Các Hãng Nước Đóng Chai Mỹ Bị Tố Dùng Nước Máy Vô Chai
Phẩm chất nước uống hiện nay đang là đề tài sôi bỏng, liên quan tới vấn đề môi sinh. Ký giả Michael Blanding đề cập tới phẩm chất nước qua câu chuyện của Antonia Mahoney. Bà kể: 'Khi từ Puerto Rico tới Boston 35 năm về trước, cảm nhận đầu tiên của tôi là nước uống ở đây có vị thật ngon. Trải qua nhiều năm tháng đến nay thì dòng chảy từ cái vòi nước của tôi không có vẻ gì là mời mọc nữa.' Một giáo sư trung học về hưu cũng xác nhận như vậy qua lời tâm sự: 'Mỗi lúc một ít, vị nước dùng đã đổi thay,' rồi bà không thèm xài nước máy và bắt đầu mua nước đóng chai nhãn hiệu oland Spring. Bà trả mỗi tháng khoảng 30 đô, được giao nước tận nhà.
Nhưng sau đó bà phát giác ra rằng nước mua hàng tháng để uống không khác gì nước máy từ vòi ở nhà. Bà đã ngưng mua Poland Spring.
Không chỉ có Mahoney. Một sinh viên trường Đại học cộng đồng Massachusetts tới từ Connecticut cũng nói rằng cô trước đây chỉ uống nước đóng chai, và chỉ hàng đống chai chất trong thùng cao. Nhưng sau khi thử xài nước máy, cô quyết định không uống nước chai vì 'vị nước không có gì khác nhau cả.'
Kellett là người đứng đầu chiến dịch vận động của tổ chức vô vị lợi, Corporate Accountability International (CAI), nổi tiếng từ chiến dịch chống thuốc lá trong thập niên 1990. Hiện nay tổ chức này bắt đầu một chiến dịch vận động người dân Mỹ xóa bỏ nhận thức cho rằng nước đóng chai có vị ngon hơn, hoặc tinh khiết hơn nước máy. Bà cho rằng vấn đề đấu tranh không đơn giản chỉ vì cái giá bán 1.50 đô mỗi chai nước ở các cửa hàng địa phương, mà vì quyền lợi căn bản của con người.
Trong thập niên qua, thị trường nước đóng chai ở Mỹ đã tăng gấp đôi, hơn cả nước trái cây, sữa và bia để trở thành loại giải khát nổi tiếng hàng đầu, chỉ sau các loại rượu nhẹ.
Một cuộc thăm dò của Viện Gallup hồi năm 2003 cho thấy, cứ 4 người Mỹ thì có 3 người uống nước đóng chai, và cứ 1 trong 5 loại thức uống được sử dụng nhiều nhất trên thị trường là nước đóng chai. Beverage Marketing Corporation ước tính người tiêu thụ đã chi khoảng 10 tỉ đô cho nước đóng chai trong năm rồi, với mức tiêu thụ trung bình khoảng 26 gallon mỗi người. Trong cùng thời gian này, các công ty cũng đã chi khoảng 70 triệu đô hàng năm để quảng cáo mạnh cho sản phẩm của họ. Điển hình là các nội dung quảng cáo của Aquafina, chẳng hạn như là 'nước uống tinh khiết nhất,' hay của Dasani là 'tinh khiết khi bạn dùng loại nước này.'
Theo Kellett, thật ra thì vấn đề không chỉ là nước máy có cùng mùi vị với nước đóng chai mà quan trọng là nước máy cũng có cùng một mức độ an toàn. Đó là sự thật mà người tiêu thụ không hề biết. Bà nói: 'Họ đã sử dụng hàng chục triệu đô mỗi năm để làm xói mòn lòng tin của chúng ta đối với nguồn nước máy, trong khi sự thật là hệ thống nước ở Hoa Kỳ hiện nay được xác nhận là tốt hơn là nước đóng chai.' Cũng theo bà, nước máy được Tổ Chức Bảo Vệ Môi Sinh (Environmental Protection Agency - EPA) xác nhận là đạt phẩm chất, đặc biệt là đạt mức hạn chế nghiêm ngặt về hóa chất và vi khuẩn hiện diện trong nguồn nước, đạt các tiêu chuẩn theo quy định của các tổ chức chính phủ.
Một nghiên cứu năm 1999 của Hội Đồng Bảo Vệ Nguồn Tài Nguyên Quốc Gia (National Resources Defense Council) thử nghiệm 1,000 chai nước đã phát hiện: một số nhãn hiệu nước đóng chai vi phạm tiêu chuẩn quốc gia về lượng vi khuẩn độc hại cho con người, và một số nhãn hiệu khác có chứa hóa chất gây hại, như arsenic (thạch tín) chẳng hạn. Phúc trình này kết luận: nước đóng chai không an toàn hơn nước máy.
Và thực tế cũng có nhiều loại nước đóng chai lấy từ …nước máy, hoàn toàn trái ngược với hình ảnh diễn tả cảnh nước chảy vào chai từ những con suối ở trên núi đổ xuống…Hơn ¼ lượng nước đóng chai thực ra là từ nước máy của thành phố. Kỹ nghệ nước đóng chai hiện nay nằm trong sự chi phối của ba công ty lớn, kiểm soát phân nửa thị phần là Coca Cola (với nhãn hiệu Dasani), Pepsi (sản xuất nhãn hiệu Aquafina) và Nestlé (sản xuất một vài nhãn địa phương gồm Poland Spring, Arrowhead, Deer Park, Ozarka và Calistoga). Cả Coke và Pepsi đều độc quyền sử dụng nước máy để sản xuất nước trong khi Nestlé chỉ dùng nước máy trong một số nhãn hiệu mà thôi.
Dĩ nhiên là Coke và Pepsi đều có sử dụng một số kỹ thuật để tinh lọc nước máy, và cả hai đều xử lý lại bằng ozone để làm cho nước trở nên tinh khiết. Tuy nhiên, xử lý bằng ozone có thể gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu thụ vì phải đồng thời sử dụng một loại hóa chất là bromate, là chất gây ra ung thư. Trong Tháng 3-2004, Coca-Cola bị buộc phải thu hồi gần 500,000 chai nước Dasani ở Anh vì chứa quá nhiều hóa chất quá tỉ lệ cho phép. Tháng 8 vừa qua, một loạt 3 cửa hàng phải thu hồi nước đóng chai sau khi tìm thấy hóa chất trong nước vượt quá mức cho phép, khoảng 5 tuần lễ trước khi vụ việc bị điều tra.
Và nước ngầm dưới mặt đất tự nó cũng có nhiều vấn đề đáng quan ngại do sự khai thác nước ngầm quá mức của các công ty này. Cư dân nhiều tiểu bang như Maine, Michigan, Texas và Florida đã tố cáo Nestlé làm suy kiệt mạch nước ngầm trong lòng đất và phá hủy hệ thống sông suối do sự khai thác quá mức của hãng này, trong khi không phải trả một chi phí vào hết cho chính phủ, để rồi bán ra với một giá rất lời. Trong năm 2003, tổ chức Bảo Toàn Nguồn Nước Của Cư Dân Michigan (Michigan Citizens for Water Conservation) đã thắng trong một vụ kiện ngăn chận kế hoạch của Nestlé định khai thác nước từ một con sông đang nuôi sống các động vật hoang dã và là nguồn nước của các hồ nhỏ khác.
Hiện nay có hơn 1 tỉ người thiếu nước uống an toàn, con số này tăng dần cùng với sự gia tăng dân số và áp lực của môi sinh. Tháng 3 vừa qua, các tổ chức địa phương và môi sinh đổ về Mexico City để biểu tình chống Hội Nghị Nước Thế Giới (World Water Forum), hội nghị của các nhà lãnh đạo chính phủ và kỹ nghệ thừa nhận rằng nước là nguồn tài nguyên căn bản của con người. Trong tháng này, công dân 30 quốc gia đã tham gia cuộc biểu tình với chủ đề 'Tháng Mười Xanh' (Blue October), tham gia lễ hội đường phố ở La Paz kỷ niệm ngày bùng phát cuộc chiến tranh về nước (Water War) mà cao điểm là hội nghị kéo dài 3 ngày trong tuần tới về quyền sử dụng nước tại Montevideo, Uruguay, từ 28 tới 30-10-2006.