Với Gấu, đó là thời gian thần tiên trong đời, được thực thụ đóng vai một anh học trò trọ học. Tiền ăn, tiền học, bà cô từ bên Tây gửi về!
Chả là, sau khi thằng cháu báo tin thi đậu trung học, bà mừng quá, bèn ra lệnh, tháng tháng tới địa chỉ “đó đó” lấy tiền. Ngoài ra, Gấu kiếm thêm, trước, làm bồi bàn cho tiệm chả cá Thăng Long, sau, làm trợ giáo, tức kèm trẻ tại gia, khi có được cái bùa lỗ ban là tấm bằng trung học đệ nhất cấp.
[Mảnh bằng này cũng có riêng một huyền thoại ly kỳ về nó, thời gian trọ học ở Thủ Thiêm, nhưng xin phép viết riêng ra sau].
Gấu đậu kỳ 2, trong khi bạn bè may mắn hơn, ba tháng hè theo thầy Đoàn Viết Lưu học đệ tam, tới năm học nhảy lên đệ nhị. Gấu theo bạn, ngày đệ nhị, tối tự học chương trình đệ tam. Cuối năm Gấu đậu, ngay kỳ đầu trong khi bạn bè đa số rớt lại, trong có Hàm.
Đậu năm đó, là nhờ Hàm một phần, trong khi anh lại rớt.
Số là Gấu có thói quen luôn luôn tự mình giải mọi thứ bài toán, không bao giờ coi bài giải làm sẵn ở trong sách bài tập. Duyên do một phần là do không có tiền mua.
Lần đó, Hàm có cuốn bài tập vật lý của tay Georges Ève. Gần như cả năm anh quần quật với nó. Khi còn độ một tuần, Gấu nói, mày cho tao mượn coi thử.
Gấu lật qua, không coi một lời giải nào, nhưng chú ý đến đến cách giải của từng trường hợp, từng loại. Vào thi, bài toán vật lý y chang một bài trong cuốn bài tập, chỉ khác những con số. Gấu giải như máy. Ra khỏi trường thi sớm nhất, tìm gặp Hàm để mừng cho bạn mình, cũng trúng tủ!
Gặp, anh lắc đầu, nói không làm được bài vật lý. Gấu lấy cuốn sách từ trong cặp của anh, lật ra, chỉ đúng bài toán. Anh đứng coi lại chừng mươi phút, đột nhiên xé nát cuốn sách, than, cả năm trời, tao làm đến nát cuốn sách, tại làm sao chỉ trong một tuần mà mày lại có thể làm hết những bài tập ở trong đó"
Tôi nói với anh, tôi không hề giải một bài tập nào trong đó, mà chỉ coi phương pháp giải, của từng loại.
Sau này, tôi gặp một trường hợp tương tự, xẩy ra với một anh bạn học Toán Đại Cương.
Những ai đã từng học Toán Đại Cương, Đại Học Khoa Học Sài Gòn thập niên 1950, chắc chắn là còn nhớ ông thầy người Pháp Monavon. Ông có bà vợ, tôi nghe nói, rất mê văn chương Việt Nam, và đã lấy mấy bằng tại đại học văn khoa Sài Gòn.
Giáo sư Monavon này có một cái lạ, là, khi vào lớp [khi đó là đại giảng đường rồi], nếu ồn quá, là ông không giảng. Trong khi giảng, nếu ồn quá, thay vì giảng lớn, ông nói thật nhỏ, hay ngưng giảng, cho tới khi lớp yên lặng trở lại.
Tôi học ông được một năm. Tới kỳ thi, ông ra bài toán, tôi không biết làm sao mà đặt cây bút lên trên tờ giấy thi, vì không hiểu một tí gì về bài toán.
Đã có lần tôi viết về nỗi đau này. Do nhà nghèo, không có tiền mua sách bài tập, thành ra không hiểu, thế nào là một bài toán ở Toán Đại Cương, và làm thế nào để giải nó. Tôi có trần bản cours toán, quay ronéo, của giáo sư Monavon.
Năm sau, Gấu đổi qua học Toán Lý Hoá, trong khi cùng lúc thi đậu vô trường Quốc Gia Bưu Điện. Cũng học song song, hai chương trình một lúc. Nhưng vẫn thèm học Toán Đại Cương.
Bữa đó, gặp anh bạn cũ, vừa qua xong chứng chỉ Toán Đại Cương. Tôi hỏi, làm hết bài toán hả. Anh lắc đầu, nói, tao không làm được một câu nào hết.
Tôi trố mắt, hỏi lại, vậy sao đậu"
Anh cười, giải thích, tới giờ chót mà tao vẫn chưa giải được câu đầu. Bí quá, tao ghi vô giấy, thưa thầy Monavon, đây là cách giải bài toán của con.
Thế là anh ghi ra, cách thức, phương pháp giải bài toán.
Vậy mà đậu.
Ông thầy đâu cần anh giải bài toán. Mà là cần, anh biết cách giải nó.
Còn một anh nữa, cũng khoá đó, làm được đủ muời bài, vậy mà rớt.
Ông thầy phê, chó ngáp được đủ mười con ruồi. Không biết mẹ gì về Toán Đại Cương hết. Về học lại năm nữa!
NQT
tanvien.net