Theo báo Người Lao Động, hai năm trước, nghề cơ khí điện tử được xem là một nghề rất mới tại Việt Nam. Thế nhưng trên toàn VN, tính đến nay chỉ duy nhất có trường Trung học Công nghệ Sài Gòn có đào tạo ngành này. Đây là ngành tổng hợp từ các ngành cơ khí, điện, điện tử và công nghệ thông tin, trong đó cơ khí là chủ lực. Tưởng chừng như đây là ngành mang tính vạn năng, thế nhưng từ những ghi nhận thực tế các buổi thực tập tại các công ty, nhà trường mới thấy được những khiếm khuyết của nó, và những học viên ra trường với trình độ nửa thầy, nửa thợ.”
Báo NLĐ dẫn lời của ông Nguyễn Trần Nghĩa, hiệu phó trường, cho biết: sau thời gian đào tạo và tiếp xúc thực tế, nhà trường nhận thấy nghề này rất cần cho các công ty, đơn vị sản xuất, nhưng chất lượng đào tạo vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu thực tế. Nội dung chương trình đào tạo phải cập nhật hóa nhiều hơn thế nữa. Nếu không, những học viên này cũng khó làm việc bởi tính nửa thầy, nửa thợ của nó. Một chủ một cơ sở sản xuất khuông nhựa cho rằng, tuy doanh nghiệp của ông chỉ là cơ sở sản xuất nhưng thiết bị máy móc không thua kém các công ty cùng ngành. Khi nhận người, cơ sở của ông chỉ nhận những công nhân có tay nghề 3/7 trở lên và họ phải giỏi một kỹ năng trong nghành. Đào tạo một nghề như cơ điện tử cũng cần thiết, nhưng nhà trường phải xác định được thiên hướng của từng em để có hướng đào tạo chuyên ngành. Chứ đào tạo ra một “ông công nhân” cái gì cũng biết chút chút thì chết.
Cũng theo báo NLĐ, qua một cuộc khảo sát cách đây 2 tháng của dự án Giáo dục kỹ thuật và dạy nghề do Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ cho thấy: đối với các công ty vừa và nhỏ thì việc tuyển dụng một công nhân kỹ thuật, có trình độ, kỹ năng nghề như mong muốn không dễ dàng chút nào. Xét về lý thuyết thì phần lớn họ chỉ đạt 60% và kỹ năng thực hành chỉ được khoảng 30-40%. Những kiến thức về kỹ thuật số, hệ tiêu chuẩn quốc tế mới thì gần như không có, họ hoàn toàn bỡ ngỡ với các thiết bị có chương trình điều khiển tự động. Một giám đốc sản xuất ở một công ty liên doanh, cho biết hầu hết các công ty liên doanh, các công ty nước ngoài, khi tuyển công nhân kỹ thuật, họ chỉ dựa trên các tố chất, kỹ năng của ứng viên, bằng cấp chỉ mang tính cách tham khảo, vì sau đó công ty sẽ đào tạo và hệ thống hóa lại nhân viên. Phần yếu kém của công nhân kỹ thuật hiện nay vẫn là khả năng tiếng Anh căn bản đủ để đọc bản hướng dẫn vận hành máy. Phó giám đốc một công ty xây dựng thì cho rằng đối với công nhân vận hành máy, yêu cầu họ phải biết các tính năng của máy, đa số các phần này được hướng dẫn bằng tiếng Anh, thế nhưng công nhân lại không rành.
Bạn,
Báo quốc nội dẫn lời của một giám đốc nhân sự của một công ty liên doanh, cho biết việc đào tạo lại cho nhân viên là việc bình thường ở các nước. Nhưng ở VN thì không bình thường bởi học viên ra trường còn khiếm khuyết quá nhiều. Các doanh nghiệp muốn có người đáp ứng được yêu cầu thì phải mất rất nhiều tiền bạc và thời gian cho việc đào tạo lại. Bình quân công ty phải tốn ít nhất 3,000 đô cho mỗi công nhân đào tạo kỹ thuật ở nước ngoài trong thời gian một tuần. Biện pháp đào tạo tại chỗ cũng là một giải pháp tiết kiệm nhưng chất lượng không bằng đào tạo ở nước ngoài, nhưng hạn chế được tình trạng nửa thầy, nửa thợ.