‘Tiệc Trà’ Như Làn Sóng
Nguyễn Xuân Nghĩa
Lực lượng thứ ba trong chính trường Hoa Kỳ...
Cuộc tranh cử Tổng thống sẽ bắt đầu vào ngày mùng ba Tháng 11 sắp tới đây để kết thúc vào mùng sáu tháng 11 năm 2012.
Trước đó, mùng hai tháng 11 này, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ chi phối cục diện chính trường Hoa Kỳ. Trong kỳ này, cử tri sẽ bầu lại toàn thể 435 Dân biểu Hạ viện, 37 ghế Nghị sĩ, 37 ghế Thống đốc Tiểu bang và hai đơn vị hành chánh đặc biệt. Thông thường, trong các cuộc bầu cử, người ta chú ý đến các ứng cử viên của hai đảng lớn là Dân Chủ và Cộng Hoà. Năm nay bỗng xuất hiện một lực lượng thứ ba, đang kết tinh vào phong trào "Tea Party" mà người viết tạm gọi là "Phong trào Tiệc trà".
Vài lời về chữ và nghĩa.
Từ nguyên ủy, "Boston Tea Party" là vụ nổi loạn năm 1773 của dân Mỹ tại hải cảng Boston thuộc Massachusetts. Họ quăng trà (... Tầu) xuống biển để chống lại việc chính quyền thuộc địa của Đế quốc Anh đánh thuế trà, và họ chủ trương là "đã đóng thuế thì phải có đại diện". Vụ nổi loạn châm ngòi cho phong trào đấu tranh giành độc lập của các thuộc địa Anh trên đất Mỹ. Sau này, nhiều vụ chống đối của dân chúng cũng dùng lại tên ấy, như vụ Tea Party đòi Tổng thống Richard Nixon phải từ chức vào năm 1973. Hoặc gần đây hơn, phong trào Tea Party do Dân biểu Ron Paul theo xu hướng "tự do tuyệt đối" của Texas phát động năm 2006.
Trong loạt bài tìm hiểu về hiện tượng chống đối "Tea Party" - được giới thiệu trên cột bào này trên số ra ngày 18 Tháng Chín - ta sẽ còn trở lại xu hướng "tự do tuyệt đối" hay "libertarian" này vì đấy cũng là một đặc tính rất đáng chú ý của xã hội và chính trường Mỹ...
Lần này, một làn sóng Tea Party manh nha từ Tháng Ba năm 2009, rồi gây chấn động cho chính trường Hoa Kỳ khi trở thành một phong trào lớn mạnh. Tuần qua, phong trào tấn công thẳng vào hệ thống lãnh đạo của đảng Cộng Hoà với ý định là sẽ thanh toán luôn cơ chế bao cấp và cực tả của đảng Dân Chủ và Chính quyền Barack Obama. Vì vậy, phong trào sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012, nếu đạt chiến thắng rõ rệt vào ngày mùng hai tháng 11 tới.
Dù chỉ nhìn sơ lược như vậy, ta thấy một sự kiện là giữa hai chính đảng lớn vẫn còn một lực lượng thứ ba có thể làm xoay chuyển tình hình chính trị. Không chú ý đến lực lượng ấy, người ta có thể nghĩ rằng nước Mỹ mắc bệnh hóa dại. Chẳng lẽ quyền lực được định chế hóa bởi hai đảng lại trôi vào tay một đám đông ô hợp của một phong trào không có lãnh đạo chẳng có chương trình hành động cụ thể mà chỉ chống đối xuông, một cách tiêu cực"
Chúng ta nên nhìn lại chuyện xưa...
Kỳ trước, bài này nói đến một tỷ phú Texas là Ross Perot đã chiếm 19% số phiếu cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1992 khiến Tổng thống Bush bên đảng Cộng Hoà bị chia mất phiếu và Thống đốc Bill Clinton thắng cử với 43% lá phiếu cử tri. Ross Perot là nhân vật bảo thủ, có tư tưởng "libertarian", và giành mất lá phiếu bảo thủ khiến ông Bush cha thất cử.
Sau đó, 19% cử tri này đi đâu, bỏ phiếu thế nào" Họ vẫn còn đó. Và đã làm đảo lộn tình hình chính trị Hoa Kỳ nhiều hơn chúng ta nghĩ.
Họ là thành phần bất mãn về cách hành xử của chính quyền - trong tay bất cứ đảng nào - và nhảy vào cuộc để tái lập một trật tự nào đó. Sau 12 năm làm chủ Hành pháp của đảng Cộng Hoà (hai nhiệm kỳ Ronald Reagan và một nhiệm kỳ George H. Bush), năm 1992, thành phần thứ ba đã dồn phiếu cho ứng cử viên độc lập là Ross Perot khiến đảng Cộng Hoà mất tòa Bạch Cung. Nhưng sau đó, họ cũng lại bất mãn với chánh sách thiên tả, bao cấp và thiếu kỷ cương ngân sách - y hệt ngày nay - của Chính quyền Clinton.
Cho nên qua năm 1994, họ lại nhảy vào cuộc và đuổi đảng Dân Chủ ra khỏi cả hai viện khi dồn phiếu cho đảng Cộng Hoà. Lần đầu tiên Cộng Hoà chiếm lại đa số tại Hạ viện sau 40 năm đứng thế đối lập chính là nhờ làn sóng bất mãn đó. Đấy là làn sóng đáy đã thổi lên phong trào "Kết ước với Hoa Kỳ", một sự giao kết của các Dân biểu trẻ muốn chặn đứng sự bành trướng của bộ máy nhà nước và của chế độ bao cấp.
Nhưng, đảng Cộng Hoà đã tưởng bở và mắc bệnh kiêu mạn nên lại bị trừng phạt.
Chẳng là, sau khi Dân Chủ thất cử năm 1994, Chính quyền Clinton rút tỉa bài học và nhích về phía trung tả, áp dụng một số bài bản Cộng Hoà (cải tổ chế độ An sinh Xã hội và chủ trương giản lược bộ máy công quyền với câu nói nổi tiếng: "thời của một chính quyền ôm đồm đã hết rồi"). Nhưng ông rất khéo đứng vào thế đối lập với Quốc hội Cộng Hoà để quy tội cho Quốc hội là "kỳ đà cản mũi", cản trở nỗ lực cải cách của Hành pháp.