- Thầy xiển dương đạo Thánh hiền, khuyên người đời yêu chuộng nghĩa nhân, mà nay lại ỉu xìu như… tình chưa tỏ được, là nghĩa làm sao"
Khổng Tử u sầu đáp:
- Dụng nhân như dụng mộc, nhưng mộc vẫn dễ nhìn, bởi nó không đóng kịch như người đang ham sống. Vậy ta hỏi các ngươi: "Làm sao biết được lòng người, để không phải hối tiếc như lòng ta đang có""
Các bàn nhậu đang um sùm là vậy, nghe được khúc mắc của thầy, bèn im lặng như… câm, đến độ ruồi lạng lách qua cũng còn nghe tiếng đập. Khổng Tử thấy vậy, bèn buồn bã nói:
- Các ngươi theo ta bao ngày, trải qua bao chầu nhậu, mà một câu hỏi cỏn con, cũng đã đủ cho các ngươi tắc đường bí lối, thì trước là phụ công thầy, sau phụ công cha, sau với… võng lọng cao sang đến bao giờ mới được"
Rồi ôm ngực mà thở. Mạnh Tử thấy vậy, mới ngập ngừng thưa rằng:
- Trời có bốn mùa xuân hạ thu đông, nên ta dựa vô đó mà biết đường gieo gặt. Cũng vậy, nước có thủy triều lên xuống, nên ta dựa vào đó mà lưới lượm cá tôm. Đến như người ta thì thiệt không biết phải dựa dẫm vào đâu mà xét đoán" Kẻ ngoài nhìn hiền lành mà trong dạ kiêu căng. Kẻ trông thật thông minh mà bên trong chỉ bằng… lái xe dắt túi. Lại có kẻ tưởng chừng vững vàng thư thái mà trong bụng như mớ bòng bong. Tại sao lại như vậy" Chỉ vì tâm tính và diện mạo bên ngoài thường trái ngược với nhau, nên… dễ chết là vì duyên cớ đó!
Khổng Tử mặt đã buồn, nay lại càng vời vợi hơn. Xa vắng nói:
- Ngươi thuộc hạng môn sinh giỏi, thấu đáo được vấn đề, mà nay trả lời trớt hướt trớt he, thì thiệt khiến cho ta phải ôm điều thất vọng. Nay ta hỏi lại các ngươi: "Làm sao biết được lòng người, để không phải hối tiếc như lòng ta đang có""
Nhan Hồi cũng là một trong những học trò xuất sắc của thầy, biết thầy đang dao động, bèn cung kính thưa:
- Người quân tử muốn biết người, thì trước hết là phải đày đi cho thật xa, để xem lòng trung thế nào, rồi khi thấy được, lại cho người đó ở gần, đặng xem lòng kính trọng. Giao việc cho ngặt ngày, để thử xem lòng tín, cùng đẩy đến chỗ thiên tai để thử xem lòng nhân hậu, đã vậy còn phải tìm nơi giặc giã mà sai đến, để xem khí tiết của người có đủ mạnh hay chăng" Tóm lại, người quân tử muốn biết được người đó thế nào, thì phải tận sức ra công. Chớ không thể trong ít hôm mà tin người đó được!
Khổng Tử gật gật mấy cái, rồi nhướng mắt nhìn quanh một vòng, đoạn ưu tư nói:
- Cách này được, nhưng mất nhiều thời gian, nên nhiều khi vẫn bị… luộc. Vậy, có cách nào ngắn gọn hơn không"
Thầy Tử Lộ bước ra đáp:
- Thưa có. Đó là rượu.
Đức Khổng Tử mặt mày bỗng hồng hào. Vuốt râu nói:
- Tán thử ta nghe. Nếu hợp tình hợp lý, thì hủ bách nhật ở gốc bưởi nhà ta, sẽ đào cho ngươi đó!
Tử Lộ, từ nào tới giờ theo thầy, chưa bao giờ được vinh dự như vậy, bèn cao hứng đáp:
- Rượu là chất xúc tác, dễ làm cho người ta biểu lộ cử chỉ, lời nói, hành động, mà trong lúc tỉnh người ta không dám làm. Vậy, muốn biết người nào thì phải mau chóng đem đến quán nhậu, ép cho người ta uống. Nếu mình ép không được thì nhờ tiếp viên ra ép. Nếu vẫn không ép được, thì đúng là người biết tự chế dục vọng của bản thân. Chờ chi không hốt"
Khổng Tử gật gật ra chiều hoan hỉ, bất chợt Mạnh Tử hướng về Tử Lộ, buột miệng nói:
- Phi tửu bất thành lễ. Nay muốn có lễ. Lẽ nào thiếu rượu mà tin được hay sao"
Tử Lộ bình tĩnh đáp:
- Biết giới hạn của mình, thì thông cảm được với giới hạn của người, mà một khi thông cảm được với giới hạn của người, thì những buộc tội gắt gao, sẽ ào tan bay biến!
Lúc ấy, Khổng Tử mới hắng giọng mà nói rằng:
- Rượu! Tự nó không tốt không xấu, mà xấu hay tốt tự nơi người uống rượu. Chỉ có vậy thôi!
Mấy tháng sau, Khổng Tử cùng đám môn sinh đến kinh đô của nhà Chu để rao giảng đạo Thánh hiền. Lúc quay về nước Lỗ, Lão Đam lúc tiễn đưa có nói với Khổng Tử rằng:
- Ta nghe người giàu sang tiễn người thì dùng của cải, người cao danh vọng thì dùng mỹ nhân, còn người nhân hậu thì dùng lời nói. Ta tuy không được giàu sang, lại không nhiều danh vọng, nhưng được bà con cho là nhân hậu. Vậy xin tiễn ngươi bằng một lời nói. Có đặng hay chăng"
Khổng Tử vội vàng đáp:
- Lời nói, dù chỉ một câu, nhưng nếu đúng giờ đúng lúc, có thể thay đổi đời sống của một người. Nay thầy có ý tặng cho Tử một lời nói, thì Tử vui mừng đón nhận, giữ rịt trong tâm. Quyết chẳng để tan tành theo mây nắng!
Lão Đam gật gù nói:
- Phàm kẻ sĩ ở đời này, bất kể thông minh sâu sắc đến chừng nào, mà hay gặp phiền toái, thường là do xét nét, bàn luận tâm sự của người mà ra cả. Cũng vậy, những người biện bác rộng rãi xa xôi, đôi khi khổ thân, thường là do thần khẩu hại xác phàm mà ôm gặt. Thế cho nên, giỏi chưa phải là hay, dỡ chưa phải là bỏ, mà hay hay dỡ là do tài gia giảm, để người nghe khỏi phải mất lòng, bởi một khi mất lòng thì dễ sanh thù sanh hận, mà khi đã xử với nhau bằng lòng thù hận, thì tâm tánh chẳng đặng yên, ví như bơi, chèo trong giông gió!
Đức Khổng Tử cúi đầu thưa:
- Tử kính cẩn tuân theo lời người dạy.
Rồi cùng môn sinh hướng về đất Lỗ mà bước. Lúc nghỉ ngơi dọc đường, Bật Tử Tiện mới chạy tới thầy Mạnh Tử, thắc mắc nói:
- Từ nào tới giờ đệ thấy người ta cúi đầu với thầy. Nay lại thấy thầy cúi đầu trước mặt người ta. Thiệt khiến cho đệ phải nổi lên điều thắc mắc!
Mạnh Tử đáp:
- Người ấy là Lão Đam, họ Lý, tự là Bá Dương, tức là Lão Tử, là Tổ Đạo gia. Thầy tương kính là vì duyên cớ đó.
Tử Tiện lại hỏi:
- Đệ không hiểu lời nói của Lão Tử tặng thầy. Huynh có hiểu không"
Mạnh Tử đáp:
- Thời nhiễu nhương. Đạo lý đang trên đà xuống dốc. Lão Tử sợ thầy đi chu du các nước, bày ra cái lẽ thiệt hơn của các vua chư hầu, ắt có ngày nguy đến tính mạng, nên khuyên thầy ở nhà chăm chú dạy học trò. Chỉ có vậy thôi!
Tiện lại hỏi:
- Đạo lý hướng người ta về điều thiện. Nay sợ chết mà không dám xiển dương điều thiện. Thử nghĩ có nên chăng"
Mạnh Tử đáp:
- Câu hỏi của đệ đụng đến phần số của một người, mà một khi đụng đến phần số thì dính đến… cõi trên. Làm sao huynh biết"
Lúc Tiện về đến nhà. Vợ là Uyển thị từ trong bếp lúc thúc chạy ra. Sửng sốt nói:
- Chàng đi ngoại quốc về, mà chỉ có ba lô ở trên lưng, thì thiệt khiến cho chữ phu thê phải buồn vương mắt biếc!
Tiện thở ra một cái rồi chán nản đáp:
- Thầy còn tay trắng mà về. Hà huống là ta. Sao nàng lại nỡ buông lời ra như thế"
Uyển thị thảng thốt đáp:
- Thầy là bậc cao trọng, vang lừng khắp mấy nước, mà chịu tay trắng lần về. Có thiệt không đây"
Tiện nặng nhọc đáp:
- Nhìn lên thì chẳng bằng ai, nhưng nhìn xuống thì chẳng thấy ai… nghèo như mình. Thiệt là hết biết!
Uyển thị lại hỏi:
- Câu chuyện thế nào" Chàng hãy kể thiệt ra. Chớ ấm a ấm ớ ắt có ngày… đứt bóng!
Tiện liền đem chuyện qua đất Chu của thầy ra mà kể, không bỏ sót chỗ nào. Lúc kể xong, mới buồn hiu nói:
- Thuở ấu thơ ta đã nếm mùi cực khổ, đến lúc lấy nàng thì đỡ được phần hơn, nên muốn con thơ sau này bớt cực, ta mới mạnh dạn xách bị theo thầy. Tưởng đâu mộng công hầu sẽ nắm chặt vào tay, rồi mẹ con em sẽ bớt đi phần khổ nhọc. Chớ có ngờ đâu trắng vẫn hoàn tay trắng. Mộng công hầu ắt tắt lịm từ đây, thì chắc ta sẽ… thôi theo thầy đó vậy!
Đoạn, ôm đầu mà thở. Uyển thị thấy vậy, mới nhỏ giọng nói rằng:
- Lão Tử chủ trương tam vô, mà thiếp nghĩ: "Chỉ một "vô" thôi là đã đủ… màn trời chiếu đất.". Thầy của chàng, tuy không chuộng tam vô, nhưng nghĩ tới cảnh cứ đi tìm khiếm khuyết của người ta - ắt có ngày sẽ vì cái lẽ thiệt hơn đó mà chết - nên rúng động tâm can, đành bóp bụng nhận món quà bằng… lời nói mà trở về. Tuy trong dạ không vui, nhưng giữ được nhân thân để tìm quà cho con cháu…
Tử Tiện, nghe vợ phân giải tới đâu sáng bừng theo tới đó, bèn quá sức ngạc nhiên. Trố mắt nói:
- Nàng không đi học, lại sáng lo canh cửi, trưa dọn trong ngoài, tối lại vá may. Sao lại có thể thấu được nỗi lòng thầy như thế"
Uyển thị cười nhẹ đáp:
- Những gì thiếp hiểu được đều do phim tập mà ra, nhờ coi mà có, bởi thiếp nghĩ rằng: "Phim là trường đời thu nhỏ, chỉ vài chục tập, nhưng ẩn chứa trong đó đủ hỉ nộ ái ố của cuộc đời, cùng phương cách hành xử sao cho thích hợp với đạo lý của ngàn xưa…", nên thiếp hiểu được là vì duyên cớ đó!
Tử Tiện nghe vậy, lại nhìn thấy ánh mắt xác quyết của vợ, mới lẩm bẩm nói rằng:
- Ta tận tụy theo thầy, cố công học hỏi - mà thua vợ chỉ ở nhà nghiền ngẫm theo phim - thì sao lại phải cất công theo thầy mần chi nữa"