Hôm nay,  

Kuku, Nhật Ký Dọc Đường...

07/07/200900:00:00(Xem: 4686)

Kuku, nhật ký dọc đường...

Lưu Dân (Sydney - Australia)
Bài 4
Ngày 5 (14.04: Berhala - Air Biru): Quê người chạnh nhớ...
Tuy là ngày "sinh hoạt tự do" trong chương trình nhưng chúng tôi cũng đã tận dụng thời gian để... đi cho biết đó biết đây. Theo lời chỉ dẫn của người dân địa phương, cả đoàn rủ nhau đi bộ đến đảo Berhala kế cận, nơi được biết có vài chục ngôi mộ thuyền nhân VN an táng từ gần 30 năm trước. Nghe "đi bộ đến đảo" có vẻ hơi... là lạ, nhưng thật sự là vậy. Một chiếc cầu đá dài và vững chắc đã được xây từ nhiều năm trước (sau thời người tỵ nạn VN đến đây) nối liền Letung với Berhala cho người đi bộ. Xe hơi nhỏ cũng có thể chạy trên chiếc cầu.
Trên đảo Berhala chỉ có vài ngôi nhà và một đài hải đăng hướng dẫn tàu bè quốc tế qua lại trên vùng biển này. Nơi đây cũng rất gần với hải phận quốc tế và là một "khu vực nhạy cảm" trong tình hình tranh chấp lãnh hải hiện nay giữa những quốc gia lân cận, đặc biệt là từ khi Trung Quốc công bố "bản đồ lưỡi bò" dành phần chủ quyền của họ trên Biển Đông. Chính phủ Nam Dương không ồn ào tranh cãi về tham vọng bành trướng của chủ nghĩa Đại Hán từ phương Bắc nhưng rõ ràng họ đã khẳng định tư cách chủ nhân của mình bằng hành động. Chiếc cầu Berhala và lá cờ đỏ trắng trên đỉnh đảo là một tuyên ngôn không lời, nhưng rõ ràng và quyết liệt biểu hiện ý chí bảo vệ giang sơn của họ.
Chúng tôi đi bộ trên chiếc cầu với một tâm trạng nao nao khi nghĩ về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phần lãnh thổ của tổ quốc nằm rất xa nơi đây đang bị nuốt chửng thô bạo bởi những kẻ từng một thời tự coi như "vừa là đồng chí, vừa là anh em" với chế độ đương quyền ở quê nhà. Tự dưng, chẳng ai bảo ai, những khúc dân ca, những bài hát đánh thức lòng yêu nước và tình tự dân tộc được cất lên, say sưa và xúc cảm, cứ như chúng tôi đang đi trên con đường cái quan Việt Nam...
"Tôi đi từ Ải Nam Quan qua vài ngàn năm lẻ...", "Anh em ta cùng mẹ cha, nhớ chuyện cũ trong tích xưa khi thế gian còn mù mờ...", "Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn, đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang...", "Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi! Ai chiến thắng không hề chiến bại..."
Dường như trời mây non nước Nam Dương cũng cảm thông với tấc lòng hoài quốc của đoàn lữ khách. Ánh nắng buổi sáng nhiệt đới có phần dịu xuống trên lưng áo đã bắt đầu rướm mồ hôi của chúng tôi.
Đến đảo, chúng tôi được viên cảnh sát trưởng Letung dẫn lên một ngọn đồi sát biển để tìm mộ thuyền nhân VN. Dốc đá cao và khá hiểm trở nên anh Trưởng đoàn chỉ đồng ý cho vài người gân cốt tương đối còn vững vàng đi theo. Khi đo bằng mắt, chúng tôi ước lượng chỉ tốn khoảng 10 phút là đến nơi nhưng nhóm tình nguyện đã mất hơn nửa giờ mới lên được đỉnh đồi. Rừng dầy, ẩm và nhiều muỗi. Dù được trang bị bởi những loại nhang mùi, thuốc bôi, thuốc xịt và áo quần khá kỹ nhưng chúng tôi vẫn bị tấn công tới tấp bởi đàn muỗi đói kinh niên. Lạ một điều là chúng chỉ... nhào vào bọn tôi thôi, còn những người địa phương lại an toàn vô sự. Chắc vì... mùi thịt mới chăng"
Sau khoảng nửa giờ tìm kiếm không kết quả, chúng tôi tập trung đến một khoảng trống giữa rừng, cùng đốt nhang khấn vái cho vong hồn những đồng bào còn vất vưởng được siêu thoát trước khi xuống bãi nhập lại với nhóm đang đợi.
Tại đây, chúng tôi được một số người địa phương đến tặng các món quà quý báu: những tấm hình chụp từ hai ba chục năm trước của họ với thuyền nhân Việt Nam. Dù đã phai màu nhưng những tấm hình này là chứng tích không thể phủ nhận được của cuộc bỏ phiếu bằng chân đắt giá nhất trong lịch sử Việt Nam cho tự do và nhân quyền. Có người cho biết những tấm hình kỷ niệm đó là của ông, của cha họ (bây giờ đã qua đời) khi còn làm việc cho Cao ủy Tỵ nạn LHQ hoặc cho các tổ chức nhân đạo quốc tế ở Kuku và Letung. Họ đã giữ những tấm hình đó trên bàn thờ gia đình từ lâu rồi, nhưng nay trân trọng trao lại cho chúng tôi như những kỷ vật để nhớ đến người chết và để nhắc cho người sống. Anh Trưởng đoàn tiếp nhận những tấm hình đó mà bàn tay run run vì cảm động, không nói nên lời...  
Chiếc xe bus chuyên chở học sinh - có lẽ được xuất xưởng từ ngày... Nam Dương khôi phục nền độc lập - đã chờ sẵn bên kia cầu để đưa chúng tôi đến Air Biru, bãi sau của Letung và là nơi được xếp hạng thứ 6 hoặc thứ 7 trong số các bãi biển thiên nhiên đẹp nhất Á châu. (Về sau, tôi mới biết đây là chiếc xe bus duy nhất trên đảo do cựu Tổng thống Suharto tặng cho trường tiểu học Letung khi ông đến kinh lý hòn đảo này từ năm... một ngàn chín trăm hồi đó! Nó được tạm thời "trưng dụng" cho chúng tôi, báo hại các em học sinh hôm đó phải cuốc bộ đến trường. Thật áy náy quá!)
Quả thật, danh bất hư truyền... Bãi Air Biru dài cả chục cây số, cong như cánh cung, được che chở bởi dãy núi sừng sững, bờ cát trắng mịn và thoai thoải tận phía xa. Không cần một lời mời gọi, cả đoàn - nhất là băng từ Âu châu thèm biển từ đời nào - cởi phăng hết... lớp ngoài, phóng mình xuống làn nước mát rượi.
Ở đây, ngoài vài túp lều đơn sơ của ngư dân địa phương, chỉ có dừa và... dê. Mà ngộ thiệt, mấy "ông thầy" cứ lảng vảng quanh quý bà (đúng là cái nết đánh chết không chừa!) để kiếm vài chiếc vỏ dưa hấu hoặc rau cải mang theo cho buổi BBQ trong khi các nàng dê cái lại quấn quít hơn với các ông (xin thề, nói thật 100%) chẳng biết... để làm gì.
Rồi bên lò cá nướng, quanh tấm bạt trải ra trên bãi cỏ, chúng tôi lại văn nghệ dã chiến với chiếc đàn thùng lạc cả giây và những ly "nước mắt quê hương" (dừa tươi pha rượu) chuyền tay đến tận giọt cuối cùng. Ngày xả hơi trôi qua êm đềm đến khi các bà đỏ ửng lên như tôm luộc vì rám nắng và các ông cũng ngật ngừ với hai chai cognac cắc củm mang qua từ Singapore hồi đầu chuyến đi. Anh chàng trùm sò lại ghi sổ: "Lời to rồi, bà con ơi! Ai còn bạc cắc xin cứ tự nhiên đóng góp cho Trần Lão Gia để vớt thêm bonus nhá!" Vẫn biết là câu nói đùa nhưng ai cũng thừa nhận chuyến đi thật... đáng công đáng của.
Đêm xuống Letung nhẹ nhàng và thơ mộng dưới ánh trăng loang loáng cả mặt biển phẳng lì. Vài nhóm nhỏ rủ nhau dạo làng, tặng quà cho trẻ con hoặc ra cầu tàu tâm sự vụn cho trôi bữa cơm tối. Lục đục đến khuya âm thanh trong căn nhà trọ mới chuyển tông từ những chuỗi cười rôm rả sang bản hợp xướng kéo gỗ nhịp nhàng vào đêm cuối cùng ở "Venice của châu Á"...
Ngày 6 (15.04 Keramut - Air Raya): Cầu nguyện giữa trưa
Những bàn tay vẫy chào quyến luyến của người dân Letung tiễn đưa chúng tôi đã phủ màn sương mỏng trên mắt mọi người. Tuy chỉ vài ngày ngắn ngủi nhưng sự mộc mạc và hiếu khách của họ đã để lại kỷ niệm sâu đậm trong lòng chúng tôi. Dù biết cơ hội trở lại nơi này là rất mong manh nhưng tôi tin nếu có điều kiện, bất cứ ai trong đoàn cũng đều muốn đến thăm Letung lần nữa...
Chiếc ca-nô tốc hành đưa chúng tôi đến Keramut, một hòn đảo cách Letung khoảng nửa giờ, để viếng mộ thuyền nhân VN. Keramut nhỏ hơn Letung, cũng mang dáng dấp hiền hòa và yên bình của một làng chài miền xa. Chỉ cách cầu tàu giữa làng chừng vài trăm mét, chúng tôi được dẫn đến hai ngôi mộ chôn cạnh nhau trong vườn của một gia đình ở cạnh bờ biển. Tất cả cùng đến làm cỏ và dọn dẹp chung quanh phần mộ trước khi cầu nguyện với nghi thức tôn giáo riêng của từng người trong đoàn. Chúng tôi cũng gửi một ít quà và nhờ người địa phương chăm sóc cho những ngôi mộ trên sườn núi mà hôm ấy không có đủ thời gian và điều kiện đến thăm.
Theo lời kể của ông Adnan Nala từ hôm trước, chúng tôi tiếp tục đến Air Raya, nơi hàng ngàn thuyền nhân VN đã tấp vào và tạm cư ở đây trước khi trại Kuku được thành lập. Cũng như Kuku, Air Raya bây giờ là một đảo hoang, bốn bề mênh mông hiu quạnh, chỉ còn lại vài cây dừa lão cao ngất. Ca-nô không ủi bãi được nhưng mọi người đều muốn lội nước vào bờ, cứ như sống lại thuở ngày xưa lên đảo...
Chúng tôi đến vào quãng giữa trưa, cát nóng như than hầm dưới chân. May quá, một chiếc tàu tiếp liệu nào đó đã đến đây mấy ngày trước và để lại ít mẩu ván và cột gỗ. Chúng tôi bèn... "xin phép ông địa" để sử dụng các vật dụng này làm bàn thờ cầu siêu cho đồng bào gửi thân trên đảo. Lễ phẩm cúng tế được bày ra đơn sơ trên tấm gỗ ngay trên bãi biển. Những nén nhang và các xấp vàng mả được đốt lên dưới cái nóng rát mặt trên làn da bắt đầu bỏng rộp. Những bài kinh cầu siêu và thánh ca vang lên, ngậm ngùi và thành kính.
Bác Hồ Tắc, đến Air Raya cách đây trên 30 năm, không nén được xúc cảm khi nhìn lại cảnh bể dâu thế sự, nước mắt chảy ròng trên khuôn mặt hằn dấu gian truân của một người từng hai lần trong đời phải rời bỏ quê hương xứ sở để mong tìm một cuộc sống trong nhân phẩm và tình người. Ông xin được thay mặt cho đoàn để khấn vái với những người bạn đồng hành nửa đường nằm lại:
"Quý ông bà, anh chị em ơi... Tôi và gia đình cũng đã đến đây hơn ba mươi năm trước và đã may mắn đến được đất nước định cư. Nay trở lại thăm nơi cũ, lòng dạ não nề trước cảnh điêu tàn hoang phế qua thời gian, bùi ngùi tưởng tiếc những người gửi thây nơi đảo vắng rừng xa trên đường tìm tự do... Tôi xin dâng nén nhang thành kính này để cầu nguyện hương linh quý ông bà, anh chị em nhẹ nhàng siêu thoát, trút bỏ những oan khiên cừu hận để thảnh thơi yên nghỉ nơi chín suối. Xin những hương hồn vất vưởng đầu cây ngọn cỏ ở Air Raya này chứng tri cho tấc lòng của chúng tôi..."


Chúng tôi đứng quanh chiếc bàn thờ dựng tạm, lịm người dưới ánh nắng trưa như đổ lửa mà rưng rưng theo tiếng nấc của người anh vui tính nhất trong đoàn. Mấy ngày qua, tất cả chúng tôi đều nhìn bác Hồ Tắc như một "Lão Ngoan Đồng" vô tư nhất trần gian. Ông đùa nghịch như một đứa trẻ và hòa đồng với mọi người trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Vậy mà, ký ức đau thương về quãng đời đã qua hơn phần tư thế kỷ vẫn còn làm ông day dứt, u buồn...
Chúng tôi đào một hố cát trên bãi để lấp lại tro than như một phần mộ trong tâm tưởng và cũng để tránh cháy rừng vì những cơn gió khô thổi lan sang các bụi cây chung quanh trước khi rời đảo.
Lội ra lại ca-nô, Edi, người dẫn đoàn luôn ở bên cạnh chúng tôi trong suốt chuyến đi, chợt thốt lên một câu trào phúng để xóa bớt không khí lắng đọng sau buổi lễ tưởng niệm: "Các bạn đã đói rồi chắc" Chúng ta ăn trưa ở Thiên đàng nhé" Có ai muốn theo tôi không""
Dĩ nhiên rồi, nhưng Thiên đàng ở đâu"
Edi quay lại xổ một tràng tiếng Nam Dương với tài công và chiếc ca-nô quay mũi đến một hòn đảo nhỏ giữa chập chùng hàng chục hải đảo trong vùng Anambas. Từ xa, mọi người đã ồ lên một tiếng kinh ngạc. Chúng tôi chưa từng nhìn thấy một hải đảo đẹp như thế bao giờ! Hòn đảo như chưa hề có vết chân người, những bụi cây thấp với màu lá xanh mướt như ngọc, hàng dừa lã thân trên bãi cát trắng tinh tít tắp. Và làn nước trong vắt như pha lê, nhìn rõ cả những đàn cá đủ màu nhởn nhơ đẹp như... màn hình computer. Thảo nào, người địa phương đặt tên hòn đảo này là Impol (Waters of God): Nước của Trời!
Thật ra, Edi đã sắp xếp từ trước cho chúng tôi nghỉ trưa ở đây. Anh đã không đắn đo khi phải "chi thêm chút đỉnh ngoài ngân sách" để khoe với du khách về cảnh đẹp của đất nước mình. Ai cũng ngây ngất chiêm ngưỡng tác phẩm toàn hảo này của thiên nhiên. Tôi may mắn đã từng có dịp đến một số hòn đảo đẹp của quê hương mình, nhưng công bằng mà nói, các đảo Phú Quý, Thổ Châu, Hòn Rơm, Hòn Cau... so với Impol còn thua nửa bước.
Chúng tôi "hạ trại" ở đó. Mấy thùng mì xào ớt (độn sò điệp và tôm sú) được mang ra "xử lý" tại chỗ với những ngụm nước dừa tươi ngọt lịm. Ai cũng tưởng cái món truyền thống của Xứ Vạn Đảo đã làm mọi người ngán tận cổ mấy ngày hôm nay, nhưng anh bạn người Huế sành ăn lại so sánh "mì thiên đàng" Nam Dương là kỳ phùng địch thủ với "cơm âm phủ" của đất thần kinh ở Việt Nam. Nhiều người trong đoàn chưa biết món đặc sản Huế nổi tiếng này nhưng ai cũng vét đến cọng mì cuối cùng trong "cái tô" làm bằng nửa trái dừa tươi còn nguyên lớp cơm đúng nạo trơn mềm và béo ngậy...
Rời "Nước của Trời" khi vừa tắt nắng, chúng tôi bắn thẳng về Terempah, "tiền trạm" của chuyến đi, với một tâm hồn và thân xác nhẹ nhàng như được tắm gội từ suối nguồn tinh khiết của thế giới tâm linh huyền diệu và tình người chan chứa trong vùng hải đảo thần tiên này...
Ngày 7 (16.04 Terempah - Batam): Đồng bào bỏ rơi...
Mới 6 giờ sáng mà băng "già quậy" đã ngồi đồng trong quán cà-phê cầu tàu rồi. Giấc ngủ đầy đủ đêm qua đã bơm lại năng lượng tiêu hao mấy hôm nay nên họ tỏ ra sung sức trở lại. Từng nhóm nhỏ lục tục kéo đến nhập đoàn, chuyện trò náo động cả cầu tàu. Chẳng biết chuyện đâu ra mà lắm thế! Ai cũng nói như thể họ bị ông xã bà huyện ở nhà "tắt đài" hàng thế kỷ không bằng...
Như đã hẹn trước, hôm nay chúng tôi sẽ cùng hát khúc "Đèo cao, dô ta..." với cánh xe ôm địa phương đi lên mỏm đồi phía trái của đảo để viếng mộ thuyền nhân.
Khoảng hai chục chiếc xe ôm đủ dạng đủ kiểu do Út Tuấn Hùng ra chợ "bắt mối" ào ào phóng tới đậu nghẹt kín trước quán cà-phê. Chúng tôi nhanh chóng bắt cặp với họ ("Nè, xấu đẹp tùy người đối diện nghe! Không được chọn anh da ngăm tóc quăn đẹp trai kia nhé. Của tôi đấy!" Cái máu tiếu lâm ngầm của các chị bây giờ mới... lộ ra hết). Đoàn xe phóng đi như con rắn dài trườn mình lên đường dốc cao, tiếng động cơ gào rú làm xao động cả một góc đảo. 
Rải rác trong bãi đất bằng trên đỉnh đồi là nơi an táng khoảng ba chục thuyền nhân Việt Nam. Đây là khu đất riêng rộng hàng trăm mẫu của một địa chủ gốc Hoa tử tế từng giúp đỡ người tỵ nạn khi họ đến Terempah hơn phần tư thế kỷ trước. Ông cũng vừa qua đời cách đây vài năm. Theo ước nguyện, phần mộ của ông được đặt trên một mô đất cao giữa những người tỵ nạn vắn số mà ông từng tự tay chôn cất. Ở vị trí này, ông có thể nhìn xuống vùng vịnh đẹp như tranh phía dưới. Ai cũng trầm trồ "quang cảnh trị giá hàng triệu đô-la" (million dollar view) đó và cũng mừng cho vong linh của những đồng bào gửi thân ở nơi tiên cảnh giữa cõi trần gian này.
Hôm nay, chúng tôi may mắn gặp được người con trai duy nhất của ông, một Mục sư hiền lành và thân thiện. Ông nói tiếng Anh khá thông thạo nên chúng tôi cũng đỡ... mỏi tay. Ông kể lại nhiều kỷ niệm thời niên thiếu của mình với người tỵ nạn VN và cho biết ông sẽ hiến tặng phần lớn đất đai của mình để xây trường tiểu học và bệnh xá cho dân địa phương, chỉ giữ lại một khoảnh nhỏ có phần mộ của thân phụ và các thuyền nhân VN trên đỉnh đồi...
Vì không có người chăm sóc trong nhiều năm nên các phần mộ của thuyền nhân VN bị xiêu lạc, mất dấu. Chúng tôi chỉ tìm thấy vài mô đất và tảng đá nhưng không có bia mộ ghi tên người quá vãng. Dân địa phương cho biết phía sau đồi cũng còn dăm ngôi mộ người Việt nữa nhưng đường dốc rất khó đi... Chúng tôi tập họp lại và cùng vị Mục sư hợp tế cho những người được an táng ở đây. Vì là địa điểm tưởng niệm cuối cùng trong chặng đường hành hương, phần nhang đèn và vàng mả còn lại của David mang từ Hoa Kỳ được mang ra đốt hết trong buổi lễ cầu nguyện này trước khi chúng tôi quay về bến tàu.
Khi nghe tin đoàn trở lại Terempah, nhóm ngư dân VN bị bắt mà chúng tôi gặp gỡ trước đó mấy ngày trong chặng đi đã xin phép cảnh sát địa phương đến gặp để tâm tình đồng bào và nhắn tin về nhà. Nói là "xin phép" vì họ đang là những người tù, bị giam lỏng trên hòn đảo này về tội xâm nhập và khai thác hải sản bất hợp pháp trong lãnh hải Nam Dương. Hàng ngày, họ vẫn được ra ngoài làm tạp dịch dưới sự giám sát của cảnh sát Nam Dương để tự nuôi thân bằng mọi việc: khuân vác bến tàu, quét dọn đường xá, phụ hồ xây dựng, khai hoang làm rẫy...
Cuộc đời tù tuy khó khăn (thường khi bị chèn ép và đôi lúc bị đánh đập) nhưng họ vẫn cảm thấy chịu đựng được vì ít ra họ còn được cho phép ra khỏi hàng rào của khu tạm giam để kiếm sống, hòa nhập vào sinh hoạt của người địa phương và hít thở không khí tự do. Điều làm họ đau đớn và tủi nhục hơn là thái độ vô cảm đến mức ghẻ lạnh của nhân viên ngoại giao của chính nước mình.
Tuy đã nhiều lần cầu cứu với Đại sứ quán CHXHCN Việt Nam ở Kuala Lumpur nhưng họ chỉ chạm mặt với một bức tường im lặng khủng khiếp. Cái cơ quan có nhiệm vụ đại diện và bảo vệ cho người dân của mình ở nước ngoài này không hề can thiệp, chẳng màng cử người đến thăm hỏi, thậm chí từ chối luôn cả việc chuyển thư của họ về thân nhân trong nước. Vì không có tiền, không có người bênh vực và lại bị giam giữ ở một hải đảo xa xôi, trường hợp của họ hầu như chẳng ai ở thế giới bên ngoài biết đến.
Đa số trong nhóm các ngư dân này là từ Nha Trang và Vũng Tàu. Họ chỉ là những người "đi bạn" trên các tàu đánh cá viễn duyên đó và không hề biết đã vi phạm luật hành nghề quốc tế. Có người đã ở đây gần một năm, có người mới chỉ vài tháng và tất cả đang chờ đợi ngày ra tòa hoặc phải nộp tiền phạt mới được trả về nguyên quán. Ở Terempah hiện có khoảng 30 ngư dân Việt Nam còn bị giam giữ vì không có tiền chuộc tàu hoặc chưa lãnh án. Chúng tôi cũng được biết số ngư dân VN bị bắt trong vùng này lên đến hàng trăm và đa số đang bị giam giữ ở Tangjung Pinang.
Trong tâm tình đồng bào, nhóm ngư dân VN bị giam ở Terempah kể cho chúng tôi về hoàn cảnh khổ cực và cô đơn của họ qua làn nước mắt: "Nhiều ngày anh em tụi tôi không có việc làm, phải nhịn đói. Ai cũng mong chờ ngày về gặp lại gia đình, nhưng làm sao có được hai ba trăm triệu đồng để nộp phạt" Số tiền đó bằng cả một đời làm lụng của chúng tôi chớ ít sao... Các chủ tàu thì đã phủi tay mà 'Nhà nước mình' cũng làm ngơ. Tụi tôi chỉ biết cầu Trời!"
(Nhớ lại chuyến đi thăm các trại tỵ nạn cũ ở Mã Lai hồi cuối năm 2005, tôi cũng đã gặp một nhóm "lao động xuất khẩu" biểu tình ở Kuala Lumpur vì bị chèn ép và ngược đãi nhưng chẳng hề được Đại sứ quán CHXHCN Việt Nam can thiệp hoặc giúp đỡ. Chẳng biết quý ngài nhân viên ngoại giao ở đó làm chuyện gì, ngoài việc ăn chận tiền cò từ dịch vụ buôn bán nước mắt và mồ hôi của nhân dân cùng khổ.)
Buổi gặp gỡ ngắn ngủi với nhóm ngư dân ở Terempah bị cảnh sát cắt ngang vì "hết giờ thăm nuôi". Chúng tôi góp lại những món quà thực tế để giúp họ qua cơn ngặt nghèo và nhận chuyển những lá thư gửi về nhà với cõi lòng nặng trĩu...
Chuyến ca-nô tốc hành đưa chúng tôi về lại Matak vào buổi trưa nắng đẹp. Cũng như lượt đi, máy bay đến Tangjung Pinang lại... trễ giờ. Ngồi chờ lây lất trong một quán ăn ven đường, anh Trưởng đoàn và Edi cứ quýnh quáng như gà mắc đẻ, vì nếu không kịp chuyến phà chót trong ngày về Batam, chúng tôi phải nằm lại đây và ngủ... màn trời chiếu đất.
Cũng hên, khi mọi người gần như đã... đầu hàng giờ giấc của Air Riau, chúng tôi được báo tin máy bay đã đến và sẽ cất cánh trong vòng 10 phút nữa. Thế là ba-lô lên vai và mạnh ai nấy chạy! Khi người cuối cùng bước qua khỏi cầu thang, máy bay cũng vừa lăn bánh ra phi đạo. Nhờ Edi sắp xếp sẵn, hành lý của chúng tôi gửi lại khách sạn mấy ngày trước đã được chuyển thẳng ra bến phà. Một lần nữa, chúng tôi là nhóm hành khách cuối cùng của chuyến chót trong ngày về Batam, nơi chúng tôi chỉ còn kịp thời gian để nhận phòng ở khách sạn Nagoya và... lăn đùng ra ngủ!
(còn tiếp)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi nghe nhiều người tỏ ý bi quan về hiện cảnh cũng như tương lai (đen tối) của Việt Nam. Dân tộc nào, số phận đó. Một đất nước có những người viết sử và làm luật (cỡ) như ông Dương Trung Quốc thì… đen là phải!
Việt Nam bước vào năm Giáp Thìn 2024 với gánh nặng tham nhũng và một đội ngũ “không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức lối sống. Đó là cảnh báo của người đứng đầu đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc phỏng vấn đầu năm của Thông Tấn Xã Việt Nam...
Từ thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, Triết gia Mạnh Tử (372-289 BC) của Trung Hoa đã nói rằng, “Dân là quý, thứ đến đất nước, rồi tới vua.” Điều đáng nói là Mạnh Tử là người đi theo học thuyết của Nho Gia vốn chủ trương vua là con ông Trời (Thiên tử) được sai xuống nhân gian để trị quốc an dân, vậy mà cũng không thể phủ nhận vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là tối quan trọng của người dân. Thời hiện đại, công pháp quốc tế đã nêu ba yếu tố chính hình thành một quốc gia: người dân, lãnh thổ và chính quyền. Trong đó, thật ra người dân chính là yếu tố then chốt quyết định. Lãnh thổ nếu không có dân ở, không có người quản trị thì không phải là đất nước của một dân tộc. Chính quyền từ người dân mà ra, bởi vì trước khi một người ra nắm quyền cai trị đất nước thì người đó phải là một người dân của đất nước ấy. Hơn nữa, sự thịnh suy của một quốc gia nằm trong tay người dân.
“Phản động lực” mà người Đài Loan thể hiện trong cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi khiến tôi, sau những suy nghĩ miên man về chuyện nước non, lại quay về với bài học yêu nước của thời tiểu học với câu hỏi khó, khiến nhiều học trò gác bút: “Em hãy tìm từ phản nghĩa với ‘tôn đại’.” Trung Quốc càng hung hăng đe dọa bao nhiêu, Đài Loan càng quật cường ngạo nghễ bấy nhiêu. Mà nếu Bắc Kinh ngu ngơ hay vờ vịt không biết gì đến định luật này thì, thầy nào tớ đó, Hà Nội cũng mù tịt hay giả bộ tương tự. Họặc mù tịt như thể đã hoàn toàn miễn dịch trước luật này; hoặc đóng kịch như thể không hề sống trong không gian ba chiều bình thường mà là một môi trường nào đó thiêu thiếu, cơ hồ chỉ… hai chiều rưỡi.
Tôi sinh trưởng ở Đà Lạt (Thành Phố Ngàn Hoa) nên sự hiểu biết về hoa lá cũng không đến nỗi tồi. Thế mà mãi tới bữa rồi, nhờ xem trang Trăm Hoa, mới được biết thêm về một loài hoa nữa – hoa ban: “Mùa hoa nở là lúc các cặp đôi nô nức đến thăm Tây Bắc. Hoa ban trắng tượng trưng cho tình yêu chung thủy và sự chân thành, dù tình yêu có gặp nhiều trắc trở, khó khăn thì cũng tự tin vượt qua và sẵn sàng đi đến bến bờ hạnh phúc. Các cặp đôi yêu nhau thường thề nguyện dưới gốc cây hoa ban như một minh chứng cho tình yêu thủy chung, bền chặt.”
Nhìn vào sự xuất hiện, sinh trưởng và tồn tại của chế độ cộng sản ở Việt Nam, chúng ta không thể phủ nhận đã có sự tương đồng với những thông tin tóm lược vừa nói về bệnh ung thư của con người...
Tôi tình cờ nhìn thấy hình Nguyễn Thúy Hạnh đang lơn tơn đẩy một cái xe cút kít đầy ắp bưởi (trên trang RFA) trong một cuộc phỏng vấn do Tuấn Khanh thực hiện, vào hôm 19 tháng Giêng năm 2021. Bên dưới tấm ảnh này không có lời ghi chú nào về thời điểm bấm máy nên tôi đoán có lẽ đây là lúc mà cô em đang hớn hở đến thăm vườn bưởi của họ Trịnh (ở Hòa Bình) vào “thuở trời đất (chưa) nổi cơn gió bụi”!
Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đang phải đối mặt với cuộc tranh chấp nội bộ trong kế hoạch tìm người kế nhiệm lãnh đạo khóa đảng XIV, nhiệm kỳ 2026-31. Những tranh chấp này được giữ kín để tránh hoang mang nội bộ. Chúng bộc phát ngay tại các Đại hội đảng địa phương và các ban đảng từ tháng 10 năm 2023...
Cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 8 tại Đài Loan đã được tổ chức vào ngày 13/1 với kết quả là ông Lại Thành Đức Phó chủ tịch Đảng Dân tiến (Democratic Progressive Party, DPP) thắng cử...
Chúng ta đang làm nhân chứng cho một cuộc bầu cử kỳ quặc và đa sự chưa từng xảy ra trong lịch sử đầu phiếu ở Hoa Kỳ. Có thể nói, không chỉ lịch sử, mà rộng lớn hơn, chính là "sự cố" văn hóa chưa từng thấy. Bước vào năm 2024, sự tranh đua giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ càng gay go, khốc liệt với âm mưu, độc kế, thủ đoạn, ám toán, bôi nhọ, mánh mung, để xem ai sẽ là chủ nhân của ngôi Nhà Trắng trong bốn năm tới. Tất cả những ý nghĩ, hành vi đó đều gôm vào chính sách, chiến lược và chiến thuật vận động bầu cử. Bạn đọc sẽ có dịp theo dõi các thầy bàn người Mỹ và thầy bàn người Việt (trong và ngoài nước) phong phú hóa, hư cấu hóa, ảo tưởng hóa về việc bầu cử, tạo ra câu chuyện nửa thực, nửa hư, thú vị, bất ngờ với giận dữ và thất vọng, sung sướng và buồn bã, rung đùi và cụng ly, nguyền rủa và chửi bới, vân vân. Thông thường những luận lý, âm mưu, phê phán, dự đoán đó… được mổ xẻ qua kiến thức và kinh nghiệm tây phương, nơi có hàng ngàn sách vở nghiên cứu chính trường, chính đạo,
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.