Hầu hết các báo Mỹ, các đài truyền hình Hoa Kỳ đều có các chương trình đặc biệt với chủ đề 25 năm sau ngày Miền Nam thất thủ. Các cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ đều có các buổi lễ tưởng niệm. Và ai cũng ý thức rằng thật sự thì cuộc chiến đã qua, và cũng không thể khởi lên một cuộc chiến mới, và rằng chủ nghĩa cộng sản đã hoàn toàn thua cuộc trên toàn cầu, kể cả tại Việt Nam, mặc dù vẫn còn là một xác chết chờ chôn cất đang ám ảnh trên cả nước - để bây giờ phải là một cuộc đấu tranh mới, vì nhân quyền, vì tự do và vì dân chủ. Nghĩa là một cuộc chiến trong hình thức mới, với phương thức mới, với phương tiện mới, cho những lý tưởng muôn đời của nhân loại.
Các vết thương vẫn còn nhiều, và sẽ chỉ có thể hàn gắn được ngày nào đất nước thực sự dân chủ, ngày nào các nhà sư, các linh mục, các mục sư và các tu sĩ tôn giáo khác được an toàn sống với tín ngưỡng. Như Hòa thượng Huyền Quang khi đưa ra bản văn lịch sử, kêu gọi nhà nước CSVN công nhận 30.4 làm ngày sám hối và chúc sinh. Gọi đây là bản văn lịch sử, vì nó sẽ khép lại một chương sử dài đau thương của dân tộc.
Người dân không quên nổi cuộc thảm sát nhiều ngàn người ở Huế, không quên nổi các trận đánh tư sản tịch thu hàng hóa của 50,000 tiểu thương Sài Gòn, tịch thu đất và càn quét cả một cộng đồng người Hoa đang thịnh vượng ở Miền Nam (các con số lấy theo bản tin CNN “Vietnam at the Crossroads”).
Những hình ảnh đó thật kinh hoàng khi người Miền Nam lần đầu nhìn thấy một nền “kinh tế hoạch định” áp đặt lên họ, những buổi học tập hàng tuần ở tổ dân phố cho mọi người, và giấy phép đòi phải có cho mọi sự di chuyển trong nước.
Trong nhiều năm sau đó, hàng trăm ngàn người, và có thể là hơn cả triệu, rời bỏ VN. Thời kỳ thuyền nhân hình thành. Chất xám bỏ chạy. Cả nước dắt dìu nhau theo con đường của Cuba, Bắc Hàn, và gọi đó là tiến nhanh, tiến mạnh lên chủ nghĩa CS. Những cơn đói thời kỳ này cũng không thể nào quên. Không chỉ đói những lý tưởng trừu tượng như dân chủ, tự do, mà là cái đó cụ thể, của bao tử, của dạ dày. Trên cả nước.
Đất nước trên đà sụp đổ vì sự ngu dốt của chế độ. Xác ướp ông Hồ không linh ứng được để gọi mưa tiền, mưa bạc. Cũng không linh ứng để dân quên cơn đói. Những buổi họp dân phố hàng tuần dần dà không còn gì để nói, khi các trang kinh điển Mác Lê tụng tới nhầu nát, thuộc lòng, mà vẫn có người xỉu giữa phiên họp.
May mắn là chính sách đổi mới đưa ra năm 1986, cho phép các hãng tư kinh doanh và cạnh tranh. Sau một thời kỳ thành công ban đầu, thu hút đầu tư quốc tế cho nhiều lĩnh vực kinh tế, và một thời kỹ nghệ du lịch phát triển, kinh tế lại khựng lại. Những nan đề tham nhũng, hành chánh thư lại, hối lộ, vô luật pháp... gần như không chữa trị nổi với đổi mới.
Cũng theo CNN, khoảng 60% trong số 6,000 công ty quốc doanh thua lỗ. Những cú xì căng đan bùng nổ để làm nổi bật cái dở của cơ cấu chế độ: Minh Phụng, EPCO, Thủy Cung Thăng Long... Hệ thống ngân hàng có cơ sụp đổ vì tiền nợ giao cho quốc doanh để rồi không mấy nơi trả.
Chính phủ CSVN lại giáng thêm một đòn chí tử vào người dân: từ chối ký bản thương ước Việt-Mỹ sau hơn 3 năm thương thuyết và đã đồng ý ký tắt vào tháng 7.1999 để định ngày ký chính thức tháng 9, nhưng rồi lạnh cẳng bỏ lui.
Một nhóm 19 ông già vẫn ngồi lãnh đạo trong cơ cấu Chính Trị Bộ, mỗi mùa lễ vẫn vào cầu kinh bên xác ướp ông Hồ, vẫn tụng thần chú “kinh tế thị trường theo định hướng XHCN,” và vẫn về lo thu vén cuối đời vì biết là những cơ hội kiếm tiền rồi sẽ không còn bao nhiêu nữa.
Ngày 30.4 năm 2001 sẽ không ầm ĩ nữa. Chắc chắn như vậy. Thầy Huyền Quang đã dán Lá bùa nhân quyền lên khắp mười phương, và rồi âm binh sẽ biến mất, thật mau. Vì đây là ý dân và cũng là ý trời vậy.