Gặp gỡ trên xe lửa
Bút ký của: Đoàn Thanh Liêm
Trong hai thứ xe chuyên chở hành khách, thì đi xe lửa có nhiều tiện nghi hơn là đi xe bus. Một phần vì xe lửa có chỗ ngồi rộng rãi và thỏai mái, đàng khác hành khách lại có thể đi lại từ toa này đến toa xe khác. Vả lại trên xe còn có chỗ bán đồ ăn thức uống và còn phục vụ cả bữa ăn cho hành khách nữa. Cũng như hành khách có thể ngồi chơi, nhâm nhi lon bia và chuyện trò thỏai mái trên toa “vọng cảnh” (sightseeing) nữa. Nói chung sinh họat của số đông hành khách trên xe lửa thì thật là sinh động, vui tươi bởi lý do là vào mùa hè, học sinh được nghỉ học, nên cha mẹ, ông bà thường dẫn các cháu đi du lịch bằng xe lửa, để vừa ngắm cảnh, vừa thực tập về môn địa lý nữa.
Nhưng riêng đối với tôi, thì tôi rất thích cái cơ hội gặp được những người khách ngồi bên cạnh mình, mà có thể chuyện trò trao đổi tâm sự một cách thân tình thỏai mái, tựa như giữa hai người bạn tâm giao mà đã gắn bó với nhau từ lâu lắm rồi. Và trong thực tế, tôi đã có cái may mắn gặp được nhiều người bạn đồng hành mà có thể trao đổi chuyện trò tậm đắc với nhau, chẳng khác gì như trong các dịp tôi đến thăm viếng bạn hữu tại nhà của họ vậy, mà tôi gọi là “vãng gia” (home visit). Dưới đây, tôi xin kể lại một số trường hợp cụ thể gặp gỡ các bạn đồng hành trong các chuyến đi xe lửa vừa mới sốt dẻo vào cuối tháng 6 vừa qua vậy nhé.
1 – Chuyện trò với Eva, sinh viên ngữ học người Đức.
Ngày Thứ Hai 21 tháng Sáu, anh Nguyễn Xuân Sơn chở tôi ra ga xe lửa Rochester NY để đi Worcester MA. Khi lên tàu kiếm chỗ ngồi, thì tôi chọn được một ghế còn trống bên cạnh một cô gái cỡ tuổi 25-26. Sau vài câu chuyện xã giao, tôi thấy cách nói tiếng Anh của cô rất chỉnh, y hệt như của một người Mỹ chính hiệu. Cô gái có thân hình hơi dềnh dàng chứ không được thon gọn son sẻ như của một sinh viên bình thường. Nhưng bù lại thì cô có một khuôn mặt thanh tú với đôi mắt nâu hiền dịu. Cô tự giới thiệu tên là Eva, sinh viên môn ngữ học, sinh trưởng tại nước Đức và hiện đang du lịch khắp nước Mỹ và Canada trong 2 tháng mùa hè. Và thường thì cô đến ở chung nhà với các bạn, chứ không ở tại khách sạn như là một khách du lịch bình thường. Mà đó cũng là cái thói quen của tôi, được gọi là home visit tại nhà của bà con hay bạn bè.
Vì thời gian đi trên xe kéo dài đến 7-8 tiếng, nên chúng tôi đã có thể trao đổi chuyện trò với nhau về đủ mọi lọai đề tài. Eva cho biết cô tuy là người Đức, nhưng lại được sinh sống tại nhiều nơi trên thế giới vừa để đi học, vừa để đi làm. Nhờ vậy mà có nhãn quan rộng mở hơn so với các sinh viên mà it có cơ hội đi đây đi đó như trường hợp của cô. Vì Eva chưa đi tới Việt nam bao giờ, nên tôi phải giải thích cho cô về cái tình trạng của trên 3 triệu người Việt nam ở hải ngọai, đó là những người tỵ nạn chính trị, vì không thể chấp nhận sống với chế độ độc tài chuyên chế cộng sản ở nơi quê hương bản quán của mình, nên đã phải sống lưu vong trên các quốc gia khác. Cụ thể như là trường hợp của chính bản thân tôi lúc này đang phải tỵ nạn trên đất Mỹ vậy.
Tôi trao cho Eva một số tài liệu của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt nam, đặc biệt là Bản Tường Trình về Tình Hình Nhân Quyền tại Việt nam trong năm 2009 vừa qua. Eva đã chăm chú đọc các tài liệu này, và đã đặt cho tôi nhiều câu hỏi để nhờ tôi làm sáng tỏ hơn những thắc mắc của cô về tình hình phức tạp ở các nước như Việt nam, Trung quốc v.v…Tôi thấy rõ ràng là Eva có thái độ cởi mở để tiếp thu những lời trình bày của tôi, đặc biệt về vấn đề tranh đấu bất bạo động để đòi hỏi sự công bằng xã hội. cũng như để bảo vệ phẩm giá và nhân quyền cho số đông quần chúng bị khai thác bóc lột và bị kỳ thị áp bức. Ngòai ra, tôi cũng còn chia sẻ với Eva một số đồ ăn mà chị Nguyễn Xuân Sơn đã gói quá nhiều cho tôi lúc tôi lên tàu, điển hình là món xôi với muối mè là thứ mà Eva rất thích vì lạ miệng. Eva cứ tíu tít khen cái tài nấu nướng của các bà nội trợ Việt nam của tôi. Đó thiết nghĩ cũng là một cách thức để giới thiệu về văn hóa Việt nam nữa vậy.
2- Chuyện trò với Gene, một luật sư ở Baltimore.
Ngày 30 tháng Sáu, trên chuyến tàu từ Philadelphia để đi Washington DC, tôi đã gặp và làm quen được với Gene là một luật sư hiện đang hành nghề tại Baltimore. Tình cờ chúng tôi lại vào thẳng toa bán đồ ăn, và chiếm hẳn một bàn còn trống ở đó. Vào gần ban trưa, nên Gene có dề nghị muốn mời tôi một ly café. Tôi gật đầu đồng ý, và Gene đã mua thêm cả bánh ngọt cho Gene và tôi ăn kèm với ly café nữa. Tiếp theo là câu chuyện rôm rả giữa Gene và tôi là hai đồng nghiệp luật sư một trẻ, một già. Gene cho biết cha mẹ anh gốc gác ở Hòa Lan, nên anh có dịp nói được tiếng Pháp, và chúng tôi có nói chuyện với nhau vài câu tiếng Pháp. Gene cũng lại biết cả tiếng Nga, mà tôi thì cũng còn có thể nói lõm bõm vài chữ tiếng Nga tôi đã học sau năm 1975 ở Saigon lúc làm trong Bộ Tư Pháp với ông Trương Như Tảng được mấy tháng.