Đầu năm nay, Toà Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Sàigòn bắt đầu nhận đơn của người ở Việt Nam xin đi du lịch Hoa Kỳ. Hàng ngàn người đã nộp đơn. Nhân đó nhiều văn phòng dịch vụ ở Hoa Kỳ đã quảng cáo làm “bảo lãnh du lịch.” Và vấn đề này đang trở thành một phong trào thời thịnh.
Tuy nhiên ít ai biết được là trong thực tế, hầu hết các đơn xin đi du lịch từ Việt Nam đều bị bác. Hàng ngàn người đã mất toi số tiền lệ phí 45 Mỹ kim đóng cho Toà Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ. Không những thế, trong nhiều trường hợp thân nhân của họ còn bị mất tiền với các dịch vụ, thường là từ vài trăm cho đến vài ngàn Mỹ kim, vì đương đơn không hội đủ tiêu chuẩn hoặc vì đơn nộp không đúng thể thức.
Để giúp đồng hương tránh tình trạng mất tiền vô ích ấy, trong bài này chúng tôi giải thích về luật lệ và thể thức xin nhập cảnh Hoa Kỳ theo diện du lịch, và hướng dẫn về những việc cần làm để giảm thiểu rủi ro bị mất tiền vô ích.
Luật Di Dân Hoa Kỳ
Theo luật di dân Hoa Kỳ, người ngoại quốc ngoại quốc muốn nhập cảnh phải xin chiếu khán. Có hai loại chiếu khán: di dân và không di dân. Người xin chiếu khán di dân có ý định ở lại Hoa Kỳ vĩnh viễn. Người xin chiếu khán không di dân chỉ có ý định ở lại một thời gian ngắn. Có một loại chiếu khán không di dân gọi là chiếu khán “thăm viếng” (visitor visa). Luật di trú lại phân loại ra làm ba loại khách thăm:
1) Thăm viếng Hoa Kỳ với lý do thương vụ. Những người này cần xin chiếu khán loại B-1.
2) Thăm viếng Hoa Kỳ thuần tuý với tư cách du khách. Những người này cần xin chiếu khán loại B-2.
3) Thăm viếng Hoa Kỳ với lý do chữa bệnh. Những người này cũng cần xin chiếu khán loại B-2.
Theo luật di dân Hoa Kỳ bất luận xin nhập cảnh với lý do nào cũng đều bị xem là có ý định ở lại Hoa Kỳ. Nhiệm vụ của người nộp đơn là phải làm sao thuyết phục được nhân viên cứu xét hồ sơ rằng mình hoàn toàn không có ý định ở lại Hoa Kỳ mà sẽ rời Hoa Kỳ sau thời gian được cho phép thăm viếng. Đây là điều thứ nhất cần chứng minh.
Điều thứ hai cần chứng minh là khả năng tài chánh để tự đài thọ mọi phí tổn trong thời gian ở Hoa Kỳ và sẽ không là gánh nặng cho xã hội Hoa Kỳ.
Nếu không chứng minh được cả hai điều kể trên thì đơn xin chiếu khán sẽ bị loại. Ngay dù chứng minh được thì cũng chưa chắc đơn sẽ được chấp thuận. Và ngay cả khi đơn được chấp thuận bởi Toà Tổng Lãnh Sự, khi đến phi trường nhập cảnh vào Hoa Kỳ nhân viên di trú ở đây vẫn có toàn quyền không cho phép nhập cảnh. Tuy nhiên điều này rất ít khi xẩy ra.
Thể Thức Nộp Đơn
Khi nộp đơn, hồ sơ cần có những giấy tờ như sau.
1) Đơn OF-156
Đơn này có thể xin miễn phí tại Toà Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Sàigòn (hay tại phòng lãnh sự ở Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội). Khi nộp đơn thì phải nộp kèm với lệ phí là 45 Mỹ kim không bồi hoàn. Nếu nhiều hơn một người trong nhà cùng làm đơn xin du lịch thì mỗi người phải nộp một đơn riêng.
2) Hộ Chiếu (Sổ Thông Hành)
Kèm với đơn OF-156 cần phải nộp bản sao Hộ Chiếu với thời hạn hiệu lực ít ra là 6 tháng quá thời điểm hoàn tất chuyến thăm viếng Hoa Kỳ. Chẳng hạn chuyến thăm viếng nếu hoàn tất vào tháng 3 thì hộ chiếu phải hiệu lực ít ra là đến tháng 9.
3) Hai tấm hình căn cước (37 x 37 mm)
Hình phải chụp thẳng từ trước đến trên nền sáng, không được che khuất đầu.
4) Các chứng từ nhằm xác minh ý định sẽ trở về
Nếu đi theo diện trao đổi thương vụ thì phải có thư mời của một cơ sở kinh doanh ở Hoa Kỳ. Thư này cần nói rõ lý do mời, thời gian lưu lại Hoa Kỳ, và cam kết đài thọ mọi phí tổn cho chuyến viếng thăm.
Nếu đi chữa bệnh thì cần có giấy chứng của bệnh viện hay hội đồng y khoa xác nhận nhu cầu chữa bệnh.
Nếu đi du lịch để thăm thân nhân thì phải có thư của thân nhân hay bạn bè ở Hoa Kỳ xác nhận lý do và thời gian đi du lịch.
Trên đây là những giấy tờ căn bản, nếu không có thì chắc chắn đơn sẽ bị bác. Tuy nhiên có đủ các giấy tờ ấy cũng không hẳn là đơn sẽ được chấp thuận. Có nhiều cách thức để tăng sức thuyết phục đối với người xét đơn. Sau đây là một số cách thức.
(a) Chứng minh là có tài sản và công ăn việc làm vững chắc ở Việt Nam, và do đó sẽ không có lý do để trốn ở lại Hoa Kỳ. Lượng tài sản và mức thu nhập hàng tháng càng cao thì càng dễ thuyết phục. Để chứng minh việc này thì cần nộp bản sao giấy chủ quyền về tài sản, giấy xác nhận công ăn việc làm của hãng xưởng thuê mướn mình, giấy đóng thuế thu nhập hàng năm... (b) Nếu đương đơn đã lớn tuổi và đã về hưu thì nên có giấy tờ chứng minh. Những người đang trong tuổi lao động thường ít được chấp thuận là vì Sở Di Trú nghi rằng họ có thể sẽ tìm cách trốn ở lại đi làm chui ở Hoa Kỳ.
(c) Chứng minh là sẽ trở về vì vướng quan hệ gia đình. Chẳng hạn như trong một gia đình chỉ có người vợ đi du lịch còn chồng con đều ở lại Việt Nam, thì dễ thuyết phục hơn là trường hợp cả nhà cùng đi du lịch một lúc.
5) Các Chứng Từ Xác Nhận Trách Nhiệm Tài Chánh
Đối với những người có khả năng tài chánh thì cần chứng minh tài sản và thu nhập bằng các giấy tờ chứng minh tư cách chủ nhân bất động sản, thương nghiệp, xí nghiệp; giấy tờ chứng minh lương bổng, công ăn việc làm (như giấy xác nhận của công ty); giấy tờ chứng minh tiền và tài sản gởi ngân hàng...
Bên cạnh đó là giấy xác nhận của công ty đứng ra mời (trong trường hợp thăm viếng trao đổi nghiệp vụ) hoặc của thân nhân, bạn bè (trong trường hợp du lịch hay chữa bệnh). Các giấy xác nhận này cần cam kết sẽ đài thọ vấn đề ăn ở, vận chuyển, bảo hiểm sức khoẻ, v.v. trong thời gian du khách hiện diện ở Hoa Kỳ.
Người hay công ty đứng ra mời cũng phải làm đơn I-134 (bảo trợ tài chánh) gởi kèm với giấy xác nhận có công chứng.
Tất cả các văn thư và chứng từ kể trên đều phải bằng Anh ngữ hay đính kèm bản dịch Anh ngữ và phải gởi về cho người ở trong nước cầm theo khi đi phỏng vấn.
Kết Luận
Các hướng dẫn ở trên mang tính cách tổng quát trong khi mỗi trường hợp lại mỗi khác. Những ai có thân nhân muốn thăm viếng Hoa Kỳ nên nghiên cứu kỹ những đòi hỏi ở trên và tự lượng định triển vọng của từng trường hợp một nhằm tránh mất tiền vô ích. Chẳng hạn, những ai không hội đủ tất cả các tiêu chuẩn căn bản như giải thích ở trên thì không nên tốn tiền vô ích. Nếu hội đủ tiêu chuẩn thì cũng cần làm theo đúng cách thức để đơn không bị bác vì lý do kỹ thuật.
Những ai có khả năng Anh ngữ có thể tự làm theo các hướng dẫn kể trên để tiết kiệm tiền bạc. Hơn nữa, chính mình tự lo lấy nhiều khi cũng là điều hay vì sẽ kỹ lưỡng hơn là nhờ người khác.
Điều cần lưu ý là, như đã trình bày ở trên, chúng ta chỉ có thể chuẩn bị hồ sơ để tăng triển vọng của hồ sơ đến mức tối đa. Đơn có được chấp thuận hay không là do quyết định của Toà Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ và được nhập cảnh hay không là do quyết định của nhân viên Sở Di Trú và Nhập Tịch ở phi trường. Do đó không ai có thể bảo đảm rằng đương đơn chắc chắn sẽ được nhập cảnh. Có một số văn phòng dịch vụ bắt thân chủ trả một khoản tiền lớn với lý do là họ bảo đảm đơn sẽ được chấp thuận. Bảo đảm như vậy là không đúng sự thật.
Trong trường hợp cần sự giúp đỡ hay có câu hỏi, quý vị có thể liên lạc trực tiếp với các Trung Tâm Dịch Vụ S.O.S. theo các số điện thoại sau đây: Bắc California (916) 395-2156; Nam California (714) 714-775-5541; Houston (281) 530-6888; các nơi khác: (703) 204-1352.
Hệ thống Trung Tâm Dịch Vụ S.O.S. là một chương trình của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển, một tổ chức bất vụ lợi, nhằm giúp đỡ đồng hương. Nguyên tắc của các trung tâm này là chỉ tính lệ phí đúng theo chi phí hành chánh để lo hồ sơ.