vấn đề khúc mắc này.
Dĩ nhiên là tôi cũng cho anh bạn biết về tình hình nhân quyền tại Việt nam hiện nay thì rất là tồi tệ, bởi lẽ chánh quyền cộng sản vẫn ra tay đàn áp nặng nề đối với những người tranh đấu cho Tự do, Dân chủ, cho sự Công bằng Xã hội và Nhân quyền của người dân Việt nam. Tôi cũng biếu Gene bản brochure của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt nam, mà tôi là một thành viên họat động, đồng thời tôi cũng ghi địa chỉ e-mail của tôi trên bản brochure đó, để Gene có thể liên lạc thư từ với tôi sau này. Đến trạm Baltimore vào ban trưa, thì chúng tôi chia tay nhau vì Gene phải rời con tàu tại đây.
3 – Glen sinh viên khoa Tâm lý học tại Đại học Notre Dame.
Chiều ngày 30 Tháng Sáu, tôi lại lên tiếp con tàu khác tại ga Union Station quen thuộc ở Washington DC để đi tiếp đến Chicago. Đọan đường này dài gần 1,000 miles, nên con tàu phải đi suốt cả đêm và mãi đến 9.00 sáng ngày 1 Tháng Bảy, thì mới đến thành phố được gọi là “Windy City” này. Tôi ngồi cạnh Glen là sinh viên vừa tốt nghiệp bằng Cao học (M A) về khoa Tâm lý tại Đại học Notre Dame trong tiểu bang Indiana. Chúng tôi đã có nhiều giờ trò chuyện trao đổi với nhau về đủ mọi thứ đề tài. Glen cho biết Notre Dame là một Đại học có đến 20,000 sinh viên và do các linh mục Công giáo thành lập đã lâu. Và theo chỗ tôi biết, thì vào hồi đầu thập niên 1950, cũng đã có một số sinh viên Việt nam theo học tại đây.
Glen còn cho biết sắp sửa di chuyển đến làm việc tại Đại học UC Santa Barbara ở California và dự tính sẽ hòan tất học trình ban Tiến sĩ tại đây trong mấy năm nữa. Qua trao đổi, tôi nhận thấy Glen có một sự hiểu biết khá sâu sắc về các vấn đề triết học cũng như về khoa học xã hội, và chúng tôi đã chuyện trò với nhau khá là tương đắc. Khi tôi cho Glen biết là tôi sắp sửa bước vào tuổi 76, thì anh nói luôn : “Bác cùng tuổi với bà ngọai của cháu đấy!” Tôi có đưa cho Glen coi một số bài tôi viết bằng tiếng Anh, thì anh rất thích bài “Reflexion on My Days in Jail” của tôi viết tại nhà tù Hàm Tân Phan Thiết vào năm 1995, lúc đã ở trong tù 66 tháng rồi. Glen xin tôi cho anh một bản để còn có dịp chuyền cho các bạn cùng đọc nữa.
Sáng sớm ngày hôm sau, thì Glen từ biệt tôi để xuống ga South Bend cũng gần với ga Elkhart, mà trước đó 2 tuần lễ tôi đã đáp tàu để đi tới Rochester thuộc tiểu bang New York thăm anh chị Nguyễn Xuân Sơn. Tôi có dặn Glen câu này : “Thế hệ của tôi đã già nua rồi, chẳng còn có thể làm được điều gì quan trọng đáng kể nữa. Tôi mong rằng lớp trẻ như anh sẽ tiếp nối công việc đang dở dang của chúng tôi và cố gắng mà làm cho tốt hơn lớp người đã già nua như chúng tôi. Như trong tiếng Việt chúng tôi có câu : “ Con hơn cha, nhà có phúc”. Mong lắm vậy thay…” Glen tỏ vẻ cảm động với câu nói này của tôi, và với nét mặt đăm chiêu anh nói với tôi : “Cháu sẽ cố gắng làm hết sức của mình” (I will do my best).
Đại khái, trong suốt cuộc hành trình dài ngày của tôi trên lục địa nước Mỹ từ nhiều năm qua, thì tôi hay gặp được những người già có, trẻ có mà đều có tinh thần cởi mở, phóng khóang như mấy người bạn đồng hành tôi mô tả lại trên đây. Nhờ vậy, mà tôi bớt được những sự nhọc mệt buồn chán, nhất là trong các chuyến đi vào ban đêm khiến cho hành khách không thể nào mà có thể ngủ yên giấc cho thỏai mái dễ chịu như ở tại nhà của mình được. Và như thế, tôi luôn giữ được sự lạc quan và tin tưởng nơi lương tri và sự thiện hảo của con người, mặc dầu trong  xã hội vẫn còn đày dãy những phức tạp và tranh chấp hận thù như ta thấy ngày nay vậy./
Arizona Giữa Tháng Bảy 2010 
Đòan Thanh Liêm

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đối với người Việt Tự Do, ngày 30 tháng 4 mang nhiều ý nghĩa. Trên bình diện lịch sử ngày 30 tháng 4 là một ngày đen.
Ngày 20/5 tới đây là ngày bầu cử Quốc Hội khoá 12 của nước CHXHCNVN, một chủ đề mà dư luận trong cũng như ngoài nước hết sức quan tâm chú ý
Có thể nói đây là cuộc chiến tranh một phía, một bên là chính quyền độc đảng dùng cảnh sát, công an, vũ khí, luật pháp được họ giải thích tùy tiện
Chỉ trong vòng hai năm qua, những vụ nổ súng bừa bãi tại trường học làm toàn dân Mỹ kinh hãi. Đến đầu tháng 4 vừa qua
Bài này được biên soạn dựa theo các tài liệu sau đây: hồi ký của cựu Đại tướng Cao Văn Viên do Trung tâm Quân sử Lục quân Hoa Kỳ phổ biến
Đôi lời về bài viết “Quảng Nam: Sự tạ lỗi của hai kẻ đi ngược lợi ích dân tộc” của tác giả Nguyễn Khôi....
Trong tinh thần tưởng niệm "Ngày 30-4-1975", VB trân trọng giới thiệu bài tổng hợp về một số sự kiện quan trọng
Lịch sử vốn thính mỉa mai - hay những người ưa mỉa mai thì thường trích dẫn lịch sử" - Thượng viện Mỹ trong tay đảng Dân chủ chọn đúng ngày Tổng thống Bush
Theo các tin tức loan tải trong những tuần lễ vừa qua, Cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị thực hiện hai công tác quan trọng nhắm vào dư luận Hoa Kỳ
Trong tinh thần tưởng niệm "Ngày 30-4-1975", VB trân trọng giới thiệu bài tổng hợp về một số sự kiện quan trọng xảy ra
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.