Tuần qua Hànội có vẻ rộn rịp chuẩn bị việc ký thương ước với Mỹ. Thứ trưởng ngoại giao bay sang Mỹ; Thứ trưởng thương mại, theo BBC, có lẽ cũng nối gót theo. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo hỗ trợ chánh sách nông lâm, ngư nghiệp trong hai ngày. Nhiều cán bộ đầu ngành kêu gọi hủy bỏ hạn ngạch xuất cảng gạo, nhập cảng phân, thuốc và đặc biệt kêu gọi xóa bỏ độc quyền ngoại thương của nhà nước, cho tư nhân tham dự. Bộ Ngoại giao huy động cán bộ có khả năng đàm phán WTO và thương ước về làm việc cho bộ.
Các sinh hoạt ngoại giao, chánh trị và động viên trên là dấu hiệu lộ trình đi đến thương ước đã khai thông trong nội bộ đảng. Cái mô giáo điều, bảo thủ đã phá. Vấn đề thương ước không còn nằm sau hai lần cửa khóa thâm cung của Bộ chánh trị. Nghị quyết đã được phổ biến, học tập đến cấp đảng ủy Bộ. Nên các viện trưởng, trưởng ngành mới dám oang oang phát biểu như thế. Nói gọn, Đảng và Nhà Nước đã dọn mình xong cho cuộc hôn nhân thương ước với Mỹ.
Cuộc hôn nhân sớm muộn gì cũng phải đến thôi. Mạt cưa, mướp đắng, đôi bên đều cần đồng sàng. Nhưng mộng thì đồng hay dị, cần xem lại.
Cô dâu CSVN cần thế chính thống cầm quyền mới sau khi danh nghĩa giành độc lập, thắng Mỹ đã bể mánh. Độc lập đâu không thấy, chỉ thấy Staline nhảy mũi một cái là Bộ Chính trị VNCS chới với, Đặng Tiểu Bình dạy một bài học là xếp de. Thắng Mỹ đâu chưa thấy, chỉ thấy bây giờ trải thảm đỏ mời vị Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ đến là mừng hơn bắt được vàng. Đô la xanh của Mỹ là tấm giấy từ Ông Tổng bí thơ đến anh bộ đội đều mê. Do vậy phải tạo cái thế chính thống cầm quyền mới là thắng giặc nghèo vì sau một phần tư thế kỷ Đảng và Nhà Nước đã làm cho một nước tiền rừng bạc biển thành một trong hai nước nghèo nhứt thế giới. Không đổi mới là chết. Cao điểm của đổi mới là ký thương ước với Mỹ.
Thương ước còn là thời trang cho CSVN để chứng tỏ mở cửa, hội nhập vào kinh tế toàn cầu, dễ ăn, dễ nói, dễ cầu viện trên thế giới.
Đô là dưỡng khí, Mỹ là phao cứu sinh cho CSVN về kinh tế, tài chánh.
Cho nên phải ký thương ước mới sống còn.
Nhưng chú rể GI Mỹ lại có mộng khai thác dù nằm chung giường. Muốn hay không thì CSVN, đảng viên đã lên gần 3 phần trăm dân số VN. Dân Mỹ và nhân loại nói chung quá chán ghét máu đổ, thịt rơi. Thà hao tài hơn tản mạng. Muốn mặt trận dân chủ mở rộng, tự do chiếm lĩnh, chiến lược toàn cầu hóa kinh tế, kỹ thuật và kỹ nghệ là một chiến lược ngụy trang, ít nhậy cảm sanh chống đối nhứt. VNCS không đi ngoài quỹ đạo ấy. Thương ước rồi, có thể đến WTO, Mỹ vẫn yểm trợ để cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa của con nòng nọc sớm rụng. Đó là cái mộng toàn cầu, chiến lược thế giới của chú rể GI.
Nhưng đất nước, dân tộc Việt Nam đâu chỉ có cô dâu chuyên chính - không phải chính chuyên là nghĩa tốt - vô sản và chú rể GI sắp ký hôn ước. Còn nhân dân Việt Nam nữa chớ. Có nhiều góc nhìn của nhân dân trong cuộc hôn nhân đồng sàng dị mộng nầy.
Thứ nhứt có một quan điểm chống. Tiền Mỹ đổ vào chỉ tổ cho CSVN tăng cường bộ máy cai trị, kềm kẹp nhân dân.
Kế đến là quan điểm nén bạc đâm toạc tờ giấy. Đồng đô la làm băng hoại đảng, lũng đoạn hệ thống cai trị của VNCS. Đảng CSVN vì đô la đã mất tính đảng biến thành tổ chức, băng tội phạm có tổ chức qua tham nhũng, tranh giành chức vị cho phe phái.
Quan điểm thứ ba mang tính trung dung tổng hợp. Hiện tại kể cả tất cả phong trào, mặt trận trong hay ngoài nước chưa tổ chức nào có thể lật đổ chánh quyền Hànội bằng bạo lực hay bằng quần chúng. 25 năm với sự hà khắc và diệt các lực lượng đối kháng của CSVN, nội lực đối kháng của người quốc gia chưa đủ thì giờ tái tạo. Cánh cửa thương ước có thể là con đường để tự do dân chủ đi vào Việt Nam. Bao lâu mà bà con trong đó có đảng viên như Trần Độ v.v. tin tưởng hành động tự do dân chủ thì sẽ thành triều dâng sóng dậy, có sá chi mấy chi bộ ao tù nước đọng CSVN. Đó là điểm nhức nhối, ăn không ngon, ngủ không yên của đám chóp bu CS. Đó là động lực khiến Đỗ Mười quyết liệt cản trở việc ký thương ước tháng 7 năm rồi. Chóp bu CSVN sợ đến đổi sợ phạm quy ở trường thi nên gọi bằng một cái tên vô nghĩa là diễn biến hòa bình.
Ba quan điểm, chống, theo, và dung hợp liên quan đến việc ký thương ước có thể tương sinh vì cùng một mẫu số chung là hành động để xây dựng một nước Việt Nam tự do, dân chủ. Cả ba không tương khắc, dễ gần nhau như cộng phân số đồng mẫu số.
Thương ước có phải chăng là một cơ hội bằng vàng để người Việt ở ngoài nước bắt tay chặt với người trong nước tạo sức mạnh dân chủ, tự do kết hợp dân tộc. Nội lực ấy lại cùng thuận đà với xu thế thời đại và giá trị căn bản (tự do dân chủ) của xã hội Mỹ. Tương lai một nước Việt Nam dân chủ, tự do chắc chắn không còn bao xa nữa là đến.