Hôm nay,  

Ông Bush Đánh Phé

06/01/200700:00:00(Xem: 14728)

Ông Bush Đánh Phé

...Quốc hội đã yên vị, đến lượt ông Bush rút bài...

Trong dịp nghỉ lễ vừa rồi, nhiều người đã đi thử thời vận tại các sòng bạc quanh khu vực. Và không ít người đã bị... hụt vốn. Tưởng rằng đi gỡ bóng đèn Giáng sinh của Casino ai ngờ lại trả tiền điện cho họ. Khi ấy, một số người cầm tinh con cà cuống có thể tự nhủ. Rằng nếu châm vốn đánh thêm, biết đâu mình chẳng thu lại khoản tiền đã mất mà có khi còn lời nữa.

Những con bạc như thế có thể thông cảm với Tổng thống George W. Bush.

Từ cuộc bầu cử vừa rồi, cả thế giới đều kết luận rằng Hoa Kỳ cạn vốn hụt hơi tại Iraq nên  chẳng chóng thì chầy, Mỹ sẽ tháo chạy. Khi thế giới kết luận như vậy, các lãnh tụ Sunni, Shia và Tehran cũng nghĩ vậy và kết luận: hết sợ Mỹ mà cũng chẳng nên tin Mỹ.

Đồng minh của Mỹ tại Iraq hết tin vào sức bảo vệ và lời cam kết của đệ nhất siêu cường, như vậy thì dại gì mà đi vào một giải pháp chính trị tại Iraq"

Kẻ thù thì hết sợ vì Mỹ sẽ rút và mới rút một ít thì lập tức sẽ bị chính trường ở nhà cho là chưa đủ. Nếu giáng thêm vài đòn chết lính Mỹ là ông Bush sẽ cho rút nhanh hơn. Qua 2008 là coi như hết canh bạc.

Kết cuộc thì Iran sẽ khống chế một xứ Iraq tan nát. Cường quốc Hồi giáo cực đoan này sẽ làm gì thì đó là vấn đề của vị Tổng thống Mỹ sẽ nhậm chức vào tháng Giêng năm 2009. Từ nay đến đó, các lực lượng khủng bố Hồi giáo sẽ có điều kiện chuẩn bị cho một đợt tung hoành nữa, bất kể tới khả năng ủng hộ hay ngăn ngừa của Iran. Thế giới sẽ loạn to. Và lịch sử sẽ phán xét: vì thất bại Iraq, ông Bush làm quân khủng bố thắng lớn.

Khi thấy nước Mỹ bị xuất huyết tại Iraq, dân Mỹ đòi gom tiền rút lui khỏi sòng bạc toàn cầu mà họ chẳng hiểu gì về luật chơi. Vì vậy, sau khi Ủy ban Baker-Hamilton đánh trống thổi kèn quảng cáo kế hoạch 79 điểm để tung màn khói đẹp cho ông Bush rút quân, mọi người đều chờ đợi là ông Bush sẽ quyết định rút.

Nếu là một chính khách, ông Bush sẽ làm như vậy.

  Nhưng, George W. Bush không là một vị tổng thống chính khách mà muốn làm một vị tổng thống cách mạng.

Ông muốn đánh Iraq để dằn mặt quân khủng bố mà bây giờ chính mình lại bị dằn mặt ở nhà và để lại một di sản tai hại cho xứ sở. Ông là người sùng tín và tin là Thượng đế  đã trút lên vai mình một trọng trách thì mình không thoái thác được. Ông cũng là một người liều lĩnh, nếu thấy đèn vàng thì đạp xe nhấn tới chứ không đạp thắng. Ông sẽ hành xử theo cách suy tính của mình với Thượng đế, Lịch sử và Quyền lợi Tối thượng của Tổ quốc, v.v...

Vả lại, ông còn trọn hai năm để thực thi quyền hiến định của một Tổng thống.

Sau khi tham khảo ý kiến của mọi giới, ở trong và ngoài chính quyền, ông Bush sẽ đề nghị với quốc dân một chiến lược khác cho Iraq.

Ngược với nhận định của đại đa số, ông Bush không đạp thắng và cài số lùi xe mà sẽ cho xe chồm tới. Những chi tiết được tiết lộ ra cho thấy ông sẽ không rút quân mà đôn quân. Nói cho chính xác hơn, sẽ cho quân chồm tới, nhất là tại khu vực Baghdad. Chữ “surge” phải hiểu là tăng quân nhưng nhất thời thôi.

Trước hết, ông xào lại cỗ bài.

Một số nhân vật của chiến lược cũ sẽ lui. Sau khi Tổng trưởng Donald Rumsfeld phải từ chức, đến Giám đốc Tình báo Quốc gia John Negroponte, Tư lệnh Lực lượng CENTCOM từ Trung Á đến Trung Đông là Tướng John Abizaid và Tư lệnh Lực lượng Iraq là Tướng George Casey đều sẽ nghỉ, Đại sứ Mỹ tại Baghdad là Zalmay Khalilzad sẽ về New York thay ông Bolton...

Như một Gary Cooper đơn độc trong phim High Noon, ông Bush sẽ cô đơn và dũng cảm quyết định lấy. May ra còn có Condi, nếu không quá lo chuyện Bắc Hàn và Trung Quốc.

Thực ra, trong chiến lược đó, ông Bush không phải là người nông cạn hay dại dột.

Ông biết rằng mọi giải pháp đều là bất toàn, không lý tưởng. Trách nhiệm của chính quyền ông là đã vào Iraq và để lại trên bàn cờ những lá bài rất tệ. Vì vậy, ông sẽ không bỏ chạy mà nhồi tiền đánh tiếp.

Trước hết, trong toàn khu vực, Hoa Kỳ đang có một đối tác khó chơi là Iran. Chính quyền Bush đã diệt Saddam Hussein cho các Giáo chủ tại Tehran, lại không làm họ sợ mà ngã xõng xoài tại Iraq. Bây giờ, Iraq có loạn hay trị thì cũng do Iran quyết định một phần. Ba phe Kurd, Sunni và Shia có sống chung được với nhau hay không cũng do “thiện chí” của Tehran đằng sau phe đa số là Shia. Lebanon hay toàn cõi Trung Đông có yên hay không thì cũng do Tehran, kẻ chủ chi cho lực lượng Hezbollah.

Với Hoa Kỳ thì nói chuyện phải quấy với Tehran là điều bất khả - và trước mắt còn bất lợi - về chính trị. Vì vậy, mọi giải pháp ngoại giao với Iran đều tùy thuộc vào thực lực - hay thắng lợi quân sự - của Mỹ tại Iraq. Ủy ban Baker-Hamilton đã ngụy biện khi nói răng trong thời Chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ vẫn nói chuyện với đối thủ là Liên Xô thì vì sao không nói chuyện với Iran" Ngụy biện – và thành phần ưu tú này không dốt nát nên sự ngụy biện chỉ là phép gian manh kiểu Kissinger – vì với Liên Xô, Hoa Kỳ còn có cái thế để đế quốc này e ngại nên mới nói chuyện hoà dịu. Hoa Kỳ không có cái thế ấy với Iran vì đã tuột xích tại Iraq và vì thế giới bạc nhược lẫn Liên hiệp quốc đều không làm cho Tehran phải nhượng bộ.

Muốn gián chỉ Iran về chính trị thì phải có đòn bẩy quân sự tại Iraq. Nhưng, tại Iraq, Hoa Kỳ còn có thể làm được gì"

Một là leo thang chiến tranh, đôn thêm quân với một số lượng đáng kể để bẻ gãy hoạt động phá hoại của cả hai phe Sunni và Shia hầu đối thoại chính trị sẽ thay thế bom bay đạn nổ. Quân lực Hoa Kỳ hiện đã bị căng mỏng tới mức nguy ngập. Thời Bill Clinton, nước Mỹ không thể đương đầu một lúc với hai cuộc chiến, ngày nay, Hoa Kỳ đang có hai cuộc chiến đã bước vào năm thứ tư. Và Quân lực Mỹ có những đơn vị tinh binh hiện đại mà không thể có... lính bảo an, cán bộ xây dựng nông thôn hay nhân dân tự vệ để canh chợ cho dân Iraq học tập dân chủ.

Giải pháp thứ hai là theo đề nghị của Baker-Hamilton, hoặc trường phái Kissinger thời Việt Nam, là bắt đầu rút quân, với màn hoả mù đậm hay lạt để che giấu cuộc tháo chạy tùy theo tình hình chính trị tại Mỹ, hơn là tại Trung Đông. Khoảng trống ấy sẽ do Iran đảm đương phần lớn. Các nhà ngoại giao thuộc xu hướng tháo chạy kinh niên đều sẵn sàng tìm ra ra lý lẽ cao đẹp để biện giải cho việc thất trận. Ông Bush biết vậy, cận thần của phụ thân ông đều khuyên như vậy, nhưng ông không là George H. Bush nên mới tìm kế khác.

Kế ấy có thể là giải pháp thứ ba, rút mà không ra. Hoa Kỳ chính thức chấm dứt kế hoạch bảo vệ an ninh cho dân Iraq xây dựng dân chủ, tức là sẽ không dàn quân bảo vệ vùng sinh hoạt của dân chúng và lãnh đạn oan nữa. Đó là rút. Nhưng không ra, vì sẽ đồn quân tại các căn cứ được bảo vệ rất vững để can gián mọi trò phiêu lưu nguy hiểm trong cả khu vực. Nôm na là tái phối trí các đơn vị từ thành phố về các hậu cứ ngoài sa mạc.

 Ngần ấy giải pháp đều có nhược điểm.

Leo thang chiến tranh - đổ thêm năm bảy sư đoàn vào chiến trường Iraq - là chuyện bất khả. Huống hồ là vài trăm ngàn quân cũng chưa thể thắng được hình thái chiến tranh phá hoại và nổi dậy khi mà chính trường và chính khách Hoa Kỳ chủ yếu vẫn chưa hiểu gì về hình thái chiến tranh ấy – dù đã có chuyện Việt Nam! Nước Mỹ không được giáo dục và chuẩn bị cho loại chiến tranh đó nên chỉ biết và muốn đánh nhanh rút gọn thôi.

Khi phải dành chừng 10 sư đoàn cho chiến trường Iraq thì điều ấy có nghĩa là năm sư đoàn đang thực sự đảm đương trách nhiệm, các sư đoàn kia thì đang hồi phục sau kỳ hạn tham chiến, hoặc chuẩn bị lau súng ra về nghỉ ngơi. Nếu lưu giữ các đơn vị này lâu hơn hoặc vét quân ở nơi khác vào thì bộ máy chiến tranh sẽ kiệt sức và lãnh đạo quân đội sẽ khủng hoảng. Khi ấy mà lính Mỹ bị tổn thất nặng hơn nữa thì cả dân lẫn quân đều nổi loạn.

Quy luật ở đây là công chúa mà bị đứt tay là Tổng thống Mỹ bị mắng. Các tướng lãnh trong Ngũ giác đài hẳn đều biết vậy và nói thế với vị Tổng tư lệnh. Nhưng họ sẽ phải chấp hành quyết định của Tổng thống.

Giải pháp rút quân thì khiến cả hai phe Sunni và Shia chẳng cần hòa giải hợp tác với nhau nữa. Họ chờ Mỹ rút là sẽ choảng nhau và muốn cho Mỹ rút nhanh thì cứ choảng ngay các đơn vị Mỹ. Chẳng ai muốn là người lính hy sinh sau cùng trong một cuộc chiến đã tàn nên rút quân kiểu Baker vẫn chỉ là tháo chạy, sau khi cầm hơi cho cho đến 2008.

Giải pháp tái phối trí – rút mà không ra – là điều ít tệ nhất, nhưng vẫn có nhược điểm là để lại một số căn cứ như cá trên thớt, trong thế thụ động. Nó chỉ có giá trị nếu các phe lâm chiến và các nước liên hệ đồng ý được với nhau về một thỏa thuận lâu dài chừng vài năm. Và biết sợ Mỹ.

Suy đi tính lại thì cuối cùng, ông Bush chỉ còn một cách là lại dằn mặt các lực lượng hung đồ với một số đơn vị được nhất thời tăng phái vào khu vực Baghdad, và trì hoãn kỳ chuyển quân của các đơn vị mãn hạn. Quân số được nhồi thêm là bao nhiêu thì người ta chưa biết nhưng về cả mặt chính trị lẫn khả năng, ông Bush không còn nhiều vốn. Lý tưởng thì phải ba chục ngàn, nhưng xác suất cao sẽ là từ 10 đến 20.000 quân mà thôi.

Giải pháp ấy sẽ mua được cho ông Bush một số vốn chính trị khi các phe lâm chiến biết sợ mà chịu ngồi lại với nhau và nếu các đơn vị Mỹ thành công thì họ đành đồng ý với kế hoạch tái phối trí, rút mà không ra, hầu Hoa Kỳ triệt thoái khỏi Baghdad trong thế mạnh và giữ vị trí trọng tài ngoài sa mạc. Nếu đạt được kết quả ấy, ông Bush có thể trả lại cho đảng Cộng hoà một chút hy vọng tranh cử năm 2008. Quá nhiều chữ “nếu”, quá nhiều điều kiện tất yếu.

Tuy nhiên, nếu nhồi quân để lấy thành quả trước mắt làm cái trớn tái phối trí cho lâu dài thì chính quyền Bush phải có một kế hoạch quy mô cho thời kỳ gọi là lâu dài đó. Chưa ai thấy kế hoạch đó thành hình hay đề nghị. Saudi Arabia có thể hài lòng với giải pháp đó, miễn là Mỹ đừng nói rằng để bảo vệ xứ này! Hoàng gia Saudi muốn được Mỹ bảo vệ mà nín thinh để dân Hồi giáo và al-Qaeda khỏi nổi giận. Còn Iran" Nếu chính quyền Bush không có một kế hoạch quy mô được Quốc hội ủng hộ thì các đơn vị Mỹ cố thủ trong căn cứ ngoài sa mạc chưa đủ là thế lực trọng tài mà có thể là con tin bên cạnh một Iran sẽ có võ khí nguyên tử.

Quân lực Hoa Kỳ đã có mặt như vậy tại nhiều nơi trên thế giới và là sức ổn định đáng kể trong thời Chiến tranh lạnh. Giờ đây sự thể đã khác. Tổng trưởng Rumsfeld hiểu vậy nên mới muốn tái phối trí các đơn vị Hoa Kỳ tại biên giới Nam-Bắc Hàn xuống miền Nam, xa hẳn tầm đạn nguyên tử của Bình Nhưỡng.

Ông Bush không thể không biết những chuyện ấy.

Nhưng, ông là Tổng thống và đang ngồi trước một canh bạc lớn của toàn cầu. Người khác thì có thể nghĩ đến việc rút lui để bảo toàn những đồng bạc cuối. Ông Bush không lui và nhồi tiền đánh tiếp. Một sự liều lĩnh rất đáng kính trọng, nếu như ông thắng và lấy lại được những gì đã mất.

Vận đỏ đen là điều gì đó mà chỉ có thần đỏ đen biết được, nhưng chưa thấy đấng tối cao ấy chia bài ra sao thì đã có tin Giáo chủ Ali Khamenei đang đến giai đoạn cuối của bệnh ung thư và Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad ưa ồn ào khạc ra lửa cũng đến hồi cuối của sự nghiệp chính trị. Ahmadinejad đi càng sớm nếu người đỡ đầu là Khamenei về với Allah. Vì vậy, nội năm nay, Iran có thể có lãnh đạo mới. Nhiều phần sẽ là một nhân vật ôn hoà vừa thắng cử tại cơ chế tối cao của Iran là nguyên Tổng thống Ali Akbar Hashemi Rafsanjani. Nước bài của ông Bush vì vậy có khó thì cũng chưa hẳn là tất bại.

Còn nếu như ông thua, Hoa Kỳ sẽ trở lại vị trí mà Ủy ban Baker-Hamilton đã đề nghị.

Và đội nón sắt chờ quân khủng bố.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong bài viết “Thế thời không phải thế” đăng trên Việt Báo ngày 4 tháng 4 về sau 100 ngày hành xử của tổng thống Trump (*), tôi có dự đoán rằng bên Dân Chủ sẽ giữ thế im lặng nhiều hơn lên tiếng ồn ào chống những việc làm của ông Trump và đảng Cộng Hòa vì muốn ông Trump tự sa lầy dẫn đến hậu quả đảng Cộng Hòa sẽ bị mất ghế, mất chủ quyền đa số trong lưỡng viện quốc hội quốc gia. Cho đến nay gần sáu tháng tổng thống, ông Trump vẫn tiếp tục gây hấn với thế giới và một số lớn thành phần dân chúng Mỹ và đảng đối lập vẫn giữ sự im lặng, thỉnh thoảng vài người lên tiếng một cách yếu ớt, kiểu Tôn Tẩn đối phó với Bàng Quyên.
Ngày 12/6/2025, từ văn phòng làm việc tại gia của mình ở Washington DC, ký giả, xướng ngôn viên kỳ cựu gần 28 năm của ABC News, Terry Moran loan báo đơn giản: “Có lẽ các bạn đã biết, tôi không thuộc về nơi đó nữa. Tôi sẽ ở đây, tại nền tảng Substack này. Có rất nhiều việc mà tất cả chúng ta cần phải làm trong thời gian đất nước quá nhiều vết nứt. Tôi sẽ tiếp tục tường thuật, phỏng vấn, để gửi đến các bạn sự thật, với tư cách là một nhà báo độc lập. Tôi là một ký giả độc lập.” Từ hôm đó, Terry Moran chính thức bước ra khỏi “luật chơi” của truyền thông dòng chính. Và cũng ngay ngày hôm đó, Terry Moran là danh khoản xếp thứ hạng đầu tiên (#1) về số người theo dõi (follower), số “subscriber” trả phí theo tháng và năm.
Ngày 2/7/2025 Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump thông báo ngắn gọn trên mạng xã hội Truth rằng Việt-Mỹ đã thỏa thuận để Hoa Kỳ áp thuế 20% lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam và 40% trên hàng hóa trung chuyển qua Việt Nam; ngược lại Việt Nam đánh thuế 0% vào hàng hóa mua của Mỹ...
Ngài tự nhận trọn đời ngài chỉ là một nhà sư đơn giản, nhưng sóng gió tiền định đã đưa ngài vào ngôi vị Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 để gánh vác chức lãnh đạo cả đạo và đời cho dân tộc Tây Tạng từ khi ngài còn thơ ấu. Ngài từ những ngày mới lớn, miệt mài tu học theo lời Đức Phật dạy về hạnh từ bi và trí tuệ, nhưng từ khi chưa đủ tuổi thành niên đã chứng kiến khắp trời khói lửa chinh chiến để tới lúc phải đào thoát, vượt nhiều rặng núi Hy Mã Lạp Sơn để xin tỵ nạn tại Ấn Độ.
Zohran Mamdani tuyên bố tranh cử thị trưởng New York vào tháng 10/2024. Khi đó, phần lớn New York vẫn không biết đến vị lập pháp tiểu bang 33 tuổi này là ai. Ngày 1/7/2025, Zohran Mamdani chính thức đánh bại cựu Thống đốc Andrew Cuomo, chiến thắng vòng bầu cử sơ bộ cuộc tranh cử thị trưởng New York vào tháng 11/2025.
Tồn tại qua hơn hai thế kỷ, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ chưa bao giờ là một cánh cửa vô tri. Mỗi nhiệm kỳ Tòa để lại một dấu ấn ảnh hưởng đến đời sống người dân. Có nhiệm kỳ, Roe v. Wade1 mất hiệu lực, tòa cắt quyền phá thai khỏi tay người phụ nữ, coi như món nợ trả về từng tiểu bang, tự lo tự liệu. Có nhiệm kỳ, cánh cửa Affirmative Action2 sập lại, đám trẻ da màu nghèo khỏi cơ hội cầu tiến. Có nhiệm kỳ, Tòa thả lỏng súng đạn, cãi vã sân trường cũng đủ gây đổ máu3. Nhưng cũng đã có những nhiệm kỳ Tòa đứng thẳng lưng, bảo vệ người dân buộc Bạch Ốc Nixon phơi ra hồ sơ mật với Pentagon Papers
Nelson Mandela (1918-2013), quán quân Giải Nobel Hòa Bình năm 1993, nhà hoạt động chống chế độ phân biệt chủng tộc bị tù 27 năm, và là vị tổng thống người da đen đầu tiên được bầu trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên của nước Nam Phi vào năm 1994, đã từng nói rằng, “Giáo dục là vũ khí có sức mạnh nhất mà bạn có thể sử dụng để thay đổi thế giới.” Hơn ai hết, Nelson Mandela là người không những hiểu rõ giá trị thực sự của nền giáo dục mà còn áp dụng kiến thức đó trong việc làm thay đổi đất nước và dân tộc Nam Phi của ông. Ông đã dẫn dắt Nam Phi từ một quốc gia ngập chìm trong bóng tối của thù hận, phân hóa và lạc hậu để vươn mình lên trong ánh sáng của đoàn kết, hòa bình và phát triển.
Hoa Kỳ đã tấn công Iran. Chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gợi ý rằng có thể trì hoãn bất kỳ hành động quân sự nào của Mỹ trong nhiều tuần, ông tuyên bố vào ngày 21/6 rằng máy bay Mỹ đã tấn công ba địa điểm hạt nhân của Iran, bao gồm cả cơ sở bị chôn sâu ở Fordow. Các quan chức Iran xác nhận rằng các cuộc không kích đã diễn ra. Mặc dù ông Trump khẳng định rằng các địa điểm này đã bị "xóa sổ", nhưng vẫn chưa rõ các cuộc tấn công đã gây ra thiệt hại gì.
Jena, Louisiana – một thị trấn 4.000 dân lọt thỏm giữa rừng thông – nơi bảng hiệu đầu làng ca ngợi đội bóng nữ vô địch của bang, nhưng cách đó chỉ ba dặm, sau hàng rào kẽm gai và lời Kinh Thánh treo lủng lẳng, là Trại Giam ICE đồ sộ - do GEO Group điều hành. Nơi đây hiện giam giữ hơn 1000 người – phần lớn chưa từng bị kết tội hình sự, nhiều người chỉ là dân đang xin tị nạn hợp pháp, số còn lại chưa kịp hiểu vì sao mình bị bắt...
Tại sao Trump lại vội vàng ban hành hàng loạt sắc lệnh hành pháp và chính sách mới như vậy?AI: Có hai lý do.Đầu tiên, tổng thống vội vàng vì nếu có bất kỳ điều gì sai trái xảy ra vào đầu nhiệm kỳ, ông có thể đổ lỗi cho chính quyền trước và nhà nước (những người làm việc cho ông). Nếu để lâu, những điều sai trái sẽ là trách nhiệm của ông, và Trump không thích chịu trách nhiệm.Thứ hai, ông biết trong hai năm nữa, đảng Cộng hòa sẽ mất quyền kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử quốc hội và ông sẽ trở thành què quặt. Ông cần phải hoàn thành mọi việc ngay bây giờ. Ông muốn tập trung vào các doanh nghiệp của mình trong hai năm cuối nhiệm kỳ tổng thống,
DB Derek Trần: Tôi làm tất cả để bảo vệ cộng đồng mình trong vấn đề di trú

NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.