Hôm nay,  

Ong Chúa Bị Đốt!

15/02/200800:00:00(Xem: 9058)

Bị vỡ tổ, Hillary vẫn còn hy vọng...

Sau vòng đầu phiếu sơ bộ ngày Thứ Ba Trọng Đại (mùng năm tháng Hai) với kết quả ngang ngửa, Nghị sĩ Hillary Clinton bị choáng váng vì ngày Thứ Ba Trọng Đại của Nghị sĩ Barack Obama tại các địa phương ở quanh thủ đô Hoa Kỳ. Ngày Thứ Ba 12 tháng Hai, Obama đại thắng ở Maryland, Virginia và Washington D.C. và còn giật phiếu thành phần cử tri truyền thống của Hillary!

Trong có bốn ngày, từ thứ Bảy đến thứ Ba, Obama thắng lớn tại tám tiểu bang hay địa phương (Virgin Islands và vùng D.C. là hai đơn vị hành chánh không thuộc loại tiểu bang), trong cái thế ta gọi là "chẻ tre", cứ liên tiếp tách dọc từ đốt này qua đốt khác với động lượng đáng ngại.

Động lượng -momentum- hay cái trớn, là hiện tượng vật lý, xuất phát từ yếu tố tâm lý: người phù thịnh bỏ phiếu theo phản ứng bầy đàn của đám đông, cho ứng viên có hy vọng nhất. Trên thị trường, động lượng tâm lý ấy cũng thổi lên nhiều trái bóng đầu tư khi thiên hạ đổ xô mua vào những tài sản tưởng rằng sẽ lên giá trong tương lai. Và trái bóng ấy có khi bể!

Hillary Clinton thầm mong như vậy sau những lầm lẫn và thất bại liên tiếp của mình.

Từ năm ngoái - không, sai rồi, từ năm kia, 2006 - khi tái tranh cử chức Nghị sĩ Tiểu bang New York, Hillary đã thấy trước cái lẽ tất thắng của mình, sẽ là ứng viên tổng thống của đảng Dân Chủ, điều bà mơ ước từ lâu, và cả hai ông bà đã chuẩn bị từ năm 2000.

Vì nghĩ vậy, ban tranh cử chức nghị sĩ vào năm 2006 đã tự chuyển hoá thành ban tranh cử chức tổng thống vào năm 2008. Đó là sai lầm đầu tiên, thuộc loại chiến lược, vì hai cuộc tranh cử nhắm vào hai mục tiêu khác nhau, với những đòi hỏi khác nhau về cả tổ chức lẫn nhân sự và tài chánh. Việc Hillary cách chức trưởng ban tranh cử vào cuối tuần qua cho thấy nàng đã nhìn ra sai lầm đó.

Vì nghĩ rằng mình tất nhiên là ứng cử viên của đảng, Hillary đã gom lại thành tích rất mỏng của mấy năm hành nghề luật sư hờ tại Arkansas, Đệ nhất Phu nhân Arkansas rồi tám năm làm Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ, và sáu năm làm Nghị sĩ New York. Đấy là cái vốn kinh nghiệm trị quốc. Nàng tranh cử với sự tự tin của người am hiểu các vấn đề lớn của đất nước. Đó là sai lầm thứ hai, cũng thuộc loại chiến lược, vì nước Mỹ đã thay đổi và dân Mỹ không muốn sau tám năm Clinton và tám năm Bush lại trở về một triều đại mới mà cũ. Thị trường muốn một món hàng mới. "New & Improved" là khẩu hiệu quảng cáo xưa như nước Mỹ, vài năm lại thấy một lần!

Đáng lẽ là ứng cử viên đầu tiên thuộc phái nữ, với một thế giới quan và xã hội quan hoàn toàn mới, để dẫn nước Mỹ tiến tới những chân trời mới, Hillary lại ăn nói và tranh cử như một ứng cử viên… Cộng Hoà: chúng ta sẽ điều chỉnh những điểm bất toàn trước mắt, với từ tâm và lòng lân tuất.

Vô hình chung, nàng nhường cho Obama một khoảnh đất vô cương bát ngát của chân trời mới. Như một trang giấy trắng, trên đó muốn vẽ gì thì vẽ. Mà Barack Obama là thợ vẽ có tài, hoặc ít ra có nhiều màu rất sáng trong túi. Đây là ứng cử viên đa chủng tộc và đa văn hoá của một nước Mỹ lạc quan cho tương lai.

Trong khi ấy, Hillary tự tin ngồi ở giữa một tổ ong, như con ong chúa, chờ đợi mọi người sẽ đưa mình vào lịch sử. Bây giờ, con ong chúa bị đốt!

Chẳng những Hillary bị mất phiếu cử tri và thất bại trong đa số các tiểu bang, Obama còn vượt lên dẫn đầu với 25 đại biểu! Trong thâm tâm, con người tự kiêu ấy thấy như thốn dạ: tuần qua, Barack Obama và John McCain bắt đầu giao đấu tay đôi, coi như Hillary chỉ là tay phụ diễn! Chuyện không đơn giản như vậy được!

Khi bị thất bại, Hillary phản ứng… theo truyền thống, như đã từng làm trong quá khứ, là đổ lỗi rồi biện bạch.

Sau khi đả kích âm mưu xấu xa của bọn bảo thủ đã dám động tới mình như thời còn làm Đệ nhất Phu nhân, nàng giải thích là bị Obama tấn công vì mình là phụ nữ. Sau khi cương cường cho biết rằng mình mới là người mặc quần trong nhà, đầy nam tính dũng mãnh, nàng ứa lệ cho thấy mình bị tấn công chỉ vì mảnh quần hồng! Sau khi nhấn mạnh tới ưu điểm cố hữu là quan tâm đến người da đen, phu nhân của một "Tổng thống của dân da đen" như nhà văn da đen Toni Morisson đã ví von, nàng giải thích rằng mình chỉ mất phiếu của thành phần cử tri da đen, chứ vẫn còn hy vọng, v.v...

Lờ đi sự kiện Toni Morisson nay đã ủng hộ Obama, nàng nuôi dưỡng hy vọng mới ở bức tường lửa tại ba tiểu bang lớn là Texas, Ohio và Pennsylvania.

Thật ra, Hillary hành xử như… Đại tướng William Westmoreland tại Việt Nam.

Ngồi giữa tổ ong mà điểm quân tính số để tin là mình đang thắng. Rồi đem quân ra phục kích ngược trận phục kích dự tưởng của kẻ thù tại Khe Sanh, trong khi 42 tỉnh thành đã ngùn ngụt lửa! Cho một người dày dạn kinh nghiệm như Hillary thì chuyện Việt Nam đó quá xa xôi! Gần hơn thì việc Rudy Giuliani gom bi vào trận Florida mà rồi thất cử và đành rút lui đáng lẽ phải là bài học sát sườn!

Bây giờ, con ong chúa bị chạm nọc sẽ phải tính sao"

Sau khi mất 120 triệu tranh cử nay đang phải dựng lại chiến hào để tiến vào tử thủ ở Ohio và Texas, nàng còn khoảng 796 đại biểu đặc biệt - superdelegates - có thể tranh thủ được. Mà vì sao lại có "khoảng" ngần ấy đại biểu" Vì cấp số của thành phần này vẫn chưa được quyết định cho tới Đại hội đảng tại Denver.

Các đại biểu đặc biết ấy là gì"

Chuyện đó là chương hồi bất tận bên đảng Dân Chủ với nghệ thuật xin gọi là "dân chủ tập trung" của đảng, trong mục đích thắng cử.

Trước hết, Hoa Kỳ áp dụng thể thức bầu cử tổng thống theo lối… âm dương lịch của Đông phương, vừa trực tiếp vừa gián tiếp.

Về đại lược, người dân từng địa phương trực tiếp đi bầu đại diện cho mình vào Đại hội đảng, các đại diện đó sẽ đề cử lên ứng cử viên chính thức của đảng ra tranh cử tổng thống. Tới ngày tranh cử, cử tri toàn quốc bỏ phiếu trực tiếp nhưng kết quả quyết định vẫn là lá phiếu của các đại diện trong cử tri đoàn.

Vốn dĩ bảo thủ và muốn giản lược hoá thủ tục bầu bán, đảng Cộng Hoà tại đa số các tiểu bang áp dụng nguyên tắc "được ăn cả, ngã về không", ai chiếm đa số phiếu cử tri là ôm trọn tiểu bang và chiếm luôn số cử tri đoàn của cả tiểu bang. Năm 2000, ứng cử viên Al Gore chiếm đa số phiếu cử tri nhưng ứng cử viên George W. Bush đắc cử vì chiếm đa số phiếu của cử tri đoàn, sau khi được Tối cao Pháp viện ra phán quyết coi như thắng phiếu - chưa đầy 600 lá - tại một đơn vị bầu cử của Florida, và hốt trọn số cử tri đoàn của tiểu bang này để lên làm Tổng thống như thí sinh đỗ vớt.

Cũng do thể thức tuyển cử ấy trong đảng, năm nay Nghị sĩ John McCain coi như sẽ là đại diện chính thức của đảng Cộng Hoà vào đầu tháng Chín này.

Đảng Dân Chủ thì có truyền thông tinh vi và ngoắt ngoéo hơn. Đa số tiểu bang áp dụng việc tuyển chọn đại biểu theo tỷ lệ số phiếu của từng đơn vị tranh cử, là thành phần mà Hillary và Obama đang ráo riết tranh thủ. Nhưng vào tới Đại hội, cuối tháng Tám này, người ta còn chờ đợi quyết định của một thành phần gọi là "siêu đại biểu".

Về mặt chính danh, đảng Dân Chủ không gọi họ là "siêu đại biểu" mà là "lãnh tụ và đại biểu của đảng chưa cam kết (bỏ phiếu)". Họ không được cử tri bầu lên mà được đảng tuyển chọn qua thành tích phục vụ hay chức vụ đương nhiệm. Đó là các Dân biểu, Nghị sĩ, Thống đốc đương nhiệm, các cựu Tổng thống, Phó Tổng thống hay nguyên lãnh đạo Thượng, Hạ viện và các ủy viên trong Ủy ban Quốc gia Dân chủ lẫn các nguyên Chủ tịch Ủy ban ("Chủ tịch đảng" cho dễ hiểu).

Nôm na, đây là tầng lớp trung kiên, là lãnh đạo đảng Dân Chủ, từ cấp liên bang tới tiểu bang và các vị niên trưởng hoặc thân hào nhân sĩ trong đảng. Họ có uy tín và thế giá hơn các đảng viên bình thường và có quyền tự ý bỏ phiếu chọn ứng cử viên của đảng vào cuộc tranh cử tổng thống mà không cam kết trước. Nói là tự ý thì cũng chưa chính xác: họ bỏ phiếu theo trào lưu của cử tri, hoặc theo kết quả… mặc cả với ứng viên sáng giá nhất. Thành phần siêu đại biểu này chiếm 20% số cử tri đoàn, một con số không nhỏ khi tình hình đang bất phân thắng bại như hiện nay.

Đảng Dân Chủ sở dĩ lắt léo bày ra chuyện ấy vì… Việt Nam!

Nói cho khiêm nhượng hơn thì vì những đợt thất cử liên tục từ cuộc khủng hoảng trong đảng vào năm 1968 đến các cuộc bầu cử sau này.

Năm 1968, George McGovern đổi thể thức tuyển chọn để đảng viên ở dưới có nhiều quyền hơn, mà ứng viên Dân Chủ vẫn thua: khi quần chúng trong đảng bồng bột chọn người đại biểu vì phản ứng nhất thời, ứng cử viên đó có thể bị thất cử. Bài học thê thảm hơn nữa là phản ứng tháo chạy khỏi Việt Nam khiến ứng viên phản chiến McGovern được cơ sở đảng ở dưới đề cử vào cuộc tranh cử tổng thống năm 1972 - và bị đại bại, thua phiếu tại 49 trong 50 tiểu bang. Dân Mỹ chán chiến tranh nhưng không muốn bị thua!

Đảng Dân Chủ bèn gãi đầu tính lại.

Một lãnh tụ sáng giá như Averell Harriman mà bị đám cử tri sinh viên non dại gạt qua một bên để đề cử McGovern và bị thảm bại! Sau đấy, một nông gia buôn đậu phọng là Jimmy Carter cũng lại qua mặt các bậc trưởng thượng, kể cả con voi già Harriman, để thành tổng thống… một nhiệm kỳ thì còn trời đất gì nữa!

Hầu phòng ngừa tình trạng ấy, từ năm 1984, đảng Dân chủ lập ra cơ chế siêu đảng viên - tập trung quyền dân chủ vào mấy trăm người - để cân bằng phản ứng thái quá của các đảng viên ở dưới. Những người có thành tích và thế giá trong đảng sẽ trở thành… "trung ương ủy viên", có quyền bỏ phiếu theo sở kiến ưu việt của mình, căn cứ trên những lợi ích lâu dài của đất nước và của đảng. Chế độ superdelegates ra đời từ đấy khiến Walter Mondale vượt qua Gary Hart và còn nhiều trường hợp khác trong các cuộc bầu cử về sau.

Nhưng, cũng thận trọng để khỏi nuôi ong tay áo, đảng Dân Chủ đã lột quy chế siêu đại biểu của Nghị sĩ Joe Lieberman, ứng viên Phó Tổng thống năm 2000 của đảng!

Lieberman là nghị sĩ có thành tích thiên tả và trung kiên với đảng, nhưng phạm tội chủ chiến vì ủng hộ đường lối đối ngoại cứng rắn để diệt trừ khủng bố. Lieberman bị chính đảng Dân Chủ ngáng chân và ủng hộ một triệu phú tay mơ mà phản chiến trong cuộc tranh cử năm 2004 tại Connecticut. Lieberman tiếp tục ra tranh cử, với tư cách độc lập, và thắng lớn. Nhưng, là con người chính trực, ông vẫn bỏ phiếu theo đảng Dân chủ, nhờ đó mà phe Dân chủ có đa số 51-49 tại Thượng viện. Nhưng, cũng lại nhưng nữa, là con người chính trực, ông ủng hộ John McCain vì lập trường cương quyết đối phó với quân khủng bố chứ không tháo chạy!

Vì vậy mới bị đảng Dân chủ đẩy ra khỏi thành phần siêu đại biểu.

Những quyết định ấy cho thấy sự tinh vi ứng phó của đảng. Ngày nay, đảng Dân Chủ đang mắc nạn vì sự quyền biến tinh vi này!

Nhưng - lại nhưng nữa - đấy cũng là cái phao cấp cứu cho Hillary.

Khi quần chúng hồ hởi chạy theo Obama lên tới mây xanh - như đang thấy - thì các siêu đại biểu có thể là cái neo giàng đảng vào thực tế của xã hội.

Sau tám năm là Đệ nhất Phu nhân và bảy năm làm Nghị sĩ, rẻ ra Hillary Clinton cũng có 15 năm xây dựng quan hệ với các niên trưởng trong đảng, khác hẳn tay mơ là Barack Obama, mới lò dò vào Thượng viện từ đầu năm 2005! Kinh nghiệm và mơ mòng quả nhiên phải có khác!

Ngoài kinh nghiệm, Hillary có thể còn nghĩ tới thế lực, là chuyện đã quen trong chính trường, từ toà Bạch Cung sang Quốc hội. Rất nhiều người đã… bỗng chốc nên quan, đi làm đại sứ, ngồi ghế tổng giám đốc hay tham chánh trong nội các, là nhờ lá phiếu siêu đại biểu của mình từ cuộc tranh cử trước. Cụ thể là có thể đổi chác lá phiếu tại Đại hội với cái ghế sau Đại hội. Kinh nghiệm về thế và lực của Hillary khi chấp chánh sau rèm thời Bill Clinton khiến nàng nhậm lẹ hơn đối thủ trong các cuộc mặc cả như vậy ở hậu trường.

Nhưng, chưa hết những cái nhưng đâu: cựu ứng viên Tổng thống và đương kim Thống đốc New Mexico, ông Bill Richardson, là một siêu đại biểu vẫn ngồi trên hàng rào. Ông từ chối lời chiêu dụ của Bill Clinton, không lên tiếng ủng hộ Hillary! Mời ông bằng cách gì đây khi nhân vật có huyết thống Latino này từng là Đại sứ và  hai lần Tổng trưởng thời Clinton! Đứng phó cho Hillary sao" Như vậy, còn chỗ đâu để rao bán với hai nhân vật sáng giá của tiểu bang Virginia ở miền Nam: đương kim Nghị sĩ Jim Webb hay chuẩn ứng viên nghị sĩ, nguyên Thống đốc Mark Warner"

Mà trường hợp Bill Richardson không là hãn hữu. Một siêu đại biểu vốn là trưởng ban tranh cử cũ của Bill Clinton đã quyết định vận động các siêu đại biểu khác bỏ phiếu cho Obama. Các siêu đại biểu nay đang siêu lòng khiến Hillary Clinton không dễ mua chuộc lá phiếu của họ! Hoặc phải mua với giá thắt họng.

Khi đối đế, Hillary còn có thể vận động trong đảng là chấp nhận kết quả sơ bộ của nàng tại Michigan và Florida - hai tiểu bang bị đảng Dân Chủ trừng phạt vì tổ chức vòng sơ bộ quá sớm và kết quả đầu phiếu bị coi là vô giá trị. Ban đầu, Hillary đồng tình với quyết định trừng phạt ấy, về sau lại đi ngược mà một mình tiến vào tranh cử tại Michigan và Florida, nay đòi đảng phải lật lọng theo mình và kể thêm số cử tri đoàn ở đây!

Nhưng, chưa làm tổng thống mà đã đổi trắng thành đen như vậy là nàng lại rơi vào cái bẫy lý luận của Obama: kinh nghiệm của nàng là kinh nghiệm tồi tệ!

Như vậy, con ong chúa bị chạm nọc còn có thể làm gì"

Hillary sẽ bay ra khỏi tổ, bước xuống bệ rồng, mà nhìn thẳng vào giấc mơ màu hồng của Barack Obama. Bóc màn gấm vóc là móc ra con số không. Không có thực chất! Là con ong chúa, Hillary hiểu rất rõ phản ứng bày đàn, chỉ cần châm ngòi vào trái bóng Obama là nó sẽ xì ngay trước thời điểm Đại hội. Nhưng làm vậy thì có khác chi ủng hộ McCain"

Lại một chữ nhưng nhức nhối như bị ong đốt….

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Thời gian gần đây, những người thương vay khóc mướn ở Việt Nam thường đem vấn đề Chủ nghĩa Xã hội và đảng có quyền một mình lãnh đạo ra hù họa dư luận. Tuy nhiên, càng vênh váo và cù nhầy bao nhiêu lại càng lâm vào thế bí. Những bài viết không trả lời được câu hỏi: Ai đã trao quyền lãnh đạo cho Đảng, và tại sao Đảng sợ Dân chủ đến thế?
Cận Tết năm Thìn, Marianne Brown (Guardian Weekly) có bài “Vietnam’s parents want a dragon son.” Trời! Tưởng gì, chớ cả Tầu lẫn Ta ai mà không muốn có con trai tuổi Rồng. Nhâm Thìn, tất nhiên, lại càng bảnh dữ nữa. Nam nhâm nữ quí thì sang mà lị. Theo tuviso.com: “Tuổi Nhâm Thìn có nhiều hy vọng tốt đẹp về vấn đề tình duyên và tương lai về cuộc sống, có phần tốt đẹp về tình cảm và tài lộc, vào trung vận và hậu vận thì được nhiều tốt đẹp về hạnh phúc, công danh có phần lên cao.”
Một quan điểm lạc quan đang dấy lên trong hàng ngũ Lãnh đạo đảng CSVN khi bước vào năm 2024, nhưng thực tế tiềm ẩn những khó khăn chưa lường trước được...
Nếu Donald Trump giành lại được Nhà Trắng vào tháng 11, năm nay có thể đánh dấu một bước ngoặt đối với quyền lực của Mỹ. Cuối cùng, nỗi sợ hãi về tình trạng suy tàn đã khiến cho người Mỹ bận tâm kể từ thời thuộc địa sẽ được biện minh. Hầu hết người Mỹ tin rằng, Hoa Kỳ trong tình trạng suy tàn, Donald Trump tuyên bố rằng ông có thể “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Nhưng tiền đề của Trump đơn giản là sai, và các biện pháp trị liệu được ông đề xuất đặt ra mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ.
Đảng CSVN hay nói “Trí thức là “nguyên khí của quốc gia”, làm hưng thịnh đất nước, rạng rỡ dân tộc*; “Trí thức là vốn liếng quý báu của Dân tộc”; hay “Thanh niên là rường cột của nước nhà” , nhưng tại sao nhiều người vẫn ngại đứng vào hàng ngũ đảng? Lý do vì đảng chỉ muốn gom Trí thức và Thanh niên “vào chung một rọ để nắm tóc”...
Tây Bắc hay Tây Nguyên thì cũng chừng đó vấn đề thôi: đất đai, tôn giáo, chủng tộc… Cả ba đều bị nhũng nhiễu, lũng đoạn tới cùng, và bị áp chế dã man tàn bạo. Ở đâu giới quan chức cũng đều được dung dưỡng, bao che để tiếp tục lộng quyền (thay vì xét sử) nên bi kịch của Tây Nguyên (nói riêng) và Cao Nguyên (nói chung) e sẽ còn dài, nếu chế độ toàn trị hiện hành vẫn còn tồn tại...
Bữa rồi, nhà thơ Inra Sara tâm sự: “Non 30 năm sống đất Sài Gòn, tôi gặp vô số người được cho là thành công, thuộc nhiều ngành nghề, đủ lứa tuổi, thành phần. Lạ, nhìn sâu vào mắt họ, cứ ẩn hiện sự bất an, lo âu.” “Bất an” có lẽ không chỉ là tâm trạng của người Sài Gòn mà dường như là tâm cảm chung của toàn dân Việt – không phân biệt chủng tộc, giới tính hay giai cấp nào ráo trọi – nhất là những kẻ sắp từ giã cõi trần. Di Cảo của Chế Lan Viên và di bút (Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất) của Nguyễn Khải, theo nhận xét của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, chỉ là những tác phẩm “cốt để xếp hàng cả hai cửa. Cửa cũ, các ông chẳng bao giờ từ. Còn nếu tình hình khác đi, có sự đánh giá khác đi, các ông đã có sẵn cục gạch của mình ở bên cửa mới (bạn đọc có sống ở Hà Nội thời bao cấp hẳn nhớ tâm trạng mỗi lần đi xếp hàng và không sao quên được những cục gạch mà có lần nào đó mình đã sử dụng).”
Tập Cận Bình tin rằng lịch sử đang dịch chuyển theo hướng có lợi cho mình. Trong chuyến thăm Vladimir Putin tại Matxcơva vào tháng 3 năm ngoái, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói với Tổng thống Nga rằng “Ngay lúc này, chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi chưa từng thấy trong 100 năm qua, và chúng ta đang cùng nhau thúc đẩy sự thay đổi ấy.”
Sau 20 năm chiêu dụ Kiều bào về giúp nước không thành công, đảng CSVN lại tung ta Dự án “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới” vào dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024. Đây là lần thứ tư, từ khi có Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26 tháng 3 năm 2004, một Quyết định nhằm mưu tìm đầu tư, hợp tác khoa học, kỹ thuật và tổ chức các Hội, Đoàn người Việt ở nước ngoài, đặt dưới quyền lãnh đạo của đảng CSVN được tung ra...
Khi số lượng di dân vượt biên bất hợp pháp qua biên giới Hoa Kỳ-Mexico tăng cao kỷ lục, câu hỏi quan trọng được đặt ra là: Làm thế nào mà Hoa Kỳ lại rơi vào tình trạng này, và Hoa Kỳ có thể học hỏi những gì từ cách các quốc gia khác ứng phó với các vấn đề an ninh biên giới và nhập cư. Chào đón công dân nước ngoài đến với đất nước của mình là một việc khá quan trọng để giúp cải thiện tăng trưởng kinh tế, tiến bộ khoa học, nguồn cung ứng lao động và đa dạng văn hóa. Nhưng những di dân vào và ở lại Hoa Kỳ mà không có thị thực hoặc giấy tờ hợp lệ có thể gây ra nhiều vấn đề – cho chính bản thân họ và cho cả chính quyền địa phương bởi tình trạng quá tải không thể kịp thời giải quyết các trường hợp xin tị nạn tại tòa án nhập cư, hoặc cung cấp nơi ở tạm thời và các nhu cầu cơ bản khác. Mà tình trạng này hiện đang xảy ra ở rất nhiều nơi ở Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.