Hôm nay,  

Kyoto Ô Hô

07/06/200700:00:00(Xem: 8379)

...Vĩnh biệt Nghị định thư Kyoto - đi tìm cách khác...

Chính quyền của Tổng thống George W. Bush phạm nhiều sai lầm và trở thành đối tượng bị oanh kích tự do. Chuyện ấy, ai cũng đã biết.

Nhưng, bảo rằng ông Bush không lo cho vấn đề nhiệt hoá địa cầu, không chịu chấp hành các quy định của Nghị định thư Kyoto, hoặc trì hoãn hay phá hoại đề nghị của Liên hiệp Âu châu về kế hoạch ngăn ngừa nhiệt hóa địa cầu - như lý luận của một số dư luận Âu châu và Dân chủ tại Mỹ - người ta phạm lỗi ngụy biện.

Hoặc tệ hơn thế, chẳng hiểu gì cả về mưu lược giữa các nước.

Mười lăm năm trước, tại "Thượng đỉnh về Địa cầu" tổ chức ở Rio de Janeiro (Brazil) vào năm 1992, Liên hiệp quốc đã nêu vấn đề về hiện tượng thay đổi khí hậu và đạt thỏa ước gọi là "Quy ước khung của Liên hiệp quốc về Thay đổi khí hậu" (UNFCCC). Năm năm sau, Liên hiệp quốc bổ túc quy ước chung đó với Nghị định thư Kyoto, thỏa thuận năm 1997. Văn kiện này yêu cầu các nước ký kết hãy tự nguyện cắt giảm khí khải để tránh hiện tượng lồng kính (do địa cầu bị bao phủ bởi một bầu khí nóng khiến nhiệt độ gia tăng và gây nhiều thảm họa cho nhân loại trong tương lai).

Vấn đề ở đây là sự tự nguyện, như Liên hiệp Âu châu tự nguyện cắt giảm khí thải chừng 8% căn cứ trên lượng khí thải vào năm 1990. Hoa Kỳ tự nguyện giảm 7%, Nhật Bản, quốc gia đăng cai tổ chức hội nghị tại Kyoto, nguyện giảm 6%... Vì được đưa ra trong tinh thần tự nguyện, các nước đang phát triển như Trung Quốc hay Ấn Độ, lại không bị ràng buộc. Và Nghị định thư có hiệu lực đến năm 2012, sau đó có thể sẽ được tu chỉnh thành Kyoto II.

Ngày 12 tháng 11 năm 1998, Phó Tổng thống Hoa Kỳ là Al Gore đã thay mặt nước Mỹ ký Nghị định thư (từ nay xin gọi tắt là Kyoto). Nhưng, Chính quyền Bill Clinton không chuyển qua cho Quốc hội phê chuẩn và vì vậy Hoa Kỳ không bị ràng buộc. Lý do rất đơn giản: trước khi văn kiện được đưa ra cho các nước ký kết, thì ngày 25 tháng Bảy năm 1997, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu chống, với tỷ lệ 95-0 (không một Nghị sĩ nào ủng hộ!) Trong số những người chống Kyoto, có các Nghị sĩ Barbara Boxer, John Kerry hay Paul Wellstone, những người tự xưng là triệt để ưu lo về môi sinh.

Họ chống vì không hoàn toàn đồng ý với những kết luận khoa học của văn kiện (khí thải công nghiệp có là nguyên do chính của nhiệt hoá địa cầu không), và vì nhiều quốc gia đang phát triển và thải ra rất nhiều thán khí, như Trung Quốc hay Ấn Độ, lại không bị chi phối bởi Kyoto. Rất nhiều người tranh đấu cho môi sinh, và các Nghị sĩ kể trên, đã tuyên bố rằng Kyoto vô giá trị. Tổng thống Bill Clinton còn khẳng định là phải tu sửa lại văn kiện này rồi mới tính!

Sau khi lên nhậm chức vào tháng Giêng năm 2001, Tổng thống Bush tuyên bố là Hoa Kỳ sẽ không tham giả thảo luận về một thỏa ước mà nước Mỹ không muốn can dự: Hoa Kỳ coi như rút khỏi vòng đàm phán Kyoto kể từ tháng Năm năm 2001.

Lập trường Hoa Kỳ trong vụ này là một lập trường lưỡng đảng, với sự đồng ý hầu như tuyệt đối của hành pháp, lập pháp và cả doanh giới. Cho nên bảo là Tổng thống Bush phá hoại Kyoto hay không quan tâm đến môi sinh - như một số lãnh tụ Dân chủ ngày nay -  hoặc đả kích ông ta là "Toxic Texan" (Tên Texas độc hại - như cách gọi của tổ chức bảo vệ môi sinh rất mạnh ở Âu châu là Greenpeace), người ta đã quên trí nhớ. Hoặc lầm lẫn nguyên nhân với hậu quả. Cũng cần nói thêm rằng 10 năm sau Kyoto, các nước vận động mạnh nhất cho văn kiện này là Âu châu cũng chưa đạt nổi những cam kết của họ từ năm 1997.

Đó là về bối cảnh của vấn đề.

Bây giờ, ta trở lại mâu thuẫn và đòn phép hiện nay giữa Âu châu và Hoa Kỳ về hồ sơ này.

Nhìn từ Âu châu, việc một quốc gia có lượng khí thải của một phần tư địa cầu (là Hoa Kỳ cho tới năm ngoái, năm nay, giải quán quân đó thuộc về... Trung Quốc), không tham gia thảo luận vào một quy ước chung về việc hạn chế khí thải là điều vô cùng bất lợi. Vấn đề ở đây là sức nặng của Mỹ, và kéo Mỹ vào cuộc là một ưu tiên.

Vì vậy, Âu châu phải dụng mưu. Chiêu dụ! Đừng nói đến chuyện cam kết cắt giảm khí thải vội, hãy vào bàn hội nghị đã.

Năm 2005, tại Thượng đỉnh của khối G-8 ở Gleneagles, các nước Âu châu phần nào đạt mục tiêu khi tám nước của khối này (Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Liên bang Nga) đồng ý sẽ nói chuyện về nhiệt hoá địa cầu trong một khuôn khổ quốc tế. Ít ra, Mỹ cũng đồng ý thảo luận khi Kyoto mãn hạn năm 2012.

Đòn chiêu dụ của Âu châu được sự hỗ trợ của các tổ chức bảo vệ môi sinh tại Mỹ. Vì biết rằng Chính quyền Bush sẽ không gia nhập Kyoto và sẽ không ban hành một chánh sách kiểm soát khí thải để bảo vệ môi sinh, họ trông cậy vào áp lực của Âu châu. Trong khi ấy, các doanh nghiệp cũng thấy ra sức ép rất mạnh của các tiểu bang hay địa phương, mỗi nơi lại đưa ra một số quy định mới nhằm kiểm soát lượng khí thải. Chi bằng, giới bảo vệ môi sinh dùng đòn bẩy Âu châu để đề nghị một chánh sách môi sinh toàn quốc khả dĩ thỏa mãn được yêu cầu của doanh giới: thà là có một quy định chung còn hơn là phải chấp hành những đòi hỏi riêng lẻ của từng tiểu bang (như California hay New York trong số 15 tiểu bang đã đi đầu trong việc đối phó với nạn nhiệt hoá).

Mưu đã sâu, nhưng khốn nỗi chệch hướng!

Cả Âu châu lẫn các tổ chức đấu tranh cho môi sinh cứ tưởng rằng sẽ lùa Hoa Kỳ vào cửa Kyoto. Chăn mèo là điều rất khó, huống hồ mèo Mỹ!

Năm 2007 này đánh dấu một biến cố ai cũng có thể thấy từ 2003, là Trung Quốc đã vượt Hoa Kỳ thành quốc gia có lượng khí thải cao nhất thế giới. Nhưng, một chi tiết khác lại lọt khỏi tầm quan tâm của nhiều người.

Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Canada và Austria là năm nước chiếm quá nửa tượng khí thải của thế giới. Đã đành là Trung Quốc và Ấn Độ không tham gia Kyoto, Hoa Kỳ và Austria cũng vậy. Canada có ký kết và phê chuẩn, nhưng Chính quyền mới của phe bảo thủ đang đòi xét lại. Nghĩa là năm nước "bẩn" nhất đều muốn lánh xa Kyoto, và cả năm đều có một đặc tính chung, rửa chân dưới nước trong vòng cung Thái bình dương!

Chính quyền Bush mời các quốc gia này, và cả Nhật Bản - chủ trì hội nghị Kyoto - cùng tham gia nghiên cứu vấn đề. Nếu cắt giảm khí thải là việc khó đạt thì chia sẻ kỹ thuật giảm thiểu khí thải lại là điều hấp dẫn. Ai chẳng muốn hít thở khí trời trong sạch! Nhất là các nước đang phát triển có trình độ tổ chức và sản xuất đầy ô nhiễm. Kế hoạch hợp tác Á châu Thái bình dương để phát triển trong lành hầu bảo vệ khí hậu địa cầu đã ra đời như vậy vào đầu năm ngoái với sự tham gia của năm nước kể trên và Nam Hàn (thành sáu nước trong nhóm gọi tắt là AP6).

Âu châu bỗng thấy ngỡ ngàng. Tưởng rằng kéo Mỹ vào Kyoto với vai trò chủ động của Liên hiệp Âu châu dựa thế Liên hiệp quốc, ai dè Hoa Kỳ chạy qua Á châu! Mưu sâu của Âu châu là kéo Mỹ vào một hội nghị quốc tế để cùng chặn đà nhiệt hoá toàn cầu. Ai ngờ Hoa Kỳ lại có một khuôn khổ quốc tế quy tụ những nước có lượng khí thải cao nhất - ngoài Âu châu.

Thế rồi, trước khi qua Âu châu tham dự Thượng đỉnh G-8, Tổng thống Bush giáng thêm một đòn chí tử khi đề nghị một khuôn khổ quốc tế quy tụ 15 nước thải khí độc nhiều nhất.

Đó là đòn chí tử cho Kyoto, dù là Kyoto I hay Kyoto II, và cho Âu châu. Nghĩa là lạc quan lắm thì Kyoto II sẽ là một trò chơi hoàn toàn Âu châu, với nhau. Nhìn lại cho kỹ thì Kyoto coi như đã bị khai tử từ năm 2005, tại Thượng đỉnh G-8 ở Gleneagle!

Liệu phản đòn của Chính quyền Bush có thành hay không"

Hoa Kỳ dự tính là qua năm tới, 15 nước có khí thải nhiều nhất sẽ đồng ý về một kế hoạch đối phó với nạn nhiệt hoá địa cầu. Kế hoạch ấy sẽ là khuôn khổ hợp tác giữa các nước và là quy định chung cho các doanh nghiệp.

Doanh trường Mỹ tất nhiên ủng hộ kế hoạch vì hai lẽ: ít ra là có luật lệ thống nhất rõ ràng trên một vùng đất rộng lớn là vòng cung Thái Á và nhất là trên lãnh thổ Hoa Kỳ; và kế hoạch ấy còn tạo thêm cơ hội kinh doanh mới là kỹ thuật sản xuất sạch, với những loại năng lượng có khả năng thay thế khoáng sản độc hại (than, dầu khí, v.v...)

Các tổ chức bảo vệ môi sinh thì ngập ngọng. Không lẽ đòi hỏi áp dụng Kyoto, một khuôn khổ không có Hoa Kỳ, và chối từ một khuôn khổ mới, trong đó Hoa Kỳ sẽ giữ vị trí chủ chốt, với sự ủng hộ của các doanh nghiệp Mỹ"

Đảng Dân chủ cũng không thể đòi hỏi nhiều hơn được! Nghị sĩ Barbara Boxer nổi tiếng chống Bush cũng là người ủng hộ kế hoạch của ông, và bất cứ một ứng viên thắng cử nào bước vào Toà Bạch Cung năm 2009 cũng muốn có một kế hoạch "sạch" được 15 nước "bẩn nhất" tham gia.

Còn lại, Âu châu bỗng thấy lạnh lẽo trong lòng. Duy nhất có một trò chơi tập thể khả dĩ khẳng định tư thế của mình, Liên hiệp Âu châu tự nhiên như thấy mình đi xe nhỏ, một mình. Chưa kể là nhiều nước hội viên đã phàn nàn về những ràng buộc quá đáng của Kyoto. Và Ba Lan, một nước Âu châu mới thuộc loại thân Mỹ nhất, còn hăm là sẽ dùng quyền phủ quyết chống Kyoto! Một lá phiếu phủ quyết là Liên hiệp Âu châu hết liên hiệp.

Cho nên, Nghị định thư Kyoto sẽ rơi vào hư vô và các nước lại lục tục nhảy lên con tầu Mỹ, với các nước Á châu ngồi quanh tài công Mỹ. Thứ Sáu này, ông Bush có thể sẽ nói ra điều ấy, theo kiểu Texas của ông. Rằng Hoa Kỳ nhiệt liệt ngợi ca nỗ lực giảm trừ nạn nhiệt hoá địa cầu do nước Đức đang đề xướng, và nguyện tiếp tục theo đuổi mục tiêu của Liên hiệp quốc đề ra tại Kyoto, nhưng theo kiểu Mỹ.

Các quan sát viên Trung Quốc hay Ấn Độ ngồi dưới sẽ hoan hỷ vỗ tay.

Lúc ấy, ta cần theo dõi phản ứng của Pháp, với một siêu Tổng trưởng vốn là nguyên Thủ tướng, nay đặc trách về môi sinh, ông Alain Juppé.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong sự trân trọng niềm tin của tất cả quí vị quan tâm đến tình hình tại Việt Nam trong và ngoài nước, trong tinh thần chia sẻ
Tôi lớn lên trong thời Đệ Nhị Cộng-Hòa, Bố tôi là một viên-chức về hành chánh của Bộ-Nội-Vụ, trụ sở ông làm việc nằm ở góc đường Nguyễn-Du
Sau những đòn phép úp mở từ cả hai bên, cuối cùng Hoa Kỳ cũng tiếp đón Chủ tịch Nước của Việt Nam là ông Nguyễn Minh Triết.
Nhà nước Việt Nam là một trong các Chế độ Cộng sản bị Tổng thống George W. Bush lên án trước lương tâm nhân loại trong buổi lễ khánh thành
Tính cho đến nay, đã có tổng cộng 18 ứng viên chính thức ghi danh tranh cử tổng thống Mỹ, trong đó có 10 ứng viên Cộng Hòa và tám ứng viên Dân Chủ
Nội sáu tháng đầu năm nay, trái bóng đầu cơ cổ phiếu Trung Quốc đã ba lần bị xì. Lần đầu vào ngày 28 tháng Hai
Bài phỏng vấn cựu Thủ tướng (TT) và nguyên ủy viên Bộ chính trị (BCT) Võ Văn Kiệt (VVK) của BBC được truyền đi vào cuối tháng 4
Hàn quốc và Việt nam có nhiều nét tương đồng: cùng có lịch sử dựng nước trên 4000 năm, từng bị ngoại bang xâm lấn nhiều lần
Trong thời gian gần đây, giới tiêu thụ Việt Nam bắt đầu bàng hoàng vì hàng hoá Trung Quốc kém chất lượng và thiếu vệ sinh
Vấn đề buôn bán phụ nữ trẻ em ở Thế Kỷ 21 còn tồi tệ hơn buôn bán nô lệ mấy thế kỷ trước đây. Hoa Kỳ rất tích cực trong việc chống nạn
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.