Tuy rằng trong những thước phim ấy, có rất nhiều cảnh "phịa"- thì phim nào chẳng có những cảnh "phịa." Chỉ có điều khác nhau là những cảnh phịa đó để làm gì" Xuyên tạc, bốc thơm, tán thối, hay để "minh họa" cho cuốn phim đầy đủ ý nghĩa hơn, đậm đà hơn. Việc đó tùy vào tài năng cũng như cái "tâm" của người nghệ sĩ sáng tác. Ở đây tôi muốn nói đến người viết kịch bản và đạo diễn.
Trong phạm vi phim "Càn Long du Giang Nam" chẳng thiếu gì cảnh phịa, ai cũng biết, song hầu hết rất nhiều khán giả khoái chí, khi những nỗi oan được giải tỏa, những tên sâu dân mọt nước bị "đá đít bợp tai," tịch thu tài sản, cho về đi ăn mày hoặc đưa đầu vào máy chém, bất kể anh là công thần hay không. Nếu tội nặng thì "cẩu đầu trảm" (tức là cái máy chém có hình đầu chó). Người xem hả hê, chứng tỏ nỗi lòng người dân cũng hả hê còn hơn thế. Sư công minh chính trực bao giờ cũng mang lại thanh bình an lạc. Hình ảnh ông "mặt đen Bao Công" còn sống mãi trong lòng dân chúng qua mọi thời đại.
Ngay cả khi đưa vào nhân vật khó quên là Vi Tiểu Bảo, dã sử và chuyện phịa cứ như hình với bóng, chuyện tử tế và chuyện đểu cũng cứ đan xen mà không lẫn lộn. Cái thiện và cái ác đi đôi với nhau như sự thật ngoài đời. Chuyện cung đình mà hóa ra chuyện ở chợ, chuyện nhà vua và nhà điếm được "bình thường hóa" như thứ chuyện đời thường. Tôi không ca tụng cuốn phim mà chỉ nói đến nội dung của nó. Dù sao cũng là phim cũ rích rồi và đã có khá nhiều đạo diễn Trung Hoa làm loại phim này, có cuốn hay, có cuốn dở ẹc. Cũng như hằng hà sa số những phim về chiến tranh, nhưng kiếm được cuốn phim hay và trung thực không phải dễ. Đó là phạm vi nghệ thuật, tôi không bàn đến ở đây. Mà chỉ bàn đến chuyện:
Thăm dân cho biết sự tình
Câu ấy đã trở thành câu nói cửa miệng của các vị làm quan hay nói theo cách khác thì đó là công việc thiết yếu quan trọng hàng đầu của những vị được cử ra để cai trị dân. Còn ai "cử" các vị ấy ra lại là chuyện khác. Gọi là "quan" hay bất cứ từ ngữ nào cũng chỉ như nhau mà thôi, bởi công việc hoàn toàn như nhau.
Làm quan mà không biết thực hư đời sống của dân thì chỉ là "làm vì, làm tượng đất." Sênh sang áo mão, vênh váo ngựa xe, rượu ngon, gái đẹp, bổng lộc vơ vét cho đầy túi tham thì cũng chẳng khác một tên ăn cướp. Bọn ăn cướp "chuyên nghiệp" không có tí quyền hành nào, nhưng quan mà ăn cướp thì "khỏi nói," cứ ung dung mà cướp, cướp theo luật và cướp bất chấp luật lệ, cứ đưa cái quyền hành cai trị ra mà cướp thì "thằng dân" chỉ có nước... chết đứng. Kêu vào đâu" Trời cao, đất dầy, chỉ có vợ con nhà mình nghe.
Cái trống
Lại nghĩ đến chuyện trong phim Tàu, mỗi khi người dân bị oan ức, đều có quyền đến cửa quan nện vài hồi trống kêu oan. Tiếng trống thay cho tất cả mọi thứ thủ tục linh tinh nào đơn xin gặp, phiếu yết kiến, nào là hẹn ngày, hẹn giờ... Chắc nhiều bạn đọc coi phim đã từng thấy những cảnh khá vui, quan lớn đang nằm trong giường với mỹ nhân, nghe tiếng trống là vội vàng nhảy xuống, áo mão chỉnh tề, ra trước công đường nghe dân kiện. Bất kể là quan có thanh liêm hay không cũng phải tuân theo đúng "phép nước" quy định. Phải nghe dân trình báo cái đã, giải quyết thế nào tính sau. Ngay lập tức, quan lớn phải có một quyết định nào đó đáp lại tiếng kêu oan của người dân. Nói như thế không có nghĩa là mọi việc đều được giải quyết minh bạch mà chẳng thiếu gì chuyện quan ăn hối lộ rồi nhận chìm xuồng hoặc xử oan xử ức cho người dân nghèo thấp cổ bé miệng.
Thời nay thì những cái trống đã trở thành lạc hậu, không có cửa quan nào còn treo cái trống đó nữa. Tuy nhiên người dân có nhiều phương tiện để kêu oan hơn. Việc thông thường nhất là viết đơn kêu oan. Chuyện khó khăn hơn tí nữa là đến Ủy Ban xin gặp quan xã, quan ấp, quan huyện để trình bày, nếu không toại nguyện thì đưa nhau ra tòa, thuê luật sư kiện tới xương. Lại còn có thể đưa mọi chuyện ra trước công luận, tức là qua các cơ quan báo chí, truyền thanh truyền hình. Lại có thể gọi điện thoại đến những "đường dây nóng" của các vị đứng đầu cơ quan của tỉnh, của bộ...
Thế nhưng càng nhiều phương tiện thì người dân lại càng gặp khó khăn. Đơn đi lòng vòng, chưa bao giờ biết nó đi đến đâu, cứ như trò chơi vô hình. Điện thoại qua đường dây nóng thì bận liên tục hoặc bận tiếp dân,bận tiếp khách. Đó là những việc thật chứ không phải việc "ảo." Làm sao mà một người phụ trách nhiều công việc như thế cứ ngồi nghe điện thoại của hàng trăm, hàng ngàn người được, dù cho có cả một ủy ban ngồi nghe cũng chẳng bao giờ hết việc. Chưa kể đến chỉ vài ngày là đường dây "quá tải." Đường dây nóng trở thành đường dây "ảo." Đến tận nơi xin gặp người có trách nhiệm thì thường được chỉ từ ban này sang ban khác, từ "cán bộ" này sang "cán bộ" kia, chạy loăng quăng một hồi rồi ông ấy bận đi công tác là hết chuyện. Còn đòi gặp các "thủ trưởng, thủ phó" thì bận họp là cái chắc... Chỉ sơ sơ như thế thôi, cũng đủ thấy cái sự thưa kiện của người dân "mịt mờ" như thế nào.
Cho nên không phải bỗng dưng tôi mang chuyện "Càn Long du Giang Nam" và chuyện "cái trống" ra bàn luận. Khi nghĩ đến cái trống trước cửa quan ngày xửa ngày xưa, tôi lại thấy tiếc. Giá mà bây giờ cũng có cái trống thì hay biết bao!
Tôi đem ý nghĩ này nói với một ông bạn cùng xóm ở Sài Gòn. Ông ấy chắp tay lạy như tế sao: "Thôi tôi xin ông, có cái trống ấy thì nhà em mất ăn mất ngủ, vì nhà em ở gần Ủy Ban Nhân Dân. Trống kêu suốt ngày suốt đêm, chỉ có nước em dọn về vùng khỉ ho cò gáy ở như bác, may ra mới yên." Tôi hiểu và thông cảm với ông bạn nên không dám có cái đề nghị "tụt hậu" như thế nữa. Dù sao tiếc thì vẫn cứ tiếc và vẫn cứ thầm nghĩ: "ước gì có cái trống trước cửa quan thì mọi việc của người dân được giải quyết nhanh hơn cả đơn, thư điện tử nhiều."
Ngàn lẻ một kiểu "hăm he"
Trình độ dân trí của VN còn thấp nên người người nông dân, đôi khi "sợ quá" đành cam chịu nuốt những cay đắng, sống với những ẩn ức trong lòng. Và, có những trường hợp bị các tay có quyền thế hăm dọa nên đã sợ càng sợ. Ở đây có thể chứng minh ngay, một thí dụ điển hình:
Tại vùng Bưởi Năm Roi, thuộc tỉnh Vĩnh Long, 14 giờ chiều ngày 12-8, đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên - Môi trường (TNMT) đã tiếp hàng trăm gia đình dân đến khiếu nại. Do giá đền bù quá thấp, nhiều gia đình không nhận thì bị trù dập. Có trường hợp dân thắc mắc thì bị "cán bộ" đe dọa: "Mai mốt con đi học không chứng lý lịch."
Đó chỉ là một kiểu đe dọa thuộc loại "nhẹ nhàng," còn hàng trăm kiểu đe dọa trắng trợn hơn. Đe dọa kiểu xã hội đen, hung hăng con bọ sít, kéo đàn em đến ra oai thị uy, lôi cổ về trụ sở quát nạt, đôi khi còn bị "uýnh ngang xương." Cũng có những kiểu đe dọa "tinh vi" hơn: "đợi đấy rồi biết" và rồi người dân được biết thật, quan sẽ không ký bất cứ thứ giấy tờ nào cho "đối thủ" vì hàng ngàn lý do vững chắc và có anh khôn ngoan, còn có lời lẽ ngọt như mật: "xin lỗi bà con vì vướng luật, vướng quyết định của "trên" nên không thể giải quyết được, xin bà con thông cảm." Nhưng nếu đó là việc của "phe ta" thì quan giải quyết cái rẹt là xong ngay.
Còn khối kiểu "hăm he" quái chiêu hơn, phạt được là phạt, gọi lên gọi xuống vì những chuyện vớ vẩn không đâu, "nhà chức trách" - có khi chỉ là một anh nhân viên quèn của một công sở nào đó - gặp anh dân được coi là "dân bướng, không chịu nghe lời cha mẹ" đi ngoài đường, mặt quan cứ nặng ra như cái thớt. Thế cho nên người dân mới có câu "quan với dân như cá với thớt."
Nhân chứng minh điều này, tôi chứng minh thêm vài chuyện quái gở đã ngang nhiên xảy ra trước mắt bàn dân thiên hạ, nhưng mãi đến bây giờ nhà nước mới biết. Cho nên gọi những sự việc đó là "công khai trước công chúng, âm thầm trước cửa quan." Có những việc cực kỳ "bức xúc" của người dân từ mười năm nay mà vẫn im hơi lặng tiếng, nên trong tuần vừa qua, nhà nước VN đã phải cử tới 13 đoàn thanh tra đi "thăm dân cho biết sự tình," xả bớt cái nồi súp de ngột ngạt.
Sau hơn 10 ngày đi đến vài nơi như Bình Dương, Gia Lai, Ninh Thuận, Đồng Nai, Hà Tây, An Giang, Đồng Tháp... 13 đoàn kiểm tra thi hành Luật Đất đai của Bộ Tài nguyên - Môi trường vẫn đang tiếp tục phải thu thập một khối lượng khổng lồ những thắc mắc, chứng kiến nghìn lẻ một nỗi uất ức của người dân bị tích tụ, dồn nén từ lâu nay mới có dịp giãi bày. Chỉ nhìn vào một vài nơi và trong phạm vi "tài nguyên môi trường," hay nói nôm na là trong những việc tranh chấp, thưa kiện về đất đai giữa nhà nước và người dân, đã thấy có lắm chuyện lẩm cẩm quá xá rồi.
300 lần đi kiện rồi... ta lại gặp ta
Xin dẫn chứng cụ thể, đó là trường hợp ông Nguyễn Anh Nhung, 72 tuổi, ngụ tại ấp Phú Sơn, xã Bắc Sơn. Năm 1969, ông mua 1,2ha đất tại xã Bắc Sơn (Đồng Nai)
Năm 1984, ông Nhung lên làm việc tại Sài Gòn. Hai người hàng xóm là ông Nguyễn Văn Phê và Đào Văn Bình đã mượn đất ông Nhung canh tác.
Tháng 1-1998, ông Nhung phát hiện hai người nay đem bán đất của ông nên ông làm đơn khiếu kiện.
Từ đó đến nay đơn của ông đi theo một đường vòng tròn xoay: từ xã chuyển lên huyện, huyện chuyển lên tỉnh, tỉnh chuyển về thanh tra huyện, huyện chuyển trở lại xã. Thế là đâu hoàn đấy, sau 7 năm đi vòng vòng ta lại gặp đơn của ta ở xã. Rồi bây giờ ta đưa cho "Ban thanh tra," tất nhiên được "Ban" hứa sẽ giải quyết, nhưng nếu "Ban" lại ra lệnh cho tỉnh "phải khẩn trương giải quyết" thì tỉnh ta lại ra lệnh cho huyện ta, huyện ta lại đưa về xã ta. Ta cũng chỉ gặp ta.
Chết vì uất ức
Năm 2003, UBND xã Đông Hòa cắm trên đất bà Phạm Thị Độ bảng qui hoạch làm trung tâm văn hóa xã. Bà Độ không đồng ý, gửi đơn thưa.
Tháng 5-2004, xã cho người rút bảng qui hoạch này và cắm sang đất nhà bà Hoàng Thị Lãng. Bà Lãng đã chết vì uất ức vào tháng 8-2004. Anh Trần Văn Chu, con trai bà Lãng, đi khiếu kiện.
Gần đây, xã lại đem bảng quy hoạch cắm sang đất anh Nguyễn Văn Hạnh. Trưa 10-8, anh Chu và anh Hạnh rủ nhau đi tìm đoàn kiểm tra để hỏi cho ra lẽ: "Vì sao xã tự ý qui hoạch lung tung như vậy""
Phải chăng ông Xã muốn cắm bảng qui hoạch ở đâu thì cắm" có nghĩa là muốn lấy đất của ai cứ cắm, anh nào im re là "ngoan" thì Xã xây, chẳng biết xây cái gì, cứ tạm gọi là "Trung tâm văn hóa xã" cho ra vẻ "vô tư" và ra cái điều là "xã có văn hóa," nhưng làm văn hóa kiểu gì thì chưa biết. Có khi chỉ để làm cảnh hoặc thỉnh thoảng có "mít tinh biểu tình theo lệnh cấp trên" mới có việc làm, chứ cả năm, nhiều Trung Tâm Văn hóa chỉ bỏ không.
Vậy mà để một người dân phải chết vì uất ức thì... hơi tội nghiệp.
Chả biết Ban thanh tra sẽ phải "xử lý" việc này như thế nào.
Ăn không của dân
Bà Nga ở Xã Mỹ Hòa, Vĩnh Long, nổi giận vì: "Xã Mỹ Hòa nổi tiếng về bưởi Năm Roi, tại sao phải cố đặt khu công nghiệp vào đây"" Chưa kể có 30 ha trong tổng số 160 ha của khu công nghiệp này được một công ty xé lẻ ra bán nền nhà với giá 1,8 triệu đồng/m2, trong khi giá đất đền bù cho dân chỉ 27.000-35.000 đ/m2. Như vậy công ty này ăn không của người dân vài trăm tỉ đồng, ngon như lấy đồ trong túi.
Không lẽ chỉ có công ty đó ăn không" Câu hỏi đặt ra còn "sâu sắc" hơn nhiều. Còn những ai "ăn có" vào cái vụ "ăn không" này nữa. Không thể nào những quan chức xã ấp, huyện, tỉnh lại ù ù cạc cạc đến nỗi "không nghe, không biết, không thấy" cái khoản "lời vài trăm tỷ" ấy"
Thứ hai là phá hoại một sản phẩm nổi tiếng như bưởi Năm Roi để làm một khu công nghiệp liệu có phải là một hành động như phá hoại một truyền thống lâu đời của một địa phương hay không" Nỗi tiếc nuối sẽ để lại hậu quả rất lâu dài mà những đời sau còn có thể chê trách, nếu không muốn nói là nguyền rủa sự tham lam của đời trước.
Tương tự như thủ đoạn trên, người dân huyện Long Hồ đau xót đặt câu hỏi: "Tại sao xây khu dân cư Cổ Chiên, đơn vị thi công đền bù cho dân 75.000 đ/m2 nhưng bán lại 2-4 triệu đồng/m2" Như vậy từ dự án này đơn vị thi công đã thu lợi 300-400 tỉ đồng, có "cán bộ" tỉnh nào biết chuyện này"" Bà con đặt thẳng vấn đề: Khu dân cư là xây cho dân ở, sao lại ép người dân địa phương phải mất đất"
Đó vài trường hợp tượng trưng, còn hàng chục ngàn trường hợp khác, có kể đến... sang năm sau cũng chưa hết. Ông Bộ trưởng Mai Ái Trực khi kiểm tra ở Hà Tây đã phải ngao ngán thốt lên: "Mất hàng trăm, ngàn hecta đất nhưng không thấy ai bị bỏ tù!" Có lẽ ông Trực ngạc nhiên lắm, nhưng dân thì chẳng ai ngạc nhiên vì có ai bỏ tù đâu mà người ăn cướp đất bị vô tù" Không lẽ tên ăn cướp tự nhiên đi vào nhà tù" Nó đâu có bị bệnh tâm thần, trái lại nó còn khôn hơn cả ông Bộ trưởng nữa ấy chứ. Ông xuống đến nơi là nó hầu hạ cẩn thận, liên hoan chiêu đãi tưng bừng, cách này cách kia chứng tỏ mình là "người đầy tớ đắc lực của nhân dân." Ông có từ chối liên hoan ca vũ nhạc kịch, cũng khó lòng mà nhìn ra nó.
Không hiểu luật vẫn được cai trị dân theo luật
Ngoài ra còn những cán bộ chưa hiểu hết luật lệ. Sau khi kiểm tra tình hình thực hiện Luật đất đai ở Ninh Thuận, ông Bùi Ngọc Tuân - vụ phó Vụ đất đai, trưởng đoàn kiểm tra số 8 - cho biết "rất nhiều văn bản qui phạm pháp luật về quản lý đất đai chưa được UBND tỉnh ban hành, hầu hết cán bộ ở cơ quan địa chính cấp huyện hiện vẫn chưa nắm vững luật."
Theo ông Nguyễn Thanh Liêm - giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh, có khoảng 3 - 5% cán bộ (trên tổng số 127 cán bộ địa chính ở xã, phường) chưa thật sự hiểu và nắm bắt nghiệp vụ thấu đáo. Trong khi đó nhu cầu chuyển nhượng, xin cấp "sổ đỏ" và tranh chấp đất đai ở địa phương khá phức tạp. Con số 3 đến 5% có là khiêm nhượng quá không. Nhưng chỉ cần thế thôi cũng đủ mệt cho người dân rồi.
Thế ra bao nhiêu năm nay, có những anh không biết luật vẫn cứ "hành xử theo luật rừng" nên thật ra là chỉ "hành dân" chứ có biết hết luật đâu mà căn cứ vào đó để thi hành. Thì ra các "cán bộ" ấy làm theo luật của mình. Mình là người đặt ra luật. Cứ thế mà thi hành cho được việc nhà nước. Chính vì thế nên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Đặng Hùng Võ đã phải công nhận một thực trạng đau lòng: "Cán bộ vẫn cho rằng được quyền hành dân."
Ôi, nhận xét của ngài thứ trưởng làm thiên hạ giật nẩy mình. Thì ra trong tận cùng "tâm tư" của quý vị "cán bộ" đó cứ cho rằng mình là người có đủ mọi quyền hành sinh sát trong tay thật. Người dân nào bị hành rồi thì sợ méo mặt, "bố bảo lần sau dám cãi lại cán bộ." Còn người chưa bị hành thì lo phòng thủ, cứ gặp "cán bộ" Tài nguyên môi trường thì tránh mặt đi là hơn. Các cụ đã "dạy tránh voi chẳng xấu mặt nào." Voi này lại là thứ voi d," không ăn bã mía lại thích ăn tiền, thế mới mệt. Nói tóm lại anh bị hành thì sợ, còn anh chưa bị hành thì lo. Anh nào cũng trong tư thế sẵn sàng phòng thủ như phòng dịch. Còn anh nào có nhu cầu mua bán nhà đất, buộc phải làm việc với các "cán bộ" thì phải nhớ rằng các ông ấy luôn có ý nghĩ được quyền hành mình đấy nhé. Không nhớ là... chết oan. Chết như kiểu Bà Lãng chết vì uất ức vào tháng 8-2004 thì đúng là... lãng nhách.
Kiểm tra thanh tra rồi làm gì"
Đó là câu hỏi mà người dân nào cũng muốn biết. Nếu 13 đoàn thanh tra chỉ đi thu lượm những dữ kiện, ngồi nghe những nỗi uất ức của người dân thì chưa đủ để họ tin tưởng. Họ vẫn có quyền đặt ra nghi vấn "chưa chắc việc của mình đã được giải quyết, không khéo lại "vũ như cẩn" thì công toi. Chưa biết chừng khi "phái đoàn" ra đi rồi còn bị trù dập tơi bời hoa lá nữa đấy. Tâm trạng người dân như "chim bị đạn." Vậy điều cần thiết là "phái đoàn" nào cũng phải có câu trả lời dứt khoát cho từng trường hợp của mỗi người dân. Nếu có thể thì giải quyết đến nơi đến chốn. Ai có oan ức phải được giải tỏa, ai có thiệt thòi phải được đền bù, ai có tội phải bị trừng trị.
Đã đành ngày nay mọi người dân đều được xử theo pháp luật, không thể như vua chúa ngày xưa, "tùng bi li phập" ngay tại chỗ, "cẩu đầu trảm" có việc làm tức thì. Nhưng không thể vì thế mà không mang lại cho người dân những câu trả lời rõ ràng, dứt khoát. Sau mỗi lần thanh tra phải là những cuộc điều tra tức khắc và kết quả phải được công bố minh bạch. Rồi đây hàng chục ngàn hồ sơ khiếu nại, sẽ phải giải quyết ra sao" Liệu 13 đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên - môi trường có thể giải quyết hết những nỗi oan ức của người dân ở khắp nơi hay không" Với khoảng hơn 200 công chức của Bộ Tài nguyên - môi trường, việc giải oan này rõ ràng là không xuể.
Cho nên cứ làm địa phương nào dứt khoát tại địa phương đó rồi mới đi nơi khác, chứ không thể thanh tra "đại trà," tức là đi đến càng nhiều tỉnh, nhiều huyện càng tốt rồi lại giao cho địa phương giải quyết thì công việc sẽ chẳng đi đến đâu.
Tất nhiên như vậy thì các đoàn thanh tra phải có nhiều quyền hạn hơn, nhiều thì giờ hơn và trên hết vẫn là phải hoàn toàn vô tư trong sạch. Có như thế thì việc làm mới thật sự có ý nghĩa, người dân sẽ hy vọng không phải chỉ là hình thức làm cho đẹp hay nó chỉ là một cuộc xì hơi rồi đâu lại vào đấy thì chán chết.
Những "công trình hành dân"
Ngoài ra, ngay trong tuần này, còn vô số những công trình "hành dân," tình hình giải tỏa trắng nhà dân để làm những công trình mới, không những chỉ gây nhiều khiếu kiện mà không ít công trình còn làm cho đời sống của người dân vô cùng điêu đứng. Ngay như ở giữa TP. Sài Gòn, vừa qua khỏi ngã tư Quang Trung - Phan Huy Ích (Q. Gò Vấp), có một đoạn đường mịt mù bụi, người đi đường ngoài việc đeo khẩu trang còn phải dùng tay che mũi, một số xe gắn máy lưu thông chiều ngược lại loạng choạng như muốn lạc tay lái... Ông Lê Văn Hoàng, ngụ nhà số 66/5A Quang Trung, phường 12, quận Gò Vấp, than thở: "Trời nắng thì bụi mù mịt suốt ngày, mưa thì nước ngập chảy ngược vào nhà. Trước đây cả nhà sống khỏe nhờ sạp trái cây nhưng nay thì cảnh bán buôn như chợ chiều. Buôn bán kiểu này thì chỉ có nước đói!" Cũng từ nguyên nhân này mà nhiều cửa hàng dọc hai bên công trình cũng đóng cửa nghỉ luôn vì buôn bán mà không có khách do đất sình luôn án ngữ trước các cửa hàng.
- Trong mùa nước lũ này, tình hình vi phạm đê điều ở Hà Tây cũng rất trầm trọng đến nỗi người dân gọi là "bạt ngàn vi phạm."
Trên suốt một quãng đê dài đến vài ba cây số, trải hết hai bên mái đê và trên mặt đê là ngổn ngang vật liệu xây dựng, các cây gỗ lớn nằm phơi mình, chờ được xẻ thịt. Các cơ sở chế biển lâm sản mặc nhiên được xây dựng dưới chân đê, đóng cọc và ngang nhiên phơi phóng lâm sản hai bên sườn đê. Cách Đan Phượng không xa, phía Sơn Tây, kế bên cảng Sơn Tây là hàng chục các cảng bốc xếp vật liệu tư nhân không phép kéo dài suốt từ Đường Lâm về đến Phú Thịnh, sát sạt kè Hùng Hậu và kè Tỉnh Đội. Các cảng này nhộn nhịp hoạt động ngay trong mùa lũ và dường như bỏ ngoài tai mọi cảnh báo của cơ quan phòng chống lụt bão tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cũng phải thừa nhận, rất khó có thể biết trước các tai nạn.
- Ở Đồng bằng sông Cửu Long, sạt lở không chỉ diễn ra ở hai điểm nóng An Giang và Đồng Tháp, năm 2005, ở các địa phương mấy năm trước sạt lở chưa nặng, nay cũng đã diễn ra ngày càng rộng. Hàng ngàn gia đình dân sống trên "miệng thủy thần" đã và đang phải di dời khẩn cấp; trong đó, nhiều nhà đã năm - ba lần phải dời nhà sâu vào bên trong, để tránh hiểm họa có thể xảy ra bất kỳ lúc nào!
Các chỗ sạt lở cứ trầm trọng thêm và phát sinh những điểm sạt lở mới. Sạt lở làm hư hại nhà cửa, công trình, thất thoát tài sản, đe dọa cuộc sống hàng ngàn gia đình dân. Điều đáng báo động là hiện tượng sạt lở ngày càng phức tạp, có nguyên nhân từ yếu tố "nhân tai"! (tứùc người có trách nhiệm).
Những đoàn thanh tra của bộ sẽ làm gì trước những bức thiết hiện tại đó của người dân"