Mặt trận Việt Minh là tổ chức đã cướp chính quyền tại Hà Nội năm 1945, cách đây trên 60 năm. Nhiều bạn trẻ có lẽ cần biết rõ Việt Minh là gì"
Việt Minh là chữ viết tắt của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội. Do nhu cầu liên kết những nhà hoạt động cách mạng Việt Nam ở Trung Hoa, Hồ Học Lãm cùng Nguyễn Hải Thần, với sự giúp đỡ của Quốc Dân Đảng Trung Hoa, thành lập Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, gọi tắt là Việt Minh, tại Nam Kinh, vào tháng 1-1936. Hội xuất bản báo Việt Thanh [Tiếng nói Việt Nam] bằng chữ Hoa, dùng làm cơ quan ngôn luận.(1) Ngoài Hồ Học Lãm và Nguyễn Hải Thần, các hội viên nòng cốt khác là Nguyễn Thức Canh, Đặng Nguyên Hùng, Hoàng Văn Hoan (bí danh là Lý Quang Hoa, thuộc chi bộ Vân Quý tức Vân Nam Quý Châu của cộng sản) ...
Năm 1937, Hồ Học Lãm đến hoạt động ở Hồ Nam, và lấy bí danh là Hồ Chí Minh.(1) Cũng trong năm nầy, chiến tranh giữa Trung Hoa và Nhật Bản bùng nổ, nên những hoạt động của hội mờ lạt dần. Hồ Học Lãm lại già yếu, di tản theo các đoàn quân Quốc Dân Đảng Trung Hoa chống Nhật, nên Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội tức Việt Minh chỉ còn trên danh xưng, chứ không hoạt động gì nhiều.
Trong khi đó, vào mùa thu năm 1940, tướng Lý Tế Thâm (Quốc Dân Đảng Trung Hoa) giao cho Trương Bội Công ở Quảng Tây tổ chức Việt Nam Giải Phóng Uỷ Viên Hội, với mục đích quy tụ Việt kiều và những người Hoa đã từng sống ở Việt Nam, nhắm thi hành kế hoạch của Tưởng Giới Thạch, tổ chức đưa người về Bắc Việt để chống Nhật và làm giảm bớt áp lực Nhật ở Trung Hoa. Trương Bội Công mời Nguyễn Hải Thần, Hồ Học Lãm, cùng chiêu mộ một số người Việt tỵ nạn để thành lập lực lượng quân sự.(2a)
Hồ Học Lãm báo cho cho nhóm Hoàng Văn Hoan biết tin nầy. Theo lệnh của Hồ Quang, nhóm Hoàng Văn Hoan lôi kéo Hồ Học Lãm tách ra khỏi ảnh hưởng của Trương Bội Công, vừa làm mất uy tín họ Trương trước các tướng lãnh Quốc Dân Đảng Trung Hoa, vừa nhắm tính mưu kế chiếm dụng danh xưng hợp pháp của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội của Hồ Học Lãm để hoạt động.
Hồ Quang chính là Nguyễn Ái Quốc. Nguyên vào năm 1937, hai phe Quốc Cộng tại Trung Hoa liên kết, cùng nhau chống Nhật. Nhật Bản đánh chiếm Nam Kinh tháng 11-1937. Tình hình thuận lợi cho đảng Cộng Sản Trung Hoa họat động công khai trở lại. Liên Xô quyết định gởi Nguyễn Ái Quốc qua Trung Hoa, có thể vừa làm công tác tình báo, vừa chuẩn bị cho cuộc nổi dậy của cộng sản ở Đông Dương. Vào đầu năm 1939, Nguyễn Ái Quốc đến Hoa Nam với bí danh mới là Hồ Quang.(2b)
Nhờ sự giới thiệu của Hồ Học Lãm, vào gần cuối năm 1940, Lâm Bá Kiệt (bí danh của Phạm Văn Đồng) Dương Hoài Nam (bí danh của Võ Nguyên Giáp), Trịnh Đông Hải (bí danh của Vũ Kiện), Phùng Chí Kiên (bí danh của Mạch Văn Liệu), Cao Hồng Lĩnh, Lý Quang Hoa (bí danh Hoàng Văn Hoan), tức là toàn các đảng viên cộng sản, dưới vỏ bọc Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội (Việt Minh), đến Quế Lâm gặp Lâm Uất, Phó chủ nhiệm hành dinh tây nam của Tưởng Giới Thạch. Lâm Uất đưa nhóm nầy đến gặp chủ nhiệm của ông ta là Lý Tế Thâm.(3a)
Trong cuộc tiếp kiến với Lý Tế Thâm, nhóm nầy trình cho họ Lý một bản tóm lược lai lịch của Việt Minh, và giới thiệu "Biện sự xứ của Việt Minh ở hải ngoại" do Hồ Học Lãm làm chủ nhiệm, Lâm Bá Kiệt (Phạm Văn Đồng) làm phó chủ nhiệm. Do tin cậy Hồ Học Lãm, cả Lâm Uất lẫn Lý Tế Thâm đều không biết nhóm nầy là những đảng viên Cộng Sản Việt Nam (CSVN), nên đã giúp đỡ họ. "Qua cuộc nói chuyện với Lý Tế Thâm như vậy, cái danh nghĩa Việt Minh thực tế đã được thừa nhận, và cái danh nghĩa Biện sự xứ Việt Minh cũng mặc nhiên thành ra hợp pháp."(3b)
Cũng khoảng đầu thu 1940, Hồ Quang (Nguyễn Ái Quốc) cử người đến Diên An, trung tâm chỉ huy của đảng Cộng Sản Trung Hoa (CSTH) để ký mật ước với đảng nầy, theo đó đại diện đảng CSTH tại cục Tình báo Á châu của Đệ tam Quốc tế Cộng sản sẽ lãnh đạo công tác của CSVN. Cộng Sản Việt Nam sẽ cử cán bộ đến Diên An thụ huấn, và CSTH sẽ trợ cấp cho CSVN 50,000 quan Pháp mỗi tháng để trang trải chi phí sinh hoạt tại Trung Hoa.(4a) Từ đây, tuy bề ngoài ít liên lạc, nhưng thực chất bên trong, đảng CSTH đã ngầm chỉ đạo và giúp đỡ mọi hoạt động của CSVN.
Vào đầu năm 1941, Nguyễn Ái Quốc về nước, đặt căn cứ ở hang Pắc Bó, châu Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Sau khi củng cố nội bộ, huấn luyện đảng viên, phát triển cơ sở, Nguyễn Ái Quốc tổ chức Hội nghị Trung ương đảng CSĐD lần thứ 8 vào tháng 5-1941, đưa Trường Chinh Đặng Xuân Khu (1909-1988) lên làm tổng bí thư đảng CSĐD.
Ngày 19-5-1941, mặt trận Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, gọi tắt là Việt Minh ra mắt công khai tại Cao Bằng.(4b) Từ đó, những đảng viên cộng sản Việt Nam, nhân viên của Quốc tế Cộng sản Nga Hoa, hoạt động ở Trung Hoa cũng như ở trong nước Việt Nam đều núp dưới danh xưng Việt Minh, đã đánh lừa được nhiều người ngoại quốc cũng như Việt Nam.
Trước kia, năm 1919, Nguyễn Tất Thành chiếm dụng tên chung của các ông Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền là Nguyễn Ái Quốc, làm tên của riêng mình. Nay Nguyễn Ái Quốc lấy luôn tên Hồ Chí Minh, bí danh của Hồ Học Lãm, làm tên riêng của mình. Theo lời tác giả Trần Quốc Vượng, Hồ Chí Minh thích thú với tên nầy vì ông nội đích thực của Hồ Chí Minh (Nguyễn Ái Quốc) là Hồ Sĩ Tạo, chứ không phải Nguyễn Sinh Nhậm.(5) Cũng giống như Hồ Chí Minh, đảng CSĐD lấy tên Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, gọi tắt là Việt Minh, do Hồ Học Lãm thành lập ở Nam Kinh năm 1936, làm tên mặt trận của đảng CSĐD. Từ đó, người Việt Nam cứ tưởng rằng Mặt trận Việt Minh do Hồ Chí Minh lập ra.
Hồ Chí Minh và Mặt trận Việt Minh mới, gồm đa số là đảng viên cộng sản, nắm rõ sự biến chuyển của tình hình thế giới nhờ thông tin của Đệ tam Quốc tế cộng sản và cả của OSS (Office of Strategic Services), tổ chức tình báo của Hoa Kỳ, tiền thân của CIA (Central Intelligence Agency), do Việt Minh đã hợp tác với và cung cấp tin tức cho OSS về những hoạt động của quân đội Nhật Bản ở Đông Dương.
Từ tháng 4-1945, Việt Minh bắt đầu tổ chức Uỷ ban Giải phóng tại các vùng họ hoạt động, thống nhất các lực lượng võ trang thành Việt Nam Giải phóng quân, và thành lập Uỷ ban Dân tộc Giải phóng vào tháng 7-1945. Vì vậy, ngay khi Nhật đầu hàng ngày 14-8-1945, trong lúc lãnh tụ các đảng phái quốc gia chưa trở tay kịp, vì thiếu thông tin liên lạc quốc tế và thiếu chuẩn bị khởi nghĩa, thì Việt Minh ra lệnh cướp chính quyền ở khắp các tỉnh trong nước.
Ở Hà Nội, ngày 17-8-1945, Tổng hội công chức tổ chức cuộc mít-tin tại Nhà hát lớn, nhắm ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim. Việt Minh liền chụp lấy thời cơ, biến thành cuộc biểu tình tuần hành ủng hộ Mặt trận Việt Minh. Ngày 19-8-1945, Việt Minh tổ chức biểu tình cướp chính quyền Hà Nội. Lợi dụng hoàn cảnh hỗn loạn, Việt Minh gán cho những nhân vật có khuynh hướng quốc gia là "Việt gian", "phản động" và kiếm cách thủ tiêu họ, để tiêu diệt tất cả các thành phần không cộng sản hoặc đối lập.
TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, Canada)
1. Chính Đạo, Việt Nam niên biểu nhân vật chí, Nxb. Văn Hóa, Houston, 1997, tr. 168. Ngoài ra, xin đọc thêm Hoàng Văn Hoan, Giọt nước trong biển cả, hồi ký, Portland: 1991, tt. 102-105.
2. Chính Đạo, Hồ Chí Minh, con người và huyền thoại, tập II, Houston, Nxb. Văn Hóa, 1993, tr. 246 (2a), 176-178 (2b).
3. Hoàng Văn Hoan, sđd. tr. 134 (3a), 135 (3b).
4. Tưởng Vĩnh Kính, Nhất cá Việt Nam dân tộc chủ nghĩa đích ngụy trang giả, Nxb. Truyện Ký Văn Học, Đài Bắc, 1972, bản dịch của Thượng Huyền, Hồ Chí Minh tại Trung Quốc, Nxb. Văn Nghệ, California, 1999, tt. 167-168 (4a), tr. 201 (4b).
5. Trần Quốc Vượng, Trong cõi, Nxb. Trăm Hoa, California, 1993, tr. 258. Trong bài "Lời truyền miệng dân gian về nỗi bất hạnh của một số nhà trí thức Nho gia (kinh nghiệm điền dã)" của sách nầy, phần cuối cho biết rằng ông Nguyễn Sinh Sắc (1862-1929), phụ thân của Hồ Chí Minh, không phải là con của ông Nguyễn Sinh Nhậm. Trước khi đám cưới, bà vợ của ông Nguyễn Sinh Nhậm đã có mang với cử nhân (Nho học) Hồ Sĩ Tạo, cho nên ông Nguyễn Sinh Nhậm chỉ là người cha trên giấy tờ của ông Nguyễn Sinh Sắc mà thôi. Ông Trần Quốc Vượng viết: "Nguyễn Ái Quốc sau cùng đã lấy lại họ Hồ vì cụ biết ông nội đích thực của mình là cụ Hồ Sĩ Tạo, chứ không phải là cụ Nguyễn Sinh Nhậm". Trần Quốc Vượng (1934-2005) là nhà nghiên cứu sử ở trong nước, từ trần tại Hà Nội ngày 8-8-2005.