Hỏi: Tôi năm nay 42 tuổi, hiện ở Ấn Độ. Xin được hỏi thăm bác sĩ về hai việc như sau:
1). Về cholesterol: qua xét nghiệm thường kỳ thì lượng cholesterol của tôi là: 242. bác sĩ ở Ấn Độ cho uống STORVAS trong hai tháng và một tuần. Tôi xét nghiệm lại thì còn 121. Bác sĩ bảo đừng uống thuốc.
2). Về sugar: lượng đường trong máu là:179. Bác sĩ bảo kiêng cữ các thức ăn có đường, cơm; các loại trái cây như: nho, xoài, chuối, xum u chê, bánh mì trắng, khoai lang tây; các loại nước uống có ga. Tôi tuân thử chế độ này, (một ngày vẫn ăn hai bát cơm) một tháng sau xét nghiệm lại thì lượng đường còn 124. Tuy vậy, tôi lại được trường cho xét nghiệm định kỳ thì đường lại tăng lên 192. Tôi nhớ lại trước khi xét nghiệm 1 tiếng đồng hồ, tôi có ăn một loại thức ăn liền có nho khô va hơi ngọt, cũng như trước đó vài ngày tôi có dùng mật ong trong 5 ngày liên tiếp.Qua trình bày trên, tôi xin bác sĩ hướng dẫn giùm một chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý để có thể ngăn chặn các bệnh tật trên; và nếu được, bác sĩ cho tên một loại thuốc để tôi có thể sử dụng. Tiện đây, xin bác sĩ cho tôi biết cách thử đường trong máu như thế nào là chính xác. Và tôi cũng có một băn khoăn là nếu không ăn cơm được thì thật là bất tiện cho người Việt Nam.
- Trả lời: Trước hết xin thưa vơí ông là điều trị bệnh tiểu đường rất phức tạp, cần sự hỗ trợ giữa bệnh nhân và bác sĩ, theo dõi định kỳ, lâu dài, cho cả cuộc đơì. Tôi xin trả lời ông vắn tắt về những câu hỏi của ông, nhưng trong tương lai ông cần một bác sĩ hiểu biết nhiều về bệnh tiểu đường điều trị. Ông nên theo dõi với bác sĩ trong một gian ngắn để xem ông có bị bệnh tiểu đường và cao mỡ (cholesterol) trong máu hay không. Nếu có bệnh thì phải uống thuốc.
Theo tài liệu ông cho biết thì mức cholesterol tổng quát (total cholesterol) như vậy là cao. Nên thử thêm lipid profile bao gồm cholesterol tổng quát (total cholesterol), cholesterol xấu (low density lipid, LDL), cholesterol tốt (high density lipid, HDL) và mỡ triglycerides, tỉ số HDL/cholesterol, ước lượng nguy cơ bệnh tim mạch. Chỉ dùng cholestol tổng quát thì không đủ tiêu chuẩn mà cần phải theo dõi cholesterol xấu, low density lipid (LDL) vì là đầu dây mối nhợ gây nguy cơ bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não, suy thận, v...v... Phải để ý vai trò quan trọng của cholesterol tốt (high density cholesterol) trong bệnh tiểu đường và tim mạch.
Mức đường của ông như vậy cũng là cao. Tôi đề nghị nên thử glycohemoglobin A1C để xác định bệnh tiểu đường và nếu đúng thì phải uống thuốc trị tiểu đường. Người tiểu đường phải tuyệt đối ăn ít hay tránh ăn cơm và đồ ngọt. Trước khi thử máu phải tránh ăn uống. Nếu tiếp tục ăn đồ ngọt thì đường sẽ tiếp tục lên cao.
Những đồ ăn bác sĩ của ông ở Ấn Độ chỉ là căn bản. Có thể ăn ít cơm và ăn thế bằng bánh mì (không pha bột gạo), không nên ăn mì gói (vì chứa nhiều mỡ). Ở Ấn Độ có một loại gạo ít chất bột, nhiều chất xơ, rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường. Đo đường buổi sáng nhịn ăn (12-14 tiếng đồng hồ trước khi thử máu) thường dùng để truy tầm bệnh tiểu đường. Khi đã bị bệnh tiểu đường rồi thì thử đường trong máu 2 giờ sau bữa cơm quan trọng hơn, vì giúp điều chỉnh ăn uống và lượng thuốc tiểu đường, để luôn luôn giữ mức đường trung bình. Không nên ăn lặt vặt thêm vào buổi tối, vì sẽ tăng cao nguy cơ bệnh tim mạch. Nếu đường xuống quá thấp muốn xỉu, toát mồ hôi, thì phải uống ly nước có đường như nước cam hay ngậm cục kẹo (ở Mỹ có loại kẹo glucose rất tốt).
Nên mua máy đo đường tự thử lấy mỗi ngày buổi sáng nhịn đói và 2 giờ sau bữa ăn tối, rồi ghi vào cuốn sổ để theo dõi. Giữ đường trong máu khi nhịn đói buổi sáng phải ở mức trung bình (70-120mg/dl là lý tưởng, và sau khi ăn cơm phải ở mức 150-160mg/dl hay thấp hơn chút ít là OK (sau khi ăn cơm bao giờ mức đường trong máu cũng lên cao). Nên hỏi thêm ý kiến bác sĩ của ông ở Ấn Độ về cách theo dõi đường trong máu mỗi ngày cho đúng, quan trọng nhất là theo dõi hemoglobin A1C định kỳ trong máu, 3 tháng một lần. Bác sĩ lưu ý A1C là đề coi người bệnh có ăn uống đúng mức, uống thuốc trị tiểu đường đúng mức.
Bệnh tiểu đường có nhiều biến chứng nguy hiểm, chết người, ngoài việc điều trị đường trong máu, còn phải phòng ngừa những nguy cơ bệnh tim mạch, cơn đau tim (heart attack), nhồi máu cơ tim (myocardial infarction), suy tim, tai biến mạch máu não, suy thận (bệnh nhân lọc thận vì bệnh tiểu đường cao nhất), hư võng mạc mắt, và tiểu động mạch tứ chi như bị co nhỏ gây hoại thư (gangrene), hư chân, có khi phải cưa chân. Điều trị tiểu đường không phải chỉ nhắm vào tiểu đường không thôi mà phải theo dõi, điều trị những biến chứng tiểu đường.
Trị tiểu đường đúng mức và giữ mức đường trong máu thật tốt, là cách hay nhất làm chậm phát hiện biến chứng tiểu đường. Đối với bệnh nhân tiểu đường luôn luôn phải hạ cholesterol xấu (LDL) trong máu thấp dưới 100mg/dl. (Có trường hợp khuyến cáo xuống thấp LDL hơn nữa, 70-80). Vì đây là đầu giây gây nguy cơ bệnh tim mạch. Đối với bệnh nhân tiểu đường, ngoài vấn đề giảm ăn đồ ngọt, giảm ăn chất bột carbohydrates ăn uống giảm chất mỡ cholesterol trong máu, tập thể dục mỗi ngày (30 phút, như đi bộ lẹ). Nếu bị cao huyết áp thì phải hạ thấp huyết áp. Phải hỏi ý kiến bác sĩ cho biết thuốc nào tốt nhất hạ huyết áp cho người tiểu đường. Phải theo dõi tim mạch, theo dõi võng mạc hàng năm. Theo dõi bạch đản trong nước tiểu microalbumin 24 giờ, một năm 2 lần hay hàng năm, theo dõi chức năng thận định kỳ. Đo tim định kỳ. Nên uống thuốc loãng máu như aspirin nhưng phải hỏi ý kiến bác sĩ cách uống và nếu bị dị ứng aspirin thì tuyệt đối không được uống. Lở loét bao tử cũng không uống được aspirin vì sẽ lở loét thêm và chảy máu bao tử. Làm máu loãng là để giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não.
Chữa bệnh tiểu đường rất phức tạp: giữ đường trong máu bình thường, cố gắng theo dõi A1C ở mức trung bình, hạ thấp cholesterol xấu bad cholesterol, phối hợp điều trị và phòng ngừa bệnh tim mạch, chữa huyết áp cao, theo dõi và trị chức năng thận khi cần, truy tầm bệnh tiểu động mạch chân, võng mạc, v.v.. là một việc làm kiên nhẫn, định kỳ, suốt cả đời. Luôn luôn phải có bác sĩ gia đình trông nom và phải gặp bác sĩ định kỳ chứ không thể tự mình điều trị và theo dõi bệnh. Những lời khuyên kể trên hết sức tổng quát và xơ xài.
Ông nên hỏi ý kiến bác sĩ gia đình vì trường hợp mỗi bệnh nhân khác nhau. Ông có thể Search trong Internet để biết thêm về bệnh tiểu đường Diabetes Mellitus, nhất là những biến chứng của tiểu đường. Chúc ông may mắn và giữ gìn sức khỏe.
Trần Mạnh Ngô, M.D., Ph.D., F.A.A.F.P.; Điện Thoại: (714) 547-3915; E-mail: [email protected]; xin mời quý bạn ghé thăm Y Dược Ngày Nay: www.yduocngaynay.com, một trang Web Y Học của người Việt viết cho người Viêt.