Cho tới khi Tổng thống Bush chính thức tái nhậm chức và đọc bài diễn văn Về Tình hình Liên bang vào cuối tháng Giêng, ta chưa rõ là ông chủ trương thực hiện những gì trong nhiệm kỳ hai. Tuy nhiên, qua việc thông báo sơ khởi về nhân sự trong nội các mới, ông đã cho thấy một điều: ông củng cố bộ máy an ninh đối ngoại để thực hiện đúng nhiệm vụ do ông đề ra. Chìm sâu bên dưới là một lời hăm: không đùa với chính quyền Bush được nữa.
Lời hăm dọa có thể hướng về quân khủng bố, đồng minh bên ngoài lẫn đối thủ chính trị bên trong.
Cho đến nay, đúng hai tuần sau khi thắng cử, sáu nhân vật trong nội các đã lần lượt từ chức để chuẩn bị thành lập một nội các mới cho nhiệm kỳ hai. George W. Bush là người ít muốn thay đổi, nội các bốn năm qua của ông chỉ có bốn tổng trưởng từ chức giữa nhiệm kỳ. Cũng vì vậy mà lần này người ta chờ đợi rất nhiều cải tổ nhân sự. Bốn năm trong chính phủ có thể làm suy mòn những người sắt thép nhất, nhất là trong một nội các thời chiến lại có đa số rất mỏng, dưới sự lãnh đạo của một vị Tổng thống không biết sợ, không nhận lỗi, lại không mấy quan tâm đến nhiều loạt đả kích liên tục của đối lập.
Những thay đổi đầu tiên được loan báo đều liên hệ đến lãnh vực an ninh và đối ngoại.
Khi đưa Alberto Gonzales thay John Ashcroft làm Tổng trưởng Tư pháp, Bush chọn người thân tín, có quan điểm bảo thủ như mình, nhưng thuộc thành phần thiểu số gốc Latino và có đường lối xử trí khôn khéo hơn.
Cùng với bộ Nội an, có khi do một Tổng truởng mới thay ông Tom Ridge, Tổng trưởng Gonzales sẽ ra tay giải quyết một số hồ sơ nhạy cảm mà không bị đả kích là có tinh thần độc tài hoặc kỳ thị, trong đó có việc kiểm sốt biên giới chặt chẽ hơn để ngăn ngừa khủng bố. Biên giới đó tất bao gồm miền Nam, nơi có chừng ba ngàn di dân xâm nhập lậu mỗi ngày. Kiểm sốt di dân từ Trung Nam Mỹ đổ lên là nhu cầu khách quan nhưng ai cũng ngại vì sợ bị mang tiếng là kỳ thị di dân, kỳ thị người Latino.
Khi hữu sự, Bush vẫn chọn những người chung thủy đã từng cộng tác với ông tại Texas, trường hợp của Thẩm phán Gonzales là đầu tiên mà không duy nhất. Trường hợp thứ hai là tân Tổng trưởng Giáo dục Margaret Spellings, cố vấn về nội chính (giáo dục và xã hội), một phụ nữ có ảnh hưởng nhất (nhì) thủ đô mà dư luận ít biết. Bà là người được Bush tin cậy từ thời Texas. Khi thay thế một Tổng trưởng da đen (ông Rod Paige - nguyên Bộ trưởng Giáo dục của Texas) với một Tổng trưởng phái nữ. Trường hợp thứ ba, người thay thế Gonzales trong chức vụ cố vấn pháp lý bên tòa Bạch Cung cũng là một phụ nữ, và lại gốc Texas, một nhân vật thân tín lâu năm. Dường như ông Bush không để ý đến màu da mà quan tâm tới sự chung thủy và kiên định lập trường. Nét đại đoàn kết của Bush nằm ở đó. Ông đoàn kết với những người có cùng quan điểm để làm cho được việc nhưng vẫn khéo củng cố vị trí của thành phần thiểu số - phụ nữ và da màu - trong nội các.
Đáng chú ý nhất - vì được thông báo rất nhanh - là việc thay thế Ngoại trưởng Colin Powell với Cố vấn An ninh Quốc gia Condoleezza Rice, một nữ lưu da đen, cố vấn thân tín nhất và rất am hiểu các vấn đề an ninh và đối ngoại.
Powell được lòng mọi người nhưng thực sự không được việc trong vai trò Ngoại trưởng. Bộ máy ngoại giao của Hoa Kỳ vẫn là một thành lũy riêng, có khả năng gây ấn tượng là thông minh và uyển chuyển hơn lãnh đạo, mà không thuyết phục được thế giới về những chủ trương của Hoa Kỳ. Nước Mỹ làm mất lòng thiên hạ vì sự chọn lựa của ông Bush, nhưng cũng vì khả năng thuyết phục rất kém của bộ Ngoại giao. Ông Powell luôn giữ thái độ ôn hoà với các đối thủ của chính quyền Mỹ, nhưng khéo cho báo chí thấy sự bất đồng của ông bên trong chính quyền. Mâu thuẫn giữa Ngoại trưởng Powell và Phó Tổng thống Dick Cheney lẫn Tổng trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld đã trở bên công khai vì được phía Ngoại giao công khai hóa. Giữa hai vai Thiện-Ác, Powell được lòng vì đóng vai ông Thiện, dù đã phải nhiều lần nêu ra chủ trương mà các nước khác và nhất là dư luận báo chí cho là Ác. Dường như là đến lúc cuối, nếu Tổng thống yêu cầu, Colin Powell vẫn sẵn sàng ở lại trong vai trò bạc bẽo mà thực ra rất có lợi cho sự nghiệp cá nhân. Nhưng ông Bush không yêu cầu mà lập tức giới thiệu người thay thế.
Colin Powell vẫn còn cái vốn đắc nhân tâm của mình. Ông mà ra tranh cử thì thắng lớn. Và nếu tranh cử chức Nghị sĩ New York vào năm 2006 thì có khi Hillary Clinton chỉ là Nghị sĩ một nhiệm kỳ, hy vọng tranh cử Tổng thống vào năm 2008 trở thành mơ hồ bất trắc. Liệu ông Bush và Powell có tính trước chuyện ấy không, thiên hạ chưa biết được.
Trong suốt ba năm chiến tranh, người giúp Tổng thống làm trọng tài chọn lựa hai giải pháp mềm giẻo theo lối ngoại giao hoặc cứng rắn theo lối quốc phòng là Condi Rice. Giờ đây, Rice sẽ điều khiển bộ máy ngoại giao ấy. Xa tổng thống nên không còn là người vấn kế hàng ngày, Rice lại có ưu thế là từ vai trò tham mưu bước qua lãnh vực điều khiển để nói ra một quan điểm duy nhất của chính quyền. Nhưng trước đó, bà (cô mới đúng - độc thân và còn trẻ) phải cải tổ lại bộ máy này, để Ngoại giao không là một pháo đài riêng của giới ngoại giao, nơi xuất phát nhiều đòn du kích tấn công ngược vào tổng thống. Việc này không dễ nhưng Condi Rice từng có kinh nghiệm điều khiển như vậy, khi làm giám hiệu một đại học bậc nhất của Hoa Kỳ là trường Stanford tại Bắc California.
Được Thượng viện phê chuẩn rồi, Ngoại trưởng Rice sẽ bổ nhiệm những người thân tín và được việc trước khi khởi sự một kỷ nguyên mới, với nhiều vấn đề cũ: khắc phục mâu thuẫn với các đồng minh Âu châu, chủ yếu là Pháp; thu xếp giải pháp Trung Đông trong thời hậu Arafat; giải quyết một hồ sơ đã bị lãng quên trong bốn năm qua là Trung Nam Mỹ, với các điểm nóng là Colombia, Venezuela, Argentina và Brazil lẫn Cuba thời hậu Castro. Condi Rice không là chuyên gia Á châu, nhưng, chính quyền Bush trong nhiệm kỳ hai sẽ trở lại ưu tiên ban đầu của mình là xác định lại vị trí Á châu của Hoa Kỳ. Một nơi có thể cho thấy đường lối mới chính là Thượng đỉnh APEC, quy tụ lãnh đạo của 21 nước trong vòng cung từ Á châu Thái bình dương qua tới Nam Mỹ, sẽ được triệu tập năm nay tại Chile. Dư luận sẽ không theo dõi từng lời phát biểu của Colin Powell mà chú ý tới Condi.
Trong khi đó, tân Giám đốc Trung ương Tình báo CIA tiếp tục cải tổ nhân sự trong hệ thống tình báo có biệt tài là mù mờ về chuyện tình báo mà rất giỏi phản kích vào lãnh đạo qua tiết lộ cho báo chí. Khi thấy truyền thông Mỹ thổi phồng nỗi bất mãn của giới điều hành CIA về thái độ cứng rắn của Giám đốc Porter Goss, ta biết là ông đang làm được việc cho Bush. Chính quyền Bush muốn hệ thống tình báo phải được cải tổ để là tai mắt tinh tế của lãnh đạo hơn là một thế lực chính trị toa rập với bộ Ngoại giao để đề ra chính sách khác.
Nếu những dự đốn ban đầu là chính xác thì Tổng trưởng Donald Rumsfeld tiếp tục điều khiển bộ Quốc phòng để hoàn tất chương trình cải tổ quân sự đã trù tính từ lâu. Nếu vậy, cùng với Phó Tổng thống Dick Cheney, Ngoại trưởng Condi Rice, Cố vấn An ninh Quốc gia Stephen Hadley (trong ban tham mưu cũ của Cheney và phụ tá thân tín của Rice), và nhất là với Thứ trưởng Quốc phòng Paul Wolfowitz, xu hướng bảo thủ và tân bảo thủ coi như thắng thế. Điều này xảy ra trái hẳn với dự đốn của truyền thông cách đây có mấy tháng thôi, khi tình hình Iraq suy đồi dần.
Chính quyền Bush tiếp tục đường lối can thiệp mạnh và phát huy dân chủ để xây dựng môi trường thanh bình khiến xu hướng Hồi giao cực đoan không phát triển được cơ sở. Đường lối diệt trừ khủng bố đầy tham vọng này báo hiệu rất nhiều bất ổn trước khi thế giới có thể thấy được kết quả tích cực. Đúng hay sai thì phải cả chục năm nữa người ta mới biết được, nhưng ông Bush nhất quyết tiến hành.
Những bước sơ khởi trong việc cải tổ nội các cho thấy ông đang xây dựng một bộ máy chính quyền tinh ròng, thuần nhất và đáng tin cậy, chứ không cần lấy lòng thiên hạ bằng một nội các có vẻ hòa giải hòa hợp. Khi còn có một đa số rất mỏng sau cuộc bầu cử 2000, ông còn nhất quyết làm cho được những gì ông cho là đúng; với thế mạnh ngày nay, ông càng quyết chí hơn. Cuộc cách mạng của Bush tiếp tục, và còn dữ dội hơn.
Ông chuẩn bị ra quân đợt hai và thế giới sẽ phải hành xử với thực tế ấy trong suốt bốn năm tới.