Hôm nay,  

Chúa Chổm Chơi Cha

12/15/200800:00:00(View: 9119)

Chúa Chổm Chơi Cha

Nguyễn Xuân Nghĩa & RFA
…Thị trường quốc trái là chiến trường không tiếng nổ....
Một tay quái chiêu trong nghệ thuật chính trị là James Carville đã có lời nguyện cho kiếp sau.
James Carville là cố vấn - và tác giả của nhiều đòn chính trị hiểm ác - cho Bill Clinton từ Thống đốc Arkansas lên làm Tổng thống hai nhiệm kỳ. Sau khi đan lượn trong hậu trường chính trị Hoa Kỳ, nhân vật này đã nguyện rằng kiếp sau ông sẽ đầu thai thành một tay có thế lực hơn mọi lãnh tụ hay chính khách: làm một con buôn trái phiếu - làm bond trader!
Trong kinh tế thị trường, như những phù thủy cao tay, loại con buôn ấy mới thực sự quyết định về sự chuyển vận của bạc tiền và thế lực! Bây giờ, vào cuối năm nay, có khi Carville đang cười...
Hoa Kỳ bị khủng hoảng tài chánh - "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" - và khủng hoảng đang thấm sâu xuống kinh tế khiến cả thế giới rúng động. Vụ khủng hoảng bùng nổ vào giữa tháng Chín khi Chính quyền Hoa Kỳ khoanh tay cho tổ hợp đầu tư siêu đẳng Lehman Brothers bị phá sản. Từ đó, hoang mang hốt hoảng trở thành quy luật phổ biến...
Khi thị trường hốt hoảng, mọi người đều có phản ứng thủ thân là ghim tiền lại nghe ngóng tình hình, khiến cho tiền thì có mà vay không được vì không ai dám cho vay. Nạn "ách tắc tín dụng" bùng nổ làm tê liệt thị trường vay mượn tiền bạc và gây họa cho thị trường sản xuất. Trong ba tháng liền, giới hữu trách Hoa Kỳ đã áp dụng mọi biện pháp cấp cứu, từ kinh điển, cổ điển tới bất thường, để khuyến khích mọi người tung tiền ra xài, cho vay, hoặc đi vay để duy trì sinh hoạt kinh tế bình thường.
Một trong những tiêu chuẩn đo lường mức độ an toàn của chuyện vay mượn là lãi suất liên ngân hàng trên thị trường quốc tế, gọi là London Interbank Offered Rate hay LIBOR. Nếu lãi suất này hạ, điều đó có nghĩa là các ngân hàng yên tâm và trở lại sinh hoạt tài trợ bình thường. Trong tháng 11, lãi suất đó tại Mỹ đã hạ tới mức thấp nhất từ nhiều năm nay. Vậy mà sinh hoạt tài trợ vẫn chưa bình thường. Thiên hạ vẫn ngần ngại chuyện vay mượn làm giới hữu trách gãi đầu tìm hiểu: ngần ấy phương thuốc đều được áp dụng mà vì sao thị trường tài chánh vẫn bị tê liệt"
Lúc ấy, ta phải nhìn ra ngoài và tìm ra một tiêu chuẩn đo lường khác, của những phù thủy đã làm một tay quái chiêu như James Carville phải khâm phục: con buôn trên thị trường trái phiếu. Lúc ấy, người viết bài này phải tiến sâu hơn vào một chuyện chuyên môn - và xin cáo lỗi với độc giả.
Thị trường trái phiếu là nơi người ta mua bán giấy nợ ("Tang bồng hồ thỉ nam nhi trái, cái công danh là cái nợ nần", cụ Nguyễn Công Trứ đã dạy như vậy.) Giấy nợ ấy đảm bảo cho người mua một phân lời - yield, đừng gọi là lãi suất - cao hay thấp tùy theo mức độ rủi ro. Trái phiếu càng dài hạn thì phân lời càng cao vì... "mai sau mình biết thế nào" - đường càng xa càng nhiều bất trắc. Khi phân lời tăng thì trị giá của tờ giấy nợ ấy giảm.
Đấy là vài khái niệm xin gọi là chuyên môn để độc giả đừng sợ mà chịu khó đọc tiếp!..
Khi lãi suất liên ngân hàng LIBOR đã giảm mà thiên hạ vẫn chưa dám bung ra vay mượn, người ta phải tìm hiểu lý do và thấy ra một khoảng cách giữa lãi suất này với phân lời trái phiếu. Thí dụ là nếu loại trái phiếu có kỳ hạn ba tháng vẫn đòi hỏi một phân lời cao hơn lãi suất LIBOR tới vài trăm điểm (2,00% chẳng hạn) thì người ta phải thấy là thiên hạ vẫn còn lo sợ, nên khi cho vay trong một hạn kỳ chỉ có ba tháng mà vẫn đòi mức lời cao hơn... Khoản sai biệt ấy, thuật ngữ chuyên môn gọi là "spread" có nghĩa là thị trường tín dụng vẫn chưa yên tâm, còn sợ rủi ro.
Chuyện ấy xảy ra vào đầu tháng 11. Yếu tố rủi ro là một động lực giải thích vì sao thị trường chứng khoán vẫn cứ tuột giá, mặc dù dân Mỹ đầy trí tuệ đã bầu lên một vị cứu tinh rực sáng như Barack Obama!
Đấy là lúc Obama phải học lại bài học của Bill Clinton hay James Carville, rằng chính trường chẳng sai khiến được thị trường và lãnh đạo anh minh vẫn chưa bằng "bọn buôn trái phiếu chết tiệt" ("the fucking bond traders", theo ngôn ngữ huê dạng của Tổng thống Bill Clinton....)
Thế rồi một buổi chiều....
Một tháng sau thôi, một chuyện rất lạ vừa xảy ra.
Hôm mùng chín vừa qua, trong phiên bán đấu giá công khố phiếu Mỹ (trái phiếu do Chính quyền Hoa Kỳ phát hành), giới đầu tư trên thế giới đã ào ào mua vào, với phân lời rất bèo - lãi suất không phần trăm - nghĩa là phân lời âm, còn thấp hơn tỷ lệ mất giá của đồng bạc! Xin viết lại cho rõ: trong khi Hoa Kỳ đang bị khủng hoảng tài chánh và suy trầm kinh tế, trong khi khi bậc cứu tinh sáng thế Obama chưa tạo ra phép lạ - lại còn đang dính chấu về chuyện mua quan bán tước ở tiểu bang Illinois - giới có tiền trên thế giới đã xếp hàng cho Mỹ vay tiền.
Mà không cần lời!
Chuyện rất lạ!


Trong cả năm dài tranh cử, dân Mỹ - và truyền thông ngu ngơ của Mỹ lẫn mấy tay thông ngôn Việt Nam - dông dài nói về sự thoái trào của Hoa Kỳ vì khủng hoảng, tổng khủng hoảng, vì Bush, vì này, vì nọ. Quả nhiên là nước Mỹ khó khá! Nhưng, bên kia sông vẫn chưa là ánh mặt trời.
Sau khi tung hô Obama và ban phát cho Hoa Kỳ nhiều lời dạy bảo vàng ngọc, Âu Châu cũng tự trôi vào khủng hoảng và sẽ còn chìm rất sâu ở dưới đó. Việc đồng Euro sẽ truất ngôi thống trị của đồng Mỹ kim chỉ là giấc mơ hão huyền.
Gương mẫu của Mỹ với mấy lý thuyết quản trị X, Y, Z linh tinh, Nhật đang lùi vào suy trầm, lần thứ sáu trong 18 năm. Vì lãi suất quá hạ, giới đầu tư xứ này đem tiền ra ngoài kiếm lời trong khi khối lượng quốc trái của Nhật đã vượt mọi kỷ lục cổ kim và mỗi tuần Tokyo lại thông báo một mức suy trầm nặng hơn. Hôm mùng 10 tháng 12, khi Ngân hàng Thế giới vừa công bố phúc trình về viễn ảnh kinh tế Đông Á với những dự báo vẫn còn lạc quan - như thường lệ - về kinh tế và ngoại thương Trung Quốc, Bắc Kinh thú thật là lần đầu tiên từ bảy năm nay, xuất cảng của họ bị sụt. Hoa Lục đã hạ lãi suất, bơm tiền kích cầu và áp dụng mọi biện pháp cấp cứu cổ điển mà không tránh nổi chu kỳ thoái trào. Và chưa rõ là có thoát khỏi động loạn xã hội hay chăng.
Trong khi ấy, cả thế giới và nước Mỹ chỉ nói về khủng hoảng Hoa Kỳ!
Vậy mà khi Mỹ chìa tay xin vay, thiên hạ xếp hàng đưa tiền mà khỏi tính tiền lời. Các con buôn trái phiếu vốn không ưa làm chuyện phước thiện mà nay lại bấm bụng cho vay theo kiểu lỗ lã như vậy thì không phải vì yêu nước Mỹ. Họ suy tính cho kỹ thì thấy Mỹ vẫn là nơi có thể trao thân gởi phận. Thà không có lời còn hơn là mất sạch vốn!
Trong kinh doanh, ngoài lợi nhuận thì ai cũng phải nghĩ tới vế đối của vấn đề: mức an toàn. Thí dụ gần gũi là đầu tư vào Việt Nam: có lời rất cao nếu có quan hệ tốt. Nhưng quan hệ ấy là chuyện phù du và rủi ro mất vốn mới là thực tại phổ biến!
Vậy mà chuyện cho Chúa Chổm Hoa Kỳ vay tiền mà khỏi cần lấy lời chưa là chuyện ly kỳ nhất. Ly kỳ hơn cả là chuyện bên trong. Lại xin một chút chuyên môn nữa, xin độc giả thông cảm.
Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ đã kịch liệt cắt giảm lãi suất liên ngân hàng (lãi suất ngắn gạn các ngân hàng cho nhau vay) để giảm bớt phí tổn vay mượn hầu kích hoạt thị trường tín dụng và kích cầu kinh tế. Lãi suất ấy nay đã sát tới xương, hạ thấp hơn thì sẽ thành lãi suất âm. Nhật Bản đã thi hành loại biện pháp ấy trong 10 năm, từ 1991 đến 2002 mà không thoát khỏi nạn giảm phát, hàng họ xuống giá mà vẫn ế. Nguy cơ giảm phát khiến người ta nói đến hiện tượng "bẫy xập tiền tệ": tiền có sẵn mà không ai dám xài và hạ lãi suất cũng vô dụng như đẩy một sợi dây.
Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ bèn áp dụng một bài bản bất thường là in thêm tiền và đem tiền đó bơm thẳng vào doanh nghiệp, hoặc mua trái phiếu. Đó là giải pháp Nhật đã áp dụng từ 2002 đến 2006 và họ gọi là - xin lỗi - "lượng đích kim dung hoãn hoà chính sách" - nôm na kiểu Mỹ là "quantitative easing", hoặc gia tăng mức lưu hoạt tiền tệ một cách có định lượng. Nghĩa là sau khi điều chỉnh tiền tệ bằng "phẩm" là hạ lãi suất, và nói trước là sẽ giữ lãi suất ở mức rất thấp đó mà không xong thì nay họ điều chỉnh bằng lượng. Là in thêm tiền bơm thẳng vào kinh tế.
Giải pháp quái đản ấy tất nhiên có rủi ro gây ra lạm phát, ai cũng nói vậy. Giới hữu trách Mỹ cũng mong thế, mong là dân chúng sợ nạn lạm phát làm tài sản mất giá nên vội đem ra xài!
Chuyện ấy có gì là ly kỳ"
Ly kỳ ở một khía cạnh rất chướng. Đồng Mỹ kim là ngoại tệ được sử dụng phổ biến trên thế giới và nhiều quốc gia có dự trữ ngoại tệ lớn thường giữ đa số tài sản ấy của họ dưới dạng đô la. Bây giờ, Hoa Kỳ đang bị khủng hoảng nên lẳng lặng in thêm tiền ra cứu nguy kinh tế. Thuần về lý thuyết, khi in bạc ra xài thì đồng bạc tất nhiên mất giá, tài sản bằng Mỹ kim của các đại gia thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản hay khối Á Rập bán dầu tất nhiên cũng mất giá. Nếu như vậy, tất nhiên họ phải bán Mỹ kim đi để mua cái gì khác cho khỏi lỗ.
Nhưng mua cái gì bây giờ" Việc họ dồn tiền vào mua Công khố phiếu Mỹ cho thấy là đồng bạc xanh của Mỹ có thể như nhuốm màu cỏ úa, mà vẫn còn xanh hơn nơi khác!
Luân lý ngược ngạo của câu chuyện này, ta có thể tìm thấy tại... Las Vegas.
Bước vào sòng bạc, ta đưa chủ sòng một nắm tiền tươi để đổi lấy đồng "phỉnh" - ai nghĩ ra chữ này là người cực kỳ thông minh! - là những đồng sầu, đồng "chips". Bây giờ, chủ sòng thua bạc quá đậm nên định lại giá trị của đồng phỉnh: "từ nay, đồng xanh trị giá trăm bạc này chỉ còn năm chục thôi nhá!" Tại Las Vegas, ta còn có thể chạy qua sòng bên để thử thời vạn và khỏi bị mất tiền oan như vậy. Trên thị trường toàn cầu, ta còn sòng nào khác hay không"
Cho hay, Chúa Chổm mắc nợ vẫn có quyền chơi cha và cả thế giới đang xúm vào cứu lấy sòng bạc của Chú Sam. Các con buôn trái phiếu hiểu ra điều ấy hơn nhiều vị lãnh tụ anh minh ở trên đời. James Carville nói không sai!

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Nếu một năm trước, ai đó nói với tôi rằng Trump sẽ thoát tất cả tội trạng kể cả đại hình, tôi sẽ cười và nghĩ “ở Mỹ, không ai đứng trên luật pháp.” Rất nhiều người tôn trọng hiến pháp Hoa Kỳ cũng có niềm tin ấy. Nhưng giờ đây, kể cả khi Jack Smith có làm “Câu Tiễn” hay muốn “lùi một bước, tiến ba bước” thì hệ thống tam quyền phân lập của nền dân chủ Hoa Kỳ đã chết dưới thời Trump 2.0.
Kể từ khi Nga tấn công Ukraine vào năm 2022, chính giới phương Tây và các chuyên gia an ninh tranh luận sôi nổi về vấn đề liệu Nga có đe dọa khối NATO và khởi chiến chống châu Âu không. Cho dù đến nay, một cuộc tấn công như vậy chưa xảy ra, nhưng dựa theo tinh thần hiếu chiến và khả năng tiến hành chiến tranh của Nga tại Ukraine, chính giới và công luận cho là Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thử thách sức mạnh quân sự của phương Tây bằng cách tấn công vào một trong các quốc gia ở sườn phía đông của khối NATO. Theo các kịch bản được suy diễn thì diễn biến có thể sẽ hình thành trong 5 đến 8 năm tới.
Nếu bạn để dành một ngày nghỉ hoặc ít nhất, nửa buổi không làm gì, chỉ để suy nghĩ về bản thân. Hãy tự hỏi, sống trong xã hội, trong đất nước, trong nhân loại, bạn thuộc về thiểu số hay đa số? Quan niệm của bạn tương tựa quan niệm chung của đám đông hay bạn có quan niệm sống khác, thường xuyên không đồng điệu hoặc bất mãn với quan niệm tiêu chuẩn mà đám đông tin tưởng?
Cuộc bầu cử năm 2024 đánh dấu một thất bại nặng nề cho Đảng Dân chủ, với việc mất gần bảy triệu cử tri so với năm 2020. Ngay cả ở những thành trì mạnh như California và New York, Kamala Harris cũng mất hàng trăm nghìn cử tri ở các thành phố lớn nhất. Chiến dịch tranh cử của Harris có thể được coi là một thất bại, nhưng câu hỏi đặt ra là: Tại sao lại như vậy? Cuộc tranh luận về nguyên nhân hiện đang diễn ra gay gắt.
Nhà báo Thái Hạo xem chừng rất buồn lòng vì một câu nói của giáo sư Hoàng Ngọc Hiến (“cái nước mình nó thế”) nên lớn tiếng than phiền: “Sự trì trệ, hỏng hóc ... của một quốc gia, một tổ chức hay một cá nhân, tất thảy đều có nguyên nhân của nó. Vấn đề là phải tìm ra, chỉ ra, phân tích ra, dám nhìn thẳng vào sự thật và khuyết điểm mà sửa chữa hoặc làm lại, chứ không phải buông một câu ‘cái nước mình nó thế’ rồi xong
Chênh lệch vẫn còn khít khao, nhưng chiều hướng có lợi cho Derek Trần vì sau mỗi ngày kiểm phiếu, Derek Trần lại bỏ xa Michelle Steel thêm vài chục phiếu từ ngày 16/11/2024 đến nay. Còn lại khoảng hơn 6,000 phiếu chưa kiểm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra người thiên cổ từ ngày 19/07/2024, thọ 80 tuổi. Người thay thế là Đại tướng Công an Tô Lâm, 67 tuổi, quê Hưng Yên. Ông Trọng đã để lại hai gánh nặng “chống tham nhũng” và “xây dựng, chỉnh đốn Đảng” cho ông Tô Lâm.
Trump có thể đạt được một thỏa thuận với Putin, nhưng liệu Putin có tuân thủ thỏa thuận đó hay không vẫn còn là điều đáng ngờ. Putin có nhiều khả năng chỉ đơn giản chơi với cả hai phe với hy vọng rằng Nga có thể theo cách này trở thành quốc gia thứ ba cùng với Trung Quốc và Hoa Kỳ trong một trật tự quốc tế mới đang thành hình.
Robert F. Kennedy Jr. (RFK Jr) cựu đảng viên Dân chủ và là hậu duệ của dòng họ chính trị Kennedy giàu có, danh giá – cháu trai của cựu Tổng thống Mỹ, John F. Kennedy Jr – vừa được Donald Trump đề cử làm Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh. Lewis Grossman, giáo sư luật của American University và là tác giả của “Choose Your Medicine", một cuốn sách về lịch sử sức khỏe cộng đồng của Hoa Kỳ, nói với tờ Alternet: “Chưa bao giờ có ai như RFK Jr., có thể đạt đến vị trí (Bộ trưởng HHS) nơi mà ông ta có thể thực sự hoạch định chính sách.” Kennedy Jr. không có và chưa bao giờ có kinh nghiệm chuyên môn về y tế cộng đồng, y học, hoặc quản lý chăm sóc sức khỏe, là những yếu tố cơ bản phải có của một bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh.
Nhân bầu cử Tổng thống Mỹ nhớ tới bầu cử ở quê nhà Việt Nam. Nhớ, như vào siêu thị nhớ ngôi chợ làng quê. Thấy đồ hộp màu mã đẹp đẽ nhớ thuở đùm thức ăn trong tàu lá chuối. Từ trong truyền thống, nước ta có nền quân chủ đã vài nghìn năm. Vua cha già yếu truyền ngôi cho con, triều đại này suy mạt có triều vua khác anh minh thay thế. Cổ kim, chưa hề có một cuộc bầu cử nào để dân chúng cùng nhau chọn ra một vị đứng đầu nước như thể chế dân chủ.
DB Derek Trần: Tôi làm tất cả để bảo vệ cộng đồng mình trong vấn đề di trú

NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.