Hôm nay,  

Mắt Xanh Của Thần Oscar

08/03/201000:00:00(Xem: 8451)

Mắt Xanh Của Thần Oscar

Nguyễn Xuân Nghĩa

Và Giải Nhất...  Về Tay...
Một ngẫu nhiên đầy mỉa mai khiến chúng ta được chứng kiến hai biến cố dồn dập trong cùng ngày Chủ Nhật mùng bảy.
Tờ mờ sáng, vừa bảnh mắt ra đã thấy tin tức về cuộc bầu cử Quốc hội tại Iraq. Gần bốn chục người bị thiệt mạng vì quân khủng bố, nhưng hai chục triệu cử tri Iraq vẫn cứ đội bom đi bầu để xây dựng lại nền móng chính trị cho một tương lai tốt đẹp hơn. Đến buổi chiều thì mọi người đều dán mắt vào màn ảnh truyền hình để xem kết quả trao giải Oscar lần thứ 82, tại rạp Kodak ở thủ đô điện ảnh Hollywood. Bình minh là chuyện sinh tử chết người của một quốc gia, hoàng hôn là những phù phiếm rực rỡ của một bộ môn nghệ thuật... Loài người đến lạ!
Chẳng cần là chuyên gia về địa dư chính trị, người ta cũng đã có thể đoán ra kết quả bầu cử tại Iraq: chưa có gì thay đổi lập tức. Lý do là còn chờ việc kiểm phiếu mất nhiều ngày. Nhưng, việc dân Iraq đi bầu Quốc hội lần thứ hai - lần trước là vào tháng 12 năm 2005 - cũng là biến cố đáng chú ý. Và suy nghĩ. Tại một xứ độc tài, bị chiến tranh rồi nội loạn trong bảy năm liền mà người dân vẫn thách đố bạo lực để làm nhiệm vụ công dân và thực thi dân chủ thì chúng ta không nên tuyệt vọng.
Trước khi ngồi ngay ngắn trước... miếu thờ của Thần Điện Ảnh, là màn ảnh truyền hình ở nhà, và xem những ai sẽ lọt vào mắt xanh của thần Oscar, xin có lời chúc lành cho dân Iraq.
Năm nay, giải Academy Awards thứ 82 lọt vào vụ bầu cử của Iraq vì bị đụng show với Thế vận hội mùa Đông tại Vancouver nên được lùi mất một tuần thay vì vào cuối tháng Hai như hàng năm.
Chẳng cần là dân ghiền nghệ thuật thứ bảy, người ta cũng đã có thể đoán ra kết quả các giải Oscar năm nay. Mà lỡ đoán sai thì cũng chẳng chết ai: an toàn hơn chuyện bầu bán tại Iraq!
Năm nay, Việt Nam lại lẫy lừng vắng mặt trong giải Oscar sau khi có gửi một phim của Đặng Nhật Minh đi dự - mà không một tiếng vang. Năm nay, Nam Mỹ mới xứng tài vì có hai tác phẩm lọt vòng chung kết của phim ngoại quốc. Argentina có phim trinh thám nghẹt thở "El Secreto de sus Ojos" và Peru có phim "The Milk of Sorrow" đầy bi thảm. Giây phút nghẹt thở là khi "The Milk of Sorrow" - đoạt giải Berlin Film Festival năm ngoái - sẽ thua "The White Ribbon" của Đức. Dù có đoạt giải Grand Jury tại Cannes, phim "Un Prophète" của Tây vẫn bị văng ra ngoài.
Nhưng đấy là chuyện nhỏ.
Với khán giả Mỹ, đáng chú ý nhất năm nay là cảnh nội chiến của một gia đình. "Vợ chồng cũ không rủ cũng tới" các cụ mình có dạy như vậy, mà sai bét. Năm nay, đạo diễn James Cameron lại đụng bà vợ cũ là Kathryn Bigelow trên tột đỉnh vinh quang với hai tác phẩm khác nhau một trời một vực.
Năm nay, Hội đồng Giám khảo Oscar đặc biệt tuyển ra mười phim thay vì năm phim như mọi năm trước. Nhưng vẫn chỉ có hai tác phẩm là đáng kể nhất: "Avatar" và "The Hurt Locker". Một cuộc chạy đua giữa hai nhân tài.
Phim khoa học giả tưởng "Avatar" (Hóa Thân) của Cameron là một siêu phẩm vĩ đại. Dài gần ba tiếng trong không gian ba chiều 3-D và đã phá vỡ mọi kỷ lục cổ kim về số thu. Sơ sơ là gần ba tỷ đô la và còn đang tính thêm mỗi ngày. Kinh hoàng hơn phim "Titanic" cũng của Cameron hay "Gone With the Wind" của bảy chục năm trước. "Avatar" là một tác phẩm cách mạng về nhiều mặt và được tuyển vào chín giải lớn nhỏ sau hơn một chục năm thai nghén của Cameron. Ông phải trì hoãn mãi mới thực hiện nổi vì kỹ thuật điện ảnh Mỹ chưa đủ tân tiến để diễn tả những gì ông mơ thấy ở trong đầu!
Nhược điểm của "Avatar" là quá thành công về thương mại! Những người trong cuộc của tác phẩm này đều biết vậy mà còn đoán là dù được tuyển vào chín giải lớn nhỏ, có khi "Avatar" lại tay trắng ra về. Vì trao giải cho một tác phẩm hốt bạc như vậy thì có khác gì khen phò mã tốt áo" Mà có khi thiếu nội dung hay thực chất về nghệ thuật chăng!
Dầu vậy, người viết vẫn chấm phim này sẽ đoạt giải xuất sắc nhất trong năm. Trong khi ấy, "The Hurt Locker" của nữ đạo diễn Kathryn Bidelow lại là tác phẩm... ế. Cuốn phim tốn mất 16 triệu đô mà mới thu được vỏn vẹn có gần 13 triệu. So với số thu ba tỷ của "Avatar" thì hơi tiêu điều, chỉ bằng hai phần trăm! Trong lịch sử điện ảnh, phim trúng giải năm 2005 mà ế nhất là "Crash" vì chỉ thu được có 55 triệu Mỹ kim (tính theo hiện giá). Dù sao vẫn còn gấp năm "The Hurt Locker"!


Tới dự dạ hội, nàng Kathryn Bigelow với áo xám rất nền trên một thân hình dài ngoẵng như một ngày không cơm là một đạo diễn thuộc loại không giống ai, có những tác phầm ngược dòng. "The Hurt Locker" là cuốn phim về một đội dò mìn tại Iraq. Vụ khủng bố 9-11 đã qua rồi, những bản trường ca về anh hùng tính trong chiến tranh đã thành nhàm. Từ Hollywood, người ta chờ đợi một nội dung "phản chiến" thì mới có vẻ phải đạo. Nhưng "The Hurt Locker" không đơn giản như vậy nhờ tài sáng tạo của Kathryn Bigelow. Xem xong, khán giả rùng mình bâng khuâng. Rồi đồng ý là Bigelow xứng đáng đoạt giải đạo diễn xuất sắc nhất, một nữ đạo diễn đầu tiên đoạt giải BAFTA của Anh rồi Oscar của Mỹ.
Thật ra, trước khi lọt mắt xanh của thần Oscar, "The Hurt Locker" đã đoạt những giải thưởng cao quý như PGA, DGA, WGA và BAFTA, và trong ý nghĩa nghệ thuật đó thì hơn hẳn "Avatar", mới chỉ trúng giải Golden Globe vào tháng Giêng. Nhưng, Hàn lâm viện Điện ảnh Mỹ cũng có con mắt tinh đời nên không chê một tác phẩm hốt bạc mà vẫn biết tôn vinh một tác phẩm nghệ thuật!
Ngoài việc ngắm nhìn các diễn viên lộng lẫy bước vào thảm nhung đỏ, chúng ta cần rình xem hai ông bà này liếc nhìn nhau thế nào. Và phát biểu nhưng gì khi ông đoạt giải phim hay nhất và bà đoạt giải đạo diễn xuất sắc nhất. Chỉ nội việc tò mò đó cũng đáng đồng tiền bát gạo, và một chầu cơm tay rượu chát, nếu đoán sai!
Còn các giải kia"
Morgan Freeman trong vai Nelson Mandela của phim "Invictus", hay Colin Firth trong phim "A Single Man" và George Clooney của "Up in the Air" sẽ phải nhường tượng vàng về diễn viên xuất sắc nhất cho Jeff Bridges. Trong phim "Crazy Heart", diễn viên thật sự lão thành này quả là xuất thần trong vai một ca sĩ country về già, thất bại ê chề và lại còn ôm đàn nghêu ngao nữa! Cảm động lắm. Sau bốn lần được tuyển, Jeff Bridges đáng được bồng tượng về nhà.
Chẳng hiểu sao, người viết bỗng bồi hồi nghĩ tới Mai Thảo thiểu não trong ngõ Song Long vào một buổi chiều tà của cuộc đời. Chỉ còn chờ người viết truyện phim nữa thôi... Dù không trúng giải diễn viên chính năm nay, Morgan Freeman vẫn là một sự hiện hữu luôn luôn làm sân khấu choáng ngợp với giọng nói từ tốn mà đầy hấp lực. Hãy nghĩ đến một Morgan Freeman cúi đầu lầm lũi trong vai Mai Thảo... Bao giờ"
Năm nay, Meryl Streep của phim về bà chúa nghệ thuật bếp núc "Julie & Julia" sẽ không thấy lại giấc mơ của 26 năm về trước, là đoạt giải Oscar về nữ diễn viên xuất sắc nhất trong vai chính.
Áo trắng thướt tha, nàng khả ái nhường bước cho một tài năng mới, mà thật ra cũng đã nối tiếng từ lâu. Lần đầu tiên mà Sandra Bullock được tuyển vào hành lang của Oscar nhưng xứng đáng đoạt giải nhờ phim "The Blind Side ". Phim này cũng được tuyển vào loại tác phẩm hay nhất trong năm mà khó vượt qua được "Avatar" và "The Hurt Locker". Nhưng là cơ hội bằng vàng cho Sandra Bullock, xưa nay chỉ được thấy qua những vai hài hước và nhẹ nhàng. Một thành tích không nhỏ khi nàng phải qua mặt hai nữ hoàng Meryl Streep và Helen Mirren. Hai đại minh tinh này thuộc loại cứ xuất hiện trong phim nào là phim đó lại được tuyển.
Nhưng lần này thì họ đành nhường sân chơi cho Sandra Bullock.
Ly kỳ nhất là trước đó một ngày, hôm Thứ Bảy, Sandra Bullock cũng đoạt một lúc hai giải khác với phim "All About Steve": là nữ diễn viên tồi nhất và cặp diễn viên... tệ nhất trong năm (với Bradley Cooper). Nhiều người trúng giải đó thì cứ như trúng gió, thấy nhột đến muốn độn thổ. Chứ nàng Sandra Bullock thì hiên ngang đến nhận hai trái dâu dại về!
Dân Mỹ không phải là không có máu khôi hài: từ năm 1981, một số người nghịch ngợm chọn ra các tác phẩm và diễn viên dở nhất trong năm để trao giải Golden Raspberry - gọi diễu là "giải Razzies". Biểu tượng giải thưởng là trái dâu dại mạ vàng giả gắn trên một hộp đựng phim, tất cả trị giá chưa tới năm đồng bạc! Trước khi ôm tượng vàng Oscar, Sandra Bullock lãnh một hơi hai trái dâu dại, một kỳ tích! 
Nói về những khuôn mặt đã qua mà vẫn còn mãi trong tâm tư khán giả, năm nay, chúng ta thấy lại Lauren Bacall. Chuyện này thì khỏi cần đoán cũng trúng! Bốn năm về trước, Lauren Bacall đã lên sân khấu Oscar để giới thiệu loại phim đen của nghệ thuật trinh thám. Năm nay, ở tuổi 86, nữ diễn viên nổi tiếng trong các vai đào lẳng được vinh danh trên sân khấu. Một đời cho nghệ thuật và một cách minh diễn nghệ thuật sống già mà vẫn đẹp. Một cụ bà rất lẳng, với cái cười nhếch mép... 
Bây giờ, người viết có thể yên tâm ngồi thưởng thức nghệ thuật mê hoặc của điện ảnh.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
Đôi lời từ tác giả: “Sẽ có nhiều người không thích bài viết này. Họ sẽ cảm thấy bị công kích và rằng thật bất công. Phản ứng càng mạnh mẽ càng cho thấy nỗi sợ hãi về chủng tộc đã cắm rễ sâu vào nền chính trị Hoa Kỳ, và sẽ tồn tại mãi.” Tầm quan trọng của vấn đề chủng tộc trong nền chính trị của chúng ta được thể hiện rõ ràng qua chiến dịch tranh cử tổng thống hiện tại. Khẩu hiệu (slogan) đình đám nhất là từ chiến dịch tranh cử của Donald Trump: “MAGA” – Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Ý của slogan này là Hoa Kỳ đã từng rất vĩ đại, nhưng đã và đang đánh mất hào quang của mình.
Sau 11 năm chống Tham nhũng (2013-2024) nhưng Tham nhũng cứ trơ ra cười vào mũi Đảng là tại sao?
Thời gian gần đây, những người thương vay khóc mướn ở Việt Nam thường đem vấn đề Chủ nghĩa Xã hội và đảng có quyền một mình lãnh đạo ra hù họa dư luận. Tuy nhiên, càng vênh váo và cù nhầy bao nhiêu lại càng lâm vào thế bí. Những bài viết không trả lời được câu hỏi: Ai đã trao quyền lãnh đạo cho Đảng, và tại sao Đảng sợ Dân chủ đến thế?
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.