Hôm nay,  

Chúc Mừng Thượng Nghị Sĩ Barack Obama

09/11/200800:00:00(Xem: 6790)

Chúc Mừng Thượng Nghị Sĩ Barack Obama

Trung Điền

Sau gần 2 năm tham dự cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc, Thượng Nghĩ Sĩ Barack Obama thuộc Đảng Dân Chủ, đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ lần thứ 44 vào đêm mồng 4 tháng 11 vừa qua, với kết quả áp đảo đối với người đối thủ của ông là Thượng Nghị Sĩ John McCain thuộc Đảng Cộng Hòa. Trong bài nói chuyện mừng chiến thắng trước khoảng 300 ngàn ủng hộ viên tại một công viên của Thành Phố Chicago vào tối mồng 4 tháng 11, Thượng Nghĩ Sĩ Barack Obama đã nói rằng kết quả cuộc bầu cử sẽ làm cho dư luận thế giới kính phục nhân dân Hoa Kỳ - không phải dựa trên sức mạnh tiền bạc và quân sự, mà là từ tinh thần dân chủ đã được thực thi một cách tuyệt vời tại xứ sở này. Câu nói của ông Obama đáng để cho chúng ta suy gẫm. Tại sao"

Điều mà không một ai có thể chối cãi rằng ngày nay Hoa Kỳ là một quốc gia có nền tảng tự do và dân chủ vững chắc vào bậc nhất thế giới, không thua gì các quốc gia Phương Tây. Nhưng mới chỉ khoảng 5 thập niên trước đây, Hoa Kỳ không phải là xứ sở tiến bộ như vậy. Nạn kỳ thị da màu với những cuộc xung đột đẫm máu do một số phần tử quá kích của người da trắng tạo ra cho người da đen, đã là một vết nhơ trong lịch sử tiến hóa của Hoa Kỳ. Phải trải qua gần hai thập niên đấu tranh với phong trào dân quyền nhằm vận động sự đổi xử bình đẳng  - do Mục sư Martin Luther King Jr. lãnh đạo và hướng dẫn trong hai thập niên 50 và 60 - Hoa Kỳ mới từng bước xóa bỏ nạn kỳ thị da màu kể từ giữa thập niên 70, sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Trả giá cho cuộc vận động lịch sử này, Mục sư Martin Luther King Jr. đã bị James Earl Ray bắn chết vào lúc 6 giờ 01 chiều ngày mồng 4 tháng 4 năm 1968, khi ông đang đứng trên ban công tầng thứ hai của khách sạn Lorraine tại Memphis, Tiểu bang Tennessee, với dự tính là ông sẽ dẫn một đoàn diễn hành đến ủng hộ cuộc đình công của Liên đoàn công nhân vệ sinh người da đen. Ông hy sinh lúc mới chỉ có 39 tuổi. Cái chết của Mục sư King đã đánh động vào lương tâm của nước Mỹ và đã tạo nên một biến chuyển lịch sử; sau đó mọi hành động kỳ thị - bất kể da màu hay không - đều bị tuyệt đối nghiêm cấm và mọi người được giáo dục để sống bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

Tuy bị ngăn cấm, nhưng đâu đó vẫn còn một số hiện tượng kỳ thị xảy ra. Chỉ cách đây hơn một thập niên thôi, một thanh niên da đen tên Rodney King đã bị 4 cảnh sát người da trắng vây đánh một cách tàn nhẫn vào ngày 3 tháng 3 năm 1991 và sự kiện này đã bị thu hình; nhưng khi bị truy tố ra tòa thì 4 cảnh sát phạm tội hành hung đã không bị kết tội. Kết quả đã tạo ra một làn sóng bất mãn dữ dội trong cộng đồng người Mỹ da đen với hàng trăm ngàn người tủa ra các đường phố Los Angeles đập phá trong 3 ngày liền vào cuối tháng 4 năm 1992. Cuối cùng, tòa án Los Angeles phải xét xử lại ở một nơi khác và kết án 4 cảnh sát vi phạm luật dân sự về kỳ thị và thành phố phải bồi thường cho ông King gần 4 triệu Mỹ Kim thì vụ án mới yên. Nhắc lại một số những sự kiện tiêu biểu này để cho thấy rằng vấn đề kỳ thị da màu - tuy đã ngăn cấm trên luật pháp - nhưng khó mà xóa bỏ một cách trọn vẹn trong đời sống tinh thần của mỗi người. Cho nên khi Thượng Nghị Sĩ Barack Obama ra tranh cử Tổng Thống và được đảng Dân Chủ chọn lựa là Ứng cử viên duy nhất của đảng vào tháng 8 năm 2008, sau khi đánh bại nữ Thượng Nghị Sĩ Hillary Clinton trong cuộc chạy đua sơ bộ gần 18 tháng, đã gây lên một niềm hưng phấn đặc biệt không chỉ trong dư luận nước Mỹ mà cả trên toàn thế giới.

Có hai điều mà dư luận quan tâm đối với sự tranh cử của Thượng Nghị Sĩ Barack Obama. Thứ nhất, ông là người Mỹ đa đen và là người Mỹ da đen đầu tiên được đảng Dân Chủ chọn lựa làm ứng viên Tổng Thống. Thứ hai, ông còn quá mới trong chính trường Hoa Kỳ với chỉ hai năm phục vụ ở Thượng Viện trước một đối thủ người da trắng được dân Mỹ kính trọng vì xuất thân từ một đại gia đình có truyền thống yêu nước và phục vụ hơn 20 năm trong Thượng Viện. Tuy quan tâm là như vậy, nhưng nhìn qua cung cách ứng xử của Thượng Nghị Sĩ Barack Obama và nhất là những phát biểu mà ông đưa ra trong các buổi nói chuyện với cử tri, đã đánh đúng khát vọng muốn thay đổi của hàng triệu người dân Hoa Kỳ.

Có người cho rằng cử tri Hoa Kỳ đã chán ngấy 8 năm của triều đại Tổng Thống Bush và đảng Cộng Hòa, và nhất cuộc sụp đổ hàng loạt hệ thống tài chánh của Hoa Kỳ làm ảnh hưởng xấu lên tình hình kinh tế nước Mỹ khiến cho dư luận muốn trừng phạt đảng cầm quyền và đã dồn phiếu cho ứng cử viên đảng Dân Chủ là Barack Obama. Thật ra thì những yếu tố nói trên có phần nào ảnh hưởng đến sự chọn lựa của cử tri qua sự bất tín nhiệm vào chính sách của đảng đang cầm quyền, tuy nhiên Thượng Nghị Sĩ John Mc Cain của đảng Cộng Hòa đã nhiều lần khẳng định ông không phải là chính quyền Bush, do đó ông sẽ có những giải pháp giải quyết tốt hơn, đáp ứng nguyện vọng cho mọi người Mỹ một cách tốt đẹp. Do đó vấn đề chính sách tuy quan trọng cho sự chọn lựa của cử tri nhưng ở cuộc bầu cử vừa qua, người dân Hoa Kỳ - đặc biệt là những người Mỹ trẻ - muốn đi tìm một sự thay đổi thật sự và căn bản hơn.

Đó là tinh thần dân chủ thực sự. Tinh thần hòa đồng của mọi người - không phân biệt màu da và tính phái - để giúp nước Mỹ vượt qua giai đoạn hiểm nghèo hiện nay. Cái mà người ta chờ đợi nơi ông Barack Obama không phải là tài kinh bang tế thế của một lãnh tụ da đen khi vào làm chủ Tòa Bạch Ốc trong 4 năm tới. Không có ông thì người khác cũng có thể làm vì tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay chỉ là nằm trong chu kỳ suy trầm chung và rồi nó sẽ qua. Người ta chờ đợi ở ông và đã bỏ phiếu cho ông với một con số áp đảo - có lẽ là số phiếu bầu cao nhất trong vòng 20 năm vừa qua - là kiến tạo nước Mỹ thành một siêu cường vững mạnh ở tinh thần dân chủ mà cụ thể là chấp nhận sự khác biệt để cùng nhau tiến tới vinh quang chứ không phải bằng sức mạnh vũ khí hay tiền bạc.  Từ hàng chục năm qua, Hoa Kỳ đã dựa quá nhiều vào sức mạnh quân sự và tiền bạc để chinh phục thế giới. Có lẽ đây là thời kỳ Hoa Kỳ cần phải thay đổi. Kết quả cuộc bỏ phiếu vào ngày 4 tháng 11 là một sự thay đổi của chính người dân Hoa Kỳ. Thượng Nghĩ Sĩ Barack Obama đã nhìn ra sức mạnh của khát vọng thay đổi này, và mong ông hãy cố gắng thực thi trong 4 năm tới để nền tảng dân chủ đó không chỉ củng cố ở Hoa Kỳ mà còn giúp tỏa rộng khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là tại những quốc gia còn bị một thiểu số độc tài khống chế.

Tháng 8 năm 1963, Mục sư Martin Luther King Jr. đã nói đến ước mơ được đối xử bình đẳng của người da đen trong một bài diễn văn nổi tiếng "I Have A Dream" trong cuộc diễn hành của hơn 300 ngàn người da đen tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Bốn mươi lăm năm sau, tháng 11 năm 2008, tại công viên Grand Park, Chicago, Thượng Nghị Sĩ Barack Obama đã nắm được ước mơ của Mục sư Martin Luther Kings Jr. ở trong tay vì nhờ tinh thần dân chủ của nước Mỹ. Nếu không có tinh thần này, làm sao lịch sử lại có thể tái diễn với cuộc tập hợp của 300 ngàn người vào tối mồng 4 tháng 11, 2008 mà người tham dự không chỉ là da đen -  đông đảo người da trắng, da vàng - thuộc nhiều chủng tộc, gốc gác đã tham dự một cách nồng nhiệt vì chính họ đã góp phần làm thay đổi nước Mỹ.

Nhìn vào sự thay đổi mang tính chất lịch sử này tại Hoa Kỳ,  chúng ta không khỏi ước mơ một ngày toàn dân Việt Nam thực hiện được tinh thần dân chủ để thay đổi toàn diện đất nước, vượt thoát cảnh nghèo nàn, lạc hậu hiện tại và xây dựng một quốc gia Việt Nam nhân bản, văn minh, phú cường và được sự nể phục của thế giới.

Trung Điền

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cho tới 11 giờ đêm Thứ Hai 17-7, khoảng 300 công an CSVN sắc phục, vũ trang vẫn đang bủa vây đoàn dân oan biểu tình tại Saigon.
Từ khi xuất hiện tại Việt Nam tới nay, lúc nào đảng Cộng Sản cũng nói tới chuyện ‘ cách mạng, giải phóng ‘, khiến cho ai đã nghe rồi
Cuộc biểu tình của dân oan khiếu kiện nhà đất bị CS cướp giật đã kéo dài đến ngày thứ 23. Từ những ngày đầu, khi đồng bào hải ngoại được tin cuộc biểu tình
Tường thuật về những ngày cùng bà con các tỉnh phía nam biểu tình đòi lại tài sản bị cướp đoạt phi pháp tại Văn Phòng Đại Biểu Quốc Hội 194 Hoàng Văn Thụ
Tôi gọi họ là "Người Việt Gốc Mỹ" bởi vì họ đã sinh ra ở Việt Nam, nhưng cha của họ đều là những chiến binh Hoa Kỳ
Là người mê chơi, nhất là mấy thứ đồ xưa, đặc biệt là những chiếc đồng hồ cổ. Ở Việt Nam thì những lọai này bây giờ đã trở thành hàng hiếm
Quảng trường Tự Do (Freedom Plaza) của thành phố Cabramatta một lần nữa lại bừng lên với cuộc xuống đường
Đây là khu phố sầm uất nhất của người Việt di dân tại quận Cam, tiểu bang California. Từ thành phố Midway, trên đường Bolsa, đi về hướng đông
Pocahontas là con gái của tù truởng Powhatan của bộ tộc Algoquian ở vùng Virginia bây giờ. Truyện tình của anh chàng thủy thủ Da Trắng với cô nàng người Da Đỏ
Tuần qua, chính trường Hoa Kỳ lại om xòm với một vụ tranh luận kép: ngoài tình hình Iraq là việc al-Qaeda có thể sẽ lại tấn công nữa
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.