Hôm nay,  

Mậu Dịch Tự Do Á Châu

1/24/200700:00:00(View: 9756)

Mậu Dịch Tự Do Á Châu

...tự do ngoại thương và nói chung, tự do kinh tế, là điều có lợi về dài và cho đa số...

Trong Thượng đỉnh vừa qua tại Philippines của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN, lãnh đạo các nước Á châu đã thảo luận về một Hiệp định Thương mại Tự do giữa 10 nước ASEAN và sáu nước Á châu khác hầu giải phóng luồng trao đổi hàng hoá của cả khu vực, trong đó có Việt Nam. Với việc Việt Nam vừa gia nhập Tổ chức WTO, Hiệp định Thương mại ấy sẽ có ý nghĩa gì" Mà vì sao lại phải có một khối tự do mậu dịch riêng cho Á châu" Diễn đàn Kinh tế đài RFA sẽ tìm hiểu vấn đề ấy qua phần trao đổi sau đây của Việt Long với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa.

Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, trong ba ngày từ 13 đến 15 vừa rồi, tại Thượng đỉnh ở Philippines của ASEAN là Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á, lãnh đạo các nước châu Á đã thảo luận về một Hiệp định Thương mại Tự do giữa 10 nước ASEAN với sáu nước khác của khu vực là Nhật Bản, Trung Quốc, Nam Hàn, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Xin đề nghị là kỳ này, ta sẽ cùng trao đổi về ý nghĩa và hậu quả của hiệp định ấy.

-- Thưa vâng, 10 nước trong ASEAN gồm có Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Brunei, Cambốt, Lào và Miến Điện. Thêm sáu quốc gia vừa kể tên thì ta sẽ có 16 nước có gần phân nửa dân số thế giới và hàng năm cùng sản xuất ra khoảng 9.000 tỷ Mỹ kim, nghĩa là một khối kinh tế rất mạnh có thể giữ vị trí chân kiềng thứ ba so với Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu châu. Tuy nhiên, như ông có thể nhận thấy, trong nhóm 16 nước ấy lại không có Đài Loan mà người dân tại đấy gọi là Trung Hoa Dân Quốc và bị Bắc Kinh phản đối.

Đài Loan chỉ có 23 triệu dân, nhưng có sản lượng hơn 630 tỷ Mỹ kim, hơn gấp 10 Việt Nam và là nền kinh tế đứng hàng thứ 16 thế giới, với lợi tức đồng niên một đầu người là gần 28 ngàn Mỹ kim, gần gấp 10 Việt Nam. Lý do vắng mặt là vì xứ này không được Bắc Kinh coi là một quốc gia, mà chỉ là một nền kinh tế. Các nước khác đành chịu theo. Vì vậy, câu trả lời đầu tiên thuộc về bối cảnh, đây là một tính toán chính trị hơn là kinh tế!

Hỏi: Đầu đuôi  ra sao mà lại có sáng kiến lập ra một khu vực tự do mậu dịch Đông Á"

-- Nếu nói cho gọn và hơi phũ thì có lẽ động lực đầu tiên là “mặc cảm Á châu”. Các nước ASEAN là một câu lạc bộ về áo cơm, vì thấy lợi ích của tự do kinh tế nên sau khi tự ý cải cách trong từng nước, họ muốn hội nhập với nhau thành một khu vực tự do kinh tế rộng lớn hơn. Về sau thì vừa được khuyên lại cũng vừa muốn mở rộng phạm vi hội nhập ra ngoài khuôn khổ 10 hội viên. Vì vậy, từ sáu năm nay, ASEAN vẫn thảo luận thêm với ba nước Đông Á ở bên ngoài là Nhật Bản, Trung Quốc và Nam Hàn, gọi đó là ASEAN+3. Từ đó mới có những đề nghị mở rộng dần dần thành ASEAN+4, rồi +6. Cũng có thời, các nước còn muốn tiến đến việc liên hiệp hay thống nhất về tiền tệ như Âu châu nữa.

Mục tiêu chính là để lập ra một khối kinh tế hội nhập bên trong và có khả năng làm sức đối trọng với hai khối kinh tế lớn kia là Hoa Kỳ và Âu châu.

Hỏi: Nhưng vì sao ông lại nói ngay từ đầu là “mặc cảm Á châu”"

-- Đầu tiên, ngay khái niệm hay phạm trù Á châu đã có gì đó không ổn về nhiều mặt. Các quốc gia trong khu vực có quá nhiều dị biệt về lịch sử, văn hoá và tôn giáo, khác hẳn các nước Âu châu vốn cùng chia sẻ một di sản văn hoá là Thiên chúa giáo và, tương đối, biên giới vẫn còn liền lạc với nhau thành một khối. Thực ra, sau khi từng bị Âu châu tấn công và khai thác như thuộc địa, nhiều nước Á châu bị sức hút rất mạnh của các cường quốc tiếp cận và có lập trường khác biệt trong từng loại vấn đề của thế giới.

Bên trong, hai cường quốc Đông Á là Trung Quốc và Nhật Bản cũng có khác biệt về hệ thống chính trị, lập trường và ảnh hưởng với các nước khác, chưa nói đến hai quốc gia ở vùng cực Nam là Australia và New Zealand là những mảnh vụn do Âu châu để lại tại Á châu, rất dân chủ, triệt để theo đuổi đường lối kinh tế tự do nhưng khác hẳn với Ấn Độ hay Trung Quốc. Vậy mà các nước trong khu vực rộng lớn và đa diện này lại muốn hội nhập làm một để lập ra một khối kinh tế đối trọng với Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu châu thì tôi thiển nghĩ rằng đây là một ước mơ dễ hiểu về lý thuyết mà khó thành về thực tế.

Hỏi: Trở lại mục tiêu nhỏ hơn là hợp tác kinh tế với nhau, các nước Á châu này đã thực hiện được những gì"

-- Trước tiên là các nước trong ASEAN, 40 năm sau khi thành lập, đã xây dựng được một khuôn khổ đối thoại và hợp tác đáng kể, nhưng khuôn khổ đó vẫn chỉ là một câu lạc bộ áo cơm mà thôi, chưa là một định chế có sức mạnh cưỡng hành tương tự như Thị trường chung Âu châu hay Liên hiệp Âu châu. Thứ nữa là ngay trong khuôn khổ 10 quốc gia này, người ta thấy là quá nhiều khác biệt về chính trị cũng cản trở những nỗ lực hợp tác hay hội nhập rộng lớn hơn, điển hình là nạn độc tài tại Miến Điện mà chính quyền sở tại tự xưng là Myanmar, hay thiếu dân chủ tại Việt Nam. Sau cùng, 10 nước ASEAN còn chưa có Hiệp định Tự do Thương mại với nhau. Bước đầu vẫn chưa có thì làm sao mở rộng"

Hỏi: Bây giờ, xin đề nghị ông trình bày chuyện mở rộng ấy, trước khi thẩm định tính chất khả thi của nó.

-- Chúng ta đang chứng kiến sự nở rộ của những sáng kiến hợp tác giữa các nước, khởi đi là hợp tác về ngoại thương và đầu tư với nhau rồi mở rộng ra việc giải tỏa mọi cản trở để tiến tới tự do ngoại thương với nhau. Đó là về nội dung. Về địa bàn thì từ 1999 đến nay, 10 nước ASEAN đã lập ra cơ chế thảo luận với ba nước Đông Á như ta đã nói là Nhật Bản, Trung Quốc và Nam Hàn. Sau đó, họ muốn mời thêm ba nước khác là Ấn Độ, New Zealand và Australia, như Nhật Bản đề nghị, thành ASEAN+6 tại Hội nghị Đông Á ở Kualar Lumpur của Malaysia vào năm 2005. Tuy nhiên, đề nghị ấy bị Bắc Kinh bác bỏ vì họ không muốn mời Ấn Độ, New Zealand và Australia vào trong nhóm. Tuần qua, họ mới hâm nóng lại hồ sơ đó tại Thượng đỉnh Cebu của Philippines.

Hỏi: Có một câu hỏi gây thắc mắc cho nhiều người, nhất là người Việt Nam, đó là vì sao 150 quốc gia đã có cơ chế thương mại tự do với nhau là tổ chức Thương mại Thế giới WTO, mà Việt Nam là thành viên mới nhất, lại còn muốn lập thêm khối này khối kia và đề nghị thảo luận các Hiệp định Thương mại với nhau trong từng khối"

-- Trên diễn đàn này, ta đã nhiều lần đề cập tới vấn đề ấy. Đó là cơ chế thống nhất WTO thực ra gây quá nhiều tranh luận hay kiện tụng và lâm vào bế tắc nên các nước mới đang muốn tìm ra giải pháp song phương hay đa phương, giữa từng nhóm, từng khu vực với nhau. Đây là một trào lưu mới và sẽ càng gia tăng khi vòng đàm phán Doha của WTO bị bế tắc năm ngoái. Việt Nam cần chú ý đến chuyện này vì luật chơi sẽ còn nhiều thay đổi và cái gọi là kinh tế nhất thể hóa thực ra đang bị phân hóa thành từng khối, từng nhóm.

Hỏi: Nhưng vì sao lại có những trở ngại như vậy giữa các nước đã cơ bản đồng ý với nhau về giá trị của kinh tế thị trường và mậu dịch tự do"

-- Vì kinh tế không là tất cả và trong áp dụng vẫn còn dị biệt. Tôi xin đơn cử năm thí dụ của hai nhóm. Nhóm thứ nhất là hai cường quốc Đông Á là Nhật Bản và Trung Quốc, và một cường quốc Nam Á là Ấn Độ. Ba xứ này vẫn còn nhiều chủ trương hạn chế mậu dịch để bảo vệ một số ngành họ cho là chiến lược vì lý do chính trị nội bộ. Nhóm thứ hai là hai quốc gia chủ yếu là da trắng, đó là Australia và New Zealand, lại triệt để cải cách để theo đuổi tự do mậu dịch, nhất là New Zealand, một nước nhỏ mà đã trả một cái giá rất đắt để cải cách kinh tế theo xu hướng tự do kể từ 1984 đến nay. Họ khó chấp nhận được một Hiệp định Thương mại gọi là tự do mà có quá nhiều đặc miễn như ba nước kia đề nghị.

Đã thế, bên trong nhóm thứ nhất, Trung Quốc và Nhật Bản đều muốn tranh thủ hậu thuẫn của các nước khác để cạnh tranh với nhau về thế lực ngoại giao. Riêng Trung Quốc thì còn muốn gạt Ấn Độ ra ngoài vì cũng ngại sức nặng nhiều mặt của xứ này. Và từ năm kia, quan hệ ngoại thương giữa Ấn Độ và ASEAN coi như bị đông lạnh vì đàm phán bế tắc sau khi Ấn Độ muốn mở cửa khu vực công nghệ tín học mà họ có ưu thế nhưng vẫn đòi khép các khu vực khác để bảo vệ công việc làm cho một dân số một tỷ người, với 60% vẫn còn phải sống về nông nghiệp. Cho nên xứ nào cũng đồng ý là sẽ thảo luận về một Hiệp định Tự do Thương mại, nhưng nội dung bên trong sẽ còn lắm khác biệt.

Hỏi: Thế còn lập trường của các nước bên ngoài như Hoa Kỳ thì sao"

-- Khi các nước Đông Á tôi xin tạm gọi là ngại Mỹ, như Trung Quốc chẳng hạn, đề nghị lập ra khu vực tự do kinh tế Á châu, họ muốn là trong phạm trù Á châu ấy không có Hoa Kỳ. Lý do chính là để giữ thế mạnh trong vỉệc thương thuyết với các nước Á châu khác mà khỏi có sự tham dự của Mỹ. Chỉ đối phó với sức nặng kinh tế Nhật Bản thôi cũng đã đủ mệt. Ngược lại, Hoa Kỳ đề nghị một khu vực mậu dịch tự do Thái bình dương, bao gồm cả các nước Bắc Mỹ và Trung Mỹ hay Nam Mỹ với các nước tại miền Tây của Thái bình dương, là các nước Đông Á. Trong khi ấy, Hoa Kỳ cũng đang thương thảo riêng các hiệp định thương mại song phương với từng nước trong khối Đông Á, với những đổi chác tay đôi về nhiều điều kiện ngoài thương mại.

Nhìn như vậy, tương lai trước mắt và lâu dài sẽ là hàng loạt thương thuyết song phương hay đa phương, giữa từng nhóm, trong khi ấy, như ta đã nói từ mấy kỳ trước, phản ứng bảo hộ mậu dịch và chống toàn cầu hoá đã gia tăng mạnh mẽ tại các nước công nghiệp.

Hỏi: Quả nhiên như vậy, sau khi Diễn đàn Kinh tế đề cập vấn đề này trong các chương trình ngày 19 tháng 12 rồi ngày 16 tuần trước thì tuần báo kinh tế nổi tiếng là tờ The Economist đã có một loạt chuyên đề về lẽ được thua của toàn cầu hóa trong số ra ngày 20 vừa qua. Vậy, theo dự kiến của ông thì tương lai rồi sẽ ra sao"

-- Khó ai biết trước được mọi sự nhưng ngay trước mắt sẽ là rất nhiều tranh cãi và thương thuyết để san bằng dị biệt giữa từng nhóm quốc gia với nhau, trước khi tiến tới một thế hợp tác hay hội nhập rộng lớn hơn. Kết luận chung thì đây là một thất bại lớn của WTO, là điều ta cần nhấn mạnh vì Việt Nam vừa gia nhập tổ chức này với rất nhiều kỳ vọng.

Hỏi: Câu hỏi cuối, trong hoàn cảnh ấy, Việt Nam nên làm những gì, tự chuẩn bị những gì"

-- Tôi thiển nghĩ rằng tự do ngoại thương và nói chung, tự do kinh tế, là điều có lợi về dài và cho đa số. Càng sớm giải tỏa những cản trở thì càng có lợi, như chúng ta đã có lần lấy một thí dụ là tự do ngoại thương cũng tựa như hạ tầng cầu đường yểm trợ sinh hoạt kinh tế vậy. Nếu đã thế thì chẳng phải vì xứ khác còn duy trì những hạn chế mậu dịch mà mình cũng làm như họ, như khi thấy xứ khác phá hủy cầu đường của họ thì mình về nhà phá cầu của mình. Từ nguyên tắc ấy, Việt Nam vẫn nên thực hiện những cam kết đã có trong khuôn khổ WTO, đồng thời mở rộng việc thông tin và giáo dục để người dân biết được thế giới bên ngoài và đoán trước được những trở ngại sẽ gặp. Điều ấy rất quan trọng vì sau mấy chục năm ngăn sông cấm chợ mình vừa tiến ra ngoài thì lại gặp phản ứng ngược từ môi trường quốc tế nay bị manh mún làm nhiều khối và có tinh thần chống tự do mậu dịch, chống toàn cầu hoá.

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
Không phải “học” mà là bắt, là tóm đầu, là tống cổ vào nhà giam: khi cân bằng quyền lực ở Hà Nội xáo trộn với tiền chấn rung chuyển tận Amsterdam thì cái khẩu hiệu quen thuộc của Vladimir Lenin ngày nào cũng phải được cập nhật. Không còn “Học, học nữa, học mãi” mà, táo tợn hơn, hệ thống quyền lực đang giỡn mặt Lenin: “Bắt, bắt nữa, bắt mãi”.
Câu chuyện kể từ xa xưa, rất xa xưa, là từ thời đức Phật còn tại thế: Có một người Bà La Môn rất giầu có và rất quyền thế, ông thích đi săn bắn thú vật trong rừng hay chim muông trên trời. Một hôm đó, ông bắn được một con thiên nga to đẹp đang bay vi vút trong bầu trời cao xanh bát ngát thăm thẳm trên kia. Con thiên nga vô cùng đẹp bị trúng đạn, rơi xuống đất, đau đớn giẫy và chết. Ông liền chạy tới lượm thành quả của ông và xách xác con thiên nga lộng lẫy về cho gia nhân làm thịt, làm một bữa nhậu, có lẽ.
Dù đã từ trần từ lâu, Võ Văn Kiệt vẫn được người đời nhắc đến do một câu nói khá cận nhân tình: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Tôi vốn tính hiếu chiến (và hiếu thắng) nên lại tâm đắc với ông T.T này bởi một câu nói khác: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to”. Dù chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng cũng đủ cho người nghe hiểu rằng Việt Nam là một cường quốc, chứ “không phải dạng vừa” đâu đấy!
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.