Hôm nay,  

Hoả Vượng Nên Thận Suy

21/06/200800:00:00(Xem: 10100)
Xăng Dầu Đang Bốc Lên Đầu Nhiều Người...

Ngày hôm qua, 20 tháng Sáu, thị trường chứng khoán tại Hoa Kỳ lại sụt giá mạnh, chỉ số DJIA mất hơn 220 điểm.

Ngoài các nguyên nhân từ thị trường tài chánh vẫn còn một nguyên nhân bất ổn thường xuyên là xăng dầu cứ nhấp nhổm trên giá 133 đồng một thùng. Mà xăng dầu cứ bốc lên rồi hạ rồi lại bốc mỗi khi có tin tức bất trắc về an ninh. Tin bất trắc nhất là lời đồn đoán về việc Israel có thể sắp tấn công Iran (xin đọc bài "Xì Vương Độc Nhất Láng" trên cột báo này số ra ngày hôm qua 20 tháng Sáu).

Ngày hôm qua, truyền thông quốc tế loan tin là từ hôm mùng sáu tháng Sáu, Không quân Israel đã có cuộc tập trận quy mô với các chiến đấu cơ F-16 và F-15. Giới quan sát quân sự kết luận rằng đấy là trận tổng dợt trước khi Israel tấn công Iran để tiêu diệt các căn cứ chế tạo võ khí hạch tâm.

Nếu quả là như vậy, việc dầu thô lên giá có vài đồng bạc (tính trên thị trường kỳ hạn tháng Bảy) là bất thường vì... quá ít! Có điều gì đó không ổn trong chuỗi lý luận của các nhà bình luận.

Hãy nói về chuyện ấy trước, rồi mới trở lại cơn sốt xăng dầu đang bốc lên đầu nhiều chính khách tại Mỹ....
Xăng Dầu và Bom Đạn

Nếu Israel tấn công Iran, nhiều phần sẽ là nội trong vài tháng tới, trước khi ông Bush mãn nhiệm. Đây là thời khoảng thuận tiện nhất.

Ông Bush chuẩn bị ca bài "Trên đường về nhớ đầy..." của Dương Thiệu Tước và Hồ Dếnh nên không còn gì để mất, nếu như cái gai Iran bị nhổ. Tổng thống tân nhậm vào năm tới thì khó khai trương nhiệm kỳ bằng một quyết định khai chiến. Dù là Israel ra đòn thì Hoa Lỳ vẫn bị mang tiếng là khai chiến vì phi cơ Do Thái chẳng thể xâm nhập không phận Iran mà không bay qua Iraq, hiện vẫn do Hoa Kỳ kiểm soát.

Trong hiện tại, với dầu thô mấp mé 135 đồng một thùng, nếu Israel tấn công Iran thì chuyện gì sẽ xảy ra"
Dầu thô lập tức bốc giá lên 200 đồng một thùng, giả thuyết biết bao người nói tới từ khi chưa có nguy cơ chiến tranh giữa Israel và Iran. Kế tiếp, lãnh đạo Tehran quyết định rằng Israel ra đòn là vì sự xúi giục hay cho phép của Hoa Kỳ nên sẽ cùng lúc trả đòn, vừa phong toả dầu khí tại vịnh Ba Tư, vừa cho tay chân tại Iraq tấn công các đơn vị Mỹ ở đây, vừa phóng hoả tiễn vào lãnh thổ Israel, vừa giật dây cho hai lực lượng Hamas và Hezbollah quậy nát Israel và Lebannon.

Hoa Kỳ tất nhiên không khoanh tay mà sẽ trải bom trên các căn cứ quân sự của Iran và bắn hạ nhiều chiến hạm Iran ngay tại eo biển Hormuz, v.v...

Kịch bản ấy có nghĩa là dầu khí bị phong toả và khói lửa sẽ ngập trời Trung Đông. Dầu thô mà ở mức trăm hai một thùng là phép lạ! Kinh tế Hoa Kỳ và thế giới sẽ khốn đốn vì bị suy trầm cùng lúc với lạm phát. Các kinh tế gia hay chiến lược gia ngoài quán cóc đều có thể tiên đoán như vậy.

Trong giả thuyết ấy, vì sao dầu thô lại mới chỉ lên giá có vài đồng vào hôm qua, 20 tháng Sáu" Có lẽ chúng ta phải lùi xa một chút để nhìn lại vấn đề dầu thô và an ninh dưới giác độ khác.

Giá Dầu trong Khủng Hoảng

Ngày 11 tháng Chín năm 2001, Hoa Kỳ bị quân khủng bố tấn công (vụ 9-11). Giá dầu từ 27 đồng một thùng lập tức vọt lên 30 đồng, tăng 11%. Lúc đó, ai ai cũng lo sợ là sau khủng bố sẽ là khủng hoảng kinh tế, nhất là nước Mỹ vừa bị bể bóng đầu tư chứng khoán. Vậy mà nội một tuần sau, dầu thô cứ liên tục sụt giá, từ 30 xuống 29, rồi 27 - là mức cũ - rồi... 21 đồng một thùng. Tới cuối năm 2001, chỉ còn 11 đồng một thùng, khi Mỹ đã tiến vào Afghanistan.  

Kinh nghiệm ấy cho thấy khủng bố rồi khủng hoảng về an ninh và cả chiến tranh vẫn không làm xăng dầu bốc lên trời xanh cùng khói súng.

Trường hợp tương tự cũng xảy ra năm 1991, khi Hoa Kỳ tấn công Iraq để giải phóng Kuweit.

Từ khoảng 27 đồng một thùng vào đầu năm, dầu thô tăng vọt tới gần 32 đồng khi Mỹ khai mở chiến dịch "Bão sa mạc" ngày 17 tháng Giêng. Nhưng ngay sau đó, giá dầu sụt tới mức 19 đồng một thùng vào ngày 19! Mười ngày sau thì ổn định ở mức 21 đồng một thùng, còn thấp hơn giá dầu vào đầu năm.

Nghĩa là chiến tranh hay khủng hoảng về an ninh có thể nhất thời thổi bùng giá dầu, nhưng tình hình đó không nhất thiết kéo dài. Nghĩa là giả thuyết dầu thô sẽ lên tới 200 đồng làm thế giới bị khủng hoảng vì suy trầm và lạm phát đồng hành là một giả thuyết bi quan. Không tất nhiên đã đến nỗi đó.

Phải chăng vì vậy mà khi thế giới vang ầm tiếng chiến tranh sát phạt thì dầu thô chỉ tăng giá có gần ba đô la một thùng vào hôm qua" Ta cần bình tĩnh xét lại toàn bộ vấn đề và đừng để xăng bốc lên đầu như mình đang chứng kiến trên chính trường Hoa Kỳ, trong cái dịch bầu cử. Dịch ở đây hàm ý dịch bệnh.

Dầu Thô và Trung Quốc với Iraq

Cùng ngày có tin Israel sẽ ra đòn tấn công Iran, người ta có hai tin khác cũng đáng chú ý mà lại bị đa số truyền thông Mỹ bỏ qua.

Từ ở rất xa, Trung Quốc quyết định bãi bỏ dần chế độ trợ giá năng lượng, tức là chấp nhận cho giá xăng dầu sẽ tăng ở trong nước. Khi xăng dầu được phép lên giá, các tổng công ty (quốc doanh) dầu khí sẽ có khuynh hướng nhập cảng mạnh hơn vì hết bị lỗ. Hậu quả là số cầu về năng lượng của Trung Quốc sẽ còn tăng trong những ngày tới, là yếu tố thổi gia dầu thô lên cao hơn.

Nhưng, chính là quyết định ấy càng khiến Trung Quốc dễ bị khủng hoảng hơn, từ kinh tế đến xã hội, và yêu cầu về dầu thô sẽ giảm, là yếu tố hạ nhiệt giá dầu, nếu ta bình tĩnh khai triển chuỗi lý luận về nguyên nhân và hậu quả cho rốt ráo.

Từ rất gần là một tin cũng đáng quan tâm.

Ngày 19 tháng Sáu, Chính quyền Baghdad loan tin sắp hoàn tất các hợp đồng thăm dò và khai thác dầu khí tại Iraq với bốn tổ hợp năng lượng lớn nhất của Tây phương là Shell, BP, ExxonMobil và Total. Đây là lần đầu tiên từ khi chiến tranh Iraq khai mở năm 2003 mà xứ này nói đến chuyện mời các tổ hợp dầu khí Tây phương vào khai thác. Và cũng là lần đầu từ hơn 30 năm nay mà các đại giá dầu hỏa của Mỹ được phép đặt chân vào xứ này.

Iraq dưới chế độ Saddam Hussein đã đuổi họ đi với quyết định quốc hữu hoá các công ty xăng dầu vào năm 1972. Sau đó Quốc hội Mỹ cấm họ vào vì lệnh cấm vận kinh tế.

Việc các tổ hợp dầu khí Tây phương trở lại Iraq là một biến cố lớn cho thấy tình hình nơi đây đang từ loạn đổi sang trị, nhưng cũng vì vậy mà truyền thông thiên tả của Mỹ không loan báo! Dư luận Mỹ quen lý luận một cách hời hợt là Bush vào Iraq vì dầu hỏa. Bây giờ, hơn năm năm sau, các tổ hợp dầu hỏa của Mỹ mới vào đến nơi khi giá dầu thô đang ở mức kỷ lục thì chẳng ai muốn nói tới!

Iraq là quốc gia có trữ lượng dầu hỏa lớn hơn Iran, chỉ đứng sau Saudi Arabia, và kỹ nghệ dầu hỏa xứ này bị xuống cấp thời Saddam Hussein (như trường hợp Iran), bị tê liệt thời chiến tranh, mãi đến nay mới có hy vọng phục hồi. Nếu có khôi phục được trình độ cũ khả dĩ bơm dầu hơn hai triệu thùng một ngày như hiện tại thì cũng phải mất vài năm. Nhưng, ngay trước mắt, ta đã có thể thấy rằng Hoa Kỳ sẽ có nguồn cung cấp dầu khí "hữu nghị" hơn dầu khí của Venezuela.

Tức là tình hình không đến nỗi tệ, nếu Mỹ đừng tháo chạy và chuyển thắng thành bại!

Đấy cũng là lý do gì sao mà tin Israel có thể tấn công Iran chỉ làm dầu thô bốc giá có vài đồng, thay vì vượt quá trăm rưởi để lên tới hai trăm như nhiều người báo động. Tin Trung Quốc xa xôi và Iraq gần gũi vì vậy có ảnh hưởng đến giá dầu rồi giá xăng mà dân Mỹ đang phải bấm bụng trả. Nhưng ít ai nói tới ảnh hưởng ấy vì những thiên kiến hay sự thiển cận của các nhà bình luận vốn quen chửi Mỹ hay đánh Bush làm vui.

Xăng Dầu Sẽ Bốc Tới Đâu"

Không ai có thể tiên đoán được chiều hướng giá cả của một sản phẩm chiến lược bị chi phối bởi quá nhiều yếu tố cung cầu, kỹ thuật, kinh tế, tài chánh lẫn an ninh, như dầu thô. Nhưng, dù chẳng là chuyên gia kinh tế người ta cũng có thể đoán rằng giá cả sản phẩm mà tăng quá cao thì số cầu của nó sẽ giảm. Đánh thuế hay lấy phụ phí - an ninh hoặc bảo hiểm - trên bất cứ một sản phầm nào là sẽ khiến sản phẩm ấy mất dần giá trị kinh tế vì quá đắt, và sẽ trở thành khan hiếm hơn.

Dầu thô đang thử nghiệm đỉnh cao trăm rưởi một thùng và nếu vượt quá mức này, số cầu sẽ giảm là điều người ta bắt đầu thấy.

Dầu thô sở dĩ lên giá chủ yếu vì cung cầu căng thẳng với số cầu quá lớn của các nền kinh tế đang phát triển, như Trung Quốc hay Ấn Độ hay cả Brazil. Khi số cầu gia tăng mấp mé khả năng cung cầp, bất cứ yếu tố gì chi phối các nguồn cung cấp đều đẩy giá lên cao hơn (an ninh tại Trung Đông, khủng hoảng tại Nigeria, chánh sách hoảng tiều của Hugo Chavez tại Venezuela, v.v...)  Việc Mỹ kim sụt giá là yếu tố phụ trội nhưng không chủ yếu khiến dầu thô lên giá: giá tăng đều dù niêm yết bằng đồng Euro Âu châu hay đồng Anh kim.

Khi giá dầu cứ tăng như vậy giới đầu tư phải thủ thế.

Họ mua dầu trên thị trường thương phẩm loại có hạn kỳ (futures market) để tài sản khỏi mất giá và kiếm lời. Luồng đầu tư lớn lao đó - khoảng 260 tỷ Mỹ kim - càng khiến giá tăng mạnh.

Khi dầu thô bốc giá như vậy thì nơi bốc đầu tiên là trong đầu các chính khách. Và dư luận thiếu am hiểu cứ nhắc theo như con vẹt những lý luận hoang đường của họ. Chúng ta sẽ xét tới chuyện đó sau, và càng thấy ra sự hoảng tiều này nếu tìm hiểu tiếp xem dầu thô còn lên giá tới đâu.

Mải nghe lời đường mật của các chính khách... mù chữ về kinh tế - sản phẩm không khan hiếm trên chính trường Hoa Kỳ - người ta không để ý thấy hai chuyển động lớn.

Sau khi tăng 0,6% năm kia, 2% vào năm ngoái và tăng 3,2% (quy ra toàn năm) tính đến tháng Tư năm nay, thì số cung đã lên tới đỉnh với mức thiếu hụt là 200 ngàn thùng một ngày vào năm ngoái. Năm nay, cung đã vượt cầu được 1,7 triệu thùng một ngày. Chuyển động từ vế cung ấy cho thấy mặt trái: số cầu về dầu khí trên toàn thế giới đã tăng 0,8% năm kia, rồi cao điểm là tăng 1,2% vào năm ngoái. Qua năm nay, số cầu chỉ tăng 0,4% (quy ra toàn năm, tính trên số liệu của tháng Tư).

Nói cho dễ hiểu hơn, số cầu đã bị ảnh hưởng của giá cả nên sút giảm dần, trước hết là số cầu của các nước đã phát triển trong khối OECD, kế tiếp là số cầu của các nước xuất cảng trong hiệp hội OPEC (!), rồi số cầu của Ấn Độ. Nay mai sẽ là số cầu của Trung Quốc.

Khi giá cả tăng vọt, người ta phải tằn tiện hơn trong việc tiêu thụ, đó là một lẽ. Dù đã tằn tiện mà vẫn bị điêu đứng vì thiếu dầu là sản xuất giảm, người ta gặp hậu quả thứ nhì: kinh tế bị suy trầm nên giảm bớt số cầu.

Hiện tượng ấy, các nước Đông Á đã bị sau vụ khủng hoảng năm 1997. Hậu quả là số cầu về dầu khí giảm 10% vào năm 1998. Nhưng, đây mới là chuyện ly kỳ: khi số cầu giảm 10%, giá dầu không giảm 10% theo cùng tỷ lệ mà giảm rất mạnh, tới 75%! Kinh tế học gọi đó là mức co giãn (hay đàn hồi) của giá cả so với số cầu. Co rất mạnh thành co cụm, dầu thô khi đó chỉ còn chưa tới 10 đồng một thùng vào năm 1999 làm các nước xuất cảng của OPEC méo mặt!

Ngày nay, nếu dầu thô cứ ngất ngưởng trên đỉnh trăm rưởi, nhiều người sẽ phải tần tiện hơn khi tiêu thụ và nhiều nền kinh tế sẽ sa sút khiến số cầu về dầu khí sẽ giảm. Và giá sẽ giảm theo với tỷ lệ cao hơn gấp bội. Khi đó, các nhà đẩu tư đang bị đả kích là làm dầu thô lên giá sẽ lỗ nặng!

Nói cho thật dễ hiểu: sau nhiều năm quen nghĩ tới nạn Mỹ kim sụt giá và một năm lên cơn sốt vì xăng dầu tăng giá, nhiều người sẽ bàng hoàng thấy dầu thô tuột giá, Mỹ kim tăng giá và bất cứ một tin tức gì có vẻ thuận lợi hơn về an ninh đều sẽ nới giá dầu. Trong cơn sốt dầu khí hiện nay, giả thuyết trên có vẻ hoang đường, nhưng có cơ sở!

Chỉ mong rằng lúc thị trường đảo chiều thì các nhà đầu tư lỗ vốn sẽ không chi tiền cho các chính trị gia đang công kích họ ngày nay để vận động những giải pháp cấp cứu đầu tư. Chuyện ấy không là hoang đường, nếu ta nhớ tới mối liên hệ mờ ám của các tổ hợp tài trợ Fannie Mae hay CountryWide với các chính trị gia trong đảng Dân chủ, những tổ hợp bị (đảng Dân chủ) kết án là gây ra khủng hoảng gia cư hay tín dụng thứ cấp sub-prime

Người ta quên một quy luật của thị trường kỳ hạn futures market, là chỉ có 5% có lời mà thôi. Đây là thị trường thuộc loại rủi ro nhất, gần với đầu cơ hơn đầu tư, vì mức lời của họ là tổng số khoản lỗ của 95% còn lại! Khốn nỗi các nhà đầu tư đó là quỹ tín thác (trust funds), là quỹ hỗ tư (mutual funds) hay đầu tư đối xung (hedge funds) hay các đại gia bảo hiểm, các tổ hợp tài chánh đang tìm cách kiếm lời cho các qũy hưu bổng loại 401(k) của chúng ta.

Khi bị lỗ, họ có thể khóc lóc với các chính khách để được đòi bù lỗ và đôi bên sẽ lại khắng khít hợp tác nhờ tiền bạc của công quỹ, là tiền thuế của chúng ta. Đấy là lúc trở về với chính trường Mỹ trong mùa bầu cử.

Bệnh Ấu Trĩ Hoa Kỳ

Dân Mỹ vốn có truyền thống của tuổi thơ - lịch sử xứ này mới chỉ có hơn hai thế kỷ thôi - nên thường có phản ứng lạc quan thái quá và ăn xài... như Mỹ. Sau một thời kỳ hồ hởi sảng là thời kỳ hốt hoảng bậy. Họ bi quan thái quá vì những chuyện không đâu và nhắm mắt nghe lời đường mật của các chính trị gia. Một năm tranh cử là thời khoảng thuận tiện cho dịch bệnh mị dân tung hoành, nhất là khi nghe thấy kinh tế sa sút, và nhìn thấy giá xăng vượt quá bốn đồng một ga lông.

Nguyên nhân chính của chuyện xăng là chuyện dầu thế giới thì ở trên đã nói. Nguyên nhân chính của chuyện dầu tại Mỹ là thói quen ấu trĩ của người dân là cái gì cũng muốn, như đứa trẻ bước vào hàng kẹo. Họ muốn tự do di chuyển bằng xe hơi hơn là phương tiện di chuyển công cộng, mà muốn đi xe phải có phân khối cao để nhấn ga cho đã. Trung bình với một ga lông xăng, một chiếc xe tiêu biểu của Mỹ chỉ chạy được 20 dậm, bằng phân nửa một xe hơi tại Âu châu.

Đã muốn có tự do tung hoành trên bốn bánh, họ lại sợ chết vì nạn ô nhiễm môi sinh hay lò nguyên tử vì rò rỉ, xăng dầu chảy ra ngoài nhà máy. Vì vậy, họ không muốn nghe nói đến chuyện đào dầu, chế xăng hay mở lò nguyên tử trong địa phương sinh sống của mình. Ô nhiễm tại nơi nào khác, như tại Nigeria thì OK. Tại California hay Alaska là điều không chấp nhận được, mặc dù luật lệ và kỹ thuật bảo vệ môi sinh của dầu khí Hoa Kỳ tiến bộ gấp trăm lần Nigeria. Trong hai đợt bão lụt Katrina và Rita, cả trăm dàn khoan hay nhà máy dầu khí của Mỹ đã bị hư hại mà không bị rỏ rỉ một giọt dầu. Chuyện ấy dân Mỹ không biết và không cần biết.

Họ cũng khỏi cần biết vì sao dầu thô lên giá và thổi theo giá xăng (theo một tỷ lệ thấp hơn). Sở dĩ không cần biết vì đã có lời giải thích của truyền thông thiên tả, vốn chưa bao giờ nổi bật vể khả năng phân tách kinh tế. Và lại còn được sự hướng dẫn của loại chính khách thiếu am hiểu hoặc thiếu lương thiện qua lý luận: "Xăng dầu lên giá là vì bọn tài phiệt dầu khí!"

Lý luận đơn giản ấy không so sánh mức lời rất thấp (4%) của các tổ hợp dầu khí Hoa Kỳ so với các ngành kinh doanh khác. Và không thấy rằng trong 15 tổ hợp lớn nhất thế giới, có chín đơn vị là tổng công ty quốc doanh của các chính quyền sản xuất và xuất khẩu dầu thô. Khi đòi đánh thuế các công ty dầu khí, người ta chỉ khiến xăng thêm đắt và đè lên các tổ hợp Mỹ một cái gông phụ trội khi phải cạnh tranh trên thị trường dầu khí thế giới.

Kết quả là ExxonMobil vừa quyết định buông tay: sẽ giã từ thị trường phân phối xăng dầu! Nghĩa là gián tiếp dành thị phần cho Citgo, một hệ thống phân phối của... Venezuela, ngay trên đất Mỹ!

Nhưng bi kịch phi lý nhất phải được thấy tại Hạ viện Mỹ.

Ngày 22 tháng trước, Dân biểu Maxine Waters của khu vực South Central Los Angeles cho thấy là nàng đã tốt nghiệp lớp kinh tế học xã hội chủ nghĩa... tại Hà Nội. Nàng đề nghị quốc hữu hoá các tổ hợp dầu khí Hoa Kỳ để làm xuống giá xăng dầu. Nếu có hỏi... người Việt tỵ nạn thì Dân biểu tối dạ này sẽ được nghe kể về chuyện cầm chai cầm bình xếp hàng đi mua xăng của thời tập trung quản lý kinh tế.

Nhưng Maxine Walters không là một tai nạn hiếm hoi trong đảng Dân chủ.

Tuần qua, Dân biểu Maurice Hinchey của New York đã phản pháo đề nghị mới về chánh sách năng lượng của Chính quyền Bush, với một lời tuyên bố sặc mùi Cuba: "cứ quốc hữu hoá các nhà máy lọc dầu là ta kiểm soát được số xăng trên thị trường!" Kiểm soát là trên hết! Đến Trung Quốc mà còn phải buông tay vì không thể kiểm soát được giá cả, dân biểu New York đòi làm điều ấy ở tại Hoa Kỳ!

Dốt như thế mà làm dân biểu thì ta có quyền nêu câu hỏi về sự hiểu biết của cử tri. Mà hai trường hợp trên không là ngoại lệ. Theo tổ chức khảo sát ý kiến Rasmussen qua một phúc trình họ công bố hôm Thứ ba 17 vừa rồi, 37% cử tri Dân chủ tin rằng việc quốc hữu hoá các công ty xăng dầu là một sáng kiến hay. Chỉ có 32% thành phần ghi danh Dân chủ là không đồng ý với ý kiến đó. Nhiều phần là thành phần sáng suốt này sẽ không bỏ phiếu cho Barack Obama!

Nhưng, bên phía Cộng hoà, tình hình cũng chẳng khá hơn là bao nhiêu!

Tổng thống Bush đã cấp tốc đề nghị bốn giải pháp cứu vãn, tập trung vào việc nâng số cung để giảm giá và để Mỹ bớt lệ thuộc vào năng lượng nhập cảng. Thà có còn hơn không, nhưng bốn biện pháp ấy thật ra chưa đủ dứt khoát, có hiệu năng kinh tế thấp và nhất là không dám giải quyết vấn đề ở vế cầu, tức là nói ra vài ba sự thật phũ phàng cho dân chúng hiểu. (Trong một kỳ tới, ta sẽ phân tách đề nghị đó, chứ bài viết này đã dài hơn sức kiên nhẫn của độc giả).

Đáng trách hơn thế, Nghị sĩ John McCain cũng không thừa cơ hội chứng tỏ tính chất cách mạng của mình mà ủng hộ những giải pháp quyết liệt hơn. Ông lòng vòng xoay chuyển có 90 độ, và thay vì vượt qua Obama thì.. đâm vào tường.

Ông đồng ý với việc cho phép gạn dầu trên cát - điều mà Quốc hội Dân chủ đã cấm từ mấy chục năm nay - nhưng vẫn dè dặt với việc cho phép đào dầu gần Bắc cực, trong khu vực gọi là Artic National  Wildlife Refuge (ANWR) của tiểu bang Alaska để khỏi làm rộn loài gấu Bắc cực và môi sinh của một vùng đất không người.

Nghĩa là nhập cảng dầu khí gây ô nhiễm tại Nigeria thì vẫn là OK!

Barack Obama tự xưng danh là ứng cử viên của thay đổi, thực chất là thay đổi chánh sách trung tả ôn hoà của thời Clinton về chánh sách cực tả của Âu châu vào nửa thế kỷ trước. Nhân vụ xăng dầu đang bốc lên đầu dân Mỹ, McCain có cơ hội bằng vàng để nói đến chuyện thay đổi thật, mà ông chỉ thay đổi nửa mùa. Và còn than rằng các doanh gia dầu khí kiếm lời quá nhiều! Chỉ thiếu điều định mức lợi nhuận tối đa mà thôi!

Cơn sốt xăng dầu đang làm thế giới thất điên bát đảo, đúng như vậy. Nhưng khi hỏa vượng như thế mà thần kinh Hoa Kỳ bị suy nhược thì người ta mới bật cười. Và giật mình!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cận Tết năm Thìn, Marianne Brown (Guardian Weekly) có bài “Vietnam’s parents want a dragon son.” Trời! Tưởng gì, chớ cả Tầu lẫn Ta ai mà không muốn có con trai tuổi Rồng. Nhâm Thìn, tất nhiên, lại càng bảnh dữ nữa. Nam nhâm nữ quí thì sang mà lị. Theo tuviso.com: “Tuổi Nhâm Thìn có nhiều hy vọng tốt đẹp về vấn đề tình duyên và tương lai về cuộc sống, có phần tốt đẹp về tình cảm và tài lộc, vào trung vận và hậu vận thì được nhiều tốt đẹp về hạnh phúc, công danh có phần lên cao.”
Một quan điểm lạc quan đang dấy lên trong hàng ngũ Lãnh đạo đảng CSVN khi bước vào năm 2024, nhưng thực tế tiềm ẩn những khó khăn chưa lường trước được...
Nếu Donald Trump giành lại được Nhà Trắng vào tháng 11, năm nay có thể đánh dấu một bước ngoặt đối với quyền lực của Mỹ. Cuối cùng, nỗi sợ hãi về tình trạng suy tàn đã khiến cho người Mỹ bận tâm kể từ thời thuộc địa sẽ được biện minh. Hầu hết người Mỹ tin rằng, Hoa Kỳ trong tình trạng suy tàn, Donald Trump tuyên bố rằng ông có thể “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Nhưng tiền đề của Trump đơn giản là sai, và các biện pháp trị liệu được ông đề xuất đặt ra mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ.
Đảng CSVN hay nói “Trí thức là “nguyên khí của quốc gia”, làm hưng thịnh đất nước, rạng rỡ dân tộc*; “Trí thức là vốn liếng quý báu của Dân tộc”; hay “Thanh niên là rường cột của nước nhà” , nhưng tại sao nhiều người vẫn ngại đứng vào hàng ngũ đảng? Lý do vì đảng chỉ muốn gom Trí thức và Thanh niên “vào chung một rọ để nắm tóc”...
Tây Bắc hay Tây Nguyên thì cũng chừng đó vấn đề thôi: đất đai, tôn giáo, chủng tộc… Cả ba đều bị nhũng nhiễu, lũng đoạn tới cùng, và bị áp chế dã man tàn bạo. Ở đâu giới quan chức cũng đều được dung dưỡng, bao che để tiếp tục lộng quyền (thay vì xét sử) nên bi kịch của Tây Nguyên (nói riêng) và Cao Nguyên (nói chung) e sẽ còn dài, nếu chế độ toàn trị hiện hành vẫn còn tồn tại...
Bữa rồi, nhà thơ Inra Sara tâm sự: “Non 30 năm sống đất Sài Gòn, tôi gặp vô số người được cho là thành công, thuộc nhiều ngành nghề, đủ lứa tuổi, thành phần. Lạ, nhìn sâu vào mắt họ, cứ ẩn hiện sự bất an, lo âu.” “Bất an” có lẽ không chỉ là tâm trạng của người Sài Gòn mà dường như là tâm cảm chung của toàn dân Việt – không phân biệt chủng tộc, giới tính hay giai cấp nào ráo trọi – nhất là những kẻ sắp từ giã cõi trần. Di Cảo của Chế Lan Viên và di bút (Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất) của Nguyễn Khải, theo nhận xét của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, chỉ là những tác phẩm “cốt để xếp hàng cả hai cửa. Cửa cũ, các ông chẳng bao giờ từ. Còn nếu tình hình khác đi, có sự đánh giá khác đi, các ông đã có sẵn cục gạch của mình ở bên cửa mới (bạn đọc có sống ở Hà Nội thời bao cấp hẳn nhớ tâm trạng mỗi lần đi xếp hàng và không sao quên được những cục gạch mà có lần nào đó mình đã sử dụng).”
Tập Cận Bình tin rằng lịch sử đang dịch chuyển theo hướng có lợi cho mình. Trong chuyến thăm Vladimir Putin tại Matxcơva vào tháng 3 năm ngoái, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói với Tổng thống Nga rằng “Ngay lúc này, chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi chưa từng thấy trong 100 năm qua, và chúng ta đang cùng nhau thúc đẩy sự thay đổi ấy.”
Sau 20 năm chiêu dụ Kiều bào về giúp nước không thành công, đảng CSVN lại tung ta Dự án “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới” vào dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024. Đây là lần thứ tư, từ khi có Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26 tháng 3 năm 2004, một Quyết định nhằm mưu tìm đầu tư, hợp tác khoa học, kỹ thuật và tổ chức các Hội, Đoàn người Việt ở nước ngoài, đặt dưới quyền lãnh đạo của đảng CSVN được tung ra...
Khi số lượng di dân vượt biên bất hợp pháp qua biên giới Hoa Kỳ-Mexico tăng cao kỷ lục, câu hỏi quan trọng được đặt ra là: Làm thế nào mà Hoa Kỳ lại rơi vào tình trạng này, và Hoa Kỳ có thể học hỏi những gì từ cách các quốc gia khác ứng phó với các vấn đề an ninh biên giới và nhập cư. Chào đón công dân nước ngoài đến với đất nước của mình là một việc khá quan trọng để giúp cải thiện tăng trưởng kinh tế, tiến bộ khoa học, nguồn cung ứng lao động và đa dạng văn hóa. Nhưng những di dân vào và ở lại Hoa Kỳ mà không có thị thực hoặc giấy tờ hợp lệ có thể gây ra nhiều vấn đề – cho chính bản thân họ và cho cả chính quyền địa phương bởi tình trạng quá tải không thể kịp thời giải quyết các trường hợp xin tị nạn tại tòa án nhập cư, hoặc cung cấp nơi ở tạm thời và các nhu cầu cơ bản khác. Mà tình trạng này hiện đang xảy ra ở rất nhiều nơi ở Hoa Kỳ.
Trên vai những pho tượng trắng trong vườn Lục Xâm Bảo, lá vàng đã bắt đầu rơi lất phất. Mùa Thu Paris thật lãng mạn. Henry Kissinger đi dạo quanh một hồ nhỏ ở ngoại ô gần Rambouillet. Nơi đây từng cặp tình nhân đang nắm tay nhau bên những cành cây la đà bóng hồ. Ông thấy lòng mình nao nao (melancholic) vì sắp tới phiên họp quan trọng nhất với ông Lê Đức Thọ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.