Hôm nay,  

Dấu Ấn Tình Yêu

13/04/200800:00:00(Xem: 7779)

Lễ hội nhảy múa của dân da đỏ

Mỗi cuộc sống đều có những cảm nghiệm khác nhau. Riêng tôi, có dịp vào sa mạc trống trong một thời gian dài vẫn là một cảm nghiệm ghi đậm nét. Ba mươi ngày tĩnh lặng mở ra một nhãn quan rộng hơn đã là cơ hội cho mình nhìn lại cuộc sống, có bổng mà cũng có trầm, có đủ màu sắc hỉ nộ ái ố xanh vàng tím đỏ; có những lúc tâm hồn mọc cánh thênh thang, mà lại cũng trải qua những giai đoạn bị đục khoét lia chia mà chẳng hiểu tại sao... 

Nhưng kìa, những màu sắc mâu thuẫn đang hòa lại xuất hiện thành cầu vồng, những xung đột bổng trầm đang kết lại thành hòa khúc dịu êm. Nhà nghệ sĩ đại tài là chính tôn sư Maria, "cây trúc xinh" nhỏ bé tầm thường, bằng chính cảm nghiệm đời mình đang dẫn đầu Vũ Khúc Tuyên Dương:

 Chúa đã làm cho tôi muôn việc kỳ diệu.

Người nâng cao những ai phận nhỏ.

Đây rồi, Thần Khí Chúa đang mang một cây sáo trúc đến tặng tôi, trổi lên thành Khúc Sáo Ân Tình loan báo Tin Vui lớn như trong thị kiến của Isaia:

 Trèo lên trên khắp núi đồi

Niềm Vui loan báo cho mọi người,

Hân hoan gióng tiếng rằng:

Này đây Chúa đến.

 (Isaia 40:9)

THẦN SÁO KOKOPELLI LƯNG GÙ

Kokopelli lưng gù vừa nhảy múa vừa thổi sáo là một hình ảnh ăn sâu trong máu người Mỹ chính gốc bản thổ tức là dân Da Đỏ, và đã trở thành như hiện thân của chính họ.

Bang Arizona và New Mexico hầu hết là sa mạc vẫn còn nhiều người Da Đỏ sinh sống trong những làng riêng biệt với những phong tục văn hóa khác biệt, như các sắc dân Navajo, Pueblo, Hopi, Zuni... Mỗi sắc dân đều có những truyền thống riêng. Nhưng một nhận xét rất rõ là sắc dân Da Đỏ nào cũng biết nhảy múa, khi nhảy múa thì đánh trống, thổi sáo, mặc và đeo lông chim như muốn hóa thân trở thành chính vật tổ của mình. Và bất cứ nơi nào có dấu vết người Da Đỏ đều thấy hình ảnh Kokopelli được khắc vào vách đá (gọi là petroglyphs), vẽ trong hang động hay lưu truyền qua những vật biểu (katcina) trong những cuộc múa nhảy mang tính cách lễ nghi.

Theo truyện thiêng của người Da Đỏ thì Kokopelli là một nghệ sĩ thổi sáo, mang tật nguyền với cái lưng gù đến khum sụm xuống mà lại là sứ giả của niềm an bình, vì luôn mang theo mình một ống sáo thần vừa múa nhảy vừa thổi để báo tin vui cho dân chúng của những miền sắp đi tới. Tiếng sáo của Kokopelli mang hấp lực lạ lùng là thu hút và gầy dựng được tình yêu, làm tan biến những bất hòa giữa người với người, giữa bộ lạc này với bộ lạc kia, giữa làng này với làng khác, và nối kết được những tan vỡ, hồi phục những rã rời trong tâm hồn. Kokopelli lại luôn đeo trên lưng một thúng hạt giống để phát cho dân chúng trồng trọt mà sinh sống.

 NGHI THỨC NỤ CƯỜI ĐẦU TIÊN CỦA MỘT ĐỨA BÉ

Tôi có dịp sống một tháng rưỡi tại vùng Pecos bang New Mexico trong một Trường Tu Đức và Linh Hướng gần sát những làng của sắc dân Da Đỏ Pueblo, học hỏi được một số điều hay của họ. Chẳng hạn như người Pueblo luôn làm những kiva, tức là những nơi phượng tự của họ dưới hầm đất có thang bác xuống. Mỗi lần tụ họp cử hành lễ nghi là như đi xuống một cõi nội tâm sâu thẳm vượt qua tầm mắt chứ không phải những cái sờ sờ trước mặt. Niềm tin của họ không phải là một mớ lý thuyết để suy tư bàn luận, nhưng luôn phải được diễn ra bằng nghi thức, bằng biểu tượng bề ngoài. 

Sắc dân Navajo thì có nghi thức mừng nụ cười đầu tiên của một đứa bé. Đối với họ, nụ cười đầu đời rất quan trọng cần phải được cử hành. Người nào làm cho đứa bé lần đầu tiên biết cười thì được cái vinh dự là gia đình đứa bé cung cấp đồ ăn để đứng ra tổ chức một bữa ăn thay mặt cho đứa bé. Tất cả bà con và bạn bè đều được mời tới dự. Trước khi ăn tiệc có nghi thức cầu nguyện. Mọi người đứng vòng chung quanh đứa bé, và nó thì được đặt ngồi trong lòng mẹ. Người mẹ cầm một đĩa muối. Đối với người trong vùng sa mạc, muối rất quí. Đồ ăn mà thiếu muối thì nhạt nhẽo vô vị. Mỗi người cầm đĩa đồ ăn đi qua thì người mẹ cầm tay đứa bé giúp bỏ vào đĩa một chút muối. Đây là nghi thức dẫn đứa bé vào một liên hệ đường dài với gia đình, làng mạc và sắc dân của mình. Họ tin rằng lễ nghi này chuyển vào máu dân họ ngay từ bé để tập biết góp phần phục vụ người khác: ngay từ lúc còn bé chưa biết làm gì thì ít ra cũng biết cười để góp phần mang niềm vui cho đời, làm tăng vẻ đậm đà cho cuộc sống như muối cần cho đồ ăn.

 DIỄN TIẾN MỌC CÁNH Ở PICTURE ROCKS

Đã vào sa  mạc Arizona mấy lần rồi mà lần ở lâu nhất trọn tháng 3 năm 2000, tôi mới biết lều tĩnh tu (hermitage) của tôi nằm ngay bên cạnh hang động có khắc hình lên vách đá (petroglyphs) của dân Da Đỏ từ lâu đời để lại. Vì thế địa điểm này gọi là Picture Rocks ở xa xa trong sa mạc về hướng tây của thành phố Tucson. Đây là hang động dưới chân rặng núi Tucson trên dốc đèo Kontzen, trước đây cả một ngàn rưởi năm sắc dân Hohokam đã chọn làm thánh địa. Hang động này ở vào một vị thế rất đẹp, ngay cạnh một dòng suối. Từ lều tôi ở chỉ phải đi bộ chừng năm phút là tới. Trong những giờ thinh lặng tôi đã tìm đến đây nhiều lần để nhìn kỹ những hình khắc trên đá, và nhất là để chiêm ngưỡng mà hòa mình vào nhịp sống của lớp dân này qua những nét diễn tả của họ. Vì đối với họ, hình khắc vẽ hay những điệu múa nhảy không phải chỉ là những biểu diễn nghệ thuật hay mua vui, mà trên hết là những nét diễn lên một qui trình, một nghi thức, một công thức hóa giải, trị liệu hay thăng hoa con người.

Hình khắc trên vách đá hang động Picture Rocks diễn tả một đoàn người đeo lông chim cùng cầm tay nhau múa nhảy chung quanh một vòng xoáy trôn ốc bên cạnh những con nai và con chiên rừng. Nhà nghiên cứu về biểu tượng của dân Da Đỏ là Alex Patterson đã cho biết: vòng xoáy trôn ốc diễn tả hành trình đi tìm tâm điểm đời sống. Có thể đây là một nghi thức của vũ khúc mặt trời (sun dance) hay vũ khúc chim phượng hoàng (eagle dance) như còn thấy ngày nay ở những sắc dân Navajo hay Hopi. Không ngờ những sắc dân sống cách đây cả trên ngàn năm mà đã có những kinh nghiệm tâm linh cao độ như vậy.

Trong những vũ khúc nghi lễ trên, mọi người tham dự đều đeo áo lông chim và đội  mũ kết bằng lông chim trên đầu. Họ ý thức rất rõ ràng sự giới hạn của sức con người nên cần phải được khai mở để nối vào một sức sống cao hơn. Sức sống thần linh siêu việt lại được diễn tả một cách cụ thể nơi một vật biểu, như vật biểu chim phượng, một loại chim thần, điều này thật giống nét văn hóa người Việt mình. Vì thế mà họ hóa trang thành như chim phượng. Ngay cả ống sáo thổi của họ cũng được trang trí kết lông chim giống y như một con chim phượng đang bay lên.

Khai mạc lễ nghi, họ đánh trống và thổi sáo để làm trống tâm ra mà hòa vào một nhịp sức sống chung cho thần nhập. Shaman là những vị đã đạt cảm nghiệm tâm linh thường dẫn đầu những vũ điệu lễ nghi này. Họ có thể đạt được những phút xuất thần khi vượt ra khỏi được xác thân giới hạn của con người mà hóa thân thành như một con chim phượng đang tung cánh bay lên trong một chiều kích mới của ý thức. Đây chẳng phải là một  điều rất đáng chú tâm cho những nhà nghiên cứu về tâm lý hay phụng vụ sao" Đây mới là vũ phụng vụ theo đúng nghĩa, là một qui trình biến đổi hóa thân, có sức chữa bệnh hay mọc cánh thăng hoa con người.

THIỀN THỔI SÁO

Thổi sáo là một nghệ thuật, hơn nữa, là một nghi thức hóa giải, một phương pháp linh thao hay thiền, nối kết cõi vuông hữu hạn của con người vào cõi tròn đầy vô biên của tâm linh. 

Cách đây mười mấy năm về trước tôi được cảm hứng này thúc đẩy nên đi học thổi sáo Tây cả hai năm. Cách tôi thổi thì có tiến bộ, nhưng mãi mà hơi vẫn cứ phát ra phì phì và đứt quãng, không sao thoát ra nhẹ nhàng.

Mới đây tôi có dịp học thổi sáo trúc, đơn giản bình dị từ "cây trúc tầm thường" nhưng lại rất rung cảm. Lần này tôi được chỉ dạy "khí công" kỹ hơn. Trước hết người thổi sáo phải hòa nhập trở thành chính ống sáo với lòng trống và thanh tịnh cho hơi thở của Trời chuyển vào. Phải biết xả cho tâm thành trống không, tụ khí xuống thật sâu tận đáy lòng, nơi tụ điểm hòa nhập với hơi thở của cả đất trời, rồi chuyển hơi vào lỗ sáo như một lời cầu nguyện theo cảm nghiệm của thánh Phaolô: "Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta bằng những tiếng rung khôn tả." (Roma 8:26). 

Xuống được đáy lòng, vào sâu trong nội tâm, chính là gặp được giao điểm của trời đất, người Tàu gọi là đan điền (ruộng son), người Nhật gọi là khí hải (biển khí). 

Thì ra người thổi sáo cũng phải trở thành chính ống sáo. Những đục khoét trong đời không phải là phi lí lãng xẹt, mà là do Thần Khí Chúa "lùa dao khoét lỗ luyện Kinh, tác thành ống sáo cho tình dâng cao,"  dẫn con người vào cõi trống để cảm nhận cõi đầy tròn từ tận thâm sâu cõi lòng. Mỗi tối trước khi đi ngủ mà trổi lên một khúc sáo thì mọi ứ đọng tan biến hết, tâm hồn như lâng lâng hòa vào một nhịp sống vượt lên, thênh thang và thanh thản, cảm ơn được bất cứ hòn đá nào lăn đến.

Truyện kể về một người trung tuổi rất nghèo khổ. Một đêm phải đi qua vùng sa mạc, quá mệt mỏi không sao bước tới được, ông bèn ngước nhìn lên trời than trách: 

- Trời có mắt biết tôi khổ cực đã lâu, sao không làm cho tôi khấm khá lên một chút!

Một lúc thì thấy từ trời có tiếng vọng xuống:

- Ta đã từng giúp mà nhà ngươi có bao giờ làm theo Ta đâu!

Người nghèo khổ liền quì xuống van xin:

- Tôi xin tạ lỗi, lần này bảo tôi làm gì, tôi nhất quyết tuân theo.

- Được rồi. Nhà ngươi đang đeo một cái bị, khi bước tới mà vấp vào hòn đá nào thì nhặt bỏ vào bị. Điều đó tốt cho nhà ngươi đấy.

Người nghèo khổ nghĩ bụng: tưởng giúp làm sao chứ thế này lại hành khổ mình thêm! Nhưng đã trót hứa thì cũng ráng làm theo. Ông ta bước tới thì quả là vấp vào mấy cục đá liền, ông cố nhặt bỏ vào bị. Nhưng bị đã nặng mà càng bước tới càng gặp nhiều đá. Quá mệt mỏi, ông cằn nhằn không thèm nhặt gì thêm nữa, rồi thở dốc ra mà đi tiếp. Sáng hôm sau mở bị ra xem để quẳng bớt đá đi cho nhẹ nhõm thì lạ quá đấy chính là mấy cục vàng. Trời! Tiếc quá, biết vậy đêm vừa rồi ráng nhặt thêm ít cục nữa.

 TIN VUI GỬI NGƯỜI BỊ LÃNH ĐÁ

 Câu truyện trên đã giúp mình cảm nghiệm Tin Vui khi Chúa nói Ngài là "đá vấp ngã"  mà cũng là "đá cứu độ" (stumbling block and stepping stone), "viên đá mà thợ xây loại bỏ đã trở nên đá góc tường." 

Chúa cũng nói có người cha nào mà con xin cá lại cho rắn, con xin bánh lại cho đá"! Vậy mà trên thực tế nhiều người xin cá lại bị rắn bò ra tấn công, xin bánh mà cứ lãnh đá hoài. 

Rất nhiều lần mình cũng than trách như người đàn ông nghèo khổ trên, và không thèm nhặt thêm gì nữa!

Người Da Đỏ nghèo nàn luôn nhảy múa mà hưởng được niềm sung sướng sống đời. Kokopelli lưng ngù tật nguyền mà vẫn có thể hân hoan thổi sáo mang niềm vui cho người khác; một đứa bé mới chỉ mới biết cười cũng vẫn có thể mang chất đậm đà cho cuộc sống. Đó là do niềm tin giống như niềm tin vào đạo Trời của người Việt.

Niềm tin vào Trời của các dân tộc dù sao vẫn còn tù mù mông lung xa cách. Đây là đúng lúc đạo Chúa đem đến Tin Vui đích thực, đáp ứng những khắc khoải của con người. Kinh Thánh diễn tả Chúa như một người chăn chiên thân thiết gần gũi, biết rõ và gọi đích danh từng con chiên là mỗi người theo Chúa. Nơi chiên ở trong những lều ngoài cánh đồng ban đêm làm gì có cửa an toàn, thì chính người chăn chiên nằm canh cửa. Vì thế Chúa Giêsu đã ví "Thầy là cửa chuồng chiên", để nếu thú dữ có tấn công thì phải bước qua xác người chăn sẵn sàng chiến đấu đến đổ máu để bảo vệ những con chiên thương mến của mình. Từ một ông Trời xa cách, Thiên Chúa đã trở thành một vị chúa của tình yêu tuyệt đối: "Thầy đến để cho chúng con được sống, mà sống thật sung mãn." (Gioan 10:10)

 PHÚT HÒA NHẬP THÀNH CÂY SÁO

Giữa sa mạc Người nâng sáo thổi

Ngoài chợ đời kẻ đứng than thân.

Thập giá chính là một sa mạc trống không, là một cây sáo bị đục khoét cùng độ: "Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn hủy bỏ mình đi, mặc lấy thân tôi tớ, trở nên giống người phàm, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập giá." (Phil 2:6-8)

Đá gây thương tích. Đá vấp ngã. Đá chận đường! Nhìn kỹ thì đá lại là bậc thang, đá là bánh, đá đục khoét tôi biến cây trúc tầm thường thành ống sáo thở bằng hương tình Trời. 

Mình cũng theo mẫu của Gia-cóp nhặt những hòn đá xức dầu làm Thánh Đài tạ ơn nơi đã vọt ra bảy mạch nước ân sủng chảy róc rách thành Khúc Sáo Ân Tình, ghi 25 mốc đá ở New Orleans, ở Avondale, ở Marrero, ở Versailles... Người thổi sáo sực nhận ra những vết đá đục khoét chính là "Dấu Ấn Tình Yêu"  làm cho ống trúc thành cây sáo, thành cây gậy thần, thành ỷ thiên trượng.

 Xin cho đời con như cây sáo của Ngài

Chúa gieo vào giai khúc thanh khiết muôn đời.

Chúa cho đầy vơi, mát tươi cuộc sống.

Khi tay Ngài âu yếm ngây ngất tâm hồn.

 Lm. Trần Cao Tường

(từ tác phẩm Khúc Sáo Ân Tình, Thời Điểm xuất bản)

 Mời thăm Mạng Lưới Dũng Lạc http://www.dunglac.org  và www.dunglac.net,  góp tư liệu xây nhà Văn Hóa & Niềm Tin.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi nghe nhiều người tỏ ý bi quan về hiện cảnh cũng như tương lai (đen tối) của Việt Nam. Dân tộc nào, số phận đó. Một đất nước có những người viết sử và làm luật (cỡ) như ông Dương Trung Quốc thì… đen là phải!
Việt Nam bước vào năm Giáp Thìn 2024 với gánh nặng tham nhũng và một đội ngũ “không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức lối sống. Đó là cảnh báo của người đứng đầu đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc phỏng vấn đầu năm của Thông Tấn Xã Việt Nam...
Từ thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, Triết gia Mạnh Tử (372-289 BC) của Trung Hoa đã nói rằng, “Dân là quý, thứ đến đất nước, rồi tới vua.” Điều đáng nói là Mạnh Tử là người đi theo học thuyết của Nho Gia vốn chủ trương vua là con ông Trời (Thiên tử) được sai xuống nhân gian để trị quốc an dân, vậy mà cũng không thể phủ nhận vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là tối quan trọng của người dân. Thời hiện đại, công pháp quốc tế đã nêu ba yếu tố chính hình thành một quốc gia: người dân, lãnh thổ và chính quyền. Trong đó, thật ra người dân chính là yếu tố then chốt quyết định. Lãnh thổ nếu không có dân ở, không có người quản trị thì không phải là đất nước của một dân tộc. Chính quyền từ người dân mà ra, bởi vì trước khi một người ra nắm quyền cai trị đất nước thì người đó phải là một người dân của đất nước ấy. Hơn nữa, sự thịnh suy của một quốc gia nằm trong tay người dân.
“Phản động lực” mà người Đài Loan thể hiện trong cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi khiến tôi, sau những suy nghĩ miên man về chuyện nước non, lại quay về với bài học yêu nước của thời tiểu học với câu hỏi khó, khiến nhiều học trò gác bút: “Em hãy tìm từ phản nghĩa với ‘tôn đại’.” Trung Quốc càng hung hăng đe dọa bao nhiêu, Đài Loan càng quật cường ngạo nghễ bấy nhiêu. Mà nếu Bắc Kinh ngu ngơ hay vờ vịt không biết gì đến định luật này thì, thầy nào tớ đó, Hà Nội cũng mù tịt hay giả bộ tương tự. Họặc mù tịt như thể đã hoàn toàn miễn dịch trước luật này; hoặc đóng kịch như thể không hề sống trong không gian ba chiều bình thường mà là một môi trường nào đó thiêu thiếu, cơ hồ chỉ… hai chiều rưỡi.
Tôi sinh trưởng ở Đà Lạt (Thành Phố Ngàn Hoa) nên sự hiểu biết về hoa lá cũng không đến nỗi tồi. Thế mà mãi tới bữa rồi, nhờ xem trang Trăm Hoa, mới được biết thêm về một loài hoa nữa – hoa ban: “Mùa hoa nở là lúc các cặp đôi nô nức đến thăm Tây Bắc. Hoa ban trắng tượng trưng cho tình yêu chung thủy và sự chân thành, dù tình yêu có gặp nhiều trắc trở, khó khăn thì cũng tự tin vượt qua và sẵn sàng đi đến bến bờ hạnh phúc. Các cặp đôi yêu nhau thường thề nguyện dưới gốc cây hoa ban như một minh chứng cho tình yêu thủy chung, bền chặt.”
Nhìn vào sự xuất hiện, sinh trưởng và tồn tại của chế độ cộng sản ở Việt Nam, chúng ta không thể phủ nhận đã có sự tương đồng với những thông tin tóm lược vừa nói về bệnh ung thư của con người...
Tôi tình cờ nhìn thấy hình Nguyễn Thúy Hạnh đang lơn tơn đẩy một cái xe cút kít đầy ắp bưởi (trên trang RFA) trong một cuộc phỏng vấn do Tuấn Khanh thực hiện, vào hôm 19 tháng Giêng năm 2021. Bên dưới tấm ảnh này không có lời ghi chú nào về thời điểm bấm máy nên tôi đoán có lẽ đây là lúc mà cô em đang hớn hở đến thăm vườn bưởi của họ Trịnh (ở Hòa Bình) vào “thuở trời đất (chưa) nổi cơn gió bụi”!
Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đang phải đối mặt với cuộc tranh chấp nội bộ trong kế hoạch tìm người kế nhiệm lãnh đạo khóa đảng XIV, nhiệm kỳ 2026-31. Những tranh chấp này được giữ kín để tránh hoang mang nội bộ. Chúng bộc phát ngay tại các Đại hội đảng địa phương và các ban đảng từ tháng 10 năm 2023...
Cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 8 tại Đài Loan đã được tổ chức vào ngày 13/1 với kết quả là ông Lại Thành Đức Phó chủ tịch Đảng Dân tiến (Democratic Progressive Party, DPP) thắng cử...
Chúng ta đang làm nhân chứng cho một cuộc bầu cử kỳ quặc và đa sự chưa từng xảy ra trong lịch sử đầu phiếu ở Hoa Kỳ. Có thể nói, không chỉ lịch sử, mà rộng lớn hơn, chính là "sự cố" văn hóa chưa từng thấy. Bước vào năm 2024, sự tranh đua giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ càng gay go, khốc liệt với âm mưu, độc kế, thủ đoạn, ám toán, bôi nhọ, mánh mung, để xem ai sẽ là chủ nhân của ngôi Nhà Trắng trong bốn năm tới. Tất cả những ý nghĩ, hành vi đó đều gôm vào chính sách, chiến lược và chiến thuật vận động bầu cử. Bạn đọc sẽ có dịp theo dõi các thầy bàn người Mỹ và thầy bàn người Việt (trong và ngoài nước) phong phú hóa, hư cấu hóa, ảo tưởng hóa về việc bầu cử, tạo ra câu chuyện nửa thực, nửa hư, thú vị, bất ngờ với giận dữ và thất vọng, sung sướng và buồn bã, rung đùi và cụng ly, nguyền rủa và chửi bới, vân vân. Thông thường những luận lý, âm mưu, phê phán, dự đoán đó… được mổ xẻ qua kiến thức và kinh nghiệm tây phương, nơi có hàng ngàn sách vở nghiên cứu chính trường, chính đạo,
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.