Hôm nay,  

Tấm Lòng Của Cô Nữ Sinh Lớp 12a-1

12/11/200800:00:00(Xem: 7509)

Tấm lòng của cô nữ sinh lớp 12A-1
Bùi Văn Phú
Năm Lớp 10 tôi học trường Nguyễn Bá Tòng, Sài Gòn. Niên học sau đó, 1971-1972, trường này chỉ dành cho nữ sinh nên tôi chuyển qua trường mới bên Gia Định, học lớp 11B-4 và trở thành học sinh bậc anh cả của trường vì năm đó trường Nguyễn Bá Tòng, Gia Định chưa mở lớp 12.
Niên học đó cũng là năm của Mùa hè Đỏ lửa, khi bộ đội miền Bắc tràn qua sông Bến Hải tấn công nhiều tỉnh phiá Bắc Việt Nam Cộng hoà.
Năm đó có lệnh đôn quân nên một số bạn, sinh năm 1954 hay trước đó, dù đậu Tú tài I cũng vẫn phải nhập ngũ tòng quân. Rớt thì vào Trường Hạ sĩ quan ở Đồng Đế, Nha Trang, đậu thì đi sĩ quan Thủ Đức. Thời đó câu chuyện thi cử đậu rớt đối với học sinh con trai là một một mốc thời gian của những định mệnh, như trong lời thơ của Nguyễn Tất Nhiên đã được Phạm Duy phổ nhạc: "Ta hỏng tú tài / Ta hụt tình yêu / Thi hỏng mất rồi / Ta đợi ngày đi / Đau lòng ta muốn khóc…"
Chiến tranh gia tăng. Tin chiến sự gửi về thành phố kèm theo những hình ảnh anh hùng. Có "người anh hùng Mũ đỏ tên Đương" hi sinh bảo vệ căn cứ. Có cánh thép Không quân Trần Thế Vinh với thành tích diệt tăng T-54 và đã hi sinh sau nhiều chuyến phi hành vào vùng lửa đạn.
Đại úy Trần Thế Vinh là một đàn anh, một cựu học sinh Nguyễn Bá Tòng, Sài Gòn.
Chiến trường sôi động. Nơi sân trường bọn học trò chúng tôi được lệnh theo học quân sự học đường. Thực ra chẳng thấy súng ống gì. Học sinh được đoàn ngũ hoá, chia thành đoàn, đội và được đặt tên. Vài tuần tập dượt xếp hàng cho ngay thẳng, đi những bước như theo nhịp quân hành. Chỉ có thế. Như là những buổi tập thể dục hơn là huấn luyện quân sự.
*
Sau mùa hè 1972 chúng tôi trở lại trường, vẫn với đồng phục áo trắng đóng thùng trong quần xanh. Lên lớp 12 tôi đổi từ ban B qua ban A như nhiều bạn khác. Học gạo môn vạn vật gỡ điểm dễ hơn chứng minh giải tích, rút đạo hàm hay lấy nguyên hàm.
Bạn bè đa số trở lại trường, nhưng cũng có đứa phải lên đường theo nghiệp đao binh. Trong số bạn thân nhất với nhau là Phạm Văn Thiêm, Trịnh Hoàng Long, Nguyễn Văn Lý và Lê Minh Châu thì Châu trong lứa tuổi đôn quân nên đã phải xếp bút nghiên lên đường vào trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức. Trong thời gian huấn nhục ở Quang Trung, cuối tuần chúng tôi rủ nhau lên thăm Châu để bạn khỏi buồn vì làm "con bà phước", tức là tân binh mà không có gia đình lên thăm.
Niên học 1972-73 lớp 12A-1 học chung với con gái và cũng là lần đầu tiên trong đời tôi học chung với nữ sinh. Cả lớp xôn xao vì những bông hoa biết nói cười.
Nữ sinh trong tà áo dài tung tăng sân trường trông thật dễ thương. Nhưng trong lớp nghịch phá, có hôm chúng tôi cột tà áo của ba cô ngồi gần nhau để tan lớp các cô lúng túng không biết làm sao gỡ ra, rồi được nghe Ngọc Truyền mắng giọng miền nam "Đồ quỷ" đã cho chúng tôi những trận cười thích thú.
Hơn mười năm đi học, từ tiểu học, trung học đệ nhất cấp rồi đến giờ tôi thường là đứa học sinh ngồi ở bàn đầu, nay tự nhiên cùng các bạn lùi xuống phiá sau, nhường những bàn trước lớp cho các cô, không biết vì bọn con trai mang tính ga lăng, hay xuống ngồi phiá sau để dễ phá phách, chọc ghẹo.
Năm đó có mấy nữ sinh được bọn chúng tôi chú ý: Nguyễn Thị Ngọc Truyền, Nguyễn Thị Ngọc Di, Ngô Thị Hằng, Minh Châu và Thuỷ Tiên. Minh Châu trông hiền nhất, dễ thương. Còn Truyền mang cặp kính gọng đen, hay phát biểu trong lớp là con người chất phác như giọng miền nam của cô. Hằng có dáng cao lớn, trông như Tây lai, nghe nói có bà con gì đó với Tướng Ngô Dzu và nhà cô là một ngôi biệt thự trên đường Chi Lăng, gần trường, đi học có người đưa đón bằng xe hơi. Thuỷ Tiên cũng hay thích cười vui, trò chuyện với bọn học trò con trai chúng tôi. Môn triết chúng tôi học với thày Phan Nguyên và thày Lê Phổ. Thày Phổ dạy tâm lí học và thường nhắc đến cụm từ "Nguyên tắc đầu tiên và chân lí". Mỗi lần như thế chúng tôi nhìn nhau tủm tỉm cười vì tên của hai bạn Tiên và Lý được ghép chung.


Đẹp nhất lớp là Ngọc Di, có đôi mắt to đen như cặp mắt bồ câu và làn môi mỏng. Nghe các bạn nói Ngọc Di người Nha Trang vào Sài Gòn trọ học. Ngọc Di ít nói. Tôi nghĩ thế. Hay tại mình thấy người đẹp nên nhát không dám mở miệng nói chuyện thì không biết.
Ngọc Di có người chú là thày Thành, dạy Pháp văn tại trường. Dù thày không dạy chúng tôi nhưng thấy vẻ mặt của thày lúc nào cũng rất nghiêm nên ít ai dám lần mò tìm cách tán tỉnh cô cháu. Có lần tôi đứng nói chuyện với Ngọc Di trong giờ ra chơi, thày trông thấy và tìm cách tách rời. Sau có muốn nói gì thì viết thư, tặng hoa sứ nhặt ở sân trường hay gửi đi những cánh thiệp.
Một hôm chúng tôi nhận được tin không vui. Người yêu của Ngọc Di là một sĩ quan không quân mới trở về sau thời gian huấn luyện bên Mỹ và thường ghé đón Ngọc Di sau buổi tan trường. Thế là mơ mộng của tuổi học trò tan bay.
Lúc đó trong lớp chúng tôi mới biết có một bạn nữa rất say mê vẻ đẹp của Ngọc Di là Nguyễn Duy Nam, tức ca sĩ Duy Nam, là học trò và có giọng ca giống như Duy Khánh. Nam có được một tấm hình nhỏ cỡ 4x6 của Ngọc Di và đem khoe với chúng tôi, nhưng không biết từ đâu. Đến ngày mãn niên học, trường phát hành kỉ yếu thì trong số ảnh của học sinh lớp 12A-1 không có hình Nguyễn Thị Ngọc Di. Không biết làm sao Nam đã có được hình đó từ ban thực hiện kỉ yếu.
Năm đó tôi được nhà trường chọn là học sinh đứng nhất về hạnh kiểm. Nhưng vui nhất là tôi thi đậu Tú Tài II cùng với các bạn thân khác.
Lên đại học được ít lâu chúng tôi hay tin Ngọc Di lấy chồng là anh sĩ quan không quân hay ghé trường ngày trước. Rồi lại có tin những bạn bè ra đi không bao giờ trở lại. Duy Nam chết ngoài chiến trường. Lê Minh Châu mất tích sau khi đồn của anh ở Cai Lậy bị tấn công.
Chiều ngày 29.4 tôi nhảy xuống tàu ở bến kho 5.
*
Sau ba tháng trôi dạt qua các trại tị nạn, tôi định cư ở thành phố Berkeley, California.
Những tháng năm đầu nơi miền đất lạ người Việt tị nạn thường tìm kiếm nhau qua các mục nhắn tin trên báo. Tôi liên lạc được với Ngọc Di, đang ở Florida, là bạn học duy nhất từ trường Nguyễn Bá Tòng đã có thể rời Việt Nam trong cơn biến loạn 30.4. Hỏi thăm gia đình thì Ngọc Di chỉ viết gọn "never, never" như là sẽ không bao giờ còn được gặp lại chồng nữa mà tôi cũng không hiểu tại sao và rồi sau đó mất liên lạc với nhau cho đến giờ.
Tháng trước hay tin Ngọc Di về Việt Nam để lo đem tro than của chồng là cố Trung úy Không quân Nguyễn Văn Lộc qua Mỹ. Tôi điện thoại hỏi thăm và đầu giây bên kia từ máy có giọng của Gina Nguyễn. Tên có khác nhưng dù đã hơn ba mươi năm tôi vẫn nhận ra giọng nói của cô nữ sinh lớp 12A-1 ngày nào.
Đọc những thông tin về chồng của Ngọc Di, tôi xúc động và cảm phục. Lo cho vợ ra đi vào những ngày cuối tháng 4.1975, còn anh ở lại chiến đấu đến giờ phút cuối cùng của Việt Nam Cộng hoà. Khi đất nước không còn giữ được anh cũng như bao nhiêu người lính khác phải đi học tập cải tạo. Trong lao tù anh tìm cách vượt ngục, bị bắt lại và bị bắn chết cùng với một đồng đội khác vào ngày 26.3.1976. Thân xác anh được bạn tù cuốn chiếu, chôn vội nơi ven rừng Long Khánh.
Cảm phục hơn nữa là Ngọc Di vẫn giữ một tấm lòng với người chồng đầu tiên, quyết đi tìm xác chồng từ những chuyến đi Việt Nam đầu tiên trong phái đoàn Hoa Kỳ tìm kiếm người Mỹ mất tích vào giữa thập niên 1980.
Sau bao năm bền bỉ tìm kiếm, hôm 8.11 tro than của cố Trung úy Nguyễn Văn Lộc, cùng với đồng đội là Sĩ quan Không quân Lê Văn Bé, đã được an vị tại Hoa Kỳ trong một buổi lễ truy niệm do gia đình và chiến hữu của các anh tổ chức.
All give some. Some give all. Trong chiến tranh, chúng ta mỗi người đều hi sinh một phần, nhưng có người đã hi sinh tất cả. Đó là những chiến sĩ như anh Nguyễn Văn Lộc. Anh đã sống cho lí tưởng và chết cho quê hương. Xin được nghiêng mình kính phục sự hi sinh đó.
Berkeley, ngày Cựu Chiến binh 11.11.2008

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sau những đòn phép úp mở từ cả hai bên, cuối cùng Hoa Kỳ cũng tiếp đón Chủ tịch Nước của Việt Nam là ông Nguyễn Minh Triết.
Nhà nước Việt Nam là một trong các Chế độ Cộng sản bị Tổng thống George W. Bush lên án trước lương tâm nhân loại trong buổi lễ khánh thành
Tính cho đến nay, đã có tổng cộng 18 ứng viên chính thức ghi danh tranh cử tổng thống Mỹ, trong đó có 10 ứng viên Cộng Hòa và tám ứng viên Dân Chủ
Nội sáu tháng đầu năm nay, trái bóng đầu cơ cổ phiếu Trung Quốc đã ba lần bị xì. Lần đầu vào ngày 28 tháng Hai
Bài phỏng vấn cựu Thủ tướng (TT) và nguyên ủy viên Bộ chính trị (BCT) Võ Văn Kiệt (VVK) của BBC được truyền đi vào cuối tháng 4
Hàn quốc và Việt nam có nhiều nét tương đồng: cùng có lịch sử dựng nước trên 4000 năm, từng bị ngoại bang xâm lấn nhiều lần
Trong thời gian gần đây, giới tiêu thụ Việt Nam bắt đầu bàng hoàng vì hàng hoá Trung Quốc kém chất lượng và thiếu vệ sinh
Vấn đề buôn bán phụ nữ trẻ em ở Thế Kỷ 21 còn tồi tệ hơn buôn bán nô lệ mấy thế kỷ trước đây. Hoa Kỳ rất tích cực trong việc chống nạn
Tính đến năm 2007, Phật Giáo Hòa Hảo đã trải qua 68 năm hành đạo với nhiều nỗi thăng trầm, nhiều lần Pháp nạn, tưởng chừng không thể vượt qua
Ngày nay du khách đến Việt Nam đều hết sức kinh ngạc truớc cảnh tượng người dân, già trẻ, lớn bé
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.