Hôm nay,  

Dự Báo Kinh Tế

15/10/200900:00:00(Xem: 9986)

Dự Báo Kinh Tế

Nguyễn Xuân Nghĩa & Việt Long RFA

Việt Nam đang bị nguy cơ khủng hoảng về ngoại hối...
Chúng ta còn ba tháng nữa là hết năm 2009 đầy sóng gió cho kinh tế thế giới. Tình hình rồi sẽ ra sao, triển vọng hồi phục đã hiện thực hay chưa" Diễn đàn Kinh tế sẽ sơ kết về những dự báo cho các nền kinh tế, với phần cuối tập trung vào trường hợp Việt Nam. Cuộc trao đổi với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa sẽ do Việt Long thực hiện sau đây hầu quý thính giả.
Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa ông Vụ khủng hoảng tài chính bùng nổ vào cuối quý ba năm ngoái đã dẫn tới nạn suy thoái kinh tế toàn cầu. Một năm sau, là giờ này đây, tình hình đã có vẻ lắng dịu ở nhiều nơi, vì vậy, chúng tôi đề nghị là chương trình kỳ này sẽ điểm qua viễn ảnh kinh tế của các nước từ nay đến cuối năm, với phần cuối sẽ dành cho Việt Nam. Câu hỏi đầu tiên là về tình hình kinh tế Hoa Kỳ, dù sao vẫn là một đầu máy kinh tế lớn của thế giới. Kinh tế Mỹ đã ra khỏi nạn suy thoái hay chưa"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Kinh tế Mỹ thực sự đã bị suy trầm, tức là tăng trưởng chậm hơn trong hai quý liền, kể từ cuối năm 2007. Tính đến nay thì coi như đã bị một trận suy trầm khá lâu và khá sâu. Nhưng từ quý hai năm nay thì đã bắt đầu đụng đáy và ba tháng sau, tức là bây giờ, thì coi như đang hồi phục. Tuy nhiên, mức hồi phục vẫn chưa mạnh, sức tuyển dụng nhân công còn chậm và tín dụng ngân hàng còn yếu. Không khéo thì qua năm tới lại bị suy trầm nhẹ, giới kinh tế gọi trường hợp đó là đụng đáy hai lần, một giả thuyết có xác suất thấp nhưng vẫn đáng ngại.
Việt Long: Thưa ông, giới kinh tế dựa trên những chỉ dấu nào mà dự báo những điều ấy"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thuần về kỹ thuật, người ta chỉ biết kinh tế suy trầm hay tăng trưởng sau khi thu thập thống kê của quý trước hay tháng trước, cho nên mới chú ý đến loại chỉ dấu tiên báo và loại chỉ dấu hậu kiểm, là loại thống kê xác nhận hay không những số liệu tiên báo ấy. Một chỉ dấu báo trước là kinh tế có thể đang phục hồi là thị trường chứng khoán. Tại Hoa Kỳ, ta nên theo dõi chỉ số Standard & Poor's 500 của 500 doanh nghiệp đủ lại lớn nhỏ nên có giá trị biểu hiện rộng hơn. Chỉ số này đã tăng đều từ dưới đáy là 676 điểm vào đầu tháng Ba vừa qua nay đã vượt quá ngàn điểm. Thứ hai, số người lần đầu khai báo thất nghiệp để xin trợ cấp cũng giảm dần từ đỉnh cao nhất vào tháng Tư. Chỉ số thứ ba là lượng hàng bán lẻ cũng đã tăng mạnh từ đầu tháng Bảy, trong khi lượng hàng sản xuất cho tồn kho cũng đã ngoi lên khỏi đáy từ tháng Bảy. Ngần ấy chỉ dấu cho phép giới kinh tế dự báo là Hoa Kỳ đã ra khỏi nạn suy trầm.
Việt Long: Nhưng, theo ông vừa trình bày thì sự phục hồi này vẫn chưa mạnh và có bất trắc"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa vâng, vầng mây đen ở chân trời là khối lượng tín dụng ngân hàng, từ 9.000 tỷ Mỹ kim cách đây một năm đã tăng vọt lên gần 9.600 tỷ vào cuối năm, sau đó lại tuột mạnh. Chỉ dấu này cho ta biết khả năng đi vay và cho vay cho yêu cầu tiêu thụ và sản xuất. Nếu trị trường tín dụng này chưa khởi sắc, ta phải nghĩ rằng tâm lý thị trường vẫn chưa lạc quan và khả năng tuyển dụng còn thấp, nạn thất nghiệp sẽ còn đe dọa. Kết luận ở đây là đầu máy kinh tế Hoa Kỳ đã hồi phục, nhưng chưa mạnh và điều ấy cũng ảnh hưởng đến kinh tế thế giới.
Việt Long: Nói về kinh tế thế giới thì sau đầu máy Hoa Kỳ, người ta còn đầu máy Âu Châu, tình hình nơi đó đã khả quan hơn chưa"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thật ra vẫn chưa khả quan bằng Hoa Kỳ và hồi phục chậm hơn Hoa Kỳ, với hệ thống tín dụng ngân hàng còn gặp nhiều vấn đề hơn. Các ngân hàng Âu Châu còn ngần ngại cho vay hơn là ngân hàng Mỹ, trong khi doanh nghiệp Âu Châu lại trông đợi vào nguồn tài trợ của ngân hàng hơn hẳn doanh nghiệp Mỹ, vốn thường huy động vốn qua thị trường chứng khoán. Một vấn đề khác của kinh tế Âu Châu, ít ra từ nay đến cuối năm và có khi kéo qua năm tới, là nạn bội chi ngân sách và gánh nặng công trái của nhiều quốc gia. Họ khó huy động được thị trường trái phiếu để kích thích kinh tế và sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn về xã hội. Nhiều xứ Trung Âu và Nam Âu trong khu vực Balkan có thể bị bất ổn xã hội. Chúng ta không nên quên là Âu Châu cũng có những nhược điển nội tại trong cơ cấu kinh tế vĩ mô chứ không chỉ bị suy thoái vì hiệu ứng khủng hoảng tài chính xuất phát năm ngoái từ Hoa Kỳ.
Việt Long: Chúng ta bước qua đầu máy kinh tế Đông Á. Các nước trong khu vực này, kể cả Nhật Bản và Trung Quốc, đều trông cậy ít nhiều vào triển vọng xuất khẩu cho thị trường Hoa Kỳ và Âu Châu. Bây giờ kinh tế Mỹ đã hồi phục mà chưa mạnh, Âu Châu thì mới bắt đầu đụng đáy, thì kinh tế Đông Á sẽ ra sao từ nay đến cuối năm"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Vì triển vọng Âu-Mỹ thực ra chưa sáng sủa, việc bán hàng cho hai thị trường ấy để ra khỏi suy trầm vẫn chưa đủ mạnh. Vì vậy, kinh tế Đông Á cần kích cầu nhờ khả năng riêng, đồng thời cải tổ lại cơ chế để mở rộng thị trường nội địa, là việc chưa thể có kết quả mau chóng. Thí dụ nổi bật nhất là xuất khẩu của Nhật vẫn sút giảm, coi như giảm liên tục từ cả năm nay rồi. Chính quyền mới đắc cử đang rà soát lại các biện pháp ngân sách và thuế khoá để kích thích kinh tế, nhưng sẽ khó có ngay kết quả. Kinh tế Nhật Bản vẫn bị đe dọa nặng nhất. 
Việt Long: Trong khu vực Đông Á, sau Nhật Bản thì còn đầu máy kinh tế Trung Quốc với gần 600 tỷ đô la đã được tung ra từ năm ngoái để kích thích kinh tế. Tình hình bây giờ ra sao"


Nguyễn Xuân Nghĩa: - Lãnh đạo Trung Quốc có xu hướng kích cầu bằng tín dụng ngân hàng hơn là qua tăng chi ngân sách. Bây giờ có lẽ họ đang chột dạ vì tín dụng dễ dãi và dồi dào có kích thích tăng trưởng, nhưng với cái giá là làm hệ thống ngân hàng càng suy yếu dưới một núi nợ thối nên có nguy cơ sụp đổ còn đáng sợ hơn vụ khủng hoảng tài chính năm ngoái tại Mỹ. Bây giờ, khi họ muốn hãm đà phân phát tín dụng thì lại bị rủi ro khác, là doanh nghiệp phá sản và thợ thuyền mất việc, xã hội bị động loạn. Trong khi ấy, tín dụng bừa phứa cũng lại thổi lên nhiều bong bóng đầu cơ, nhất là trong lãnh vực địa ốc. Vì vậy, dù lãnh đạo xứ này cứ nói đến việc phục hồi và triển vọng tăng trưởng rất cao, họ đang gặp bài toán lưỡng nan: bơm thêm tín dụng để khỏi bị suy trầm thì lại sợ ngân hàng vỡ nợ, tiết giảm tín dụng để thoát cơn khủng hoảng tài chính thì lại bị kinh tế suy trầm, thất nghiệp tăng và doanh nghiệp phá sản. Tình hình Trung Quốc thật ra không lạc quan như người ta nghĩ.
Việt Long: Qua phần hai thì tình hình Việt Nam ra sao" Hình như là lãnh đạo Việt Nam cũng áp dụng biện pháp tín dụng hơn là tăng chi, nghĩa là tương tự như phương thức của Trung Quốc. Thế rồi thay vì chuẩn bị tiết giảm dần việc trợ cấp lãi suất 4% vào cuối năm nay thì tuần qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa quyết định duy trì chế độ trợ cấp lãi suất đó thêm hai năm nữa. Ông giải thích thế nào về quyết định này"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trong một chương trình trước, vào cuối tháng Tám, chúng ta nói đến hai yêu cầu mâu thuẫn của Việt Nam trong một bài toán cũng thuộc loại lưỡng nan là vừa phải tống ga để kích cầu vừa muốn đạp thắng để tránh nạn lạm phát. Khi đó, căn cứ trên chỉ tiêu về lượng tín dụng được bơm ra quá nhiều trong nửa năm đầu, chúng ta có dự đoán là Ngân hàng Nhà nước của Việt Nam sẽ giảm dần vòi bơm tín dụng kể từ quý ba. Bây giờ, dường như lãnh đạo Việt Nam lại đổi ưu tiên và Ngân hàng Nhà nước thì không có khả năng độc lập nên phải chấp hành ưu tiên ấy, đó là tiếp tục kích cầu để đạt mức tăng trưởng cao nên sẽ duy trì chế độ trợ cấp lãi suất cho đến cuối năm kia, là năm 2011. Mà vì sao họ lại thông báo sớm như vậy" Tôi thiển nghĩ rằng đây là một mục tiêu chính trị để chuẩn bị cho Đại hội đảng khoá 11, nhằm gây không khí phấn khởi và làm ăn dễ dãi trong dân chúng.
Việt Long: Nhưng ông cho rằng quyết định chính trị ấy tất nhiên cũng gây nhiều rủi ro về kinh tế"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Giới ngân hàng tại Việt Nam cho rằng việc bù lãi suất 4% là cần thiết vì lãi suất ngân hàng tại Việt Nam vẫn cao hơn lãi suất xứ khác. Nhưng đấy là một cái nhìn phiến diện vì vật giá các xứ khác không tăng mạnh như Việt Nam. Vì vậy, nếu tiếp tục bơm tiền như thế, Việt Nam có thể lại thổi bùng lạm phát hơn 20% trong năm tới và chỉ tiêu tăng trưởng trên 6% vẫn là khó đạt. Mà đây không là khó khăn duy nhất của Việt Nam.
Việt Long: Ông còn nhìn thấy những khó khăn gì khác nữa"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thứ nhất, Việt Nam chưa thể xuất khẩu mạnh và tiếp tục bị nhập siêu nặng, tức là nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu, ít ra là 12 tỷ đô la cho toàn năm vì hai đầu máy cho xuất khẩu của Việt Nam là Hoa Kỳ và Âu Châu vẫn còn yếu như chúng ta vừa trình bày. Thứ hai, Việt Nam đã khiến giới đầu tư quốc tế thất vọng nên lượng đầu tư trực tiếp của nước ngoài đã giảm tới hơn 85% trong năm nay, số giải ngân để thực hiện vì vậy còn kém hẳn năm ngoái. Thứ ba, lượng tiền của người Việt ở nước ngoài gửi về cho thân nhân cũng giảm mạnh vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn ở bên ngoài và có thể giảm ít ra là 20% so với con số tám tỷ Mỹ kim của năm ngoái. Kết hợp ngần ấy yếu tố, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam bị bào mỏng mất sáu bảy tỷ đô la so với cuối năm ngoái, và nay chỉ còn hơn 17 tỷ thôi. Vì vậy, Việt Nam đang bị nguy cơ khủng hoảng về ngoại hối và đồng bạc còn mất giá mạnh, có thể mất hai chục vạn đồng bạc Việt Nam mới ăn một Mỹ kim dù Mỹ kim hiện đang mất giá so với nhiều ngoại tệ khác. Tình hình ấy sẽ trở thành hiện thực ngay trong mấy tháng tới. Nhưng vấn đề không chỉ có vậy.
Việt Long: Nếu ông phân tích như vậy thì những khó khăn về ngoại hối do ngoại tệ trở thành khan hiếm hơn vẫn chưa phải là vấn đề hay sao"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Lạm phát gia tăng khi đồng bạc lại bị phá giá thì đấy là một kịch bản đáng ngại cho sự ổn định. Nghĩa là nguy cơ bất ổn sẽ chỉ có tăng và phản ứng tự nhiên là nhà nhà tiếp tục tàng trữ đô la để đối phó với bất ổn giá cả khiến Mỹ kim lại càng khan hiếm và càng lên giá. Chuyện ấy có thể xảy ra sớm hơn nhiều dự báo. Đã thế, vì tín dụng dễ dãi và phân phối không đều nên sẽ thổi lên nhiều trái bóng đầu cơ là điều đã xảy ra cho Trung Quốc và đang xảy ra cho Việt Nam. Trái bóng ấy sẽ bể vì kỳ vọng sinh lời không có, cho nên nhiều người nhiều đại gia lo sợ phá sản sẽ lại tầu tán tài sản ra nước ngoài và càng gây thêm sức ép về ngoại hối.
Chuyện thứ ba là số phận của nông dân và người nghèo. Nông dân bị bóc lột qua nhiều chặng, từ thu mua tới xuất khẩu, cho nên giá gạo có lên họ vẫn thiệt mà có xuống họ càng bị đói. Vấn đề ấy, nhiều chuyên gia kinh tế và nông nghiệp ở trong nước đã nói tới và báo động mà vẫn không có kết quả. Trong khi ấy, hàng loạt thiên tai bão lụt đã báo hiệu là hiện tượng El-Nino đang trở về, với những hậu quả bất thường về thời tiết và ảnh hưởng trên mùa màng năm tới. Vì vậy, người ta không lạc quan về triển vọng phục hồi tại Việt Nam. Giới đầu tư quốc tế đã nhìn thấy thế, nhiều quỹ đầu tư ngoại quốc tại Việt Nam cũng kết luận như vậy. Họ chỉ tránh không công khai nói ra mà thôi.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Con người đôi khi cần phải khóc. Không ai cần phải học cách khóc, bởi vì ngay từ lúc được sinh ra ở cuộc đời này con người đã biết khóc
Năm 2007 sắp kết thúc đánh dấu 200 năm của một biến cố đáng chú ý, là đạo luật bãi bỏ chế độ buôn bán nô lệ của nước Anh
Quan niệm đầu tiên là không thể không viết quyển “Từ Điển Chiến Tranh Việt Nam”. Chúng ta là một trong 4 lực lượng quân sự tham chiến, 3 lực lượng kia
Sau 5 ngày im lặng, kể từ khi bắt giữ 3 đảng viên Việt Tân và một số người Việt Nam khác vào cuối tuần trước, Hà Nội mới lên tiếng xác nhận việc bắt giam
Người dân Việt Nam không chỉ sẵn sàng phá bỏ công trình nhà Quốc Hội, một di tích lịch sử đặc biệt quan trọng, là công trình kiến trúc tiêu biểu
Cuộc tranh cử tổng thống Mỹ ngày càng hấp dẫn qua các màn tố khổ lẫn nhau ngày càng nặng nề giữa các ứng viên cả hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa.
Bản Tin Tiếp Theo Về Trường Hợp Nhà Báo Đối Lập Nguyễn Khắc Toàn Đang Bị Công An CSVN Bao Vây Ngặt Nghèo Tại Hà Nội.
Hiện có 161 đồng bào VN tỵ nạn kém may mắn, còn lưu lạc gần  hai mươi năm ở Phi Luật Tàn
Dòng đời nhiều khi chỉ thấy như một dòng thác loạn, với những nhịp xung đột, làm thâm gan
Đôi lời của tác giả: Sau khi loạt bài về trại A-20 Xuân Phước được phổ biến, nhiều độc giả đã gửi thư về yêu cầu viết thành một tập hồi ký từ ngày đầu
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.