Hoa Thịnh Đốn (Huỳnh Mai Hoa) -- Trong mục đích đi tìm nguồn gốc sự thành hình và phát triển ngôn ngử Việt, người ta thấy có khá đông các nhà văn, nhà khảo cứu như Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Vương Hồng Sển, Hứa Hoành, bác sĩ Lê Văn Lân v.v... đã bỏ ra rất nhiều công sức để tra lục, sưu tầm tài liệu hầu mong đem lại một câu trả lời chính xác. Và học giả Đỗ Thông Minh, một người tương đối trẻ so với các vị kể trên, cũng đã và đang tiếp tục những công việc làm tương tự. Tuy nhiên sự nghiên cứu của học giả nầy được người đọc đặt khá nhiều tin tưởng bằng vào số lượng sách báo, biên khảo mà ông cho ấn hành trong suốt hơn một thập niên qua. Bởi vì các tài liệu và dử kiện mà ông đưa ra, đa số đều dựa trên những căn bản khoa học. Và có lẽ muốn tìm hiểu thêm về con người đa năng nầy nên rất đông đồng hương người Việt mà đa số là những vị hằng quan tâm đến những sinh hoạt văn học nghệ thuật nước nhà, đã có mặt tại Thư viện Arlington số 1015 North Quincy Street, thành phố Arlington tiểu bang Virginia vào chiều Chúa nhật ngày 04 tháng 05 năm 2003 vừa qua để gặp gở học giả Đỗ Thông Minh đến từ Tokyo Nhật Bản nói chuyện về đề tài "Vui Học Việt-Hán-Nôm" và "Tương Quan Việt-Nhật-Hoa" do Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn phối hợp cùng các hội đoàn bạn đứng ra tổ chức.
Sau phần giới thiệu và trình bày lý do thực hiện buổi sinh hoạt của nhà văn Trần Quán Niệm, người điều khiển chương trình, nhà văn Hà Bỉnh Trung, Chủ tịch Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật Vùng Hoa Thịnh Đốn, đã thay mặt ban tổ chức để cám ơn những hội đoàn góp sức bảo trợ buổi sinh hoạt nầy như Boat People SOS, Hội Giáo dục Trẻ em, Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam Hải Ngoại v.v... Kế đến, cô Bảo Oanh trong tư cách là một cựu sinh viên đã từng du học tại Nhật Bản đã lên diển đàn để tường trình đến quan khách một chút hiểu biết của mình về tiểu sử học giả Đỗ Thông Minh.
Theo cô thì Đỗ Thông Minh đến Nhật du học vào đầu thập niên 1970. Anh tốt nghiệp cử nhân hóa học tại đây và đã tham gia rất nhiều sinh hoạt đấu tranh chính trị kể từ khi Miền Nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản. Anh là người sáng lập tổ chức Người Việt Tự Do và đồng thời cũng là một trong những nhân vật tiên phuông của việc thành hình Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam do Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh lãnh đạo. Sau khi nhận thấy có sự rạn nứt trong nội bộ Mặt Trận, anh rút lui và chuyên tâm vào các lãnh vực nghiên cứu văn hóa, xã hội. Năm 1985, anh thành lập Mekong Center và tiếp theo đó là nhà xuất bản Tân Văn mà nguyệt san Mekong là tiếng nói chính thức với sự cộng tác của các nhà văn, nhà thơ, nhà báo khắp nơi trên thế giới. Ngoài việc phổ biến những tác phẩm giá trị nhằm phục hồi chử Hán và chử Nôm trong văn hóa Việt, Đỗ Thông Minh cũng hợp tác cùng các học giả khác để cho ra đời một số tự điển đa ngôn ngử Anh, Pháp, Nhật trong các lãnh vực chuyên ngành như điện tử, điện toán, báo chí v.v... Tiếp tục là phần nói chuyện của học giả Đỗ Thông Minh, người vừa làm một cuộc du hành thuyết trình nhiều nơi trên nước Mỹ và thủ đô Hoa Thịnh Đốn có lẽ là trạm dừng chân sau cùng trước khi anh quay trở về Nhật Bản.