Hôm nay,  

Thị Trường Và Môi Trường

13/06/200700:00:00(Xem: 7614)

...quan niệm sai về chức năng của nhà nước nên đẩy lui vấn đề vệ sinh và ô nhiễm cho các thế hệ sau...

Trong thời gian gần đây, giới tiêu thụ Việt Nam bắt đầu bàng hoàng vì hàng hoá Trung Quốc kém chất lượng và thiếu vệ sinh đã tràn ngập thị trường Việt Nam, trong khi cơ quan kiểm soát an toàn về lương thực và dược phẩm của Hoa Kỳ cũng nêu lên những vấn đề tương tự với các loại thực phẩm nhập khẩu từ Việt Nam. Diễn đàn Kinh tế đài RFA sẽ nhân dịp này đề cập tới việc bảo vệ sức khoẻ và môi sinh trong luồng giao dịch hàng hoá của thị trường, qua phần trao đổi sau đây cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa do Việt Long thực hiện hầu quý thính giả.

Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, chúng tôi xin đề nghị là kỳ này, chương trình chuyên đề về kinh tế của chúng ta sẽ đề cập tới vấn đề an toàn sức khoẻ cho người tiêu thụ, và nói chung, về việc bảo vệ môi sinh trong luồng giao dịch của thị trường.

Sở dĩ như vậy vì hiện đang nổi lên vấn đề hàng nhập của Trung Quốc mất an toàn trong khi cơ quan kiểm soát an toàn lương thực và thực phẩm của Hoa Kỳ cũng đã nêu vấn đề vì lý do tương tự đối với một số thực phẩm nhập khẩu từ Việt Nam.

Chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng mà đáng lẽ nhà cầm quyền tại Việt Nam phải sớm thấy từ đầu, là kinh tế thị trường sẽ khiến nạn ô nhiễm môi sinh cũng lan qua xứ khác qua luồng trao đổi xuất nhập khẩu. Và khi giới tiêu thụ Việt Nam bắt đầu lên tiếng vì sự an toàn vệ sinh của chính mình thì đó là một nhắc nhở cần thiết cho chính quyền, các doanh nghiệp và dư luận.

Hỏi: Như thông lệ, chúng ta sẽ bắt đầu bằng cách nhắc lại bối cảnh của vấn đề.

Thưa vâng, cách đây nhiều năm, khi Việt Nam bắt đầu xuất khẩu nông phẩm và lương thực - tức  là nông ngư thủy sản được chế biến - ra bên ngoài, các nước nhập khẩu đã cảnh báo, và vệ sinh an toàn là một trong những đề mục gai góc nhất Việt Nam đã gặp khi thương thảo việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Trường hợp ấy cũng đặt ra cho Trung Quốc khi họ bắt đầu gia nhập tổ chức WTO vào bảy năm trước. Vì chế độ kiểm phẩm không có, hoặc chỉ có trên hình thức mà không được chấp hành trong thực tế, các nước đang phát triển như Trung Quốc và Việt Nam đã bán hàng độc hại qua xứ khác và khi bị chặn thì tìm cách luồn lách, là trường hợp ta đang thấy tại Việt Nam với các mặt hàng Trung Quốc vì thế giới từ chối thì tuồn qua nước ta.

Chính những quyết định ngăn chặn này mới khiến dư luận suy ngược lại là xưa nay mình đã tiêu thụ những sản phẩm độc hại ngay trong thị trường nội địa mà không biết và đây là một trách nhiệm rất lớn của chính quyền sở tại.

Bốn năm trước, thế giới đã viện trợ kỹ thuật cho Việt Nam hầu giới chức hữu trách sớm ý thức được vấn đề ấy. Nhưng chuyện ý thức là một phản ứng chậm lụt và mặt trái của những báo cáo ngoạn mục về thành tích tăng trưởng là tình trạng tăng trưởng thiếu phẩm chất thường bị các cơ quan cấp viện và quốc gia cầu viện là Việt Nam khoả lấp.

Từ khi xuất khẩu dầu, gạo và cao su lên bước xuất khẩu thịt cá, rau quả hay nước tương, bánh tráng, Việt Nam được báo trước mà vẫn để xảy ra loại vấn đề này.

Hỏi: Có phải như vậy là do kinh tế thị trường đã phần nào để xảy ra điều ấy chăng, chứ trước đây, người ta đâu có thấy loại vấn đề này"

Ta có chứng kiến thấy một hiện tượng như thế ở rất nhiều quốc gia đang bắt đầu phát triển. Khi còn nghèo đói và chỉ canh tác đủ cho nhu cầu tiêu dùng tại chỗ, nông gia hay nhà sản xuất chưa có sáng kiến thuộc loại “thâm canh” để tăng năng xuất và diệt trừ sâu bệnh, cho nên nói chung, họ ít dùng các loại thuốc sát trùng, các chất phụ gia thực phẩm hay hoá chất bảo vệ thực vật, hay kháng sinh. Khi ấy, người ta sống đạm bạc trong nghèo đói, có khi bị nhiễm độc mà không biết.

Hỏi: Thế rồi, khi bắt đầu mở cửa thì mới có vấn đề, hay mới thấy vấn đề phải không"

Sau đó, khi ra khỏi chế độ tự cung tự cấp để mở cửa ra ngoài và thu lợi nhờ giao dịch buôn bán, người ta mới du nhập sáng kiến mới và lòng tham của doanh gia đi cùng sự thiếu hiểu biết hay vô trách nhiệm của chính quyền mới đẻ ra vấn đề vì dư lượng của các sản phẩm châm chế thêm trong tiến trình canh tác, sản xuất và chế biến có những tác dụng phụ rất độc hại mà người ta không biết và nói chung vẫn coi thường.

Một chính quyền mạnh không phải là một chính quyền độc tài mà là một chính quyền có thể thấy trước vấn đề để kịp thời thông tin và ngăn ngừa cho giới tiêu thụ. Một chính quyền yếu thì không thấy, hoặc nếu có thấy thì cũng nhắm mắt bỏ qua vì thiếu trách nhiệm, thiếu người, hoặc thậm chí viên chức nhà nước còn trục lợi nhờ để xảy ra những vấn đề ấy.

Thế rồi, khi tiếp cận với các thị trường văn minh hơn và hàng hoá bị chặn hay bị trả lại, người ta mới giật mình, có khi còn ngụy biện là gặp ác cảm của xứ khác. Nhà cầm quyền Việt Nam cứ tri hô về nạn chất độc da cam do thuốc khai quang của Mỹ gây ra trong thời chiến mà không có nỗ lực thanh tra kiểm soát tiêu chuẩn vệ sinh trong lương thực của mình và gây biết bao chứng tật cho người dân.

Tháng Tư vừa qua, cơ quan lương dược Mỹ là Food and Drug Administration, gọi tắt là FDA đã từ chối nhập khẩu các thực phẩm độc hại của 25 công ty Việt Nam. Ta có thể tham khảo danh sách này trên website của họ (là www.fda.org.gov/ora/oasis/4/ora_oasis_c_vn.html).

Chính là thị trường bên ngoài đã phát giác ra chứ không phải là khuyến khích những việc làm tệ hại như vậy và điều đó cho thấy sự yếu kém về kiểm phẩm của Việt Nam. Trường hợp ngăn cấm như vậy lại không có tại Việt Nam với lương thực và hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc và giới tiêu thụ Việt Nam đang bị đầu độc mà không biết, vì cứ tưởng hàng ngoại tốt hơn hàng ta.

Hỏi: Nhìn từ giác độ kinh tế, người ta có thấy chung một trào lưu thế nào về hiện tượng này"

Ta có thể nói đến một hiện tượng gọi là bắt chước ở ngọn, là hiện đại hoá ngoài da, khi cố thoát cảnh nghèo đói. Thành phần nông gia nghèo túng ở các vùng sâu vùng xa thì tiếp tục canh tác và sinh hoạt theo truyền thống và chưa du nhập những kiến thức hiện đại nửa vời và độc hại.

Thành phần có lợi tức khá hơn và tiếp cận với thế giới bên ngoài thì bắt đầu sử dụng hoá chất trừ sâu rầy hay dịch bệnh cho thực vật và động vật nên trước tiên bị nhiễm độc khi vận trù các sản phẩm,  sau đó, gây bệnh cho người khác khi phân phối hàng hoá lương thực độc hại của mình.

Việt Nam có bị hiện tượng đó và nay đang bị rất nặng vì mức sống có gia tăng và mới vừa đủ kiến thức để bắt chước những giải pháp tai hại, chủ yếu là bắt chước Trung Quốc do nhập khẩu hoá chất phụ gia thực phẩm của Trung Quốc.

Với lề lối làm ăn kém tiêu chuẩn, Việt Nam chưa thể tiến lên trình độ xuất khẩu nhiều sản phẩm như thịt thà, cây trái có giá trị kinh tế cao hơn. Ở bên ngoài, người Việt nào cũng muốn chiếu cố hàng hoá của xứ mình nhưng bây giờ bắt đầu sợ.

Hỏi: Trong kỳ trước, khi nói về hiện tượng ô nhiễm môi sinh và nạn nhiệt hoá địa cầu, chúng ta chưa có dịp đề cập tới một câu hỏi, là phải chăng phát triển kinh tế và công nghiệp hoá mới gây ra vấn đề về môi sinh"

Người ta hay lầm lẫn hai khái niệm là tăng trưởng và phát triển. Việt Nam chỉ có tăng trưởng mà chưa phát triển vì khái niệm phát triển bao hàm ý nghĩa tăng trưởng có phẩm chất. Mới chỉ có lượng chưa lên tới phẩm. Ba mươi năm trước, ta còn thấy xăng dầu bán trong chai ở vệ đường, nay Việt Nam bị ô nhiễm vì xe cộ lưu hành quá nhiều với xăng dầu tràn ngập và giá tương đối rẻ.

Ba mươi năm trước, thiên hạ còn dùng xăng pha chì và có quá nhiều lưu huỳnh độc hại cho sức khoẻ và môi sinh. Ngày nay, thế giới văn minh đã tăng trưởng có phẩm chất và đặt ra tiêu chuẩn cao hơn về các loại xăng không chì, có hàm lượng lưu huỳnh thấp, kể cả trong dầu cặn diesel.

Các nước đã áp dụng tiêu chuẩn vệ sinh về xăng dầu gọi là Euro 4 hay Euro 5, Việt Nam chưa áp dụng tới tiêu chuẩn Euro 2 dù Chính phủ đặt ra thời hạn cho tiêu chuẩn tối thiểu và lạc hậu này kể từ đầu tháng Bảy tới, nhưng bộ Thương mại lại đề nghị ngược là cứ cho áp dụng tiêu chuẩn cũ. Ý kiến xác đáng của bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và nhiều cơ quan chức năng khác không được cứu xét.

Cùng với nạn tiêu thụ sản phẩm độc hại của Trung Quốc, chất lượng xăng dầu quá tệ của Việt Nam là biểu hiệu điển hình của một Chính quyền yếu. Nhiều người đã thấy và nói ra mà chưa khắc phục nổi những rào cản của quyền lợi. Vì vậy, tăng trưởng sản xuất chỉ làm tăng trưởng nạn ô nhiễm môi sinh mà đó không là cái lỗi của thị trường.

Hỏi: Chúng ta bắt đầu bước qua phần giải pháp. Việt Nam cần làm những gì để giảm thiểu vấn đề và khai thác cơ hội trong bối cảnh của hội nhập kinh tế với thế giới sau khi gia nhập WTO"

Tôi thiển nghĩ là Việt Nam đã được cả trăm khuyến nghị của thế giới về những gì phải làm và cần làm ngay, nhưng vẫn bị ách tắc về tư duy và cơ chế.

Về tư duy, chúng ta phải có một cái nhìn tôi tạm gọi là kế toán của phát triển, là cái gì cũng có mặt trái và phí tổn mà mình phải tính cho ra, nhất là loại phí tổn ngầm, do người khác phải chịu. Chúng ta đang gây ô nhiễm cho môi trường sinh sống và tật bệnh cho người dân, nhất là người dân nghèo và trẻ em. Trong khi Việt Nam đổ lỗi cho thuốc khai quang của 35 năm trước thì chính lề lối sinh hoạt kinh tế ngày nay đang sản sinh ra một lượng dioxin vô cùng tai hại cho các thế hệ sau này.

Hỏi: Ông nhắc tới thuốc khai quang , xin hỏi ông là liệu việc cơ quan kiểm soát lương dược Mỹ có quyết định cấm một số lương thực nhập khẩu từ Việt Nam cũng vì Việt Nam sắp có phái đoàn qua Mỹ nêu vấn đề về hậu quả của chất độc da cam không"

Có thể là Hà Nội nghĩ thế theo lối tư duy của lãnh đạo, nhưng các viên chức trong FDA có khi cũng chẳng biết tới việc phái đoàn này hay lãnh tụ nọ của Việt Nam sẽ qua Mỹ. Họ chỉ thi hành nhiệm vụ kiểm phẩm của họ mà thôi, và nếu có chểnh mảng trong công vụ là bị báo chí và giới tiêu thụ than phiền hoặc tố cáo ngay, là chuyện không có tại Việt Nam vì cơ chế hiện hành.

Hỏi: Ông nói qua phần cơ chế, đâu là ách tắc mà ông vừa nêu ra ở trên"

Khi sản xuất và bán ra ngoài một loại sản phẩm tinh vi hơn, ta cần một trình độ tổ chức và phối hợp cao hơn, cũng nhờ đó mà tạo ra lợi tức dồi dào hơn. Thí dụ như khi xuất khẩu sản phẩm hay lương thực từ các loại cây kỹ nghệ, hay chăn nuôi, hay thủy sản, ta đạt lợi ích kinh tế cao hơn cho nhiều người trên cùng một diện tích kinh doanh can tác.

Nhưng điều ấy đòi hỏi một sự phối hợp phức tạp hơn và cơ chế phải thông thoáng, minh bạch và có trách nhiệm thì mới tránh được những phí tổn ngầm, những “ẩn phí” trong sản xuất như người ta nói trong khoa kinh tế, trước khi chúng trở thành một vấn đề công khai và gây phí tổn thật là hàng bị trả, lương thực có nhãn hiệu Made in Việt Nam bị tẩy chay.

Ách tắc về cơ chế ở đây là các cơ quan chức năng lại không làm tròn nhiệm vụ và tự do báo chí lại chưa có để công chúng có thể biết hết sự thật. Người ta có thể viện dẫn lý do là các cơ quan thanh tra hiện thiếu người.

Nhưng vì sao lại thừa công an kiểm soát hành vi tư tưởng của những người có tư tưởng khác biệt muốn đóng góp cho xã hội mà chẳng có ai lo cho sức khoẻ của người dân trong miếng ăn hàng ngày"

Người ta quan niệm sai về chức năng của chính quyền và nhà nước nên đẩy lui vấn đề vệ sinh và ô nhiễm cho các thế hệ sau gánh chịu và đây là một vấn đề của cấp lãnh đạo ở mức cao nhất.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong sự trân trọng niềm tin của tất cả quí vị quan tâm đến tình hình tại Việt Nam trong và ngoài nước, trong tinh thần chia sẻ
Tôi lớn lên trong thời Đệ Nhị Cộng-Hòa, Bố tôi là một viên-chức về hành chánh của Bộ-Nội-Vụ, trụ sở ông làm việc nằm ở góc đường Nguyễn-Du
Sau những đòn phép úp mở từ cả hai bên, cuối cùng Hoa Kỳ cũng tiếp đón Chủ tịch Nước của Việt Nam là ông Nguyễn Minh Triết.
Nhà nước Việt Nam là một trong các Chế độ Cộng sản bị Tổng thống George W. Bush lên án trước lương tâm nhân loại trong buổi lễ khánh thành
Tính cho đến nay, đã có tổng cộng 18 ứng viên chính thức ghi danh tranh cử tổng thống Mỹ, trong đó có 10 ứng viên Cộng Hòa và tám ứng viên Dân Chủ
Nội sáu tháng đầu năm nay, trái bóng đầu cơ cổ phiếu Trung Quốc đã ba lần bị xì. Lần đầu vào ngày 28 tháng Hai
Bài phỏng vấn cựu Thủ tướng (TT) và nguyên ủy viên Bộ chính trị (BCT) Võ Văn Kiệt (VVK) của BBC được truyền đi vào cuối tháng 4
Hàn quốc và Việt nam có nhiều nét tương đồng: cùng có lịch sử dựng nước trên 4000 năm, từng bị ngoại bang xâm lấn nhiều lần
Vấn đề buôn bán phụ nữ trẻ em ở Thế Kỷ 21 còn tồi tệ hơn buôn bán nô lệ mấy thế kỷ trước đây. Hoa Kỳ rất tích cực trong việc chống nạn
Tính đến năm 2007, Phật Giáo Hòa Hảo đã trải qua 68 năm hành đạo với nhiều nỗi thăng trầm, nhiều lần Pháp nạn, tưởng chừng không thể vượt qua
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.