Hỏi (ông Đăng V T Trần): Tôi đến Úc tỵ nạn tính ra đến nay cũng đã hơn 10 năm. Tôi lập gia đình vào năm 1992. Hiện chúng tôi có với nhau 2 cháu gái, 7 tuổi và 4 tuổi.
Trước khi thành hôn chừng 1 năm, tôi có mua một căn nhà, nhưng sau đó tôi đã chuyển đổi giấy tờ để vợ tôi cùng đứng tên.
Cách đây chừng 5 tháng, vì nghe lời xúi giục của bạn bè, vợ tôi đã mang hai cháu rời khỏi nhà và đồng thời viện lý do là tôi có hành vi thô bạo để xin án lệnh không cho tôi đến nơi bà ta đang cư ngụ.
Sau đó tôi có làm đơn để xin tòa cho phép tôi được thăm con tôi. Tòa đã đưa ra quyết định là tôi được phép thăm con tôi mỗi tuần một lần vào ngày Thứ Bảy từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Tuy nhiên, kể từ ngày có án lệnh cho phép thăm con, tôi vẫn chưa hề gặp được các cháu, vì vợ tôi đã dọn đi một nơi khác và không hề cho tôi biết địa chỉ mới của bà ta.
Vào đầu tháng 6, tôi có nhận được giấy tờ từ văn phòng luật sư của vợ tôi và biết được rằng vợ tôi đang nộp đơn để xin tòa phân chia tài sản. Tôi có gọi cho văn phòng luật sư và trình bày mọi việc, đồng thời yêu cầu văn phòng đó cho biết địa chỉ cư ngụ hiện tại của vợ tôi để tôi có thể liên lạc hầu đến thăm con tôi. Văn phòng luật sư có cho biết là họ không có địa chỉ nào khác ngoài địa chỉ mà vợ tôi đã khai trên giấy tờ liên hệ.
Tôi có giải thích và yêu cầu với văn phòng luật sư đó rằng nếu vợ tôi liên lạc thì báo cho bà ta biết về lời yêu cầu của tôi. Tôi được trả lời rằng họ không thể giúp tôi được, ngay cả trong trường hợp họ biết địa chỉ hiện tại của vợ tôi.
Xin LS cho biết là tôi có cách nào khác để thăm con tôi hay không"
Trả lời: Theo Điều 67J của Đạo Luật Gia Đình 1975, thì ông có quyền xin “án lệnh xác định nơi cư ngụ” (location order) để buộc văn phòng luật sư của vợ ông cho biết toàn bộ chi tiết về nơi chốn mà hiện thời vợ con của ông đang cư ngụ.
Văn phòng luật sư không thể từ chối về việc cung cấp những tin tức đó cho ông NẾU họ biết được địa chỉ mà hiện thời vợ con ông đang cư ngụ.
Trong trường hợp văn phòng luật sư của vợ ông gây khó khăn bằng cách không cung cấp cho ông những tin tức liên hệ đến nơi cư ngụ hiện tại của vợ con ông, thì ông không còn cách nào khác hơn là nộp đơn xin “án lệnh xác định nơi cư ngụ” như đã được quy định theo Điều 67K(b) của Đạo Luật Gia Đình.
Điều 67K(b) quy địng rằng “đơn xin án lệnh xác định nơi cư ngụ liên hệ đến đứa bé có thể được đệ nộp bởi người có án lệnh được thăm viếng liên hệ đến đứa bé”(Application for a location order in relation to a child may be applied for by a person who has a contact order in relation to the child).
Tuy nhiên, tòa chỉ có thể đưa ra “án lệnh xác định nơi cư ngụ” của đứa bé nếu xét thấy điều đó là cần thiết và vì “lợi ích tốt đẹp nhất của đứa bé” (the best interest of the child) như đã được quy định theo Điều 67L của Đạo Luật.
Trong vụ Re Bel; Ex parte Lees (1980). Trong vụ đó, người vợ xin được án lệnh để nuôi dưỡng đứa bé, và sau đó đã rời địa chỉ mà không hề cho ai hay biết.
Người chồng đã xin được án lệnh tạm thời để nuôi dưỡng đứa bé và yêu cầu thi hành án lệnh đó bằng một trát tòa, nhưng không biết được địa chỉ của người vợ.
Sau đó người vợ đã đến gặp luật sư của bà ta và yêu cầu luật sư nộp đơn để xin phân chia tài sản. Luật sư của người chồng bèn yêu cầu luật sư của người vợ cho biết địa chỉ hiện tại của bà ta nhưng luật sư của người vợ đã từ chối sự yêu cầu đó, và cho rằng những tin tức đó thuộc về “đặc quyền về nghề nghiệp pháp lý” (legal professional privilege) vì thế không thể tiết lộ được.
Luật sư của người chồng bèn thỉnh cầu tòa đưa ra án lệnh để buộc luật sư của người vợ phải tiết lộ những tin tức đó, và tòa đã đưa ra án lệnh buộc luật sư của người vợ phải tiết lộ các tin tức đó.
Luật sư của người vợ bèn nộp đơn xin “Tối Cao Pháp Viện Liên Bang” (the High Court) đưa ra phán quyết để ngăn chận sự thi hành án lệnh đó. Tuy nhiên, Tối Cao Pháp Viện đã tuyên phán rằng:
Sự khiếu nại của người vợ liên hệ đến đặc quyền này không thể đứng vững được vì trong trường hợp này “phúc lợi của đứa bé là điều tối quan trọng” (the child’s welfare was the paramount consideration).
Thẩm phán Stephen, Aickin và Wilson đã cho rằng sự khiếu nại về đặc quyền không thể chấp nhận được bởi vì người vợ đã xử dụng thủ tục của tòa để khiếu nại đòi chia tài sản, trong lúc đó đã không chịu tuân theo thủ tục của tòa liên hệ đến vấn đề nuôi dưỡng đứa bé.
Vì thế, nếu chấp thuận cho người vợ việc khiếu nại về đặc quyền này thì chẳng khác nào đã gây ra trở ngại trong việc quản trị nền tư pháp.
Dựa vào luật pháp cũng như phán quyết vừa trưng dẫn, ông có thể thấy được rằng, ông có thể yêu cầu luật sư của vợ ông phải cho ông biết địa chỉ hiện thời mà vợ con của ông hiện đang cư ngụ.
Tuy nhiên, đó chỉ là vấn đề thuộc về lý thuyết. Trên thực tế, quý bà thường rất cương quyết trong việc không cho quý ông đến thăm con cái của mình, mặc dầu họ vẫn biết rằng họ đang làm những điều trái với sự quy định của luật pháp, nhưng họ vẫn muốn “lội ngược dòng” (running up a down escalator) để gây khó dễ cho thiên hạ bằng cách yêu cầu luật sư của họ đừng tiết lộ về nơi ăn chốn ở của mình.
Trong trường hợp đó, ông không còn cách nào khác hơn là nộp đơn xin án lệnh của tòa để sớm được thăm con của ông. Chúc ông may mắn.
* * *
Trả lời (ông Nguyễn X Nghinh): Việc người mua đòi ông phải cung cấp giấy chứng nhận là có bảo hiểm đối với việc xây cất để nới rộng thêm phiá sau căn nhà của ông khi ông muốn bán căn nhà đó cho họ là một yêu cầu đúng theo sự quy định của luật pháp [Điều 92(1)(a)(b) & 92(2)(a))b) “Đạo Luật Xây Dựng Nhà”].
Tuy nhiên, ông phải báo cho người mua biết rằng trong trường hợp của ông, ông không cần phải chứng minh về việc là ông đã có bảo hiểm khi xây thêm phần sau của căn nhà vì Điều 92(3) “Đạo Luật Xây Dựng Nhà 1989” (the Home Building Act) quy định rằng:
“Điều này sẽ không áp dụng nếu giá cả của hợp đồng [xây cất] không vượt quá $5,000.00 hoặc phí tổn của thị trường về nguyên vật liệu và tiền công xây cất không vượt quá $5,000.00”. (This section does not apply if the contract price does not exceed $5,000.00 or the market cost of labour and materials does not exceeds $5,000.00).
Theo sự quy định của điều khoản này cũng như dựa theo những gì ông đã nêu lên trong thư, ông có thể thấy được rằng ông không phải bảo hiểm cho công trình xây cất mà ông đã thực hiện, vì tổng phí của việc xây cất đó chưa vượt quá mức $5,000 như luật pháp quy định.
Tuy nhiên, để có thể miễn khỏi phải xuất trình chứng thư bảo hiểm cho công trình xây cất đó, ông phải chuẩn bị các giấy tờ và hóa đơn liên hệ để chứng minh rằng tổng phí của công trình đó là dưới $5,000.00.