Iris Chang sinh năm 1968 ở Princeton, N.J., cha mẹ bà đã dọn về Illinois, cả hai đều là Giáo sư Đại học Illinois-Urbana- Champaign. Bà tiếp tục học và tốt nghiệp ban Báo chí của đại học này. Bà đã từng làm phóng viên trong thời gian ngắn cho AP và Chicago Tribune trước khi hoàn tất bằng cao học văn chương tại Đại học Johns Hopkins. Tháng 6 năm nay, bà được California State University-Hayward trao bằng Tiến sĩ danh dự. Mới đây hai vợ chồng bà đã dọn về ở Bắc California gần trụ sở của Cisco Systems vì chồng bà, ông Bretton Douglas làm kỹ sư cho hãng này. Hai vợ chồng có một đứa con trai nay mới lên hai. Về sự nghiệp, năm 1995 bà xuất bản cuốn Thread of the Silkworm (Sợi Tơ Tầm) nói về một khoa học gia Trung Quốc bị trục xuất và sau đó tiếp tục sáng chế cho Trung Quốc hỏa tiễn trong chương trình không gian. Sau cuốn Cưỡng Hiếp Nam Kinh năm 1997, bà xuất bản hồi năm ngoái cuốn Người Hoa ở Mỹ (Chinese in America) về lịch sử di dân người Hoa. Bà chết giữa lúc đang tích cực làm việc để chuẩn bị cho cuốn sách thứ tư, viết về những người lính Mỹ chiến đấu chống quân đội Nhật Bản ở Phi-Luật-Tân trong Thế chiến II. Vậy tại sao bà tự sát"
Hai ngày sau vụ tự sát, ông Douglas người chồng của bà từ 13 năm nay, trong một cuộc phỏng vấn của báo Mercury News, cho biết vợ ông đã bị chứng trầm cảm trong 3 tháng và được chữa trị ở bệnh viện. Bệnh có vẻ nặng nên ông đã gửi đứa con 2 tuổi về cho ông bà ngoại nuôi ở Illinois. Hồi tháng 4 năm nay, bà Chang đi vòng 28 thành phố ở Mỹ để cổ võ cho cuốn sách Người Hoa ở Mỹ. Trong khi xa nhà, bà Chang mỗi ngày đều gọi phôn về nói chuyện với chồng và con. Douglas cho biết chuyến đi có vẻ đã làm hại đến sức khỏe của bà, vì theo lời ông sau chuyến đi, bà đã trở về nhà thực sự không còn giống như trước nữa. Ông cũng không chịu nói thêm chi tiết về chứng trầm cảm của vợ để tôn trọng tính riêng tư của gia đình bà. Còn hai ông bà cha mẹ của bà cũng từ chối mọi sự phỏng vấn của báo chí.
Để tôn trọng ý nguyện trên, chúng tôi cũng không có một tư nghị nào khác về điểm này. Ở đây chúng tôi chỉ muốn nói về cuốn sách đã làm bà Chang nổi tiếng trên thế giới: Cưỡng Hiếp Nam Kinh. Vụ này xẩy ra năm 1937, sau biến cố ở Lư Cầu Kiều, quân đội Nhật Bản muợn cớ tấn công thẳng vào Trung Hoa khởi sự cuộc chiến Trung-Nhật, cũng là một trong những khởi điểm cho Đệ nhị Thế Chiến. Khi tấn công chiếm đóng Nam Kinh, quân đội Đế quốc Nhật đã phạm nhiều hành vi tàn bạo và theo báo chí thời đó, rất rùng rợn như giết chết trẻ em và hãm hiếp phụ nữ. Theo Anh ngữ, từ rape còn có ý nghĩa rộng lớn hơn một sự hiếp dâm, như cưỡng bức, cưỡng chiếm. Vào thời giữa thập niên 30, dư luận quốc tế nhất là ở Âu châu không mấy ai để ý đến biến cố Nam Kinh trong hai năm 1937-38, trừ dư luận ở các nước sát Trung Hoa. Tôi còn nhớ ở Việt Nam lúc đó, nhờ những bức hình đăng trên tờ Trung Bắc Tân Văn, in lại tin báo chí thế giới, người ta đã thấy kinh hoàng về sự tàn bạo của chiến tranh xâm lược. Bà Chang thời nay vốn sinh sau đẻ muộn, tại sao lại chú ý đến biến cố này và ra sức tìm kiếm tài liệu để viết cuốn sách" Cố nhiên bà đã được chính cha mẹ kể lại, bởi vì nếu hai ông bà này ở tuổi thiếu niên 50 năm trước, có thể họ đã thấy tận mắt. Nhưng bất cứ người Hoa cao niên nào ngày nay cũng không thể quên thảm họa Nam Kinh dưới bàn tay của quân phiệt Nhật. Năm 2001, trong một cuộc hội nghị ở Mỹ, bà Chang đã chụp hình chung với một bà lão gốc Hoa trật vai áo ra để cho thấy vết tích của những đòn đánh năm xưa. Đối với thế hệ già lão, hận thù này đến thuở nào nguôi" Thế nhưng Iris Chang không thuộc thế hệ già, bà chỉ mới bắt đầu tuổi trung niên, đúng hơn bà là gạch nối liền giữa hai thế hệ già và trẻ.
Sự cách biệt giữa hai thế hệ già và trẻ là có thật, nhất là ở xã hội tân tiến ngày nay, cũng giống như sự khác biệt về chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa hay tôn giáo. Bà Chang là một trong số ít người gốc Á của thế hệ hiện nay đã đi học về nghề văn báo ở Mỹ và thành danh về sách viết bằng tiếng Anh. Bà đã bỏ ra 3 năm trời tìm kiếm, sao lục các tài liệu công tư viết bằng 4 thứ ngoại ngữ về vụ Nam Kinh, và đã qua thăm Nhật Bản, Nam Kinh, Hong Kong, Đài Loan trước khi hoàn thành cuốn sách. Tôi nghĩ Iris Chang viết cuốn sách không phải vì muốn in sâu vào óc thế hệ trẻ mối hận thù dân tộc. Trên thực tế ngày nay ở San Jose đã có những người gốc Hoa lấy vợ Nhật, và có những thanh niên gốc Nhật có bồ gốc Hoa. Hơn nữa, sự trả thù đã có. Trung tướng Nhật Matsui (Tùng Tỉnh) người chỉ huy vụ đánh chiếm Nam Kinh, đã bị bắt sau khi Nhật Bản đầu hàng và đã bị một Tòa án Quân sự quốc tế lên án xử giảo. Nhưng cuốn sách của Chang đã giúp ích rất nhiều cho phong trào Hoa kiều vận động đòi chính phủ Nhật bồi thường cho các nạn nhân bị bạo hành năm xưa.
Chúng tôi đã từng viết tuổi già hay nhìn về quá khứ, nhất là những bậc đã quá già không còn khả năng hoạt động, muốn an nhàn hưởng thụ những ngày chót của cuộc đời. Không ai có thể quên quá khứ, nhưng quá khứ chỉ là những bài học kinh nghiệm cần phải ghi nhớ, chớ không phải để ôm lấy mà sống. Chỉ có những kẻ ảo tưởng mới đem những vinh quang của quá khứ ra khoe để sống trong một hiện tại do họ giả tạo và mong chờ một tương lai cũng giả tạo.