Hỏi (ông Trần Điều Ngọc): Cách đây chừng 6 tháng, tôi được gọi được gọi đến để đo đạc và tính giá cả về việc dựng hàng rào sắt dọc theo mãnh đất tiếp giáp với đất của một căn nhà kế cận.
Sau khi đo đạc và cho biết giá cả. Chủ nhà đã đồng ý, và trả trước cho tôi 20% tổng số tiền phí tổn. Chúng tôi đồng ý là phần còn lại sẽ được thanh toán khi công việc hoàn tất.
Giữa tôi và chủ nhà không có một hợp đồng chính thức nào, ngoại trừ tấm giấy biên nhận ghi rõ công việc mà tôi sẽ thực hiện, loại nguyên liệu, và tổng số tiền chi phí cũng như tiền cọc mà tôi đã nhận.
Chúng tôi đã đồng ý với nhau nhiều chi tiết liên hệ đến các vấn đề kỹ thuật khác, nhưng những điều này không được ghi trong tờ biên nhận này.
Một tuần trước khi tôi đến lắp ráp hàng rào. Như đã đồng ý với đề nghị của chủ nhà, tôi đã gọi điện thoại trước cho ông ta biết điều đó.
Khi đến ngày hẹn, tôi cùng 2 người thợ khác đã chở toàn bộ hàng rào đến để lắp ráp. Chúng tôi bèn khiêng toàn bộ hàng rào và các dụng cụ cùng máy móc cần thiết xuống xe. Tuy nhiên, khi chúng tôi bắt đầu thực hiện công việc dựng hàng rào thì người chủ nhà kế bên cho biết là phần đất đó thuộc về quyền sở hữu của ông ta.
Tôi bèn báo cho chủ nhà biết rõ sự việc. Sau một hồi bàn thảo, chủ nhà đã quyết định ngưng công việc cho đến lúc ông ta mướn nhân viên đo đạc xác định lại ranh giới đất đai của ông ta và nhà kế cận.
Tôi không còn cách nào khác hơn là làm theo lời đề nghị của chủ nhà, nhưng tôi đã yêu cầu chủ nhà trả chi phí cho chúng tôi ngày hôm đó và các nguyên vật liệu cùng tiền công hàn gắn hàng rào mà chúng tôi đã thực hiện. Đồng thời tôi cũng cho chủ nhà biết rằng tôi sẽ để những tấm hàng rào sắt đã được hàn xong tại vườn phía sau nhà của ông ta và khi ông ta giải quyết xong việc tranh chấp về ranh giới đất đai, tôi sẽ trở lại gắn hàng rào cho ông ta.
Tuy nhiên, chủ nhà đã từ chối những đề nghị đó và không chịu trả tiền cho chúng tôi.
Xin LS cho biết là tôi có quyền khiếu nại để đòi lại toàn bộ các phí tổn mà tôi đã phải gánh chịu hay không"
Trả lời: Theo “luật hợp đồng” (contract law) thì hợp đồng không thể bị tự động vô hiệu nếu một trong hai bên đương sự đã lầm lẫn ký kết hợp đồng. Vì thế, theo án lệ, tòa án sẽ không tự động bác bỏ hợp đồng chỉ vì lý do là một bên đương sự đã ký kết hợp đồng, rồi sau đó viện dẫn lý do và cho rằng nếu biết được điều đó thì họ sẽ không ký kết hợp đồng.
Có hai lý do mà tòa án không tự động bác bỏ hợp đồng khi một trong hai bên đương sự nại lý do là có “sự lầm lẫn”(mistake): (1) vì nếu cho rằng hợp đồng “bị vô hiệu ngay từ đầu” (void ab initio) trong trường hợp liên hệ đến sự lầm lẫn chung của cả hai bên đương sự thì quyền lợi ngay tình của đệ tam nhân sẽ bị thiệt hại; (2) nếu chỉ vì sự lầm lẫn của một bên đương sự mà hợp đồng tự động phải bị hủy bỏ thì sự giao dịch thương mãi hàng ngày sẽ bị ảnh hưởng.
“Theo án lệ” (at common law), để có thể hủy bỏ hợp đồng vì lý do có sự lầm lẫn, thì sự lầm lần đó phải là điều kiện cơ bản của hợp đồng, và sự lầm lẫn đó đã xảy ra vào lúc ký kết hợp đồng.
Trong vụ Taylor kiện Johnson (1983). Trong vụ đó, hai bên đã ký kết hợp đồng trong việc mua bán 10 mẫu đất. Hợp đồng đã viết lộn là $15,000 cho 10 mẫu. Tuy nhiên, người bán nghĩ rằng bà ta bán $15,000 một mẫu và tổng số tiền bán là $150,000. Người mua sau đó xin án lệnh của “Tối Cao Pháp Viện Liên Bang” (the High Court) để buộc người bán phải thi hành hợp đồng. Riêng người bán cũng đã xin tòa hủy bỏ hợp đồng vì sự lầm lẫn đó. Tòa đã tuyên phán rằng:
Nếu một bên đương sự đã ký kết hợp đồng do sự lầm lẫn nghiêm trọng liên hệ đến những điều kiện cơ bản của hợp đồng thì, “theo công lý tự nhiên” [theo lẽ công bằng] (in equity), hợp đồng đó phải bị hủy bỏ. Cuối cùng tòa đã hủy bỏ hợp đồng đó.
Cũng theo luật lệ về hợp đồng, khi mà “chủ thể của hợp đồng” (the subject matter of the contract) không còn tồn tại, và điều này không do lỗi của các bên đương sự, vào lúc ký kết hợp đồng thì hợp đồng sẽ vô hiệu vì lý do có “sự lầm lẫn chung” (common mistake).
Tuy nhiên, nếu chỉ do sự lầm lẫn của một bên đương sự thì hợp đồng sẽ không vì thế mà trở thành vô hiệu, như đã được xét xử trong vụ McRae kiện Commonwealth Disposal Commission (1951).
Trong vụ đó, bị đơn đã mời gọi “sự đấu thầu” (tender) về “một chiếc tàu chở dầu” (an oil tanker) nằm ở Jourmaund Reef, cách phía bắc của Samarai chừng 100 dặm. Nguyên đơn đã trúng thầu và được cho biết về “vĩ tuyến và kinh tuyến” (the latitude and longitude) để định vị chiếc tàu dầu.
Sau khi tốn kém khá nhiều chi phí, nguyên đơn vẫn không thể định được vị trí của chiếc tàu, cuối cùng mới biết được rằng thực ra không có chiếc tàu dầu đó. Nguyên đơn bèn kiện bị đơn về “sự vi phạm hợp đồng và sự trình bày sai lạc” (breach of contract and misrepresentation). Bị đơn tranh cãi rằng hợp đồng vô hiệu vì có sự lầm lẫn chung là “chủ thể của hợp đồng” trên thực tế không tồn tại.
Tuy nhiên “Tối Cao Pháp Viện Liên Bang” đã bác bỏ lập luận của bị đơn vì lý do là không có “sự lầm lẫn chung” trong vụ này. Tòa đã cho rằng người mua đã tin tưởng và hành động dựa vào sự tin tưởng mà người bán đã cho rằng chiếc tàu dầu đang nằm ở vị trí được định vị. Điều này khác với trường hợp mà trong đó cả hai bên đương sự cùng suy đoán và tin tưởng vào sự kiện mà họ đã cùng suy đoán. Trong trường hợp này, nguyên đơn hoàn toàn không hay biết gì cả ngoại trừ việc căn cứ vào những sự kiện được cung cấp bởi bị đơn. Vì thế, tòa đã buộc bị đơn bồi thường cho nguyên đơn.
Trong vụ Svanosio kiện McNamara (1956). Trong vụ này, nguyên đơn ký hợp đồng để mua lại khách sạn “Bulls head” cùng với giấy phép bán rượu từ bị đơn. Sau khi thủ tục mua bán hoàn tất, nguyên đơn mới biết được rằng một phần của khách sạn nằm ở trên đất của người khác. Nguyên đơn bèn xin tòa để được bồi thường cho sự “lầm lẫn chung” đối với việc mua bán này.
Tuy nhiên, tòa đã cho rằng thủ tục mua bán nay đã hoàn tất, ngoại trừ có “sự khi trá” (fraud), nguyên đơn sẽ không được bồi hoàn, vì trước khi ký kết hợp đồng nguyên đơn đã có đủ thì giờ để thẩm định và điều tra về bằng khoán cùng quyền sở hữu của tài sản đó.
Dựa vào luật lệ cũng như các phán quyết vừa trưng dẫn, ông có thể thấy được rằng người chủ nhà trong vụ này có nhiệm vụ phải bồi hoàn mọi thiệt hại mà ông đã và đang phải gánh chịu. Số tiền này bao gồm tiền công của ông và hai người thợ mà ông đã thuê mướn ngày hôm đó; cùng với tất cả các phí tổn và công lao liên hệ đến việc tạo lập các khung hàng rào mà ông đã thực hiện để dàn dựng dọc theo ranh giới đất đai mà người chủ nhà đã yêu cầu.
Tôi đề nghị ông nên gặp LS của ông để được cố vấn tận tình hơn.