Hôm nay,  

‘tiệc Trà’ Như Làn Sóng

20/09/201000:00:00(Xem: 9726)

‘Tiệc Trà’ Như Làn Sóng

Nguyễn Xuân Nghĩa

Lực lượng thứ ba trong chính trường Hoa Kỳ...
Cuộc tranh cử Tổng thống sẽ bắt đầu vào ngày mùng ba Tháng 11 sắp tới đây để kết thúc vào mùng sáu tháng 11 năm 2012.
Trước đó, mùng hai tháng 11 này, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ chi phối cục diện chính trường Hoa Kỳ. Trong kỳ này, cử tri sẽ bầu lại toàn thể 435 Dân biểu Hạ viện, 37 ghế Nghị sĩ, 37 ghế Thống đốc Tiểu bang và hai đơn vị hành chánh đặc biệt. Thông thường, trong các cuộc bầu cử, người ta chú ý đến các ứng cử viên của hai đảng lớn là Dân Chủ và Cộng Hoà. Năm nay bỗng xuất hiện một lực lượng thứ ba, đang kết tinh vào phong trào "Tea Party" mà người viết tạm gọi là "Phong trào Tiệc trà".
Vài lời về chữ và nghĩa.
Từ nguyên ủy, "Boston Tea Party" là vụ nổi loạn năm 1773 của dân Mỹ tại hải cảng Boston thuộc Massachusetts. Họ quăng trà (... Tầu) xuống biển để chống lại việc chính quyền thuộc địa của Đế quốc Anh đánh thuế trà, và họ chủ trương là "đã đóng thuế thì phải có đại diện". Vụ nổi loạn châm ngòi cho phong trào đấu tranh giành độc lập của các thuộc địa Anh trên đất Mỹ. Sau này, nhiều vụ chống đối của dân chúng cũng dùng lại tên ấy, như vụ Tea Party đòi Tổng thống Richard Nixon phải từ chức vào năm 1973. Hoặc gần đây hơn, phong trào Tea Party do Dân biểu Ron Paul theo xu hướng "tự do tuyệt đối" của Texas phát động năm 2006.
Trong loạt bài tìm hiểu về hiện tượng chống đối "Tea Party" - được giới thiệu trên cột bào này trên số ra ngày 18 Tháng Chín - ta sẽ còn trở lại xu hướng "tự do tuyệt đối" hay "libertarian" này vì đấy cũng là một đặc tính rất đáng chú ý của xã hội và chính trường Mỹ...
Lần này, một làn sóng Tea Party manh nha từ Tháng Ba năm 2009, rồi gây chấn động cho chính trường Hoa Kỳ khi trở thành một phong trào lớn mạnh. Tuần qua, phong trào tấn công thẳng vào hệ thống lãnh đạo của đảng Cộng Hoà với ý định là sẽ thanh toán luôn cơ chế bao cấp và cực tả của đảng Dân Chủ và Chính quyền Barack Obama. Vì vậy, phong trào sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012, nếu đạt chiến thắng rõ rệt vào ngày mùng hai tháng 11 tới.
Dù chỉ nhìn sơ lược như vậy, ta thấy một sự kiện là giữa hai chính đảng lớn vẫn còn một lực lượng thứ ba có thể làm xoay chuyển tình hình chính trị. Không chú ý đến lực lượng ấy, người ta có thể nghĩ rằng nước Mỹ mắc bệnh hóa dại. Chẳng lẽ quyền lực được định chế hóa bởi hai đảng lại trôi vào tay một đám đông ô hợp của một phong trào không có lãnh đạo chẳng có chương trình hành động cụ thể mà chỉ chống đối xuông, một cách tiêu cực"
Chúng ta nên nhìn lại chuyện xưa...
Kỳ trước, bài này nói đến một tỷ phú Texas là Ross Perot đã chiếm 19% số phiếu cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1992 khiến Tổng thống Bush bên đảng Cộng Hoà bị chia mất phiếu và Thống đốc Bill Clinton thắng cử với 43% lá phiếu cử tri. Ross Perot là nhân vật bảo thủ, có tư tưởng "libertarian", và giành mất lá phiếu bảo thủ khiến ông Bush cha thất cử.
Sau đó, 19% cử tri này đi đâu, bỏ phiếu thế nào" Họ vẫn còn đó. Và đã làm đảo lộn tình hình chính trị Hoa Kỳ nhiều hơn chúng ta nghĩ.
Họ là thành phần bất mãn về cách hành xử của chính quyền - trong tay bất cứ đảng nào - và nhảy vào cuộc để tái lập một trật tự nào đó. Sau 12 năm làm chủ Hành pháp của đảng Cộng Hoà (hai nhiệm kỳ Ronald Reagan và một nhiệm kỳ George H. Bush), năm 1992, thành phần thứ ba đã dồn phiếu cho ứng cử viên độc lập là Ross Perot khiến đảng Cộng Hoà mất tòa Bạch Cung. Nhưng sau đó, họ cũng lại bất mãn với chánh sách thiên tả, bao cấp và thiếu kỷ cương ngân sách - y hệt ngày nay - của Chính quyền Clinton.
Cho nên qua năm 1994, họ lại nhảy vào cuộc và đuổi đảng Dân Chủ ra khỏi cả hai viện khi dồn phiếu cho đảng Cộng Hoà. Lần đầu tiên Cộng Hoà chiếm lại đa số tại Hạ viện sau 40 năm đứng thế đối lập chính là nhờ làn sóng bất mãn đó. Đấy là làn sóng đáy đã thổi lên phong trào "Kết ước với Hoa Kỳ", một sự giao kết của các Dân biểu trẻ muốn chặn đứng sự bành trướng của bộ máy nhà nước và của chế độ bao cấp.
Nhưng, đảng Cộng Hoà đã tưởng bở và mắc bệnh kiêu mạn nên lại bị trừng phạt.
Chẳng là, sau khi Dân Chủ thất cử năm 1994, Chính quyền Clinton rút tỉa bài học và nhích về phía trung tả, áp dụng một số bài bản Cộng Hoà (cải tổ chế độ An sinh Xã hội và chủ trương giản lược bộ máy công quyền với câu nói nổi tiếng: "thời của một chính quyền ôm đồm đã hết rồi"). Nhưng ông rất khéo đứng vào thế đối lập với Quốc hội Cộng Hoà để quy tội cho Quốc hội là "kỳ đà cản mũi", cản trở nỗ lực cải cách của Hành pháp.


Như thông lệ, đảng Cộng Hoà lại mắc bẫy khi Chủ tịch Hạ viện là Newt Gingrich cả tin vào thế lực của đảng mà mở trận đấu lực với Hành pháp qua việc khóa vòi ngân sách - một thẩm quyền của Hạ viện - vào cuối năm 1995 đầu năm 1996 khiến liên bang không có tiền trả lương! Lần này, thành phần cử tri đã từng dồn phiếu cho Perot không còn đông như xưa - họ bị hút vào hai đảng - nhưng vẫn được 8% số phiếu. Họ trừng phạt phe Cộng Hoà giúp Clinton tái đắc cử năm 1996!
Tất nhiên, mọi sự sẽ không tái diễn y hệt như trước, nhưng một số chuyển động ngầm trong xã hội Mỹ thì vẫn còn nguyên nên người ta có thể chứng kiến một cơn địa chấn chính trì vào tháng 11 này - và sau đó nữa, cho tới năm 2012.
Những chuyển động ngầm ấy là gì"
Chúng ta cần trở lại sự kiện khá thường trực trong xã hội Mỹ là có một thành phần cử tri không hài lòng với cả hai đảng và dù có nắm một quả cân rất nhỏ, họ vẫn có thể làm lệch cán cân.
Năm 1968, trong cuộc bầu cử Tổng thống giữa Richard Nixon và Hubert Humphrey, một ứng cử viên thứ ba là George Wallace bỗng xuất hiện và chiếm 14% số phiếu cử tri lẫn lá phiếu cữ tri đoàn tại các tiểu bang miền Nam. Nhờ vậy, Nixon đắc cử, cũng với tỷ lệ thiểu số như Clinton, là 43%!
Từ đấy, đảng Cộng Hoà o bế cử tri miền Nam và cả thành phần da trắng của các thành phố lớn ở khu vực Đông Bắc lẫn Trung Tây. Ông tái đắc cử vẻ vang năm 1972. Sau này, Ronald Reagan cũng đi theo chiến lược đó để hốt phiếu miền Nam và thành phần bảo thủ nhưng bất mãn trong đảng Dân Chủ.
Khi Reagan xuất hiện, không ai coi nhân vật này là khuôn mặt đáng kể.
Nhưng thật ra, Reagan cũng được một làn sóng đáy đưa lên làm một cuộc cách mạng ngay trong đảng Cộng Hoà rồi trên toàn quốc trong mấy thập niên liền. Làn sóng ấy quy tụ vào một nhân vật đứng ở vùng biên tế của khuynh hướng bất mãn là Nghị sĩ Barry Goldwater của Arizona. Goldwater là người bảo thủ, nhuốm mủi tự do tuyệt đối libertarian, và là ứng viên Cộng Hoà bị đại bại trong cuộc bầu cử tống thống năm 1964. Nhưng chính ông hé mở cánh cửa cho phe bảo thủ trong đảng và cho một chính khách hiếm hoi đã tích cực ủng hộ ông là Ronald Reagan. Từ cuộc tranh cử ấy, Reagan nổi bật, làm Thống đốc California trong hai nhiệm kỳ, từ 1967 đến 1975, trước khi đắc cử Tổng thống năm 1980.
Khi nhớ lại chuyện xưa như vậy, ta có thể thấy rằng xã hội Hoa Kỳ có một thành phần không nhỏ thật ra không hài lòng với hệ thống chính trị đương quyền. Có khi họ nổi loạn chống lại đảng này hay đảng kia, với một ứng cử viên thứ ba, như George Wallace bên đảng Dân Chủ và Ross Perot bên đảng Cộng Hoà. Có khi họ chuyển hóa một đảng ngay từ bên trong như Barry Goldwater trong đảng Cộng Hoa, để lên lãnh đạo và đưa nước Mỹ qua hướng khác, như Ronald Reagan, một diễn viên hạng B chẳng có thế giá gì mà sau cùng là một trong những tổng thống có ảnh hưởng nhất lịch sử Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, sự bất mãn ấy mà nguôi ngoai, lực lượng thứ ba này có thể bị cuốn hút vào trong một đảng, cho tới khi lại bùng dậy, như chúng ta đang thấy bây giờ. Ban đầu thì đảng Cộng Hoà cho rằng làn sóng này sẽ đẩy lui khuynh hướng cực tả và bao cấp của đảng Dân Chủ và chặn đứng kế hoạch cải tạo xã hội của Obama. Nhưng tuần qua, họ mới thấy chiều sâu và tinh thần triệt để của lực lượng này qua phong trào Tea Party.
Không phải là loại lửa rơm, phong trào này có thể làm đảng Cộng Hoà rồi nước Mỹ thay đổi như đã từng thay đổi trong quá khứ.
Đầu tiên, ta thấy ra một sự bất mãn lan rộng, trước hết là ngay trong đảng Dân Chủ.
Nhiều ứng viên Dân Chủ đang cố tình đứng xa Tổng thống để khỏi bị nhiễm phóng xạ. Hơn thế nữa, một số ngày càng đông các ứng viên Dân Chủ khác còn đòi "đảo chánh" hệ thống chính trị đương quyền trong Quốc hội Dân Chủ. Có người còn đòi Dân biểu Nancy Pelosi nhường chức Chủ tịch Hạ viện cho người khác. Người ta có thể suy đoán rằng các chính khách này sợ bị thất cử vào tháng 11 nên mới đánh ngược lên lãnh đạo của đảng. Có thể lắm!
Nhưng chìm sâu bên dưới vẫn là một sự bất mãn, và bất mãn bên trong khuynh hướng thiên tả. Bên trong xu hướng bảo thủ, sự bất mãn lại còn mãnh liệt hơn, là điều chúng ta sẽ tìm hiểu tiếp. Nói chung, dường như dân Mỹ đã quá thất vọng với hệ thống quyền lực hiện tại và mọi chính khách đương quyền hay chuyên nghiệp đều bị tấn công nặng.
Kết quả ra sao thì mai này sẽ biết.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Lý do ông Thưởng, ngôi sao sáng mới 54 tuổi bị thanh trừng không được công khai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, thì ông Võ Văn Thưởng “đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm...
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.