Lời thưa!
Nhận được Tin Buồn: Họa Sĩ Hồ Thành Đức vừa mất tại Thị Trấn Giữa Đàng (Midway City), lúc 6:30 am, CA, ngày 17-3-2025.
Hưởng Thọ 85 tuổi.
Để tưởng nhớ về ông tôi xin gởi đăng lại bài này, viết về thơ Hồ Thành Đức.
Xin Thành Kính Chia Buồn cùng gia đình.
*
Thơ Hồ Thành Đức
Khi viết về Hồ Thành Đức, ai cũng sẽ nghĩ tôi sẽ viết về một họa sĩ, trong hành trình gần năm mươi năm ông sống và vẽ. Vẽ, đó là cuộc đời ông, gắn liền với nữ họa sĩ Bé Ký, người vợ hiền của ông.
Dĩ nhiên khi nhắc đến Hồ Thành Đức, là phải nhắc đến những công trình hội họa.
Họa sĩ Hồ Thành Đức sinh năm 1940 tại Đà Nẵng, Quảng Nam. Ông tốt nghiệp Cao Đẳng Quốc Gia Mỹ Thuật Sài Gòn, sáng lập viên của Hội Họa sĩ Trẻ Việt Nam (1968-1975), Giáo sư hội họa Viện Đại Học Vạn Hạnh (1969-1975), Khoa trưởng ngành Họa Thực Tiễn tại Đại Học Phương Nam (1974-1975).
Ông đã có rất nhiều cuộc triển lãm trong và ngoài nước. Tranh của ông cũng có mặt tại nhiều viện bảo tàng danh tiếng trên thế giới trong đó phải kể đến Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật Smithsonian tại thủ đô Washington. Tranh của ông được đánh giá cao bởi nhiều cây bút phê bình hội họa trong và ngoài nước.
Một sự kiện đáng chú ý nhất của hội họa Miền Nam Việt Nam trước năm 1975 là việc thành lập Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam tại Sài Gòn vào năm 1968. Một nhóm họa sĩ ưu tú tại Miền Nam lúc đó có người đã ra trường, có người còn theo học tại Trường Mỹ Thuật Gia Định, đã tập hợp nhau lại thành lập một hội nghề nghiệp mang tên là Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam. Những khuôn mặt tài năng như: Nguyễn Trung, Rừng, Mai Chửng, Nguyên Khai, Vy Cao Uyên, Hồ Hữu Thủ, Đỗ Quang Em, Đinh Cường, Nghiêu Đề, Hồ Thành Đức... đều là thành viên đầu tiên của tổ chức này.
Về tranh của Hồ Thành Đức, theo Mặc Lâm trong một bài phỏng vấn trên đài Á Châu Tự Do có nhận xét như sau: “Hồ Thành Đức cũng tỏ ra khá nhạy bén trong những đề tài mà ông khai thác. Từ mùa xuân của những sắc áo tươi trong da thịt, ông nhẹ nhàng tiến vào những thao thức thân phận ngàn năm của người nghệ sĩ và những dấu hỏi lớn không phai được ông phác thảo trên nền canvas qua hình ảnh của đá, của thiên nhiên, của ánh sáng, hoặc của khung xương cơ thể con người hay thần vật.”
Và công trình hội họa và thơ của Hồ Thành Đức được ông đúc kết như sau:
“Rồi đến hôm nay thì tôi đã làm được 327 bức tranh, và tôi làm được 104 bài thơ kèm theo. Tất cả những cái đó là sự thật của tôi, là mỗi bức tranh của tôi là có một lý lịch của nó. Tôi vẽ tranh, bán ở chỗ nào, tôi để ở đâu, ai mua, tôi đều ghi lại hết.”
Giải Thưởng:
1963 Huy Chương hạng nhất/l Mùa Xuân
1964. Phần thưởng danh dự triển lãm Công Giáo Quốc Tế.
Triển lãm nhiều lần chung và riêng tại Mỹ và các nước khác.
*
Hồ Thành Đức nhắc đến Thơ, nên hôm nay tôi có bài này viết về thơ ông.
Trước đây, và ngay bây giờ, Hồ Thành Đức luôn luôn là thành viên quen thuộc tại cà phê Factory mỗi thứ bảy, chủ nhật. Nhà ông ở từ đường Bolsa và Newland, ông không lái xe được nhưng ông là người thích bạn bè, bù khú với nhau bên ly cà phê buổi sáng, nên sáng thứ bảy, chủ nhật nào, nếu ông không có bạn bè đến đón, thì ông cũng đón xe buýt để đi uống cà phê. Nhờ những lần uống cà phê như thế này, nhóm anh em văn nghệ hay ngồi với nhau nói chuyện trên trời dưới đất, tôi mới biết đến ông, dù trước đó danh tiếng của Hồ Thành Đức và Bé Ký đã nổi, có thể nói, nhiều người biết đến rồi. Hồ Thành Đức, dù xa Quảng Nam Đà Nẵng lâu ngày, nhưng ông vẫn mang sắc thái Quảng Nam, con người Quảng Nam, giọng nói Quảng Nam. Điều này tôi rất yêu thích.
Khi tôi còn phụ trách tờ Đặc San Quảng Nam (những năm 2000-2003), mỗi dịp Tết thực hiện một số để kỷ niệm của Hội Đồng Hương Quảng Nam, Hồ Thành Đức lúc nào cũng sốt sắng đóng góp bài vở, ông không có cái kiêu hãnh (nói theo danh từ thời thượng là “chảnh”) của người đã nổi tiếng, là người đã thành danh - thành công về hội họa.
Sau đây là bài thơ tôi đọc đầu tiên của Hồ Thành Đức và là một bài thơ hay. (Ghi chú: bài thơ đầu tiên tôi đã đọc của Hồ Thành Đức chứ không phải bài thơ Hồ Thành Đức làm đầu tiên):
MÁU CHẢY VỀ TIM
Cứ ngỡ em về trong giấc mơ
Vàng son buổi trước lỗi câu thề
Ai đem khăn trắng treo đồi tím
Cây nhớ nhung buồn hoa nhớ hương
Trời khoanh một mảnh tình tan vỡ
Đất cũng cúi đầu rỉ vết thương
Ta biết! Rồi đây em sẽ thấu
Mối tình ngang trái đóng vào đinh
Giọt máu nào trên cây Thánh Giá
Nhỏ vào đời thấm nỗi oan khiên
Ta như chim bay hoài thấm mệt
Bỏ giáo đường mòn mỏi đức tin
Em, như giòng sông trôi chảy mãi
Rã cuộc tình gãy cánh uyên ương!
Từ buổi đó có cây nến lạ
Thắp giữa trời mười ngón đau thương
Từ buổi đó ta đi em ở lại!
Núi sông buồn cây cỏ hoang vu
Ta ở đây đất khách quê người
Nghe chim hót đau từng khúc ruột
Nghe kinh khuya thở cuộc đời buồn
Ước gì có cánh tay nghìn dặm
Níu tình em qua Thái Bình Dương
Ta cũng muốn trải dài cơn mộng
Để lỗi lầm về với ăn năn
Để trăng khuya trở lại đêm rằm
Để sáng dậy nghe chim ca hót
Để tình anh gặp lại đời em!
Xin hãy nhổ cây đinh oan trái
Giọt máu nào không chảy về tim.
HỒ THÀNH ĐỨC
(Trích trong tập tranh và thơ: "Ngựa Trắng Đi Khuya")
Hồ Thành Đức, dù Thơ ông không bằng tranh vẽ của ông, nhưng cũng khá hay như bài thơ trên.
Ngồi với Hồ Thành Đức, nghe ông nói, cũng là một niềm vui (nhưng cũng có người bực mình) vì ông nói rất sa đà… về ông, về Bé Ký, hay những hiểu biết thơ văn của ông với các tác giả khác. Ông nói thao thao bất tuyệt, có những giai thoại rất hay về các tác giả khác mà ông biết như về Bùi Giáng, về Nguyễn Đức Sơn. Ông mê thơ Bùi Giáng nên ông thuộc thơ nhiều của Bùi Giáng. Hồ Thành Đức có một trí nhớ rất tốt là thuộc nhiều thơ của các tác giả mà ông thích và ông kể chuyện Quảng Nam, cũng là một đề tài hấp dẫn.
Trong thời gian gần đây, Hồ Thành Đức nói có thực hiện một tuyển tập lấy tên là Ngựa Trắng Đi Khuya, ông bỏ công hàng năm trời để “thực hiện cho bạn bè văn nghệ” tập này. Mỗi bạn văn nghệ, nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, ông lấy một số đoạn thơ hay, hay một lời nhạc hay, rồi ghép với tranh ông, để thành tuyển tập. Sau khi thực hiện xong, ông muốn in tập này trong nước, nhưng vì qua kiểm duyệt, tác phẩm không được cho in, ông bèn phải bỏ dỡ dang công trình này, thật đáng tiếc. Nhắc về công trình này của Hồ Thành Đức, nhà thơ Luân Hoán ghi lại như sau:
“Tác phẩm của Đức là những bản chụp tranh màu của anh được đi kèm với vài câu thơ, vài dòng nhạc, dòng văn của bạn bè. Dĩ nhiên toàn những anh chị đã thành danh lâu ngày với cuộc đời văn học, nghệ thuật. Tôi được Hồ Thành Đức dành cho 2 trang. Sách sẽ được in trên giấy tuyệt hảo nhất, do một nhà xuất bản uy tín ở quốc nội ấn hành ngay sau khi Đức hoàn tất. Tôi chia sẻ niềm vui cùng Đức và cũng như anh, tôi mong mỏi những tác phẩm có giá trị chóng được ra mắt bạn đọc. Đức cũng không quên kể với tôi sự thành công về tài chánh từ một họa phẩm anh bán được gần đây. Mừng cho bạn nhưng tôi chợt cảm thấy băn khoăn, vì những mẩu chuyện ấy, anh thỉnh thoảng nhắc lại, kể lại như mới nói lần đầu tiên. Sự chợt quên chợt nhớ hình như đã đến với Đức. Nhà thơ Đặng Hiền thì nói nhỏ với tôi về sự ảo tưởng của Đức. Ảo tưởng cũng là một điều thú vị, nhiều khi chúng ta cũng nên cần nó chút đỉnh.”
Tôi không hiểu trong đoạn văn này, Luân Hoán viết về chuyện Đặng Hiền nói “Hồ Thành Đức “ảo tưởng”, là ảo tưởng gì? Tôi nghĩ câu nói này ngụ ý là Hồ Thành Đức nói không thực, vẽ vời về mình? Sự thực chuyện đó có, nhưng vô hại, đó là do tính người “(nói) cho vui thôi mà”. Bùi Giáng thường nói vậy
Trong công trình tác phẩm Ngựa Trắng Đi Khuya của Hồ Thành Đức, tôi cũng được Hồ Thành Đức chiếu cố cho một trang, với bức tranh Đá Đam Mê của ông và 2 đoạn thơ trong bài thơ Uyên Ương của tôi:
Em hương nhụy hồng hoa ta hãy hái
Chùm môi thơm từng cánh rã trên tay
Lòng hoang tưởng mùa thu em thức dậy
Bàn tay mềm cho tình ái mê say
Ta hát khúc uyên ương trên đồi cọ
Giữa mùa thu trùng điệp ánh sao rừng
Lòng đã mở tan hoang bài ca cũ
Khúc tình tang trùng khuất giữa mùa xuân
*
Cuộc Tình của Vợ Chồng Hồ Thành Đức, Bé Ký
Về cuộc tình của Hồ Thành Đức và Bé Ký, theo Luân Hoán kể lại cũng rất thú vị, xin ghi lại sau đây:
“Trong tất cả những cuộc triển lãm, Hồ Thành Đức đều thu lượm được nhiều kết quả khả quan về tinh thần cũng như tài chánh. Nhưng đáng kể hơn hết là cuộc bày tranh lần đầu tiên. Lần đó, anh có thu hoạch bất ngờ và quá tuyệt vời.
Hồ Thành Đức kể lại, vào một giờ vắng khách, anh đang lai rai dạo quanh phòng tranh, ngắm lại những tác phẩm của mình đang hít thở trên các mặt tường. Anh muốn chia sẻ với chúng những hồi hộp chờ đợi, những băn khoăn, nghi ngại, chợt anh thấy từ cửa phòng tranh xuất hiện một cô gái tóc kẹp, thả dài xuống lưng. Anh bất ngờ giật mình, nhưng làm tỉnh được ngay. Cô gái đã dừng trước họa phẩm thứ nhất, im lặng ngắm. Ánh nắng chiều của Sài Gòn hình như đang dịu lại. Những tiếng ồn ào của một thành phố sinh động cũng chừng như lắng xuống. Hồ Thành Đức tưởng chừng những tiếng bước thật khẽ của cô gái là những âm thanh hiện hữu duy nhất trong phòng tranh giàu linh hồn của anh... Đức thật tình không muốn rình rập người khách đặc biệt mà anh đã biết rõ là ai. Nhưng lòng anh cứ thắc thỏm. Và sự chờ đợi như được sắp xếp từ tiền định đã đến.
- Chào ông, phòng tranh có vẻ vắng quá.
Đức chợt tìm thấy ngay cái mau miệng lém lỉnh của mình:
- Không đâu thưa cô, có lẽ giờ này chưa được thuận tiện.
Anh cười dù cỏ vẻ hơi phật lòng. Cô gái không mỉm cười trả lễ, nhưng không lạnh lùng, cô nhìn quanh phòng tranh. Đức cũng đưa mắt theo chiều quan sát của người khách. Bình hoa màu vàng óng, đang ánh lên những tảng nắng ghé thăm. Chiếc khăn trải bàn trắng nõn. Đức thấy cây bút nằm hờ hững trên lòng tập đựng chữ ký lưu niệm. Anh đang định mời cô gái, thì bất ngờ nghe tiếng hỏi:
- Anh có biết tôi là ai không?
Chừng nửa giây ngập ngừng, Đức đáp chững chạc, tự nhiên;
- Thưa rất làm tiếc, xin lỗi cô là ai.
Không lưỡng lự, cô gái, giới thiệu mình:
- Tôi là Bé Ký
- A, thế ra cô là những họa sĩ của hè phố
Lẽ ra Đức phải có cái nụ cười tinh nghịch, châm chọc như thói quen. Nhưng không hiểu sao, lòng anh thấy yên ả, bình thản và có cái gì như ấm áp đang vây bọc lấy anh.
- Hôm nay cô không ra Lê Lợi, Catinat...?
- Không, mấy hôm nay tôi không ở Sài Gòn. Tôi vừa từ Ban Mê Thuột về đây, cốt yếu xem phòng tranh của anh.
Đức lượm được cái cảm động thật tình thứ nhất. Anh mơ hồ thấy sự bềnh bồng của hồn vía mình. Tảng nắng chiều đang ngả sang màu vàng nhạt, mở ra cho hai người họa sĩ một khoảng không khí tươi mát vừa đủ để nói chuyện đời.
Hoá ra chặng đời làm con nuôi của Bé Ký không được bằng phẳng dễ đi. Chị đã chịu đựng khá nhiều vất vả cũng như tủi nhục. Không chọn lựa sự giàu sang, nhưng "vừa ăn vừa khóc như mưa tháng mười" vẫn từng xảy ra. Chị đã mở hết một khoảng đời mình để cho người bạn họa sĩ vừa mới quen nhìn vào. Không hiểu vì sao họ chóng đọc được lòng nhau mau như vậy. Đức quên cô tình nhân đang có. Anh đưa người nữ họa sĩ của thủ đô Việt Nam Cộng Hòa về nhà. Và chẳng bao lâu sau. Anh chị cho bạn bè một bữa tiệc thân mật. Ngày cưới của Hồ Thành Đức, Bé Ký gần như không có họ hàng, bà con của cả hai bên. Họ sống chân tình với bằng hữu, nên trong ngày vui thật vô cùng đông đảo. Cánh bạn đồng hương Quảng Nam, cánh bạn họa sĩ, cánh bạn làm văn thơ, viết báo. Có cả những viên chức rủng rảng chức vụ, quyền uy. Ngày vui đó nằm trong năm 1965.”
*
Viết về thơ của Hồ Thành Đức tôi xin nói thêm, ông là người rất có tình với quê hương Việt Nam, nên khi ở quê nhà bị bão lụt, ông đã có bài thơ với tâm tình sâu nặng, sau đây:
Bão Lụt Lòng Ta
Thấy một người khăn sô trên báo Việt
Nơi đàn con chiu chít chỗ chia lìa
Chiếc quan tài người cha chưa tẩm liệm
Giữa khung trời bão lụt ở Thừa Thiên!
Nghìn cánh tay, vạn con mắt ưu phiền
Đang ngụp lặn trong bão bùng mưa thét
Đang chơi vơi hãi hùng trong gió rét
Một màu tang quấn chặt chốn quê nhà
Nhìn hung ảnh kia ta bỗng khóc òa
Như lúc bé hồi cha vừa mới mất!
Ta đinh ninh quê hương là có thật
Nên ruột rà khúc rốn vẫn chung nhau
Nên âm dương chia cắt vẫn một trời
Tình nghĩa ấy thấm ngầm trong tim phổi
Của loài chim bay, của con thú dữ
Biết ngậm ngùi khi đồng bọn đớn đau!
Chia cơm xẻ áo, nối lại nhịp cầu
Trong khổ ải mới tìm ra chân lý
Ai che mặt trời! Ai người ích kỷ
Thì hôm nay đốt lửa sưởi bàn tay!
Tình quê hương nhen nhúm những vơi đầy
Thâu góp lửa cho mặt trời ấm lại
Cho chim bay cho thuyền ra cửa ải
Người nối người lấp cạn hố thiên tai!
Để đêm đêm vơi bớt tiếng thở dài
Của đàn trẻ hôm qua vừa mất bố
Trăm vạn oan hồn, trôi sông lạc chợ
Chút hương đèn trở lại chốn dương gian!
Mẹ em ta còn chút nắng ngỡ ngàng
Sưởi ấm nốt những tháng ngày đau khổ
Của thiên tai, lửa bom và cơm áo
Chất chồn lên, cao ngút đỉnh Trường Sơn!
Mẹ ở Cali mẹ ở Sài Gòn
Nghe tin sét, lòng buồn không tả nổi!
Con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ
Áo cơm nhau, chia sẻ chút tình người.
Thơ Hồ Thành Đức tuy không được nhắc đến nhiều như nét vẽ của ông, nhưng cũng làm người người đọc cảm động.
Trần Yên Hòa