LÂM VIẾT HẢI – MARRICKVILLE NSW
Dầu ngăn cách mấy biển Đông
Việt Nam vẫn chảy một giòng trong tôi.
Với tôi, khái niệm về nước Việt Nam rất mơ hồ.... Việt Nam là hình ảnh con Dế mà tôi từng bứt tóc, quấn vào người xoay đến chóng mặt để chọi nhau với dế của thằng Bi; là con Diều giấy của chú Tư làm cho tôi để thả trên cánh đồng vào những chiều hè oi bức; là con Lân múa cùng ông Địa ba ngày Tết trong tiếng pháo vang trời... nếu không nhờ bà Nội tôi...
Tôi rời bỏ đất nước ngày còn thơ ấu. Một đêm trong cơn mơ, thấy người được nhấc bổng lên, tiếng lao xao không đánh thức nổi giấc ngũ trẻ thơ, và khi tỉnh hẳn thì thấy đang nằm lắc lư trong lòng bà Nội.
Cũng như bao người khác, sau ngày 30 /4 lịch sử đau buồn xảy ra trên Miền Nam nước Việt, Nội tôi quyết định ra đi, bỏ lại tất cả ruộng vườn, nhà cửa, sản nghiệp, và mảnh đất chôn nhau cắt rún cùng mồ mả ông bà qua bao thế hệ gia đình.
Bác Hai tôi là sĩ quan Hàng Hải, người có nhiều kinh nghiệm về biển cả cùng chiếc tàu đánh cá của nhà đã đưa tất cả chúng tôi đến bến bờ tự do một cách bình yên.
Ba mẹ tôi sau khi ổn định nơi ăn chốn ở thì bắt đầu làm việc ngay. Ngày trước là Thông Dịch cho một cơ quan truyền thông tại Sài Gòn nên ba tôi bắt tay vào việc khá dễ dàng. Mẹ tôi phải qua một khóa tiếng Anh mất mấy tháng trời mới xin được việc.
Tôi là thằng bé lớn tuổi nhất của lớp nhỏ nhất tại trường Tiểu Học gần nhà. Hàng ngày người đưa đi, đón về là Nội tôi. Mấy ngày đầu tôi sợ đến lớp lắm. Cô thầy, bạn bè ai cũng nói tiếng Anh, tôi không hiểu gì cả, mỗi lần buông tay Nội để vào bên trong cổng trường là mắt tôi rươm rướm. Nhưng phải công nhận là tuổi thơ tiếp thu nhanh, chỉ một tháng sau là tôi hòa nhập được ngay.
Nhiều lúc về nhà, quen miệng nói chuyện với Nội, chêm một vài chữ Anh, Nội cau mày, tôi vội vã tìm từ tiếng Việt thay vào là Nội vui vẻ lên ngay.
Ba mẹ tôi thì khỏi nói, không một tiếng Anh nào dám hó hé trước mặt Nội.
Năm cuối cùng bậc Tiểu Học, Nội hân hoan đến dự buổi lễ mãn khóa, chụp thật nhiều ảnh cùng ba mẹ và tôi. Nội bảo:
- Hôm nay là lần cuối Nội còn được đến đây với con, mai mốt con lên lớp mới, con học trường khác, xa hơn, lớn hơn và đẹp hơn nhưng Nội không còn đưa, rước con được nữa.
Những tiếng sau cùng Nội nói hơi nghèn nghẹn....
Cả ngày phải tiếp xúc với thầy, cô, bạn hữu, phải nói toàn tiếng Anh, nhưng về nhà bắt buộc phải nói tiếng Việt với Nội, cho nên cái vốn tiếng Việt của tôi càng ngày càng khá hơn. Mỗi khi tôi nói lẫn một tiếng Anh vào câu nói, Nội giả đò không nghe, không hiểu gì cả, tôi phải cố gắng nhớ lại, phải nói cho suông sẻ, nói sai Nội sửa đi, sửa lại đến bao giờ đúng mới thôi, không thì Nội tỏ vẻ buồn, không nói không rằng cả ngày.
Những buổi trưa, ngồi nhổ tóc sâu cho Nội, Nội hay kể những câu chuyện cổ tích: Tấm Cám, Lưu Bình, Dương Lễ, Trần Minh khố chuối.... và Nội lại còn đọc và giải thích cả thơ cho tôi nghe. Những câu thơ lục bát rất vần, dễ nhớ như:
Công Cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra....
Hay:
Bầu ơi, thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn....
Hoặc :
Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng....
Dần dần nước Việt Nam tràn ngập hồn tôi với nhiều cái hay, cái lạ và tôi cảm thấy càng ngày càng gần gũi với quê hương hơn.
Khi xong chương trình Trung Học, tôi ghi tên vào trường Y. Nội tôi mừng lắm, người bảo:
- Phải đó, con ráng học làm "Thầy Thuốc", mai mốt cứu chữa cho mọi người, đau bệnh khổ lắm, cứu giúp người là điều quí nhất, không hiểu sao có nhiều người tàn ác quá, chế tạo toàn cái thứ súng đạn giết người làm chi, bị đứt tay đã đau thấu ruột gan rồi.....
Và cái điều ảnh hưởng nhất của Nội với cuộc đời tôi bắt đầu xảy ra....
Tôi hoàn tất khoá học và làm việc tại một bệnh viện, người bạn gái thân nhất của tôi là Dung. Dung học khoa Kiến Trúc. Cũng như tôi, Dung theo gia đình vượt biên từ nhỏ. Nhưng Dung không có bà Nội đi cùng. Dung chỉ bập bẹ vài tiếng Việt. Vì bận rộn sinh kế, ba mẹ Dung phải làm việc xa con cả ngày, gửi Dung vào Childcare. Dung ảnh hưởng rất nhiều nền văn hóa Tây Phương.
Lần đầu Dung đến chơi, Nội mừng lắm, vì bà chỉ ước mong có chắt để ẵm bồng. Thấy Dung xinh đẹp Nội khen thầm trong bụng, nhưng khi Dung chào Nội bằng câu tiếng Anh là Nội xụ mặt ngay. Nhất là trong câu chuyện, khi Nội hỏi điều gì tôi đều phải làm thông dịch viên là Nội buồn ra mặt.
Buổi chiều hôm ấy, khi Dung về rồi, Nội buồn bã cả ngày, ít nói, không cười, buổi cơm Nội ăn uống có vẻ uể oải. Tôi lo lắng, lấy ống nghe, nghe tim, phổi thấy Nội không có triệu chứng bệnh hoạn gì. Nội chỉ bảo là khó ngủ....
Lúc đầu tôi không để ý, sau nghiệm thấy mỗi lần Dung đến, tình trạng trên lập lại với Nội mấy ngày liền. Tôi cố gạn hỏi, nhưng Nội vẫn bảo không có gì. Một hôm không dằn được, Nội nói:
- "Giấy rách phải giữ lấy lề", chúng ta là người Việt Nam, dầu xa quê hương vì hoàn cảnh bắt buộc, nhưng bản gốc con người vẫn phải giữ gìn. Bà muốn cháu chắt sau nầy vẫn mang tâm hồn là người Việt Nam, con thử nghĩ, nếu ai đó hỏi con là người gốc gác nước nào, con nói là người Việt Nam mà không biết một tiếng Việt nào thì có đáng buồn không" Tại sao tiếng nước mình hay vậy mà không chịu gìn giữ. Rảnh rỗi con dạy Dung nói tiếng Việt để mai mốt vợ chồng còn dạy con cái chứ!
Thì ra cái nguyên nhân khiến Nội rầu rĩ là thế. Tôi cười, nói cho bà yên lòng:
- Nội ơi ! Dung chỉ là bạn con thôi, chứ có là vợ con đâu mà Nội lo qúa thế!
Thật sự tôi và Dung yêu nhau. Khi yêu con người trở nên mù quáng, cái gì của người yêu đều hay và đẹp cả. Những cái vô lý cũng trở thành có lý.
Mỗi khi đến chơi, Dung vào phòng tôi nằm suốt, tới buổi cơm, sau khi mẹ tôi chuẩn bị sẵn sàng, Dung mới hiện diện nơi bàn ăn cùng gia đình tôi, sau khi ăn xong, Dung ngồi salon xem tivi, báo chí hay nói chuyện như một người khách, để mặc mẹ tôi lui cui dọn rửa. Nội tôi bỏ vào phòng riêng nằm lặng lẽ. Sau đó mỗi lần Dung đến, Nội đều ăn cơm một mình trong phòng.
Nhiều week end tôi muốn ở nhà ăn buổi cơm gia đình, sau đó đánh tenis hoặc đi bơi, Dung cứ nhất định bắt tôi đi biển mặc dầu mới đi tuần trước. Không đi thì Dung giận dỗi, cuối cùng tôi phải chiều theo, làm chương trình ăn uống mẹ tôi bỏ bao công sức chuẩn bị phải đình lại.
Tôi biết Nội không thích Dung, nhưng tôi nghĩ, thời gian Nội sống với tôi không dài lắm, tôi sẽ cưới Dung khi nào Nội không còn nữa để tránh gây buồn phiền cho Nội. Và sẽ cố gắng lôi kéo Dung trở về với bản tộc Việt Nam được phần nào hay phần nấy.
Không biết Dung có nhận thấy sự không hài lòng của Nội đối với Dung không.
Mùa hè năm đó, Dung bàn với tôi qua Mỹ chơi vì công ty xây dựng của người chú bên ấy muốn Dung sang làm việc, lương rất hậu, Dung muốn tôi cùng đi để tham khảo một bệnh viện mà trong tương lai, nếu thích tôi sẽ xin chuyển đến làm việc tại Mỹ với Dung.
Sau khi suy nghĩ cặn kẽ, tôi cho Dung biết không thể nào đi cùng Dung được, vì: Điều thứ nhất, tôi không thích nước Mỹ. Điều thứ hai, tôi không thể nào rời bỏ bệnh viện nơi tôi đang làm việc, và nước Úc, quê hương thứ hai của tôi, một đất nước đầy tình người đã giang tay đón nhận tôi, một kẻ lạc loài vô tổ quốc, trở thành Bác sĩ. Điều thứ ba là Nội đã già, không biết còn bao lâu nữa, tôi muốn những lúc Nội ốm đau bệnh hoạn, có tôi bên cạnh để săn sóc Nội và cha mẹ.
Dung giận dỗi, Dung cho là tôi viện mọi lý do chỉ vì coi bà Nội nặng hơn Dung. Mẹ tôi đề nghị làm lễ đính hôn cho hai đứa trước ngày đi, nhưng Dung từ chối:
- Để con suy nghĩ đã, khi nào đi Mỹ về sẽ tính.
Tôi cho là đúng. Vì một việc hệ trọng suốt đời người không thể hấp tấp được, có thể thời gian qua, tôi có khuyết điểm gì khiến Dung không bằng lòng thì sao.
Một tuần sau ngày Dung lên đường, tôi nhận được email. Dung khuyên tôi hãy quên Dung đi. Có thể Dung không trở về Úc nữa, vì Dung còn muốn tiếp tục học, chưa có ý lập gia đình và nếu có, thời gian còn xa lắm. Thế là hai đứa không liên lạc nhau từ đấy.
Tôi buồn suốt mấy tháng liền, ba mẹ tôi không hay biết gì, vẫn cứ hỏi thăm về Dung, tôi cũng ậm ừ cho qua chuyện. Nhiều lúc tôi cứ ray rứt: Hay là tại Nội làm Dung buồn.
* * *
Vết thương nào cũng gây nhức nhối, nhất là vết thương lòng. Nhưng thời gian cũng là liều thuốc nhiệm mầu xoa dịu và kéo da non thành sẹo.
Linh là con người bạn của ba tôi, tôi gặp Linh trong một dịp rất tình cờ....
Thư viện buổi sáng hôm ấy hơi vắng vẻ, tôi đang tìm quyển Tự Điển Y Khoa trên kệ định tra cứu, loay hoay mãi nhưng không thấy. Một giọng nói Việt Nam cất lên :
- Xin lỗi, có lẽ anh đang tìm quyển sách nầy phải không"
Ngạc nhiên, tôi quay sang bên cạnh, một thiếu nữ tay cầm đúng quyển sách mà tôi đang tìm:
- Thưa cô, đúng vậy, cô đã đoán đúng hai điều, thứ nhất: Quyển sách và thứ nhì: Tôi là người Việt Nam. Nếu tôi không lầm thì giác quan thứ sáu của cô khá tốt.
Cô gái cười:
- Anh thấy không" Chưa chi anh đã trổ tài Bác Sĩ, khám bệnh cho tôi rồi, chẳng những thế tôi còn biết anh tên Trung nữa kìa. Nói đùa thôi, tại anh không để ý chứ, trên xách tay anh còn bảng tên rõ ràng kìa.
Nhìn lại, quả thật chiếc Samsonite với bảng tên và dấu hiệu bác sĩ còn ràng ràng, vì hôm qua tôi mới dự cuộc họp y tế toàn quốc vừa bế mạc.
Tôi cười:
- Đó là điều thứ hai, còn điều thứ nhất là sao cô biết tôi đang tìm quyển Tự Điển.
- Chỉ do suy đoán thôi, hôm nay Thư Viện vắng vẻ, quầy sách Y Khoa chỉ có mình tôi đến sớm nhất, và tôi vừa lấy quyển nầy ra khỏi kệ, rồi anh là Bác Sĩ tới tìm, tìm mãi...., thì chỉ có thể là quyển sách nầy thôi.
Tôi phải thầm phục sự nhận xét thông minh của cô gái. Thế là tôi và Linh quen nhau từ đấy.
Dần dần qua câu chuyện trao đổi, chúng tôi khám phá ra ba mẹ Linh và ba mẹ tôi là bạn của nhau từ hồi còn ở Việt Nam. Gia đình Linh vừa đến Úc được hai năm, qua bão lãnh của ông bà Nội. Mối quen biết trước đây giữa hai gia đình càng làm tình bạn chúng tôi trở nên thắm thiết.
Linh đang ghi danh học năm thứ nhất Y Khoa, lại là một điểm tương đồng trong nghề nghiệp. Tôi thường giúp Linh trong việc học, đem những kinh nghiệm trước đây truyền lại cho Linh. Khác hẳn với Dung, mỗi lần Linh đến, không khí gia đình tôi rất vui, nhất là Nội, có người chào hỏi, chuyện trò, bằng những câu tiếng Việt lễ phép, mắt Nội sáng hẳn lên.
Linh rất thích làm bếp, phụ mẹ tôi nấu các món ăn thuần túy Việt Nam như: Canh chua, cá kho tộ, gỏi ngó sen, mắm chưng, chả giò, bánh xèo v...v..., dọn dẹp chén bát sau khi dùng bữa. Bữa cơm nào có Linh là Nội tôi ăn nhiều hơn một chút.
Từ ngày tôi và Dung chia tay, tuy không nói ra, nhưng qua ánh mắt tôi biết Nội rất vui. Với Linh thì Nội hài lòng ra mặt, vài ngày mà không thấy Linh tới là Nội gạn hỏi tôi ngay. Khi ăn món ăn Việt Nam nào ngon là Nội tôi lại nhắc đến Linh:
- Con nhỏ đó coi vậy mà nấu ăn khéo, hôm nọ nó nấu món nầy Nội thấy vừa miệng lắm.
Hay là:
- Con nhỏ coi vậy mà kể chuyện hay đáo để, hôm trước nó kể chuyện Lục Vân Tiên hay lắm, chẳng những vậy mà nó còn thuộc gần hết bài thơ Kiều dài cả mấy ngàn câu của Nguyễn Du nữa chứ.
Thấy Nội vui, tôi cũng vui lây. Ba mẹ tôi thì khỏi nói, nhất là mẹ tôi, ngày cuối tuần có được người phụ bếp và phụ dọn dẹp. Vì vậy mẹ càng trổ tài chế biến nhiều món ngon cho gia đình thưởng thức, hậu quả là cả nhà ai cũng đều phát tướng.
Mùa đông năm nay lạnh bất thường, hàn thử biểu có khi tụt xuống gần con số không. Nội tôi cả ngày gói mình trong chiếc áo lông to sụ. Và chiếc ghế bên cạnh lò sưởi là nơi duy nhất Nội ngồi suốt ngày ngoài những giờ ăn, ngủ. Thỉnh thoảng vài tiếng ho bật ra, mặc dầu cố gắng kiềm hãm.
Tôi rất lo ngại cho sức khoẻ Nội. Mỗi lần về đến nhà là tôi đến thăm Nội ngay.
Một đêm đang ngủ say, mẹ vào đánh thức tôi dậy:
- Con đến ngay phòng Nội, mẹ e rằng...
Tôi vội vã khoác vào người chiếc áo choàng, với tay lấy cặp ống nghe và túi đồ cấp cứu, hấp tấp chân không kịp xỏ dép.
Phòng Nội đèn đuốc sáng choang. Ba tôi đang quì gối gục đầu cạnh Nội, tay nắm chặt bàn tay khẳng kheo của Nội. Môi Nội mấp máy :
- Thằng Trung... thằng Trung...
Tôi vội vàng bước tới, quì xuống cạnh ba tôi:
- Con đây Nội. Con sẽ khám và chữa bệnh cho Nội, không sao đâu Nội!
Nội tôi thều thào:
- Linh... Linh đâu... đến đây với Nội....
Nhìn Nội đang thiêm thiếp, chiếc ống nghe nhịp tim cho tôi biết giờ phút không còn bao lâu nữa, một quyết định nhanh chóng, tôi bước vội lại bàn nhấc điện thoại và bấm vào những con số...
Mười lăm phút sau Linh hiện diện cùng ba mẹ, cả ba người đều khoác áo lạnh ngoài áo ngủ, ba tôi chào mẹ Linh, bắt tay ba Linh:
- Xin lỗi đã làm rộn anh chị đêm hôm lạnh lẽo thế nầy, xin anh chị thông cảm, đây là ước muốn cuối cùng của người hấp hối.
Linh thì nhảy bổ vào phòng bà tôi ngay, nước mắt ràn rụa khi nhìn thấy bà đang nằm bất động, giọng nức nở:
- Bà ơi! Cháu đã đến đây, bà hãy tỉnh dậy cháu sẽ kể chuyện, cháu sẽ đọc thơ cho bà nghe.... bà đừng làm cháu sợ....
Có lẽ cái giác quan thứ sáu đã đánh thức Nội dậy, đôi mắt lờ đờ khẽ hé, nhìn thấy Linh một tia sáng chợt lóe lên, môi mấp máy. Tôi, Linh và tất cả vội vàng cúi xuống:
- Trung, Linh hai đứa hãy cưới nhau... Bà muốn con cháu sau nầy học nói tiếng Việt... đừng quên mình là người Việt... Giấy rách phải giữ lấy lề...
Nội hắt ra một hơi thật mạnh và buông tay vĩnh viễn.
- Nội ơi ! Con đã bất lực trước số phận. Tre già phải tàn lụi để măng non vươn chồi, đó là định luật mà cũng là câu nói Nội thường lập đi lập lại với con. Con không tranh giành được Nội khỏi tay thần chết, nhưng con có thể hứa với Nội một điều là con của con và Linh, chắt của Nội sau nầy vẫn là những người Việt Nam không quên nguồn cội. Hãy yên lòng Nội nhé! ¦