Thông tin - Đời sống
Cuối tuần qua chúng tôi đi dự lễ tốt nghiệp của cháu Kevin Khang Bùi, con của vợ chồng người em trai, tại Đại học UC Santa Cruz, ngôi trường chỉ cách thành phố San Jose hơn 30 phút lái xe xuôi nam, theo xa lộ 17 quanh co leo núi về hướng biển, đẹp và xanh với những hàng thông cao vút. Đến nơi. Vào địa điểm là một sân bóng đá trên đỉnh đồi, nhìn ra biển. Nhưng bố mẹ của cháu và mọi người thân quen đều rất thất vọng với cách tổ chức lễ ra trường năm nay tại đại học này. Đi dự cùng gia đình, chúng tôi nghĩ là dịch Covid-19 đã qua, các sinh hoạt trong trường đã trở lại bình thường thì lễ tốt nghiệp sẽ theo truyền thống như trước. Vào nơi làm lễ thì nhận ra cách tổ chức vẫn mang hình thức của những năm 2020 và 2021 khi Covid-19 đang lây lan. Một người quen làm việc trong trường cho biết từ ba năm nay các lễ ra trường của UC Santa Cruz đều tổ chức như thế này. Hôm nay đông hơn nhưng khác các buổi lễ trong hai năm qua là không còn ai đeo khẩu trang hay giữ giãn cách xã hội.
Cuối tuần qua chúng tôi đi dự lễ tốt nghiệp của cháu Kevin Khang Bùi, con của vợ chồng người em trai, tại Đại học UC Santa Cruz, ngôi trường chỉ cách thành phố San Jose hơn 30 phút lái xe xuôi nam, theo xa lộ 17 quanh co leo núi về hướng biển, đẹp và xanh với những hàng thông cao vút. Đến nơi. Vào địa điểm là một sân bóng đá trên đỉnh đồi, nhìn ra biển. Nhưng bố mẹ của cháu và mọi người thân quen đều rất thất vọng với cách tổ chức lễ ra trường năm nay tại đại học này. Đi dự cùng gia đình, chúng tôi nghĩ là dịch Covid-19 đã qua, các sinh hoạt trong trường đã trở lại bình thường thì lễ tốt nghiệp sẽ theo truyền thống như trước. Vào nơi làm lễ thì nhận ra cách tổ chức vẫn mang hình thức của những năm 2020 và 2021 khi Covid-19 đang lây lan. Một người quen làm việc trong trường cho biết từ ba năm nay các lễ ra trường của UC Santa Cruz đều tổ chức như thế này. Hôm nay đông hơn nhưng khác các buổi lễ trong hai năm qua là không còn ai đeo khẩu trang hay giữ giãn cách xã hội.
Nam nữ sinh viên tốt nghiệp trong áo mầu xanh dương, trên cổ đeo băng dài mầu vàng có tên trường, cùng đi với thân nhân tiến về một khán đài dưới một chiếc lều lớn. Điều này khác với các buổi lễ tốt nghiệp truyền thống trước đây, khi tân khoa tập họp riêng ở đâu đó phía sau khán đài, còn thân nhân tìm chỗ ngồi trong các hàng ghế phía trước hay quanh sân khấu, chờ khi điệu nhạc “Pomp and Circumstance” vang lên thì hàng hàng lớp lớp tân khoa tiến vào trước khán đài giữa tiếng vỗ tay, reo hò. Trên khán đài, có mặt các vị khoa trưởng cùng hàng chục giáo sư trong áo mũ trang trọng, có những sinh viên xuất sắc, có diễn giả chính là “Keynote Speaker”. Buổi lễ được khai mạc với toán rước quốc kỳ tiến vào và quốc ca Hoa Kỳ trỗi lên. Sau đó là các bài diễn văn của giáo sư, của sinh viên xuất sắc và của diễn giả chính là một nhân vật danh tiếng, có thể là tổng thống, quan chức chính phủ hay là một doanh nhân thành đạt, một cựu sinh viên nay nổi tiếng trong một ngành nghề.
Hè năm ngoái chúng tôi tham dự lễ tốt nghiệp của một cháu khác tại sân thể thao của Đại học Colorado ở thành phố Boulder, nơi có giáo sư Nguyễn Xuân Vinh [1930-2022] là người đầu tiên của trường nhận bằng tiến sĩ kỹ sư khoa học không gian năm 1965 và ông đã đóng góp nhiều cho chương trình Apollo của Mỹ đưa người lên mặt trăng vào hè 1969.
Lễ tốt nghiệp 2022 tại đây được tổ chức theo truyền thống với 15 nghìn khách dự. Có “Keynote Speaker” là một cựu sinh viên ngành báo chí của trường, ông Tom Costello hiện là một phóng viên nổi tiếng của đài truyền hình NBC. Tôi còn nhớ ông nhắn nhủ với sinh viên mới ra trường không có nghĩa là người biết mọi thứ, nhưng là người có căn bản để biết đặt vấn đề, nêu thắc mắc giữa thời đại nhiều thông tin nhiễu trên mạng xã hội. Theo ông vai trò nhà báo là phải tìm ra sự thật và có trách nhiệm với nền dân chủ. Người gốc Việt được mời làm diễn giả trong các lễ ra trường theo tôi biết đã có nhà văn Andrew Lam tại Đại học UC Irvine ở Quận Cam năm 2013 và năm nay nhà văn Nguyễn Thanh Việt là diễn giả tại Seattle University ở tiểu bang Washington.
Trong buổi lễ tốt nghiệp tại UC Santa Cruz năm nay tôi không thấy khán đài lớn. Đến gần nghe đọc tên và các tân khoa đang bước lên một sân khấu dưới một chiếc lều, nhận bằng, bắt tay rồi đi xuống. Trước sân khấu có chừng hai chục người đứng, reo hò chúc mừng và dường như ai cũng giơ điện thoại lên quay phim và chụp hình. Có chiếc đồng hồ điện tử báo thời gian, mỗi tân khoa chỉ được 10 giây, từ lúc xướng tên, lên nhận bằng và bắt tay ba vị là giáo sư, hay khoa trưởng rồi bước xuống gặp người thân, bạn học ngoài sân cỏ chụp hình. Từ khi xếp hàng đến lúc gặp lại tân khoa chỉ hơn 30 phút, so với các lễ tốt nghiệp truyền thống là từ 2 đến 3 giờ đồng hồ. Vì không theo một thứ tự nào, chỉ theo giờ dành cho tân khoa ghi trong giấy mời, và mỗi sinh viên chỉ có 10 giây trên khán đài vì thế đã có trường hợp khi gia đình không phối hợp với nhau vào phút chót, khi tân khoa tách khỏi người thân, đi vào hàng riêng ra phía sau sân khấu, nên lúc con em được xướng tên lên nhận văn bằng mà người thân chưa kịp đến trước khán đài, thế là mất cơ hội reo mừng, chụp ảnh và quay phim giây phút tân khoa nhận bằng. Buổi lễ không có diễn văn của viện trưởng hay khoa trưởng. Không có bài tâm tình của đồng môn xuất sắc kể lại những kỷ niệm đáng nhớ trong bốn năm học vừa qua. Không mời một diễn giả nói chuyện với sinh viên vừa tốt nghiệp về kinh nghiệm vào đời, về thành công và thất bại hay những lý tưởng của thời đại. Hôm nay các tân khoa và gia đình theo đoàn người bước qua khán đài, thế là xong. Không có tập chương trình với tên các giáo sư, ban lãnh đạo trường, với tên diễn giả và danh sách các sinh viên tốt nghiệp, ai được điểm GPA cao.
Đã hết dịch Covid-19 mà ngày tốt nghiệp lại được tổ chức đơn giản, vội vàng và nhạt nhẽo thế sao. Như đi ký giấy kết hôn ở Las Vegas vậy. Những phụ huynh ở xa, phải bỏ thời gian đến dự ngày vui của con em mình nhìn cảnh con em và thân nhân vội vã lướt qua khán đài chắc còn thất vọng nhiều hơn. Lần sau cùng chúng tôi dự lễ tốt nghiệp tại Đại học UC Santa Cruz là khi con trai tốt nghiệp vào tháng 6 năm 2018. Buổi lễ hôm đó được tổ chức tại một hí viện ngoài trời, nằm giữa rừng cây xanh. Có mặt vị khoa trưởng, các giáo sư trong ban giảng huấn với áo mũ các cấp. Trong hai giờ đồng hồ với các diễn văn của lãnh đạo trường, của sinh viên xuất sắc chia sẻ buồn vui trong bốn năm qua, của diễn giả với những lời nhắn nhủ tân khoa bước vào đời sau những năm đèn sách với tinh thần khai phóng, phụng sự xã hội, con người.
Gia đình của em tôi, cuối niên học này ngoài cậu con trai tốt nghiệp cử nhân triết học, còn có cô con gái cũng vừa xong trung học, cháu Kassandra Khương Bùi. Buổi lễ tốt nghiệp trung học của em gái xem ra còn trang trọng hơn là lễ tốt nghiệp đại học của người anh. Là học sinh xuất sắc nhất trường, cháu được chọn làm “valedictorian” đọc diễn văn trước quí thầy cô, trước bạn đồng lớp và quí phụ huynh. Bài diễn văn nhắc đến những thất bại mà cháu đã trải nghiệm, từ những ngày lên mười chưa biết đi xe đạp trong khi các bạn ở độ tuổi lên bảy, lên tám đã đạp xe chạy bon bon trên đường quanh nhà. Nhờ ông ngoại giúp, té lên té xuống nhiều lần để rồi cháu cũng biết chạy xe đạp, tuy có sau các bạn vài năm. Khi lên bậc trung học, cháu đã ghi danh những lớp ở đại học cộng đồng và trong quá trình học tập cũng có bài thi chỉ được điểm D, điểm F, có môn cũng trượt, nhưng cháu không nản chí, coi đó là những bài học giúp mình kiên trì và cố gắng hơn để đạt được kết quả như hôm nay. Như câu châm ngôn của người Việt “thất bại là mẹ thành công”. Đã được mấy trường nhận và cháu cũng chọn UC Santa Cruz cho niên học sắp tới. Còn người anh sẽ học luật ở tiểu bang Louisiana. Không riêng gì cháu tôi là học sinh xuất sắc ở một khu vực không đông người Việt. Ở Quận Cam hay San Jose cũng đã có rất nhiều em học sinh gốc Việt đạt điểm xuất sắc nhất, được chọn đọc diễn văn trong buổi lễ tốt nghiệp.
Thành phố Garden Grove ở miền nam California năm nay trong số học sinh giỏi nhất lớp tại 14 trường trung học đã có 8 em gốc Việt. Trong vùng San Jose, Học khu East Side Union High School đưa ra danh sách học sinh tốt nghiệp phổ thông giỏi nhất của niên học 2021-22 thì hơn một nửa là gốc Việt. Trường Andrew Hills High có 13 trong số 14 học sinh xuất sắc gốc Việt, trường Yerba Buena có 8 em gốc Việt trong số 9 học sinh giỏi nhất trường. Nhưng với điểm cao cũng không hẳn sẽ được các đại học danh tiếng như UC Berkeley, UC Los Angeles hay Harvard, MIT, Stanford nhận. Có em sẽ vào học các trường ít được biết đến hơn, có em muốn tiết kiệm chi phí học hành nên vào đại học cộng đồng học hai năm đầu rồi sau chuyển lên đại học 4 năm. Các đại học danh tiếng của nước Mỹ thuộc Ivy League hay 10 trường trong hệ thống đại học University of California, trong đó có các trường hàng đầu là UC Berkeley, UC Los Angeles, UC San Diego ngày nay có tiêu chí nhận sinh viên rất phức tạp, không chỉ dành cho các em đạt điểm SAT cao nhất hay có GPA cao nhất. Được vào các trường danh tiếng, học sinh dĩ nhiên phải giỏi, không nhất thiết phải xuất sắc, nhưng hoàn cảnh gia đình, nơi cư trú và các sinh hoạt học đường, xã hội cũng giúp nhiều cho các em có cơ hội được nhận. Đại học UC Santa Cruz với 19 nghìn sinh viên là một trong ba trường của viện đại học University of California ở miền bắc California, cùng với UC Berkeley và UC Davis.
Trong gia đình tôi còn hai cháu nữa sẽ tốt nghiệp trường này trong vài năm tới. Nhiều phụ huynh tỏ ra rất thất vọng với lễ tốt nghiệp năm nay, vì thế chúng tôi đã phản ánh ý kiến và yêu cầu nhà trường tổ chức lễ tốt nghiệp theo cách truyền thống trở lại.
– Bùi Văn Phú
(Tác giả là giảng viên đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco, California).
Gửi ý kiến của bạn