* 12 cảm tử quân của toán Lôi Vũ 4 trên đất Lào
Cuối năm 1961, anh em chúng tôi gồm 12 người, toán trưởng là trung úy Nguyễn Văn An, toán phó là tôi (sĩ quan nói trên) và 10 người còn lại là hạ sĩ quan. Anh em chúng tôi nhận nhãn hiệu là toán 4 Lôi Vũ và được đưa đến trại Hồ Ngọc Tào ở Thủ Đức để bổ túc huấn luyện và trang bị ngoại biên, gần đến ngày toán xâm nhập vùng thì trung úy An bị bệnh, trung úy Cẩm Ngọc Huân (cấp bậc cuối cùng là đại tá) thay thế làm trưởng toán. Vào một buổi chiều nóng bức ở Thủ Đức, anh em chúng tôi sau giờ huấn luyện, mồ hôi ra như tắm chưa kịp ra suối trầm mình để bù lại những cơn nóng vừa qua thì được lệnh toán chuẩn bị về bộ chỉ huy lãnh nhiệm vụ, tuy là toán phó nhưng tôi cảm thấy có trách nhiệm gần gũi anh em nhiều hơn nhắc nhở sinh hoạt hàng ngày tác phong quân đội.
7 giờ tối chúng tôi về bộ chỉ huy, trung úy Huân được mang cấp bậc đại úy, tôi mang cấp bậc trung úy Pathet Lào, cả toán mỗi người được lãnh 400 đồng tiền kip Lào, một dù lưng không có dù bụng, tôi nhớ đêm đó không trăng nhưng sáng sao cũng đủ để chúng tôi liên lạc trong phạm vi toán. Toán di chuyển đến phi trường lần lượt lên máy bay ngồi vào chỗ của mình và sẵn sàng thi hành một chuyến bay đêm. Nhiệm vụ của toán 4 là thay thế cho toán 1 làm trưởng toán đang hoạt động tại vùng tả ngạn sông Sekong gần ranh giới hai tỉnh Saravang và Attopeu. Khoảng 1 giờ 30 sáng, chiếc máy bay không số tới địa điểm với độ cao 650 bộ, đèn xanh báo hiệu “go”. Dù mở thì chân chạm ngọn cây, nhờ sáng sao nên chúng tôi nhanh chóng tập hợp đủ toán, nằm nghỉ để chờ sáng chôn dấu dù và nhận nhiệm vụ thay thế toán 1. Toán 1 nhận lệnh rút về bằng đường bộ về phía Tây thị xã Kontum.
* Những giờ phút bi tráng của các cảm tử quân Lôi Vũ trong lòng địch:
Bị lộ mục tiêu, chúng tôi quay trở lại cách Attopeu 50 cây số xin tiếp tế lương thực và đồ dùng cần thiết, sau ba ngày chờ đợi tiếp tế, chúng tôi phải ăn măng luộc không có muối, việc tiếp tế được hay không còn tùy thuộc vào thời tiết. Trong thời gian tiếp tế tôi nhận thấy trung úy Phùng Văn Đệ (toán tăng cường) tuy đau bao tử nhưng rất tích cực trong công tác tiếp tế này. Ngày thứ 4 trời sáng, chiếc C 47 không số bay tới nhận mật hiệu của chúng tôi rồi từ từ đẩy các kiện hàng tiếp tế ra khỏi máy bay với cao độ 400 bộ, hàng thả không có dù làm đồ tiếp tế vỡ tung, gom góp lại chẳng được bao nhiêu, hơn nữa ở bãi đất trống rất dễ bị địch phát giác, từ đó tôi và trung úy Huân bàn phải di chuyển xa nếu ở gần đây thì nhất định địch sẽ kéo về bao vây chúng tôi và chắc chắn là không có đường thoát. Chúng tôi nhất định rút về Attopeu mà không báo cho bộ chỉ huy.
Sau mấy ngày di chuyển ra khỏi vùng rừng rậm, ra đến ngoài đồng cỏ tranh, di chuyển đến gần sông Sekong cách Attopeu 9 km, lúc đó khoảng 6 giờ chiều nhưng mặt trời còn sáng đủ để chọn chỗ đóng quân. Nhìn qua bên kia sông Sekong thì thấy người qua lại dưới sông, có những chiếc thuyền nhỏ chạy dọc ven sông chuyên chở sư sãi mặc áo dài vàng, mọi người trong toán đều nghĩ đây là đất Hoàng Gia Lào thì an ninh rồi, chính trung úy Huân có ý định viết vài chữ nhờ thuyền nhân đem đến đồn Hoàng Gia Lào thông báo chúng tôi là quân nhân VNCH để cho họ khỏi ngộ nhận, nhưng tôi đã ngăn vì không thể làm như thế được, lỡ thông báo này lọt vào tay Pathet Lào thì sao"
Khi mặt trời khuất hẳn, trong bóng tối chúng tôi bắt đầu nấu cơm, thậm chí có anh em xuống sông tắm. Sau bữa cơm tối, chúng tôi ngủ thoải mái một đêm vì đã mấy ngày đi mệt nhọc lại thiếu ăn mất ngủ trong rừng sâu. Hôm sau khoảng 6 giờ sáng, chúng tôi thức dậy, khăn gói lên đường, đi về hướng Attopeu. Cả toán di chuyển khoảng 50 thước thì nghe có tiếng la hét bằng tiếng Lào, một số anh em trong toán, biết tiếng Lào báo cho cả toán biết là có thể quân Hoàng Gia Lào đấy, tôi nghi ngờ và quan sát khi họ tới gần chúng tôi, sự trang bị của họ giống như CSVN nên tôi nói với anh em đứng gần tôi: nguy rồi, không phải Hoàng Gia Lào mà Pathet Lào. Nhìn về phía trên, tôi thấy trung úy Huân và một số anh em bị trói tay và bị tịch thu vũ khí, liền khi đó có ba tiếng nổ to như súng cối 60 ly, quân Pathet Lào nằm rạp xuống, tôi thấy vậy liền phóng chạy chui qua lùm cỏ bụi tre khoảng 500 mét rồi ngồi lại và thấy đằng sau có 5 anh em chạy theo tôi còn đầy đủ vũ khí và tiền kip.
Toán chúng tôi còn 6 người băng qua đồng lúa chín thì gặp nhà dân giữa đồng, cả toán vào xin cơm ăn. Di chuyển lẩn tránh vòng quanh mãi tới 5 giờ chiều mới về đến bờ sông cách Attopeu 3 km, bên kia có cờ Hoàng Gia Lào, tôi vẫy người dân chở thuyền cho chúng tôi qua sông và cho họ 100 tiền kip. Sang đến bên kia sông thì có xe của đồn Hoàng Gia Lào ra đón và đưa chúng tôi về Attopeu. Ngay đêm đó, chúng tôi được trung tá Kham Khong (Hoàng Gia Lào) là tiểu khu trưởng Attopeu tiếp đãi và đề nghị chúng tôi biết dữ kiện đã xảy ra giữa toán Lôi Vũ 4 và Pathet. Trung tá Kham Khong có vợ người Việt và bà đã nói chuyện với chúng tôi bằng tiếng Việt. Trong thời gian ở Attopeu có đại úy Xuân ở sở Liên lạc đã hướng dẫn chúng tôi đi vòng quanh Attopeu xem thành phố và chúng tôi phải mặc quân phục Hoàng Gia Lào. 5 ngày sau, chiếc C 47 từ Sài Gòn đến Attopeu đến đón chúng tôi về, chúng tôi được đưa đến phòng War Room thuộc Sở Khai thác Địa hình để thu lượm tin tức hầu mong cứu nguy cho trung úy Huân và 20 anh em bị bắt.
Nhờ những thông tin chính xác mà bộ chỉ huy đã nhờ khu trục của Hoàng Gia Lào yểm trợ để giải thoát được trung úy Huân và 15 anh em. Như vậy có 5 anh em chết và mất tích. Đây là một khuyết điểm lớn của bộ chỉ huy, theo tôi việc khoanh vùng hoạt động một cách chính xác, trang bị tối tân không phải là yếu tố thắng địch, yếu tố thắng địch phải là nắm vững tình hình địch trong vùng hoạt động, bộ chỉ huy Lôi Vũ thiếu yếu tố này. Trở về Sài Gòn tôi ở War Room thuộc Sở Địa hình Khai thác 15 ngày bồi dưỡng sức khỏe trở lại bình thường, rồi về nhà nghỉ 1 tháng sau đó nhận nhiệm vụ toán trưởng toán Lôi Vũ 4 thay thế trung úy Cẩm Ngọc Huân tiếp tục hoạt động ở biên giới Lào-Việt cùng những toán của trung úy Bùi Ngọc Long và Mai Văn Thành.
Kỳ sau: Trận chiến tại vùng An Hậu năm 1969 của toán Thám kích Tiền phong.