Hôm nay,  

Albert Einstein Và Đức Đạt Lai Lạt Ma

7/28/200800:00:00(View: 8033)
Nguyên tác: Rasoul Sorkhabi; Chuyển ngữ: H.T Thích Trí Chơn

(LGT. Năm 2005 đánh dấu kỷ niệm năm sinh nhật lần thứ 70 của đức Đạt Lai Lạt Ma. Liên Hiệp Quốc cũng tuyên bố  2005 là năm Vật Lý của thế giới và người đã được vinh danh là ông Albert Einstein, nhà đại khoa học phát minh ra Thuyết Tương Đối năm 1905 (cách nay 100 năm) đã từ trần năm 1955 (đúng 50 năm trước). Đây là cơ duyên thuận lợi để chúng ta tìm hiểu tại sao có sự trùng hợp, gặp gỡ giữa hai nhân vật lịch sử vĩ đại này trong thời đại của chúng ta hôm nay, một nhân vật là khoa học gia Tây Phương nổi tiếng và người kia là vị lãnh đạo Phật Giáo mà khắp thế giới đều tôn kính, đã nêu lên một hình ảnh ý nghĩa về sự hợp nhất giữa khoa học và tôn giáo.

 Ghi chú của người dịch: Rasoul Sorkhabi là giáo sư tại Học Viện Nghiên Cứu Năng Lượng và Khoa Địa Chất thuộc Đại Học Utah (Salt Lake City), nơi ông đang sống với người vợ Nhật và cô con gái. Giáo Sư đã thực hiện chương trình nghiên cứu rộng rãi về địa chất ở vùng núi Hy Mã Lạp Sơn (Himalayas). Bài viết gần đây của giáo sư là “Einstein và Tâm Hồn người Ấn Độ: Tagore, Gandhi và Nehru” đăng trên tạp chí “Current Science” do viện Hàn Lâm Khoa Học Ấn Độ (Indian Academy of Science) ấn hành.

*

Nhiều năm qua, nhà khoa học Albert Einstein và đức Đạt Lai Lạt Ma đã ảnh hưởng thu hút tôi rất nhiều. Khi đọc tiểu sử và tác phẩm của hai nhân vật này mà tôi nhận thấy có nhiều sự tương đồng ý nghĩa về cá tính và hoạt động của họ đã chiếu sáng trên mối quan hệ giữa lý trí và tinh thần mà cả hai lãnh vực đều cần thiết cho xã hội và đời sống con người.

Phật Giáo lẫn Khoa Học chủ trương người đi tìm đạo lý hay các định lý khoa học cần dựa vào trí tuệ và kinh nghiệm của chính bản thân họ. Nhà tôn giáo lẫn khoa học không thể tin tưởng một cách mù quáng. Mọi lý thuyết trình bày chỉ có giá trị khi được chứng nghiệm bằng sự tu tập của vị tu sĩ và chứng minh cụ thể của nhà khoa học.

Đặc biệt trong các bài viết cũng như thuyết giảng của đức Đạt Lai Lạt Ma và nhà khoa học Einstein, là những ý tưởng đều xuất phát từ tâm thức và kinh nghiệm bản thân của họ. Khi viết bài này thì cuốn sách đầu tiên để trên bàn tôi đang đọc là tác phẩm “Phật Giáo Tây Tạng và Chìa Khoá Dẫn Đến Trung Đạo” (The Buddhism of Tibet and the Key to the Middle Way) do Tenzin Gyatso, đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 viết ấn hành năm 1975. Tôi được tặng cuốn sách này vào năm 1982 khi tôi và vợ tôi là Setsuko từ Nhật Bản lần đầu tiên đến Ấn Độ gặp ngài tại thành phố Dharamsala. Tôi cũng đã được đọc tác phẩm của Einstein: “Đại Cương và Đặc Biệt Thuyết Tương Đối” (Relativity: The Special and the General Theory) ấn hành năm 1952.

Hai cuốn sách đều mang tính cách chuyên môn và cả hai tác phẩm đều chịu ảnh hưởng tư tưởng của những người đi trước, nhưng điều đặc biệt thú vị là bút pháp của họ đều giống nhau - giải thích các chủ đề khó hiểu bằng lối diễn đạt rõ ràng, chính xác với ngôn ngữ bình dị và đã trình bày được ngay chính tư tưởng của hai tác giả. Mặc dù sự liên hệ giữa khoa học và tôn giáo là một đề tài hóc búa, phức tạp và gay go, nhưng cả hai khoa học gia Einstein và đức Đạt Lai Lạt Ma đều phát biểu rằng, tôn giáo và khoa học có thể hợp tác, chung sống và đóng góp lợi ích cho sự tiến bộ, phát triển của xã hội con người. Tôn giáo và khoa học thuộc hai lãnh vực kiến thức và thực hành khác nhau, tuy nhiên cả hai đều do nỗ lực của con người và cần thiết cho sự thăng hoa cuộc sống nhân sinh.

Đức Đạt Lai Lạt Ma không phải là nhà tôn giáo theo trào lưu chính thống, duy trì lòng tin cổ truyền vào kinh điển mà ngài cũng đề cao giá trị của nền khoa học hiện đại và tin tưởng rằng tất cả các truyền thống tôn giáo khác nhau đều giúp ích cho nhân loại. Ông Einstein không phải là nhà toán học thiển cận, không nghĩ đến sự phát triển tinh thần và đời sống tâm linh. Trong tác phẩm: “Những năm cuối cùng của đời tôi” (Out of My Later Years), ấn hành năm 1950, tiên sinh viết:

“Tất cả các tôn giáo, nghệ thuật và khoa học là những cành nhánh chung của một thân cây. Những khát vọng này đều nhằm hướng đến sự thăng hoa đời sống của kiếp người, giúp con người vượt khỏi thể giới thuần tuý vật chất và hướng dẫn cá nhân đến sự tự do và giải thoát”.

Trong cùng cuốn sách trên, Einstein cũng xác nhận rằng khoa học thực sự đã giúp cho mục tiêu của tôn giáo, vì khoa học đã dạy cho chúng ta hiểu biết về sự hoà hợp, tương quan và tương duyên của thế giới cũng như kiến thức khoa học về vũ trụ bao la huyền bí này:

“Mỗi ngày hằng trăm lần tôi tự nhắc nhở để thấy rằng đời sống nội tâm và ngoại giới của tôi được xây dựng căn bản trên sức lao động của những kẻ khác và tôi phải cố gắng đáp đền trả ơn lại cho họ, những người mà tôi đã và đang nhận sự giúp đỡ”. Đây là những lời nói của Einstein. Chia xẻ với ý tưởng này, đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu sự tương quan tương duyên phụ thuộc vào nhau của vạn vật, con người và các biến cố xảy ra trên thế gian là ý niệm căn bản của nền khoa học hiện đại và tư tưởng Phật Giáo.

Trong lời phát biểu khi nhận giải Nobel Hoà Bình, đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói: “Chúng ta tuỳ thuộc vào nhau trong mọi sinh hoạt của đời sống. Chúng ta không thể tồn tại khi sống tách rời khỏi xã hội và không biết gì về các sự việc xảy ra bên ngoài cộng đồng của nhân loại. Khi gặp những khó khăn, chúng ta cần giúp đỡ lẫn nhau cũng như nên chia xẻ nguồn vui của chúng ta cho những kẻ khác”. Về mặt triết lý, lời dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma phản ảnh lý “Nhân Duyên Sinh” của Phật Giáo.

Đức Đạt Lai Lạt Ma khuyên dạy chư Tăng không nên có tâm ích kỷ và đắm say của cải vật chất. Ngài đã từng nói: “Tôi chỉ là một nhà sư tầm thường”. Howard Cutler, người cùng chung với ngài viết tác phẩm “Nghệ Thuật Đạt Đến Hạnh Phúc” (The Art of Happiness) bảo rằng đức Đạt Lai Lạt Ma không biết cuốn sách đó đã trở thành tác phẩm bán chạy nhất (bestseller) tại vùng Bắc Mỹ.

Ông Einstein cũng có tâm hồn vị tha hay giúp đỡ mọi người. Một trong những tiểu luận nổi tiếng của ông nhan đề “Thế Giới như Tôi Nhìn Thấy Nó” (The World As I See It) ấn hành năm 1931, Einstein đã viết: “Tôi tin rằng một đời sống giản dị không xa hoa cầu kỳ là rất tốt, hửu ích cho mọi người cả hai phương diện thể xác lẫn tinh thần. Ba mục tiêu mà nỗ lực của con người nhắm đến là của cải, tiền bạc và giàu sang, đối với tôi trở thành vô nghĩa”. Ông đã thực hành những điều ông nói. Chẳng hạn, Einstein đã dùng hết số tiền 30.000 (ba chục nghìn) đô la ông được thưởng trong giải Nobel Vật Lý năm 1921 để giúp đỡ cho bà vợ đầu tiên và mấy đứa con của bà, mặc dù lúc bấy giờ ông đã lập gia đình với người khác.

Einstein đoạt giải Nobel Vật Lý năm 1921, và đức Đạt Lai Lạt Ma được giải Nobel Hoà Bình năm 1989. Hơn nữa, Einstein cũng là nhân vật tích cực vận động cho nền hoà bình thế giới; yêu cầu huỷ diệt các loại võ khí nguyên tử cũng như đòi hỏi quyền làm người, tự do và dân chủ phải được thực hiện tại nhiều quốc gia. Cuộc đời của ông luôn luôn tranh đấu chống bạo động, chiến tranh, chủ nghĩa phát xít và kỳ thị chủng tộc. Vị anh hùng chính trị mà Einstein tôn sùng nhất là Thánh Gandhi của Ấn Độ. Tháng 04 năm 1955, cùng với đại triết gia người Anh, Bertrand Russell, cả hai ông đã phổ biến một bản tuyên ngôn chung, kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới nên giải quyết các cuộc khủng hoảng chính trị bằng phương pháp hoà bình.

Gần đây trong một cuộc phỏng vấn, tôi có nghe đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời cho biết rằng nếu có thể ngài phát nguyện vào ở một ngôi chùa và sẽ dành hết thì giờ cho việc tu thiền. Điều này khiến tôi nhớ lại lời ông Einstein bảo rằng: “Công việc của người trông coi ngọn hải đăng thực lý tưởng cho nhà khoa học, vì họ có nhiều thì giờ rãnh để suy nghĩ và làm việc”. Nơi khác, tiên sinh Einstein ghi nhận rằng cuộc đời của ông được phân chia thành giữa “các phương trình và chính trị” nhưng “các phương trình thì sẽ vĩnh viễn tồn tại lâu dài”.

Cả hai ông Einstein và đức Đạt Lai Lạt Ma đều mất tổ quốc. Năm 1933 Einstein trốn thoát chế độ Phát Xít Đức Quốc Xã sang định cư tại Hoa Kỳ. Năm 1959, Trung Cộng đánh chiếm xâm lăng Tây Tạng, đức Đạt Lai Lạt Ma bỏ nước trốn qua tị nạn ở Ấn Độ. Tôi nghĩ kinh nghiệm cuộc sống bản thân của mỗi người này đã giúp cho cả hai nhân vật (Einstein trong cộng đồng người Do Thái và đức Đạt Lai Lạt Ma trong xã hội các Phật tử Tây Tạng), khi ở xứ người, nhận thấy rõ giá trị của sự đóng góp về khoa học, tôn giáo cũng như lịch sử dân tộc của họ vào các nền văn hoá đa dạng của nhân loại trên thế giới.

Đức Đạt Lai Lạt Ma thường bảo rằng cuộc sống tị nạn lưu vong đã giúp ngài có cơ hội tốt để gặp gỡ, tiếp xúc với mọi người đủ thành phần tại nhiều quốc gia và nhờ đó mà ngài đã nhận thức được rằng: “Tất cả chúng ta ai cũng muốn sống có hạnh phúc chứ không thích khổ đau”.

Einstein sinh năm 1879 trong một gia đình Do Thái tại Đức quốc. Đức Đạt Lai Lạt Ma ra đời năm 1935 trong một gia đình nông dân tại quận Amdo ở Tây Tạng. Tiểu sử của hai nhân vật hoàn toàn khác nhau, nhưng tại sao chúng ta nhận thấy có nhiều điểm tương đồng về cá tính và hành động giữa hai con người đặc biệt này" Câu trả lời của tôi là vì cả ông Einstein và đức Đạt Lai Lạt Ma đều đã sống vượt lên trên những thành kiến, cố chấp về tôn giáo cũng như các chủ nghĩa phát xít, quốc gia và duy vật v…v…

Trái lại cả hai đã sống, hành động vì nền hoà bình thế giới, tình yêu thương nhân loại, và phục vụ cứu giúp tất cả mọi người với tấm lòng vị tha. Trong bài nói chuyện với các sinh viên trường Cal Tech năm 1931, Einstein đã phát biểu: “Tôn giáo và khoa học có thể cùng chung đóng góp cho lợi ích của con người”.

Các giải Nobel đã trao tặng cho khoa học gia Einstein và đức Đạt Lai Lạt Ma là biểu tượng cho hai đỉnh cao của tình nhân loại và trí tuệ con người mà hai đại nhân vật lịch sử này đã thành tựu đạt tới qua những phương cách hành động khác nhau. Và từ đỉnh cao đó, ánh sáng rực rỡ của tình thương và sự hiểu biết tuyệt vời của con người đã chiếu toả xuống khắp vạn vật ở trần gian.

Trích tạp chí Phật Giáo “Mandala” số tháng 6 & 7 năm 2005.

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Tôi thì tin rằng công luận sẽ đỡ phẫn nộ (đôi phần) nếu mọi người hiểu ra rằng không riêng gì ông Phạm Sỹ Quý mà tất cả quan chức của chế độ hiện hành cùng ở trong tâm trạng bất an của những kẻ đang nhấp nhổm trên con tầu vét tốc hành. Họ đều vội vã, hối hả, giành giật thu vén nên còn tâm trí đâu mà nghĩ đến nhân cách hay danh dự, nói chi đến những chuyện xa xỉ như thời tiết, khí hậu, hay quân bình sinh thái...
Sáng thứ Hai 10/10/22 vùa qua, phải chăng Putin đã thay đổi bản chất cuộc chiến ở Ukraine khi phóng 83 hỏa tiễn nhằm thẳng 11 cơ sở vật chất dân sự và nhà cửa dân chúng? Putin đã áp dụng đúng lý thuyết chiến tranh của cộng sản là tiêu diệt sự sống xã hội của quốc gia địch khi mục tiêu không đạt được. Nhưng có người cho rằng oanh tạc Ukraine hôm thứ Hai thực chất không phải Putin thay đổi chiến thuật mà đó chỉ để vớt vát thể diện trước dân chúng Nga và thế giới sau nhiều thất bại liên tiếp ở Ukraine và, đau đớn hơn nữa, « cầu Putin » (Kertch) bị đặc công Ukraine phá hỏng...
Tối Cao Pháp Viện (TCPV) dự kiến sẽ lắng nghe các tranh luận trong hai vụ kiện, do tổ chức Hiệp Hội Tuyển Sinh Công Bằng (Students for Fair Admissions) đệ đơn, vào ngày 31 tháng 10 năm 2022. Tổ chức này cho rằng Harvard và các trường khác phân biệt đối xử trắng trợn với sinh viên Châu Á và Da Trắng. Hai vụ kiện này cũng đại diện cho tất cả các ưu tiên khác dựa trên danh tính, bao gồm cả những ưu tiên có lợi cho những người gốc Da Đen và những bất lợi cho người gốc Da Trắng.
Hoa Kỳ đã trải nghiệm sự bất ổn chính trị nghiêm trọng nhiều lần trước đó trong thế kỷ qua. Cuộc Đại Suy thoái khiến cho người Mỹ nghi ngờ về hệ thống kinh tế của đất nước. Thế chiến Thứ Hai và Chiến tranh Lạnh đã thể hiện những mối đe dọa từ các phong trào toàn trị trên toàn cầu. Những năm thập niên 60 và 70 đã bị đánh dấu bởi các vụ ám sát, bạo loạn, thua chiến và một tổng thống bị thất sủng.
Khi viết những dòng chữ quốc ngữ ngày nay, ta cám ơn những người Bồ Đào Nha, đã đem các dấu Bồ Đào Nha vào ngôn ngữ giàu âm thanh tiếng Việt, nếu không có những dấu này, thì Việt Nam chắc phải dùng chữ x, y, z, v, w.. thêm vào cuối chữ như đánh điện tín thì thật là rườm rà, kỳ dị..
Từ lâu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa từng phải chịu nhiều áp lực trong những ngày cận đại hội đảng (lần thứ 20) như hiện nay. Căng thẳng chung quanh Đài Loan đòi hỏi ông phải có hành động mang tính biểu tượng, thí dụ như về mặt kinh tế nắm được ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan sẽ là một chiêu hấp dẫn. Tuy nhiên, một cuộc xâm lược hòn đảo này, dù lý do là chất bán dẫn hay động cơ chính trị, cũng sẽ gây ra hậu qủa nặng nề cho Trung Quốc...
✱ Columbia Court: Dominion công ty sản xuất máy bầu cử đã kiện nhóm 3 bị đơn: Sidney Powell; Rudy Giuliani; và Mike Lindell về tội phỉ báng - Cả 3 xin tòa hủy vụ kiện của Dominion đòi bồi thường thiệt hại 1.3 tỷ USD. ✱ Columbia Court: Powell và Giuliani xuất hiện trên truyền hình cáo buộc Dominion có liên hệ với Venezuela. Giuliani tuyên bố rằng Dominion thuộc sở hữu của một công ty có tên là Smartmatic, được thành lập bởi ba người Venezuela để thay đổi các kết quả của cuộc bầu cử. - Dominion là một công cụ được tạo ra " để [Hugo Chávez] thực hiện vào cuộc bầu cử không bao giờ thua ” và được nhập khẩu vào Hoa Kỳ để thay đổi phiếu từ Trump sang Biden trong cuộc bầu cử năm 2020 ✱ Columbia Court: Lindell xuất hiện trên chương trình Newsmax đã tuyên bố rằng gian lận lớn nhất là máy Dominion - Chúng tôi có tất cả các bằng chứng !!! gian lận bầu cử lớn nhất trong lịch sử thế giới !!! Tội ác chống lại thế giới
Sau 7 ngày gọi là “làm việc khẩn trương, nghiêm túc và đầy tinh thần trách nhiệm”, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII của CSVN đã bế mạc què quặt ngày 09/10/2022. “Què quặt” vì không có gì mới, toàn những vấn đề cũ đã thất bại trong nhiều năm được lặp lại...
Thảo nào mà ở Việt Nam người ta ưa chế giễu thầy bói, thầy cúng, thầy đồ, thầy pháp, thầy mo, thầy tu, thầy địa lý, thầy phong thủy... và cả thầy thuốc nữa nhưng thầy cãi thì không. Ở đất nước này giới luật sư được tôn trọng, và họ quả xứng đáng...
Nghĩ chắc nay tới lúc Ukraine muốn đàm phán để giải quyết xung đột giữa hai nước, Putin vội lên tiếng kêu gọi Ukraine hãy ngưng bắn ngay, cả mọi cuộc tấn công vào vùng tự trị khác và tới bàn đàm phán...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.